search
frame
WGMdesigner
Sumahnadmade
kenhhai69
BinhDinhFFC

Quê hương An Mỹ - Mỹ Cát

Đăng bởi: Vũ Mỹ Cát 29-11-2015   : Quê hương An Mỹ - Mỹ Cát"   :1205

Người Đề Gi

Cả chục năm mới có dịp về thăm quê.
Chị Sáu Chơn thấy tôi ngồi trên chiếc ghe đậu sát bờ, đang nhìn chăm chăm vào con lạch Đồng 3. Chị cũng biết tôi cũng đang nghĩ về ngày xưa. Đã mấy lần về thăm quê, tôi chỉ ghé thăm chị chứ chưa bao giờ nhìn kỹ con lạch. Bất chợt chị buột miệng nói “ Con lạch này ngày trước chỉ có mẹ mầy và bà cụ Láo làm chủ. Bao nhiêu con cá bống hôm dọc mé đước, cá kìm bơi lởn thởn ngay miệng cái la mỗi khi xả cổng, không còn như ngày xưa nữa. Kiếm con cá bống mủn cũng không có. Cá ong cỏ, cá liệt ngày xưa nhiều dẩy mà bây giờ bị tiệt chủng rầu. Nhiều khi bị bịnh, thèm miếng canh cá liệt nấu ngọt cũng không biết kiếm đâu ra.Ngay như cái đìa của tao bây giờ nuôi cá chua cũng khó, do nước bị ô nhiễm nên cá lâu lớn lắm. Người ta nuôi bằng bè ngoài biển cho ăn, mình nuôi tự nhiên không cạnh tranh lại họ.”




Lạch Đồng 3


Đìa nhà Chạn

Tôi nửa đùa nửa thật với chị “ Còn con cá chua nào chị um cho em ăn với. Từ ngày em đi tới giờ, chưa ăn lại cá chua đìa ngoài mình.”

Chị nói nhanh “ Có đấy, nhưng chỉ chừng chưa tới nửa ký một con. Để chị kêu thằng Phong nó chài rồi chị nấu cho!”.

Đìa của chị cùng với đìa giữa của nhà Hương Thừa xưa là những đìa nổi tiếng. Hai đìa này có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi hơn các đìa khác. Đìa của chị nổi tiếng nuôi cá chua và cá sủ ( ở Quy Nhơn gọi là cá chẻm). Mỗi tháng vài lần khi nhà cần tiền, chỉ cần bắt chừng 20 con cá chua đi chợ là có thể giải quyết việc gia đình. Cá chua bán rất có giá ở chợ Chánh Danh và Chợ Gồm – Phù Cát.
Chị nói trong nỗi niềm hối tiếc hình ảnh ngày xưa. Gia đình chị chưa một ngày xa quê, chứng kiến mọi biến chuyển của con lạch mà còn nhận xét như thế. Huống chi tôi là người con xa xứ trở về.

Nhìn con lạch tôi lại nhớ về mẹ tôi. Khi còn nhỏ, nhỏ lắm, mẹ thường dắt tôi đi dọc con lạch. Lúc thì móc hang cá bống, lúc thì đào hang cua. Tôi ngồi trên cái sõng có sợi dây cột vào ngang lưng bà. Mẹ dưới nước còn con ở trên sõng cách nhau chừng một thước. Con lạch nước ròng thì độ sâu chừng đầu gối. Bắt được con bống nào mẹ thảy lên sõng. Những con bống sao, bống cúc, bống thệ bằng ngón tay cái nhảy lưng tưng một hồi rồi chết. Nhiều khi mẹ còn bắt được cả trứng cò. Tôi là thằng thích ăn trứng cò từ lúc đó. Trứng có luộc đem kho mặn với cá nóc là món chính đã nuôi tôi lớn lên. Có khi là con tôm bạc bị động, co mình giật búng lên bờ cũng bắt bỏ vào sõng. Con lạch như là cái kho cung cấp cho bữa ăn đạm bạc của gia đình. 

Lớn lên một chút được đi học, tôi cũng đi trên con đường đê dọc theo bờ của con lạch. Mùa hè đến, ve sầu ôm thân cây đước kêu đến mức không chịu nổi. Bực mình và một chút nghịch ngợm cả bọn trèo lên cây để bắt. Con ve sầu ma mãnh thấy có người cứ vòng xung quanh thân cây đước để né tránh. Bí quá thì nó bay đi sang cây khác. Có đứa nào bắt được gì, nhưng vẫn thích làm cái điều công cốc thế. Buổi chiều từng đàn cò trắng sà về tổ trên những đọt cây ven bờ. Những cánh có cứ chao nghiêng bay bay lượn lượn chờ đúng chỗ đáp xuống. Hai cái chan màu đen thẳng dưới bụng nhẹ nhàng đáp xuống những ngọn đước. Cả một vùng trắng xóa những cánh cò khi trời chiều tối. Tiếng kêu khàn của nó vang dội như khúc hát thanh bình của buổi hoàng hôn.

Nghe chị nói tôi như được trải lòng với sông nước mênh mông. Tôi đang cảm thụ được tất cả những gì đang xảy ra quanh đây. Bất chợt hình ảnh người mẹ gầy với đôi vai “gầy guộc nhỏ như cánh vạc…” thoáng trở về. Tôi như cảm nhận tình mẹ qua những dòng chảy dạt dào nơi vùng quê yên bình chơn chất. 


Tôi như nghe con lạch đang nói chuyện với mình.
“ Này cậu ! Cậu đã lớn lên chính trên mảnh đất này. Cậu được nuôi bằng bầu sữa ngọt ngào. Cậu có biết dòng sữa ngọt ngào để nuôi cậu nên hình, nên dạng từ đâu không? Chính tại nơi đây đó. Cậu ra đời và lớn khôn trong vòng tay của mẹ, nhưng chính dòng sông quê hương đã cho cậu một trái tim, những gì tinh túy nhất của miền biển. Bao năm trong đời, mẹ cậu đã lặn lội nơi con lạch nhỏ nhoi này. Cậu có còn nhớ thịt cá bống ở đây ngon như thế nào không ? Nó vừa mềm vừa ngon, không có xương. Bao năm cậu đi qua lại con lạch này, nhưng tôi biết hôm nay cậu về để nhớ lại thời ấu thơ của mình. Dòng nước con lạch là điệp khúc muôn đời về tình mẫu tử. Người mẹ thế gian luôn hiện hữu bên dòng sông đời của cậu. Cậu đã bước đi dòng đời bằng những bước đi thênh thang trong niềm tin, trong niềm tự hào được vươn lên từ mảnh đất này.

Mẹ cậu đã ra đi theo quy luật của đất trời. 
Bà là người phụ nữ cảm nhận được từng độ trong xanh của con lạch từng ngày, ngày hôm nay so với ngày hôm qua. Người phụ nữ chăm chú những gì đang thay đổi của dòng nước. Trong tim bà dòng nước này với đứa con thân yêu như là một. Chỉ một chút thiếu trong xanh của dòng sông đã đủ làm bà ray rứt muộn phiền. Những hôm mưa lụt, nhìn mặt nước đục lờ, cuồn cuộn chảy, tôm đất từ đồng Chánh tuôn về theo dòng nước. Mẹ cậu lại lặn lội giăng đó để bắt tôm. Những dấu chân của bà hằn in trên dòng lạch còn nhiều hơn cả lá đước rụng xuống lòng lạch.
Trong tim cậu đã có một dòng sông vừa trôi qua… để hôm nay cậu tỉnh thức quay về. Không đâu trên trái đất này còn lưu giữ những kỷ niệm của cậu bằng nơi đây đâu. Hãy nhìn xuống từng gốc mắm, gốc đước vẫn còn đầy đủ và nguyên vẹn dấu chân đời lam lũ của mẹ cậu sớm hôm đi về. cậu hãy nhìn kỹ đi cậu sẽ thấy một nguồn suối yêu thương vô tận của tình mẹ thiêng liêng không bến bờ.
Còn nữa, nơi đây cũng là nơi khơi lại những tình cảm đẹp tuyệt với về một trái tim biết đập những nhịp đầu. Cậu đã từng ngửi thấy hơi thở nồng nàn của người con gái mang vị mặn của con lạch, mùi vị của bùn sình lẫn chút hương đồng nội ngạt ngào. Con đò xưa đã một thời chờ cậu ngần ấy năm trên bến này. Thời gian lâu quá, con đò đã chuyển đến bền bờ xa lạ, bỏ lại khúc hát của hàng dương liễu buổi chiều tà. Cậu có còn nhớ màu nhủ bạc sang trọng và quý phái lấp lánh trong nắng sớm. Rồi khi hoàng hôn những sắc tím biếc rải đầy trên mặt nước soi bóng hai hàng đước trên bờ. Ánh trăng hiền dịu, lung linh, huyền ảo lan mãi lan mãi không dứt theo dòng chảy."


Đồng muối An Mỹ ( Đồng 3)


Một thời lãng đãng trong tình người đa đoan. 
Một chút mặn mòi trong nhau, một chút gì hoài niệm với tiếng thở dài khe khẽ…một bóng hồng lướt qua trong nỗi nhớ mơ hồ khó phai. 
Rồi mai đây trên dòng đời xuôi ngược, cậu có thành công hay thất bại điều gì, hãy nhớ về dòng chảy của con lạch này. Thủy chung và gắn bó là sự vĩnh hằng của dòng sông. Trong sự giao hòa nhất thể của vũ trụ Trời – Đất – Con người cậu hãy luôn giữ trong mình một hình ảnh không phai về xứ sở cội nguồn đáng yêu. Đây chính là sự trả ơn cho quê hương, cho đất mẹ. Hãy tin và giữ những điều đó cho đến ngày cuối cùng của cuộc sống đời người.”

Chín năm trời của một đời người sống ở quê sao mà ngắn quá vậy. Nó ngắn đến nỗi chưa kịp ghi dấu ấn gì trong cuộc đời. Con lạch hay hình ảnh của người mẹ sao như hương khói mờ ảo giữa dòng đời. Con lạch đã hơn tôi khi được nhìn thấy nét xuân tràn tuổi trẻ của mẹ tôi. Đã hiểu sâu sắc hơn tôi về tình mẫu tử, biết tới ngọn nguồn của những kỷ niệm xưa. Mẹ tôi không tách rời con lạch và núm ruột của mình. Người phụ nữ đã dựa vào con lạch nhỏ nhoi để làm tròn thiên chức ngàn đời. 

Có bao nhiêu con nước lớn nước ròng chảy qua con lạch? Bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau sinh ra và trưởng thành? Sự sống êm đềm của tuổi thơ mang đầy ký ức vẫn còn mãi vọng về lời nhắn gửi của đôi bờ. Tất cả như thành tài sản quý giá đã đến hồi tràn đầy trong ý thức về cội nguồn.
Không nghĩ rằng hôm nay sẽ trở lại nơi này. Nhưng lại được về do một hoàn cảnh khác. Tôi ngồi trên hè của nhà chị Sáu Chơn, trầm ngâm, suy nghĩ. Tự hỏi lại bản thân mình. Nhưng rồi không trả lời được.
Chỉ biết rằng mình yêu màu xanh pha lẫn giữa trời, nước và cây. Yêu những gì đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Con người vốn phức tạp trong mọi mối quan hệ với hoàn cảnh. Đã biết bao người lại hững hờ với những gì trong hiện tại. Đã bao lần trong đời ta đánh mất dù là vô tình những giá trị vĩnh hằng. Giờ đây với tôi đó chính là Mẹ, con lạch, thời gian, cảnh vật xung quanh. Điều mà con người đau khổ nhất chính là điều tôi mới nhận ra hôm nay: Khi đã biết điều gì mình đã mất, chính là lúc đã rời xa ta mãi mãi, có chăng sự níu kéo chỉ là sự vô vọng của con người. càng níu kéo tâm hồn con người như bị xé ra từng mảnh nhỏ.


Chợ chiều An Mỹ


Trong suốt bảy năm lưu lạc. Hằng đêm, mưa cũng như nắng tôi đều nhớ về quê hương. Giữa làn khói đạn nghi ngút giữa những trận đánh hay trong cảnh yên bình, tôi đều mơ một ngày trở lại xứ sở quê hương. Vẫn còn đó trong tôi hình ảnh ngôi trường Tiểu học cộng đồng An Mỹ, ngồi nôn nao nghe tiếng ve vọng về báo hiệu mùa hoa phượng nở. Ngôi trường có vỏn vẹn 4 lớp ngày nào nay đã san bằng phân lô cất nhà. Cây gạo to đầu trường, nơi tôi chờ mấy đứa trong xóm khi tan học nay cũng không còn. 

Tôi bước qua chiếc cầu tre bắc qua con lạch. Cánh đồng muối thẳng tắp những ô vuông. Có mấy cô thiếu nữ đang xúc muối đổ vào bao để đem bán. Trời xanh lồng lộng gió. Quê hương như trải rộng ra trước mặt. An Mỹ trở thành một thôi thúc không ngừng theo mỗi bước tôi đi trong quãng đời xa xứ còn lại. 



An Mỹ - Mỹ Cát là tất cả những gì biểu lộ sự hối tiếc không bao giờ nguôi. Mong thời gian hãy dừng lại và đứng im. Để quê hương mãi mãi sống động trong tôi tuổi hai mươi. Quê hương vẫn như lần đầu nhận biết, vẫn còn đầy những kỷ niệm yêu thương. Quê hương còn đó một tình yêu tràn đầy và nguyên vẹn.


Tin cùng chuyên mục

Giới thiệu

BinhdinhFFC - Hội cổ động viên những người con Đất Võ. BinhdinhFFC, nơi bình luận bóng đá, văn hóa nghệ thuật, đất nước con người Bình Định. BinhdinhFFC, nơi chia sẻ gửi gắm những kỷ niệm tới những người Bình Định xa quê, chia sẻ những tấm lòng nhân ái đến những người nghèo khổ...

Liên hệ

Ban Quản Trị BinhDinhFFC.com

Email:support@binhdinhffc.com

Số Lượt truy cập :

Số người online :

© 2004 - 2015. BinhDinhFFC.com . Thiết kế bởi: WGM Designer Group