search
frame
WGMdesigner
kenhhai69
BinhDinhFFC

Trịnh Công Sơn - Tình yêu lớn từ những cuộc tình

Đăng bởi: Chi Vuong 28-10-2015   : Trịnh Công Sơn - Tình yêu lớn từ những cuộc tình"   :4096

"Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi, đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi…". Lời tâm sự của Trịnh Công Sơn - chàng lữ khách tự nhận mình là "Người tình


Từ người tình của cuộc sống

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trịnh Công Sơn đã tự nói về nơi bắt nguồn sự nghiệp âm nhạc của mình đầy chân thành: "Tôi đi từ những cuộc tình nho nhỏ, đến triết lý về thân phận con người, rồi ám ảnh chiến tranh. Không gian mở rộng dần, các vấn đề trên đan vào nhau. Tôi muốn viết nên điệu buồn da vàng".

Có nhiều người biết Trịnh Công Sơn sinh tại Đắc Lắc ngày 28/2/1939 - ngày cuối một tháng 2 không có ngày nhuận thứ 29. Nhưng không có nhiều người biết đó là mồng 10 Tết Kỷ Mão. Vậy là Trịnh Công Sơn sinh vào đầu xuân, khi dịp Tết Nguyên Đán ở nước Việt chưa kịp khép lại ở Nguyên Tiêu. Có lẽ đấy là lý do ẩn dấu để nhạc sĩ này đã cho tình yêu liên tục như mùa xuân - mùa sinh sôi của vạn vật để chống lại cái chết, xem cái chết chỉ là một tồn tại viển vông trước tình yêu. Trịnh Công Sơn tự nhận mình là "Người tình của cuộc sống". Và tình yêu cho phép những khúc ca ra đời.


"… Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…"…

Có lẽ những làng xứ Huế đẹp và thơ mộng nơi quê hương dinh dưỡng tâm hồn Trịnh Công Sơn, đã làm cây đàn Lyre trong tâm hồn thành những giai điệu đầu đời sau ngày quy y rôì dưỡng bệnh vì một tai nạn khi chơi quyền Anh (boxe). Có phải nàng hoa khôi xứ Huế ở phố cổ Gia Hội đã tạo ra những "Sao chiều", "Sương đêm", "Chơi vơi" đầu tiên mà Trịnh Công Sơn không bao giờ công bố? Có phải nàng Phương Thảo - hoa khôi trường Đồng Khánh dáng thanh, đẹp, nhất là đôi mắt, áo dài, gấm mộc, giải nón tím mà làm gia sư tiếng Pháp với mối tình và chiếc hôn đầu đời luống cuống trong mùi hương riêng biệt đã khiến chàng phải thốt lên "Mưa hồng" để tả dáng đi tuyệt đẹp ngan ngát giữa con đường xanh như ngọc với hai hàng long não thơm phức: "Hàng cây lá xanh gần với nhau"? Và sau đó là "Nhìn những mùa thu đi", một bài kinh mùa thu mà sinh viên Huế đã hát cả một mùa đấu tranh Phật Tử năm 1963. Có phải nàng bốn mùa mặc toàn lụa, nét kiêu sa, tân tiến, vừa rất Huế, vừa Tây Phương để cho âm hưởng dáng hình ấy tròn vào "Ướt mi" năm 1958 được xuất bản ở Nhà Xuất Bản An Phú? Có phải nàng Bích Diễm nhóm nhen tình yêu từ Huế rồi vào trọ học cùng thi đại học tại Sài Gòn? Nhưng chàng trượt mà nàng lại đỗ. Vì buồn mà tự ái nên chàng và nàng đã xa lìa. Nhưng tơ lòng vấn vương khiến chàng phải viết ra "Diễm xưa" trở thành một tình khúc có số phận cao sang nhất trong những sáng tạo của Trịnh Công Sơn. Nàng khi nhận ra là vẫn yêu chàng thì đã quá muộn. Cô con gái Dao Ánh rời đổi đã thay thế bà chị như Thuý Vân thay Thuý Kiều để chàng lại phải da diết lên một "Nắng thuỷ tinh" hay đến nỗi mà bà chị khi lấy chồng mà vẫn còn viết thư trách em: "Em biết chị còn yêu anh Sơn sao lại viết thư tỏ tình với anh ấy"?

Biết bao nợ nần tình cảm với các nàng Huế để rồi vương vấn trong "Hạ trắng". "Tuổi đá buồn" hay "Hoa buồn" mà Sơn không công bố. Còn với hai chị em Thuý Vân và Thuý Kiều kia chàng đã gửi lời nuối tiếc tuổi thanh xuân của cả hai trong "Xin trả nợ người". Có phải nàng là một dáng hình cao mảnh mai, tóc dài chấm gót thường đội một chiếc bê-rê đỏ vừa xinh vừa nghịch ngợm để chàng âm thầm viết ra "Về giữa mùa đông", "Chiều đông", "Theo mùa xuân đến", "Từ độ yêu người" chưa hề công bố, hay là nàng "Người đẹp Đập đá", chiếc cầu nối về vùng Vĩ Dạ của người đẹp thuở Hàn Mạc Tử - khiến chàng phải viết "Quỳnh Hương", "Nguyệt ca"?

Đây là nàng Tôn Nữ Bích Khuê thuở Sư phạm Quy Nhơn dáng người nhỏ, tròn lẳn, nước da ngăm đen, thường đánh tóc thành một búi lớn ngược ra sau đỉnh đầu, mang guốc gót nhọn hiệu Đa-Kao đi chân sáo. Đứng xa nhìn nàng như con sáo nhỏ đang nhảy nhót trong sân, cái búi tóc nhảy tưng tưng theo từng bước. Nàng không đẹp nhưng có duyên, quyến rũ. Nàng tham gia ban hợp xướng để hát "Trường ca dã tràng" của chàng. Tình yêu của nàng khiến chàng bị ám ảnh để viết ra "Biển nhớ" mà trong đó vô tình có câu "Trời cao níu bước sơn khê".

Đấy là nàng Ngà - một con chiên ngoan đạo xứ Bảo Lộc có nước da trắng như cái tên, người mảnh mai có mái tóc thề chấm ngang vai, gương mặt phảng phất Đức mẹ Maria cứ chiều chiều hai tay ấp quyển Kinh Thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống khoan thai bước dịu dàng, thoắt ẩn, thoắt hiện trong đám lau trắng, mơ màng trong tiếng sương mờ trần vang tiếng kèn đồng và tiếng chuông nhà thờ. Hình ảnh của nàng và nỗi nhớ thương người bạn vừa khuất đã đi vào "Lời buồn Thánh" mê hồn.

Đây là một thiếu nữ Đà Lạt lạnh lùng, môi tươi thắm, mắt mở to, ít nói ít cười, thích đứng nhìn, cái nhìn đầy tự tin với suy nghĩ rất riêng. Sự mong manh của tình cảm khiến chàng đã viết ra "Như cánh vạc bay". Hình ảnh của nàng còn trở lại trong nhiều tình ca khác.

Ngoài Huế sâu đậm tình quê hương và những vùng đất miền Trung khác, Sài Gòn còn gắn với bó với Trịnh Công Sơn từ thời mang danh "hòn ngọc Viễn Đông", tới thời là TP.HCM suốt nửa thế kỷ cho đến ngày tạ thế. Những nàng kiều ở Sài Gòn cũng khiến chàng nhiều lần rung động.

Ngay từ năm 1958, khi "Ướt mi" được Hà Thành hát đầu tiên ở Sài Gòn, Trịnh Công Sơn đã vào đất "hòn ngọc Viễn Đông" này. Nàng Thuý "lai Tàu" như là một phát hiện của chàng về một vẻ đẹp vũ trường như một vũ trụ mờ sương với khói thuốc ảo ảnh đèn màu. Nàng đã khiến chàng mềm lòng. Rồi cũng là Thuý, ca sĩ Thanh Thuý người xứ Huế vào Sài Gòn đã lâu với gương mặt trái xoan đầy đặn với giọng hát liêu trai đã khiến "Ướt mi" lan rộng ra nhân quần, nhưng riêng nàng thì lủi thủi đi về khuya khoắt trên con hẻm ở đường Cao Thắng.

"Từng người tình bỏ ta đi …"

Đó là á hậu Vân Anh đẹp, dong dỏng cao rất đáng yêu nhưng rồi cũng "nửa đường đứt gánh". Đó là Bống Hồng Nhung - một ngôi sao nhạc nhẹ từ Hà Nội vào cư trú tại TP.HCM đã tìm đến chàng để có một cách hát nhạc Trịnh khác Khánh Ly và để chàng tuôn chảy những "Thuở Bống làm người"... và có thể là một người mẫu luôn xuất hiện trong tranh của Trịnh Công Sơn.

Những nàng kiều Hà Nội đã có nhiều phen khiến chàng đắm đuối. Đó là nghệ sĩ dương cầm họ Trịnh đã từng làm bao thi sĩ Hà Nội phải làm thơ. Nhưng nàng lại yêu Trịnh Công Sơn. Rồi chuyện tình cũng "Để gió cuốn đi". Chàng quý Dung Hoà vì giọng hát nhạc Trịnh khàn khàn và mến Mai Hoa nhí nhảnh, ham vui. Chàng thân với diễn viên điện ảnh Phương Thanh đã cho chàng viết ra "Đời gọi em biết bao lần".

Còn biết bao bóng hồng in dấu trong cuộc đời kẻ lữ hành du ca Trịnh Công Sơn. Ngoài chàng ra, chẳng ai là tường tận. Chỉ biết là nhờ họ, chúng ta có một gia tài âm nhạc đồ sộ của chàng nhạc sĩ này. Từ những cuộc tình nho nhỏ, chàng đi tới những ca khúc phản chiến khởi nguồn từ Đà Lạt được viết liền trong thời gian rất ngắn. Suốt 10 năm, từ 1965 đến 1975, chàng đã mang hình bóng những người tình đi du ca khắp xứ Miền Nam rồi đến ngày 30/4/1975 thì cùng bạn bè hát "Nối vòng tay lớn" tại Sài Gòn. Từ những mối tình nho nhỏ mà trong nhạc Trịnh Công Sơn có Huế, có Sài Gòn, có Hà Nội, có Quy Nhơn, có Lâm Đồng, có Đắc Lắc, có Nha Trang… Ở đâu cũng thấy chàng thơm tho mùi rượu như một thứ siêu tình yêu. Khi là chén rượu Phú Cam. Khi thì rượu đế Gò Đen. Khi thì là rượu làng Vân…

Thế giới điện ảnh

Tin cùng chuyên mục

Giới thiệu

BinhdinhFFC - Hội cổ động viên những người con Đất Võ. BinhdinhFFC, nơi bình luận bóng đá, văn hóa nghệ thuật, đất nước con người Bình Định. BinhdinhFFC, nơi chia sẻ gửi gắm những kỷ niệm tới những người Bình Định xa quê, chia sẻ những tấm lòng nhân ái đến những người nghèo khổ...

Liên hệ

Ban Quản Trị BinhDinhFFC.com

Email:support@binhdinhffc.com

Số Lượt truy cập :

Số người online :

© 2004 - 2015. BinhDinhFFC.com . Thiết kế bởi: WGM Designer Group