search
frame
BinhDinhFFC

Vị thế Quy Nhơn

Đăng bởi: admin 01-03-2017   : Vị thế Quy Nhơn"   :392

Quy Nhơn, với vị trí và đặc điểm của mình, cách đây hàng trăm năm đã là một trong những trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị - xã hội của miền Trung và cả nước. Năm 1602, chúa Nguyễn cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và đây được coi là th

Vị thế Quy Nhơn 


Hình ảnh
Một đoạn "phố tài chính" Lê Duẩn ở TP. Quy Nhơn.

Trước nữa, thời Champa, Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng thuộc vùng Vijaya. Cụ thể, từ khoảng năm 1000 đến 1471, vùng đất này là đế đô của vương quốc Champa. Tháp Đôi ở phường Đống Đa, các giếng vuông cổ ở xã Nhơn Lý và nhiều dấu tích kiến trúc, hiện vật điêu khắc thuộc văn hóa Champa được phát hiện trong những năm qua ở Quy Nhơn đã chứng minh rằng, Quy Nhơn là một bộ phận không tách rời vùng đất Vijaya. 

Đến thời Tây Sơn (1771-1802), phủ Quy Nhơn là một trong những địa danh nổi tiếng không chỉ trong nước, gắn liền với tên tuổi của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ, và là thời kỳ sôi động, hoành tráng nhất trong lịch sử dân tộc. Dưới triều vua Thái Đức, Quy Nhơn là kinh đô của vương triều Tây Sơn với thành Hoàng Đế mà ngày nay dấu tích vẫn còn và đang được trùng tu.

Nhà Tây Sơn đổ, nhà Nguyễn Gia Miêu thay thế và dù Gia Long đã đào tận gốc, trốc tận rễ những gì liên quan đến nhà Tây Sơn nhưng các vua Nguyễn sau này vẫn coi trọng vị trí của Quy Nhơn trong quá trình phát triển đất nước. Chẳng hạn, vào năm Tự Đức thứ tư (1851), triều Nguyễn cho mở trường thi tại Bình Định để dành cho các sĩ tử từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận về ứng thí. Nhiều tên tuổi văn - võ cự phách như Phạm Trường Phát, Nguyễn Bá Huân, Ông Ích Khiêm, Mai Xuân Thưởng… đều đã từng là thí sinh của trường thi này.

Theo Lịch sử thành phố Quy Nhơn, từ giữa thế kỷ XVIII nền kinh tế hàng hóa nước ta đã hình thành, việc giao lưu buôn bán với nước ngoài đã phát triển. Cùng với các đô thị khác như Thăng Long, Phố Hiến, Huế, Hội An, Gia Định, thời bấy giờ Quy Nhơn đã trở nên phồn thịnh, mang dáng dấp một đô thị tiền tư bản.

Thời Pháp thuộc, Quy Nhơn tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm của mình ở xứ Trung Kỳ. Ngày 20-10-1898, Cơ Mật viện của triều đình Huế đề nghị thành lập thị xã Quy Nhơn, và chưa đầy một năm sau, ngày 12-7-1899 vua Thành Thái đã ra đạo dụ công nhận chính thức. Hơn 30 năm sau, ngày 30-4-1930, toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định nâng cấp Quy Nhơn từ thị xã lên thành phố. 

Thành phố Quy Nhơn thời Pháp thuộc không chỉ là trung tâm kinh tế của khu vực Trung Trung bộ mà còn là một trung tâm văn hóa - giáo dục. Trường Quốc Học Quy Nhơn (Collège Quy Nhơn) hồi đó là nơi hội tụ của học sinh các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Học sinh của trường có nhiều người sau này đã trở thành những nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng. Thời kỳ này, Quy Nhơn còn là quê hương và nơi nuôi dưỡng những tài năng như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… 

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), do vị thế quan trọng của Quy Nhơn nên Khu ủy Khu 5 đã chỉ đạo xây dựng Quy Nhơn thành một pháo đài kiên cố, bất khả xâm phạm để bảo vệ vùng tự do Liên khu 5 và Tây Nguyên. Sau đó, Quy Nhơn trở thành điểm chuyển quân tập kết trong vòng 300 ngày. Đến 15-5-1955, Quy Nhơn, vùng đất tự do cuối cùng của miền Nam, mới chuyển sang tay đối phương. 

Thời Mỹ - Ngụy, ngụy quyền Sài Gòn đã xác định Quy Nhơn là một trong sáu thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Thời kỳ này, không chỉ là một vị trí chiến lược về quân sự, Quy Nhơn còn là trung tâm giáo dục của vùng, ít ra là với trường Sư phạm Quy Nhơn - nơi được giao nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo giáo viên dạy tiểu học cho tất cả các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trịnh Công Sơn đã từng học trường này và biển Quy Nhơn là cảm hứng để ông cho ra đời ca khúc Biển nhớ.

Sở dĩ người viết phải dông dài như thế là để muốn chứng minh và khẳng định một điều, trong chiều dài lịch sử trên 400 năm qua, tính từ thời điểm 1602, Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung, luôn đảm nhận sứ mệnh là trung tâm của khu vực miền Trung, là mảnh đất sản sinh và hội tụ nhân kiệt. 

Sau năm 1975 từ vị trí trung tâm của cả khu vực, Quy Nhơn khiêm tốn lui về làm trung tâm hành chính của tỉnh Nghĩa Bình (gồm tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định nhập lại) với "danh xưng" thị xã. 

Tháng 7 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định mở rộng thị xã, nâng cấp và thành lập thành phố Quy Nhơn. Tách tỉnh (1989), Quy Nhơn chỉ còn là trung tâm hành chính của Bình Định và gần như mất hẳn vai trò là một đô thị trung tâm của miền Trung. Quy Nhơn bây giờ thua kém Đà Nẵng, Nha Trang về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, lép vế trước Hội An về du lịch… 

Trải qua bao thăng trầm, hiện nay Quy Nhơn đang nỗ lực trở lại là vị trí trung tâm của khu vực miền Trung như đã từng là như vậy. Điều này là khả thi bởi một mai khi toàn bộ công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn thành và Khu kinh tế Nhơn Hội đi vào hoạt động, sẽ tạo động lực không chỉ cho riêng Quy Nhơn mà cả vùng ven biển Bình Định cất cánh.

Quy Nhơn rồi sẽ lấy lại vị thế vốn có của mình. 

Đó không phải là kỳ vọng quá đỗi lớn lao mà là một mơ ước bình dị của mỗi người yêu Quy Nhơn. Và mơ ước ấy đang ở trong tầm tay, như bất chợt một sớm mai thức dậy, đã thấy những nhịp cầu Nhơn Hội sừng sững vươn qua đầm Thị Nại trong lấp lánh ánh mặt trời.

TL

Tin cùng chuyên mục

Giới thiệu

BinhdinhFFC, nơi bình luận bóng đá, văn hóa nghệ thuật, đất nước con người Bình Định. BinhdinhFFC, nơi chia sẻ gửi gắm những kỷ niệm tới những người Bình Định xa quê, chia sẻ những tấm lòng nhân ái đến những người nghèo khổ...

Liên hệ

Ban Quản Trị BinhDinhFFC.com

Email:admin@binhdinhffc.com

Số Lượt truy cập :

Số người online :

© 2004 - 2015. BinhDinhFFC.com . Thiết kế bởi: WGM Designer Group