|
Trên đất nước Việt Nam bốn nghìn năm văn vật đã có rất nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng. Có ngôi chùa ra đời một cách hồn nhiên từ nơi gò đống, trẻ chăn trâu phát hiện một mô đá tượng hình đấng từ bi, bỗng thấy không thể giỡn đùa được mà mỗi lúc đi ngang dứt khoát không thể không cúi đầu.
Có ngôi chùa ra đời từ giấc mơ, khi thì của một thường dân vượt qua cơn hoạn nạn, khi thì do một vị quan hưu "trẻ nghĩ đến nhà già nghĩ đến chùa", khi thì của một bậc đế vương đang trên đường vi hành chọn chốn tiềm long ẩn phụng. Có ngôi chùa ra đời từ một lời nguyện gia đình, dòng tộc hoặc xóm làng như sấm truyền. Đạo Phật qua các triều đại phong kiến có lúc là quốc đạo. Chùa Trấn Quốc tương truyền có từ thời Lý Nam Đế (544-548) khi ấy được gọi là chùa Khai Quốc. Chùa Diên Hựu (Một Cột) do vua Lý Thái Tông mộng thấy Phật Quan Âm dắt lên tòa sen nên xây tượng hình tòa sen dựng lên bởi cột đá giữa hồ. Chùa Keo kết hợp giữa đền và chùa, được dựng bởi thiền sư Dương Không Lộ với hàng trăm gian "thượng gia hạ trì" giữa biển lúa Thái Bình. Chùa Quán Sứ đời Lê dựng lên cạnh khu nhà đón tiếp các sứ thần Chiêm Thành, Lão Qua để họ thuận tiện hương đăng tụng niệm. Chùa Yên Tử là nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm với tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thiên Mụ, chùa Bút Tháp v.v… mỗi ngôi là một sự tích vừa mang ý nghĩa Phật giáo vừa hàm chứa phong tục tập quán và tín ngưỡng mang mầu sắc Việt Nam.
Thập Tháp Di Đà Tự thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, tính đến nay đã hơn ba trăm năm, từ 1677. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng còn in đấu trong địa danh xứ sở này, tương truyền do đó mà thiền sư Nguyên Thiều, người sáng lập chùa dùng làm tự danh. Chùa nằm trên đồi Long Bích, mặt hướng về núi Mò O, là vùng Lãng Uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa. Nay hãy còn các Giếng Vuông và Hồ Sen xây bằng đá ong to đặc trưng trong xây dựng Chàm. Di Đà là tên một vị Phật mà các Phật tử làm cửa miệng trong câu chào hỏi: "Nam mô A Di Đà Phật". Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1715) là vị tổ thứ 33 thiền phái Lâm Tế Chánh Tông, dừng chân nơi đây trên đường truyền đạo với một ngôi lều cỏ đơn sơ được dựng lên. Bảy năm sau, 1683, nhà chùa và bổn đạo dùng gạch đá của mười ngôi tháp đổ dựng lên chùa thay ngôi lều cỏ cũ nát.
Chùa Thập Tháp, như một số ngôi chùa khác ở Việt Nam, đã mất mát khá nhiều di sản vật thể cũng như phi vật thể, qua các cuộc chiến chinh ly loạn. Nhưng những gì lưu giữ được, cũng chứng minh một cách hùng hồn giá trị của Tổ Đình mà ai muốn nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội nói chung, lịch sử tôn giáo nói riêng ở Đàng Trong thời kỳ này cũng phải để tâm khảo cứu.
Sưu tầm
|
|
|