Văn hóa - Nghệ thuật >> Kinh tế - Khoa học | |||||
Những dấu hiệu khởi sắc 2010-06-11 09:18:25 | |||||
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên (SV) là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, cũng là một yếu tố quan trọng trong chương trình hoạt động của tổ chức đoàn trường học. Tại Trường ĐH Quy Nhơn, hoạt động này đã bắt đầu có những khởi sắc…
* Tăng đề tài, nâng chất lượng Theo số liệu của phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Quy Nhơn), từ năm 2001 đến năm 2006, đã có 30 đề tài NCKH của SV trường ĐH Quy Nhơn đạt giải “SV NCKH” cấp Bộ và giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec”. Năm học 2008-2009, có 32 đề tài NCKH SV được nghiệm thu cấp trường, 8 đề tài dự thi giải thưởng “SV NCKH” cấp Bộ và giải thưởng Vifotec, có 7 đề tài đạt giải. Năm học 2009-2010 tiếp tục có 42 đề tài đăng ký, nghiệm thu 21 đề tài, 8 đề tài được chọn dự thi giải thưởng “SV NCKH” cấp Bộ, 5 đề tài thi Vifotec. Theo đánh giá của hội đồng khoa học nhà trường, năm nay, các đề tài NCKH của SV được đầu tư thực hiện bài bản, có bước tiến rõ rệt về chất lượng. Nhiều đề tài có tính ứng dụng thực tế cao như “Ứng dụng công nghệ GPS và toàn đạc điện tử xây dựng lưới khống chế đo vẽ phục vụ đo vẽ bản đồ địa chính khu vực Trường ĐH Quy Nhơn tỉ lệ 1:500” (Khoa Địa lý - Địa chính), “Hệ thống khoan cắt tự động giao tiếp máy tính” (Khoa Kỹ thuật và Công nghệ), “Thiết kế 20 bài hát thiếu nhi bằng ngôn ngữ ký hiệu tranh dành cho trẻ em khiếm thính” (Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội), 2 đề tài của Khoa Sinh và Kỹ thuật nông nghiệp là “Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá đến sinh trưởng, phát triển và năng suất hoa lily ở Bình Định” và “Xác định một số chỉ tiêu sinh học cá chình mun nuôi thử nghiệm quy mô nhỏ trong gia đình”… Trước sự phát triển của phong trào NCKH SV, mức kinh phí hỗ trợ cũng đã tăng đáng kể. Năm học này, mức hỗ trợ cho mỗi đề tài lên đến 3,5-4 triệu đồng tùy theo quy mô, yêu cầu của đề tài; trong khi vài năm trước đó, mức hỗ trợ chỉ mang tính tượng trưng, bình quân chưa quá 1 triệu đồng. * Phát huy hiệu quả NCKH được xem như là cuộc tập dượt giúp SV có cơ hội vận dụng kiến thức để thực hiện các ý tưởng khoa học từ khi còn đi học. Võ Hướng, cựu SV Khoa Ngữ văn, đạt giải Khuyến khích giải thưởng “SV NCKH” cấp Bộ năm 2008, chia sẻ: “Khi thực hiện đề tài “Khảo sát hệ thống ngữ liệu cổ văn trong thơ Thiền Lý - Trần”, tôi đã được tiếp xúc với nguồn tư liệu phong phú, biết cách xử lý chúng một cách khoa học. Thực sự, tôi đã được học nhiều thứ ngoài sách vở trên lớp”. Nhiều năm tham gia hướng dẫn SV NCKH, Tiến sĩ Lương Thị Vân, Trưởng khoa Địa lý - Địa chính, cho rằng: “SV NCKH chủ yếu mang tính tập dượt, nên vai trò của người giáo viên hướng dẫn rất quan trọng. Không chỉ là định hướng, giáo viên còn phải truyền cho các em nhiệt huyết và cảm hứng làm khoa học. Phải là người có tài và có tâm thì mới thực hiện tốt vai trò này”. Dù đã có những bước tiến nhất định, nhưng theo Tiến sĩ Đinh Công Hướng, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, phong trào NCKH của SV Trường ĐH Quy Nhơn còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí. Từ trước đến nay, kinh phí dành cho NCKH SV vẫn nằm trong hạn mức kinh phí sự nghiệp do Bộ cấp, chứ chưa có sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp. Một tồn tại cần nhắc đến là một số khoa vì nhiều lý do khác nhau còn ít quan tâm đến công tác NCKH của SV. Nói về các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động NCKH SV, Tiến sĩ Hướng cho biết: “Thời gian tới, Trường sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho SV NCKH, nhất là trong các ngành công nghệ kỹ thuật, kinh tế… Ngoài ra, chế độ khen thưởng của SV, quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn…”. Trong khi đó, anh Nguyễn Khắc Khanh, Phó Bí thư Đoàn trường cũng khẳng định: “Tổ chức đoàn sẽ tăng cường công tác khen thưởng để động viên SV NCKH, đưa kết quả NCKH của SV vào tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thi đua của các cơ sở đoàn”.
|
|||||
In trang này | |||||