Đất nước - Con người >> Nhà Tây Sơn  
  Kỳ 3: Tấm lòng ở căn cứ địa    2010-06-18 11:11:05  
 

Anh Đinh Giót, một tổ trưởng của làng Đêchơgang, bên hòn đá Bok Nhạc mà anh được cha ông nói cho biết từ nhỏ - Ảnh:H.V.Mỹ

 Trong căn nhà sàn tươm tất ở thôn Đêchơgang, xã Phú An (Đắc Pơ, tỉnh Gia Lai), già làng Đinh Chiêm trịnh trọng khi kể về những dấu tích Tây Sơn nơi chốn núi rừng nhau rốn của mình. 72 tuổi, từng là đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai - Kontum, ông Chiêm nói từ nhỏ ông đã được nghe cha mình kể chuyện về Bok Nhạc - tức ông Nguyễn Nhạc.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

>> Kỳ 1: Đàn Nam Giao và tử cấm thành
>>
Kỳ 2: Quê mẹ và ngôi mộ tổ

Làng Đêchơgang cũng như nhiều làng Ba Na kế cận thời trước chiến tranh đều ở quanh chân dãy Kônkôrối (còn có tên Hanh Hót) - một đại trường thành ở phía đông nam căn cứ địa của Tây Sơn tam kiệt giai đoạn tiền khởi nghĩa, cách làng mới hôm nay không xa mấy.

Âm vang Bok Nhạc

Di tích của Bok Nhạc còn mãi với người Ba Na trong vùng là "hòn đá Bok Nhạc" nằm cách làng Đêchơgang khoảng 500m về hướng đông nam. Đó là hòn đá rộng như một chiếc bàn và có chỗ gác chân, là nơi mà Nguyễn Nhạc quen ngồi nghỉ chân mỗi khi vào các buôn làng tuyên truyền, vận động lũ làng góp sức cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm nơi núi rừng khuất lấp, lại không có gì lộ dấu để Gia Long cho triệt phá, hòn đá vốn gắn liền với con người phi thường được người Ba Na yêu quí, được dân làng nối đời gìn giữ và đặt tên để còn nguyên vẹn đến nay.

Cũng theo già làng Đinh Chiêm, những tặng vật của Bok Nhạc cho các buôn làng Ba Na trong vùng hiện vẫn còn được dân làng giữ được một ít. "Bok Nhạc rộng cái bụng với người mình lắm. Thắng được giặc, Bok Nhạc thưởng cho người mình nhiều chum (ché), nồi đồng, chén bát. Cái của đó quí lắm, dân mình phải cố mà giữ lại đời đời", ông Chiêm nhớ mãi lời của người trước. Cũng như một số người ở làng Đekơrối, ông Chiêm còn giữ lại được một chum nhỏ sứt miệng nhờ chôn giấu giữa rừng sâu, chỉ được mang về nhà sau ngày hòa bình. "Mỗi cái chum thế này trị giá năm, bảy con trâu. Nhưng có trả cao đến mấy dân mình cũng quyết giữ lại. Thấy nó cũng như thấy Bok Nhạc. Bán mất, lấy cái gì để mà nhớ!", ông Chiêm nói.

Ở làng HLang, xã Yang Nam (Kôngchoro, Gia Lai), cách thị xã An Khê chừng 32km về phía tây nam, ký ức về Bok Nhạc vẫn còn rõ nét với cư dân qua các di tích. Nhắm vào dải cao nguyên An Khê - nay gồm các huyện Kôngchoro, Đắc Pơ, KBang, thị xã An Khê - với rừng rậm sông sâu, rẫy nương sung nẫm, cư dân tốt bụng, ba anh em Tây Sơn đã cho tạo dựng ở đây rải rác một số cơ sở hậu cần.

"Ông cha mình kể lại là Bok Nhạc tin cái bụng người Ba Na mình, lập ở đây cái nhà, cái hồ nước, cái chỗ chứa tiền của để đánh giặc", già làng Đinh Glưh, hơn 80 tuổi, nhắc lại. Làng HLang nay cách cầu Yang Trung bắc qua sông Ba cuộn nước giữa đại ngàn chừng 2km về hướng nam. Nền nhà Bok Nhạc nằm phía sau làng non cây số, nơi một khu đất bằng phẳng chừng một hecta kề một khu đất đá ong.

Hồ nước rộng chừng 500m2 đã bị đất cát và cỏ dại phủ lấp, đây đó lộ ra những bờ chắn xây bằng đá ong cỡ lớn. Một góc hồ nước vẫn trong ngần, được cư dân dọn sạch cỏ dại để lấy nước uống khi khô hạn. Từ đây, trưởng làng HLang Đinh Blơch cùng già làng Glưh đưa chúng tôi đi thêm hơn 2km đường rừng để đến chỗ được xem là "kho tiền" của Bok Nhạc.

"Bok Nhạc cất tiền ở những hang hốc dưới con suối này. Nhưng loại tiền xu đó cũ lắm rồi, mình dùng tay bẻ nó gãy làm hai, làm ba được. Ông bà mình không cho phép dân mình đụng đến cái của linh thiêng của Bok Nhạc. Đến đời mình cũng phải tuân theo lời dạy ấy" - già làng Glưh nói, chỉ vào những hốc đá dưới con suối Jùmdôn đầy nước, cây chồi phủ kín.

Chuyện như chưa xa mấy...

Già làng Đinh Chiêm bên chiếc ché cổ ông cho là của Bok Nhạc tặng, được người cha của ông cất giữ và truyền lời lại 

Bok Nhạc - chủ tướng Tây Sơn - có một cuộc tình với người con gái một tù trưởng Ba Na nơi rừng núi An Khê. Nhưng trái tim người anh hùng không chỉ đắm say hương sắc của người đẹp chốn núi rừng mà còn vì đại cuộc. Sợi dây hôn nhân ấy đã thắt chặt thêm mối đoàn kết miền xuôi, miền ngược cho đại sự.

Ít ai nghĩ người thứ thiếp Ba Na xinh đẹp Y-adok lại cũng là một trang nữ nhi đảm lược đã lo giúp một phần lương thực cho nghĩa quân trong buổi đầu tụ nghĩa. Hơn hai thế kỷ trôi qua, những gì người sơn nữ ấy đã làm cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vẫn còn được người Ba Na nối nhau ghi nhớ.

"Bok Nhạc lấy con gái Ba Na mình làm vợ là bởi quí dân mình. Cái cô gái lấy Bok Nhạc cũng giỏi lắm, biết bày bảo cho dân mình khai vỡ một cánh đồng để có thóc gạo cho quân Tây Sơn ăn. Cánh đồng ấy giờ vẫn còn đó, được gọi là đồng Cô Hầu", ông Đinh Chiêm kể.

Đến thôn Hà Mầu, xã Nghĩa An (KBang, Gia Lai), rẽ vào con đường dốc xuyên rừng về hướng đông thêm chừng 3km là đến được cánh đồng - vườn mít Cô Hầu (cô hầu - một cách gọi người thứ thiếp thời trước?). Tuy cỏ dại cao lút đầu người nhưng cánh đồng xưa trông vẫn bằng phẳng, rộng hơn 2ha. Chung quanh đồng là khu rừng mít chen lác đác với cây rừng, tương truyền cũng là do "cô hầu" cho trồng.

Rừng mít Cô Hầu thời đó dày ken, cây to đến hai người ôm, dần dần đã bị đốn chặt hết, nay chỉ còn lại những mầm chồi. Cánh đồng - vườn mít Cô Hầu, hòn đá Bok Nhạc, nền nhà, hồ nước, kho tiền Tây Sơn đang được ngành chức năng tỉnh Gia Lai có kế hoạch dựng bia di tích lịch sử và từng bước tôn tạo. Đứng bên di tích này có thể nghe được tiếng nước của sông Kôn băng dòng về Phú Lạc, Kiên Mỹ - những mảnh làng nhau rốn của ba anh em Tây Sơn nơi vùng hạ đạo cách chừng dăm mươi cây số.

Xế chiều, dăm người Ba Na chài cá bên sông băng qua cánh đồng hoang. "Mỗi lần ngang qua đây, nhìn cái đồng cỏ, cái rừng cây mình cứ tưởng thấp thoáng ở đó có dáng hình của Bok Nhạc, của Cô Hầu, của quân lính lướt mắt nhìn đây đó. Biết là chuyện đã xa lắm rồi mà cái bụng mình cứ tưởng như chưa xa mấy", một người vừa đi qua dừng lại nghỉ dưới bóng cây mít nói với chúng tôi trong niềm xúc động.

Tây Sơn thượng đạo xưa là ấp Tây Sơn, nay là vùng An Khê, tỉnh Gia Lai, nơi tổ tiên bốn đời của Tây Sơn tam kiệt từ đất Nghệ An vào khai cơ lập nghiệp. Đến đời thân sinh ba vị dời xuống ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn, tỉnh Bình Định), được gọi là Tây Sơn hạ đạo. Tây Sơn thượng đạo từng là nơi làm ăn, buôn bán với người vùng cao của Nguyễn Nhạc. Đến khi mưu đồ đại sự, ông cùng hai em Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã lấy đây làm căn cứ địa. Sự giúp sức cho giai đoạn tiền khởi nghĩa của nhà Tây Sơn có đóng góp đáng kể của các dân tộc trong vùng, nhất là người Ba Na.  

HUỲNH VĂN MỸ

 
     
    In trang này