Đăng ký Đăng nhập
Chào mừng các bạn đến với BinhDinhFFC.com !- Hãy đăng ký Thành viên để tham gia trao đổi, bình luận về bóng đá, tin tức con người, quê hương Bình Định...
       Đất nước - Con người >> Nhà Tây Sơn
  Dấu tích vương triều Tây Sơn    
Kỳ cuối : Miếu đền những dũng tướng
Cập nhật : 18.06.2010
 

Từ đường Bùi Thị Xuân do các ngành chức năng hỗ trợ trùng tu từ nhà từ đường có sẵn của dòng tộc - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Từ sông Côn bên đền thờ Tây Sơn tam kiệt nhìn về hướng nam không xa, dãy Hòn Kính sừng sững như bức tường thành che chắn cho những cánh đồng trung du bát ngát.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Dưới chân Hòn Kính là làng Phú Mỹ thuộc xã Tây Phú (Tây Sơn, tỉnh Bình Định) - quê hương của đại đô đốc Tây Sơn Võ Văn Dũng - nơi có ngôi từ đường thờ phượng ông. Tây Sơn tam kiệt, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân cách nhà nhau chỉ chừng đôi ba cây số! Cuộc trả thù của kẻ chiến thắng đã muốn vùi họ vào hố lãng quên đen tối, nhưng hậu thế mãi coi họ là những tướng lĩnh tài ba của một triều đại từng làm hiển hách dân tộc.

>> Kỳ 1: Đàn Nam Giao và tử cấm thành
>> Kỳ 2: Quê mẹ và ngôi mộ tổ
>> Kỳ 3: Tấm lòng ở căn cứ địa

Nấm mộ cải táng

Trên đường vào từ đường đại đô đốc Võ Văn Dũng, chúng tôi cứ nghĩ trên con đường này hơn 200 năm trước đã bao lần chàng thanh niên võ nghệ cao cường nơi làng quê đã lặn lội đến với ba chàng trai ngầm nuôi giấc mộng lớn ở làng Kiên Mỹ để cộng thành sức mạnh cho ngày khởi sự. Làng Phú Mỹ nay đường sá khang trang bởi từ quốc lộ 19 rẽ vào đã có đường nhựa vào khu du lịch sinh thái Hầm Hô cách làng không xa. Hầm Hô cũng là nơi Võ Văn Dũng chiêu tụ nghĩa binh cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Từ đường Võ Văn Dũng nằm cách con đường vào Hầm Hô vài trăm mét, kề những vườn nhà quanh xóm. Ông Võ Văn Diệu, 75 tuổi, hậu duệ của đại đô đốc Dũng, cho biết người của chi tộc nhà ông dựng ngôi từ đường này từ rất sớm để thờ tự ngài đại đô đốc. Thật xúc động khi chúng tôi được biết đại đô đốc Dũng vẫn còn mộ và được đến thăm ngôi mộ nằm cách ngôi từ đường chỉ gần cây số.

“Mộ đại đô đốc được ông cha chúng tôi dời từ trong núi sâu về vào thời đầu thế kỷ 20” - ông Võ Thừa Hậu, hậu duệ của đại đô đốc, cho biết. “Nỗ lực chèo chống vương triều Tây Sơn trên bước suy vong, tháng ba năm Nhâm Tuất 1802, Võ Văn Dũng cùng tướng Trần Quang Diệu rời thành Hoàng Đế theo đường thượng đạo vòng qua Lào ra Nghệ An để hội cùng quân Tây Sơn ở đó chống quân Nguyễn Ánh. Nhưng giờ suy vong của triều Tây Sơn đã đến, ông bị bắt ở Nông Cống (Thanh Hóa)”, chúng tôi điểm lại bên mồ đại đô đốc những dòng chính sử.

Còn ông Võ Thừa Hậu kể về đoạn cuối oai hùng của đại đô đốc, cũng giống những gì đã được nhà thơ Quách Tấn viết ra trong tác phẩm Nhà Tây Sơn: “Trên đường bị áp giải về Phú Xuân, ông đã phá cũi thoát thân. Lẻn trốn về quê, ông tập hợp người cũ và chiêu mộ thêm nghĩa quân mưu việc phục thù. Ông chọn núi Hòn Hợi ở dưới đèo An Khê làm căn cứ, lên kế hoạch khôi phục cơ đồ. Nhưng mãi rồi cũng bị bại lộ, con cháu của Nguyễn Nhạc bị giết, ông thoát thân được lại trốn vào một làng người Thượng. Được họ đùm bọc, mãi đến mươi năm sau dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) ông mất, thọ trên 90 tuổi”. Nhưng sử nhà Nguyễn nói là ông đã bị giết cùng với các cận thần của vua Cảnh Thịnh vào cuối năm 1802. Cũng vì vậy, theo ông Võ Thừa Hậu, đến nay một số người ở các ngành chức năng vẫn chưa nhìn nhận đây là mộ của đại đô đốc Võ Văn Dũng!

Bị Nguyễn Ánh cho đập phá, lăng đô đốc Kiều Phụng ở xã Tam An (Phú Ninh, Quảng Nam) bây giờ chỉ còn lại nấm mộ và móng nền bằng gạch đá. Mộ đô đốc Lê Văn Long ở làng Xuân Phú, xã Tam Thái (Phú Ninh, Quảng Nam) là ngôi mộ đất nhỏ nhoi, cây cối phủ lấp. Mộ tướng Đống Công Trường ở làng Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành, Quảng Nam) cũng là ngôi mộ đất, không bi ký, nằm giữa khu gò hoang...

Họ là những võ tướng nhiều công lao với triều đại Tây Sơn, nhất là trong trận chiến đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược từng được vua Quang Trung, Cảnh Thịnh khen ngợi trong các sắc phong. Vậy mà tên tuổi, công lao của họ chỉ mới dần được biết đến trong những năm lại đây, những nấm mộ của họ xơ xác nơi gò bãi hiu hắt.

Còn mắc nợ tiền nhân

Vẫn lúa xanh trải sát bên hè nhà, đường đến từ đường nữ đô đốc Tây Sơn Bùi Thị Xuân ở thôn Phú Xuân, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định) cũng rất đẹp. “Tộc chúng tôi dựng nhà thờ bà sớm lắm. Đây cũng là chỗ cho ông bà chúng tôi đó” - ông Bùi Đức Lưu, 73 tuổi, hậu duệ của vị nữ tướng, nói.

Chúng tôi đến vườn Voi - nơi xưa kia vị nữ tướng cột voi - ở kề từ đường, vườn Võ - nơi bà thao tập cho quân sĩ - ở bên dưới từ đường chừng cây số mong tìm chút hơi hướng quá khứ. Vườn Voi nay nhà cửa san sát, còn vườn Võ rộng gần 1ha nằm sát quốc lộ 19 mới bị bán cho một doanh nghiệp san ủi mở cây xăng. Ông Lưu kể từ sự tôn kính bà, nhiều người hay đến từ đường lễ bà để cầu tìm sự yên ổn tâm trí, vượt qua những khó khăn công việc.

Quả là bức chân dung nữ đô đốc Bùi Thị Xuân tại từ đường thể hiện được rất cao nét bình tâm, tự tin và quyết đoán của người nữ tướng đĩnh đạc trên mình voi. Những ngày cuối cùng của vương triều, tại Nghệ An bà đã cùng chồng là tướng Trần Quang Diệu (cùng đại đô đốc Võ Văn Dũng từ thành Hoàng Đế kéo ra) toan cầm cự và xoay chuyển thế trận. Và phút cuối cùng, năm 1802, trước cuộc hành quyết của Nguyễn Ánh đối với bà cũng như đối với chồng và con gái, bà vẫn bình thản!

Chuyện về bức chân dung của bà cũng rất cảm động. Ông Lưu kể nhân thấy hình vẽ của bà trên một cuốn sách chữ Hán được viết lâu đời để ở nhà ông nội của ông, một vị thầy chùa đã mượn về để vẽ theo rồi đem tặng ông nội ông bức chân dung của bà. Quyển sách chữ Hán đó đã bị thất lạc từ lâu nhưng bức chân dung bà thì còn giữ được để họa ra thờ đến nay.

Ông Trần Đình Ký - giám đốc Bảo tàng Quang Trung - cho biết chính quyền và ngành chức năng địa phương đang tập trung xây dựng đền thờ đô đốc Bùi Thị Xuân rất bề thế trên khu đất rộng gần từ đường Bùi Thị Xuân, dự tính hoàn thành cuối năm 2007. Tiếp theo, năm 2008 sẽ xây dựng đền thờ đại đô đốc Võ Văn Dũng (cũng ở gần từ đường Võ Văn Dũng). Cũng theo ông Ký, những nỗ lực tìm kiếm tông tộc của danh tướng Trần Quang Diệu của Bảo tàng Quang Trung vẫn chưa có kết quả.

Dấu tích vương triều Tây Sơn vẫn còn lẩn khuất đây đó mà 200 năm hậu thế dường như vẫn còn mắc nợ tiền nhân.

HUỲNH VĂN MỸ

   
<<Quay lai    
  Gửi cho bạn bè Trang in Top
   
     
  Tin tức khác của Nhà Tây Sơn  
     •  Nhà Tây Sơn (20.08.2010)  
     •  Ấp Tây Sơn (20.08.2010)  
     •  Thành Hoàng Đế, cung điện từng bị chôn vùi (18.06.2010)  
     •  Kỳ 3: Tấm lòng ở căn cứ địa (18.06.2010)  
     •  Kỳ 2 : Quê mẹ và ngôi mộ tổ (18.06.2010)  
     •  Kỳ 1: Đàn Nam Giao và tử cấm thành (18.06.2010)  
     •  Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử (21.04.2010)  
   
  Trang 1
 
 
 
      Tin nổi bật cùng loại
 


Nhà Tây Sơn

 
 


Ấp Tây Sơn

 
 


Thành Hoàng Đế, cung điện từng bị chôn vùi

 
 


Kỳ 3: Tấm lòng ở căn cứ địa

 
 


Kỳ 2 : Quê mẹ và ngôi mộ tổ

 
 


Kỳ 1: Đàn Nam Giao và tử cấm thành

 
 


Vua Quang Trung: Những định mệnh lịch sử

 
   
 
 
Trang chủ | Thể thao | Văn hóa - Nghệ thuật | Đất nước - Con người | Võ thuật - Truyền thống | Diễn đàn | Media | Thư viện Ảnh | Liên hệ | Top
© 2003 - Bản quyền thuộc Hội cổ động viên Bóng đá BinhDinhFFC
Website: http://binhdinhffc.com, Diễn đàn: http://binhdinhffc.com/diendan
Thiết kế và phát triển bởi : Hội CĐV BinhDinhFFC
Liên hệ: webmaster@binhdinhffc.com