Bề rộng mặt hồ 12km2 kéo theo ào ạt những làn gió the mát, rồi khuất xanh tầm mắt với vành đai núi rừng che phủ những thác nước không tên nhiều tầng nhiều lớp và tinh trong những tiếng động khẽ khàng được phát ra rõ mồn một từ chốn vắng bóng người.
Nhiều điều thú vị đó đang nằm lẩn khuất trong một thung lũng có tên Hồ Núi Một được dãy An Trường (thuộc tỉnh Bình Định) bao bọc.
Sau những cuốc thuyền khám phá thiên nhiên quanh thung lũng, ngôi làng nhỏ của dân tộc Bana hiện ra len lỏi nơi cuối hồ như món quà lưu niệm đáng giá dành tặng cho chuyến đi ngắn ngày. Thềm làng ngoan ngoãn đón đưa những chuyến đò mưu sinh ngắn ngày đi và về. Hơn 90 hộ dân tạo ra bản làng này thực sự là những trang đời sinh động. Làng hoang sơ từ mái nhà đến tận tư duy sinh tồn của người dân. Sự đa sắc từ các mối quan hệ trong gia đình này là một minh chứng thuyết phục cho bản năng yêu thương của loài người. Đã có những “ao nuớc lã” được biến thành “giọt máu đào” nơi đây. Một phần thành viên trong gia đình này là những người xa lạ cơ nhỡ. Tình cờ họ đến, ở lại, yêu thương và gắn trách nhiệm với nhau qua nhiều đời con cháu. Đó là những thím dì độc thân, lưu lạc vẫn hàng ngày đi bán cái nón, cái áo tự đan đổi vài cân gạo góp công nuôi cháu tiếp ông anh nối khố…
Có những nét mặt, những khoé cười không thể nhoà khi đã gặp tại đây. Từ nếp cằn cỗi của người ông người bà đến cái mơn mởn ngăm đen của đứa trẻ vừa chập chững. Được gặp họ thú vị và hồ hởi như gặp lại mình của ngày hôm qua. Những chằng chịt quan hệ trong đời sống giờ đây dường như được hoá giản đến tối giản nhất. Đây chính là nét nguyên sơ có thể bạn cần tìm và đã thấy trong chuyến đi này.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị