Đăng ký Đăng nhập
Chào mừng các bạn đến với BinhDinhFFC.com !- Hãy đăng ký Thành viên để tham gia trao đổi, bình luận về bóng đá, tin tức con người, quê hương Bình Định...
       Văn hóa - Nghệ thuật >> Văn thơ- Nhạc- Họa
  Truyện ngắn    
Một chuyến tàu đêm!
Cập nhật : 30.07.2010
 
Trở về quê trên một chuyến tàu đêm, Thu Hương bỗng ngờ ngợ trong màn sương kia ẩm ướt câu hát: “Yêu nhau cởi áo cho nhau”. Có lẽ nàng đã mang câu hát từ bên kia chiếc cầu hò hẹn về tận đây chăng? Lẽ nào là câu hát một thời mẹ ru bên tiếng võng đưa của mùa hè thời thơ ấu, yêu nhau… yêu nhau….

Tàu hú còi rời ga, gió đêm bắt đầu se lạnh. Những đường phố đông đúc bóng người và xe cộ lùi dần lại phía sau. Nàng nhìn qua ghế bên, Trọng Hưng, người bạn trai của nàng thời học phổ thông đang chống cằm nhìn qua cửa sổ, ánh mắt như nhìn vào cõi mông lung. Không muốn làm gián đoạn dòng suy tư của Hưng, Hương lặng lẽ ngồi ôm đứa con hơn một tuổi vào lòng - đứa con là kết quả của mối tình xuyên quốc gia Việt – Đài. Trên hàng ghế chỉ có hai chiếc này, mỗi hành khách mang theo nhiều nỗi niềm. Thằng bé con đã mệt mỏi và thiếp đi, Hưng quay qua nàng và đề nghị: "Hương đưa con đây mình ẵm cho, còn không thì lấy cái áo ấm lót lên đùi rồi để con nằm lên ngủ cho thoải mái".

Nàng gật đầu đồng ý! Hưng đứng dậy với tay lên cái giá để hành lý trên đầu và kéo từ trong túi cá nhân cái áo khoác của chàng. Chàng ngồi xuống bên Hương, trải cái áo ra cẩn thận trên đùi hai người. Xong đâu đó, chàng đỡ đứa con của Hương nằm xuống. Tay của Hương giữ đầu đứa bé, còn chân đứa bé thì gác trên đùi Hưng. Đứa bé được thoải mái hơn nên chìm sâu vào giấc ngủ.

Đoàn tàu vẫn lao đi trong màn đêm và hai người lại chìm vào trong tĩnh lặng. Phong cảnh hai bên đường tàu chỉ hiện ra chập choạng dưới ánh sáng trăng thượng tuần. Một lúc lâu sau, Thu Hương quay sang Hưng với vẻ tinh nghịch: "Sao Hưng không ngủ? Lần đầu tiên ngồi bên người con gái đã có chồng con nên hồi hộp hả?"

Hưng ấp úng trả lời: "Không! mình muốn nhìn cảnh vật xung quanh".
Hương trêu: "Trời tối mà cũng thấy cảnh vật hả?" Và nàng thấy tai Hưng ửng đỏ lên.

Càng về đêm, trời càng sáng rõ với những vầng sáng đủ nhìn thấy bên kia cửa sổ con tàu những hàng cây vụt qua rồi biến mất. Đèn trong toa tàu cũng tắt gần hết, hành khách ai nấy ngủ gà ngủ gật. Hương từ từ ngả đầu tựa vào vai Hưng. Anh vẫn ngồi im như tượng, chỉ có trái tim hình như đập nhanh hơn bình thường. Thấy Hưng không có phản ứng gì, Hương quay sang hỏi: "Hương dựa vậy Hưng có mỏi không?"
Hưng ấp úng một lúc rồi đáp: “Hương dựa cả đời cũng được!”. Nói xong chàng rụt rè quàng tay qua vai Hương kéo nàng ngả đầu vào vai mình, chàng cúi xuống âu yếm hôn nhẹ lên mái tóc Hương. Bàn tay chàng đan luồn vào bàn tay Hương, tay kia vòng qua sau lưng Hương ôm nàng thật chặt. Cả hai người dán mắt ra cửa tàu nhìn trời đêm tìm chút bình yên.

Lúc lại ký ức, khi cả hai đều là những cô cậu học trò dưới mái trường PM. Nàng là con gái lớn trong nhà, ngoài việc đi học, nàng còn phụ giúp gia đình nắn nồi niêu, chậu, ấm đất để bán lấy tiền đắp đổi qua ngày. Còn chàng thì phụ gia đình làm công việc cày cấy nhà nông. Vì gia cảnh khó khăn nên dù có ý thầm thương trộm nhớ cả hai đều giấu nhưng không sao qua mắt bạn bè. Vì mắc cỡ và cũng mặc cảm nên cả hai không ai hẹn ước với nhau lời nào cho dù thường hay đi chơi chung.

Kỳ thi tốt nghiệp cũng tới, cả khoá lao vào học hành để kết quả 12 năm đèn sách được trọn vẹn. Hưng và Thu Hương đều đỗ tốt nghiệp. Chàng khăn gói vào Sài Gòn thi Đại học. Nàng ở nhà tiếp tục phụ việc nuôi em.
Kết quả thi rớt làm Hưng nản chí dạt về Tiền Giang học nghề. Còn Thu Hương thì lại vào Sài Gòn học nghề may. Nhưng lúc đó phương tiện thông tin còn hạn chế. Cả xã Thu Hương có nhà ai lắp cái a lô dây thép đâu. Vậy là bặt tin nhau. Một lần tình cờ gặp mấy đứa bạn học, Hưng dò hỏi và biết địa chỉ Thu Hương học may, chàng bèn viết thư thăm hỏi.

Thư đi thư lại một thời gian, Hưng định ngỏ lời với Hương nhưng chàng nghĩ đi nghĩ lại: Cả hai đứa đều chưa có công ăn việc làm ổn định mà yêu nhau rồi cưới nhau sẽ khổ. Bởi vậy chàng tạm gác ý định và vẫn đều đều viết thư thăm Hương.

Hai năm sau, Hưng học ra nghề và kiếm được việc làm, chàng thu xếp một buổi lên Sài Gòn thăm Hương. Ghé chợ Nancy mua một ít quà, chàng mang đến nhà cô ruột của Hương. Bước vào nhà, vừa ngồi xuống ghế, Hưng thấy choáng váng và không tin vào mắt mình. Trên vách tường nhà, những câu khẩu hiệu mừng đám cưới cắt từ giấy màu được cùng với hình ảnh những đôi chim câu. Ở vách tường chính diện, Hưng thấy chữ "Lễ Vu Quy" dán cẩn thận trên chữ Song hỷ. Ở bên dưới là chữ Thu Hương - Lai Mân và dưới cùng là ngày tháng tổ chức hôn lễ. Chàng kín đáo liếc nhìn đồng hồ đeo tay, như vậy là hôn lễ đã tổ chức được 2 ngày.

Thu Hương vừa đi đâu về. Bước vào nhà gặp Hưng, nàng bất ngờ và có chút bối rối, nàng pha nước mời Hưng, ánh mắt như lẩn tránh. Hai người ngồi nói chuyện được một lúc thì Hưng cáo từ ra về. Tiễn Hưng ra cổng, Hương nói nhỏ như sợ người khác nghe thấy: tha lỗi cho Hương nhé! Có dịp nào đó Hương sẽ tâm sự với Hưng nhiều hơn.

Hưng về nhà với tâm hồn trĩu nặng, chàng lục tìm tất cả nhưng bức thư của Hương bật lửa lên đốt hết. cả những kỷ vật nhỏ nhoi như cái khăn mùi xoa Hương tặng trong ngày chia tay ra trường cũng bị ném vào đống lửa. Chàng muốn quên hết cái trớ trêu của cuộc đời cho lòng thanh thản.

Mấy ngày sau Hưng nhận được thư của Hương, trái với niềm hân hoan trước đây là sự oán giận. Chàng không muốn bóc thư ra mà ném nó vào cái ngăn kéo đầu giường. Đến khuya, sau một chầu nhậu bí tỉ với bạn bè, Hưng bóc thư ra đọc. Khi đọc xong chàng khóc rấm rứt, khóc cho sự bất tài vô dụng của mình và cũng khóc thương cho người yêu. Chàng ngồi dậy lấy giấy bút ra hồi âm cho Hương. Dù gì thì mình cũng vị tha độ lượng. Như vậy Thu Hương mới thảnh thơi được chứ.

Thì ra, do hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Nhà đông con và Hương lại là con lớn nên phải có trách nhiệm với đàn em. Lúc đó đang có phong trào lấy chồng Đài Loan nên Hương nghe lời cô ruột nhắm mắt đưa chân với hy vọng có chút tiền gửi về quê cho các em.

Lấy lại thăng bằng, Hưng quyết tâm ôn luyện thi lại vào Đại học. Thật là vui mừng vì chàng đã đậu vào trường Đại học hàng hải. Khăn gói lên Sài Gòn nhập học, chàng quyết tâm học tới nơi tới chốn. Ở đây, Hưng tìm gặp lại bạn cũ thời phổ thông, đứa nào cũng sắp là kỹ sư, cử nhân. Thỉnh thoảng cả bọn rủ nhau đạp xe đi thăm Hương. Hương đang có bầu, nàng có vẻ mệt nhọc vì ở nhà chồng quá đông đúc. Chồng Hương là doanh nhân nên khách khứa ra vào nườm nượp. Hưng thấy bất tiện nên chỉ ngồi một chút rồi bấm tay mấy thằng bạn rủ nhau ra về.

Do kiến thức chương trình quá nặng nên Hưng lao vào học ngày học đêm, chàng quên bẵng Thu Hương. Kỳ nghỉ hè về thăm quê, Hưng ghé thăm nhà Hương, căn nhà lụp xụp trước kia đã được sửa chữa lại khang trang. Chàng hỏi thăm Hương thì được biết Hương theo chồng qua Đài Loan sinh con và làm việc ở bên ấy. Hưng rất mừng khi xin được địa chỉ của Hương ở Đài Loan. Hết kỳ nghỉ hè, Hưng quay lại học. Những đêm ngồi vào bàn, bên trang giáo trình thấm mồ hôi, Hưng tranh thù viết thư gửi sang xứ Đài thăm Hương. Trong thư lúc nào Hưng cũng nhắc Hương giữ ấm cơ thể vì thời tiết Đài Loan lạnh nhiều.

Trong một lá thư gửi vào dịp gần Trung thu, Hưng nhắc Hương nhớ mua đèn trung thu cho con. Chỉ một câu nói đơn sơ vậy thôi mà Hương như thấy ấm lòng. Nàng nghĩ chắc Hưng vẫn còn thương nàng và thương cả thằng bé con của nàng cho dù Hưng với nó không máu mủ.

Một năm sau, Hương bồng con quay về Việt Nam, trước đó, nàng viết thư cho Hưng hẹn ngày về, nếu rảnh thì ra phi trường Tân Sơn Nhất đón hai mẹ con nàng. Đúng hẹn, Hưng mang theo một đóa hồng lớn đến phi trường chờ đợi. Từ bên trong, Hương một tay bồng con, tay kia kéo valy bước ra, nàng mừng rỡ khi thấy Hưng chờ phía ngoài. Cả hai người lao đến định ôm chầm lấy nhau nhưng bỗng khựng lại. Một người chưa vợ, còn một kẻ đã lấy chồng. Phút bối rối qua đi, Hưng trao bó hoa cho Hương, tay đỡ cần kéo valy, chàng dẫn ra ngoài sảnh bắt taxi cho mẹ con Thu Hương về nhà bà cô ruột. Thu Hương bảo Hưng tối đến nhà nàng nhờ một việc.

Tối đến sau khi cơm nước xong, Hưng mượn xe Homda dame của một người bạn chạy qua nhà cô ruột Thu Hương, nàng đang đợi sẵn, sau khi gửi con cho bà cô giữ dùm, nàng xin phép đi uống cafe với Hưng, nàng rủ Hưng về quê chơi họp mặt lớp luôn. Sẵn đang nghỉ hè Hưng gật đầu đồng ý, nhân tiện nàng đưa tiền cho Hưng nhờ chàng lên ga mua hai tấm vé tàu về quê.

Hai hôm sau, Hưng gọi điện cho Hương nói là đã mua được vé tàu và thu xếp hành lý về quê. Đến chiều, cả hai có mặt tại ga để lên tàu. Thằng bé con của Hương sau mấy ngày chơi ở nhà bà cô ruột đã quen với mấy anh em ở đó nên khi bắt nó về quê ngoại, nó cứ bám riết cột sân ga và kêu Cơ Cơ (ca ca - anh trai). Thu Hương phải dỗ dành chỉ vào Hưng nói Hưng sẽ là ca ca của nó nó mới ưng thuận đồng ý lên tàu. Khi đã yên vị, Thu Hương trách đùa: "cậu Hưng dở quá, không biết dỗ trẻ con gì hết".
Hưng quay qua cười gượng gạo: "mình đã có con đâu mà biết".

Tàu kéo một hồi còi dài báo hiệu chuẩn bị vào ga Mương Mán đã kéo hai người trở về với thực tại. Hưng chủ động phá tan bầu không khí đang đè nặng xung quanh:
- Sao Hương về Việt Nam?
- Mình đưa con về thăm quê để nó biết quê ngoại, và Hương về thăm Hưng không được sao? Hương liếng thoắng.
- Hình như Hương đang có chuyện gì buồn phải không? Hưng ngập ngừng.

Hương ngồi im, bất giác hai khóe mắt của nàng rưng rưng và nàng bưng mặt khóc. Hưng quay qua cuống quýt dỗ dành: "Cho mình xin lỗi, mình vô tình quá!"

Và Hương đã kể cho Hưng nghe chuyện tình cảm của nàng. Cứ ngỡ lấy chồng xứ xa sẽ được sung sướng nhưng Hương đã sai lầm. Chồng nàng tính tình nóng nảy và độc đoán. Sau khi kinh doanh thua lỗ tại Việt Nam, chồng nàng đưa hai mẹ con nàng sang xứ Đài tìm kiếm công việc kinh doanh khác. Anh ta đi suốt ngày và không đoái hoài gì đến mẹ con nàng. Những hôm say xỉn anh ta còn đánh đập nàng tàn nhẫn, đã vậy mẹ chồng còn bênh vực con trai. Hương như bị cô lập trong gia đình nhà chồng và nàng chỉ còn biết dành hết tình cảm cho đứa con. Nàng cố gắng chịu đựng và giấu không cho gia đình biết. Chính vì vậy mà trong những lá thư gửi về cho Hưng, nàng chỉ than buồn chứ không kể lể gì về mình. Và những lá thư của Hưng đã động viên nàng rất nhiều, nàng thầm cám ơn người bạn trai tốt bụng và vị tha. Những tâm sự, những cảm nhận về cuộc sống được Hưng chia sẻ giúp nàng vơi bớt buồn phiền. Nàng kiếm việc làm thêm tích lũy một số vốn để sau này kinh doanh buôn bán.

Câu chuyện cứ trôi đi cùng với chuyển động của con tàu. Phía bên đường, bãi biển Cà Ná hiện ra thật hoang sơ lãng mạn dưới ánh trăng. Những con sóng lăn tăn đẩy mấy con thuyền nhỏ dập dềnh trên mặt nước. Và trên con tàu này chắc chắn có một vài số phận đơn lẻ chơi vơi như các con thuyền kia....

Tàu qua hầm đèo Cả. Bóng tối như nuốt gọn lấy con tàu, ánh đèn yếu ớt trong toa tàu không ngăn được cảm xúc của Hưng. Chàng cúi xuống nâng cằm Thu Hương lên đặt lên môi nàng nụ hôn cháy bỏng. Nụ hôn đầu đời và cũng là nụ hôn vụng trộm mới ngọt ngào làm sao. Thu Hương cũng rụt rè hưởng ứng....

Con tàu đi xuyên đêm để về với ánh bình minh tươi sáng. Hai người đã bỏ lại trong đêm tối những suy nghĩ muộn màng về những ngày đã qua, về một câu hát lý yêu nhau. Trời sáng thật nhanh. Từng làn gió mát lạnh lùa vào cửa sổ toa tàu đã đánh thức hành khách trở dậy sau cuộc hành trình. Cả hai người cũng đã tỉnh ngủ, họ vẫn tựa vai vào nhau, một tấm áo đắp chung. Đứa bé con mở mắt thức giấc ngơ ngác nhìn mẹ nó và người đàn ông lạ mặt ngồi bên cạnh. Nó không biết rằng chỉ qua một đêm mẹ nó đã trút bỏ được nỗi buồn mang nặng trong lòng bấy lâu nay và mẹ nó đã tìm được tìm được niềm hạnh phúc đơn sơ bình dị. Chỉ vài giờ nữa thôi con tàu về đến ga Diêu Trì, trả nó về nơi mẹ nó được sinh ra và lớn lên, nơi mà ở đó đã nuôi dưỡng tình yêu đầu đời của mẹ...

Robinson
   
<<Quay lai    
  Gửi cho bạn bè Trang in Top
   
     
  Tin tức khác của Văn thơ- Nhạc- Họa  
     •  Bình Định - đất thơ, đất tuồng, đất võ… (20.08.2010)  
     •  Bình định - Nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá (20.08.2010)  
     •  Phần 3 : Một chuyến tàu đêm! (06.08.2010)  
     •  Phần 2 : Một chuyến tàu đêm! (31.07.2010)  
     •  Bến Trường thi (27.07.2010)  
     •  HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC Ở BÌNH ĐỊNH: Buồn tẻ, ít sức sống (18.06.2010)  
     •  Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Người nhen lửa (18.06.2010)  
     •  Phim Tây Sơn hào kiệt: Quá khứ oai hùng ở đâu? (04.05.2010)  
   
  Trang 1
 
 
 
      Tin nổi bật cùng loại
 


Bình Định - đất thơ, đất tuồng, đất võ…

 
 


Bình định - Nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá

 
 


Phần 3 : Một chuyến tàu đêm!

 
 


Phần 2 : Một chuyến tàu đêm!

 
 


Bến Trường thi

 
 


HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC Ở BÌNH ĐỊNH: Buồn tẻ, ít sức sống

 
 


Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Người nhen lửa

 
 


Phim Tây Sơn hào kiệt: Quá khứ oai hùng ở đâu?

 
   
 
 
Trang chủ | Thể thao | Văn hóa - Nghệ thuật | Đất nước - Con người | Võ thuật - Truyền thống | Diễn đàn | Media | Thư viện Ảnh | Liên hệ | Top
© 2003 - Bản quyền thuộc Hội cổ động viên Bóng đá BinhDinhFFC
Website: http://binhdinhffc.com, Diễn đàn: http://binhdinhffc.com/diendan
Thiết kế và phát triển bởi : Hội CĐV BinhDinhFFC
Liên hệ: webmaster@binhdinhffc.com