|
Nhãn hiệu “Rượu Bàu Đá” của Bình Định đã bị Công ty TNHH Minh Anh (TP. Đà Nẵng) “bỗng dưng sở hữu” trên 10 năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay việc đòi lại nhãn hiệu này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Không chỉ mất thương hiệu, rượu Bàu Đá còn đang đứng trước nguy cơ mất dần hương vị truyền thống…
 |
Rượu Bàu Đá với nhiều chủng loại, mẫu mã và chất lượng, người tiêu dùng rất khó chọn lựa. Ảnh: Hoàng Lân
|
* “Loạn” rượu “Bàu Đá”
Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay có hàng trăm cơ sở kinh doanh rượu Bàu Đá. Có cơ sở không lấy rượu tại làng Bàu Đá (thuộc thôn Cù Lâm Bắc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn), mà lấy rượu trôi nổi, nấu ở các nơi, rồi đóng chai ghi tên rượu Bàu Đá để bán ra thị trường. Hiện nay, do nhu cầu thị trường quá lớn, trong khi làng Bàu Đá chỉ có khoảng 30 hộ nấu rượu nên không đủ cung ứng. Nếu nấu theo đúng công thức truyền thống, mỗi hộ một ngày chỉ nấu được 3 nồi, cho ra khoảng 20 lít rượu; nên nhiều nơi trong xã Nhơn Lộc, thậm chí nơi khác trong huyện An Nhơn cũng nấu rượu và gọi chung là rượu Bàu Đá. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều người đã sử dụng men bột Trung Quốc ủ cơm để nấu được nhiều rượu hơn men truyền thống. Chất lượng loại rượu này không mang đầy đủ các đặc tính của rượu Bàu Đá, nhưng vẫn gọi là rượu Bàu Đá để bán ra thị trường. Thực tế hiện nay rượu Bàu Đá được bày bán khắp nơi, nhất là dọc QL 1, nơi ngang qua các thị tứ, thị trấn, tụ điểm dân cư, với đủ kiểu dáng, chủng loại. Khách phương xa đến Bình Định, muốn mua sản phẩm nổi tiếng này về làm quà, rất khó phân biệt được loại nào là rượu Bàu Đá truyền thống, loại nào là “ăn theo”.
Không những thế, sản phẩm rượu Bàu Đá Bình Định chỉ bán nhỏ lẻ ở thị trường ngoài tỉnh, tại các hàng quán, bến xe, bến tàu... và không có cơ hội chen chân vào các siêu thị lớn ở TP. HCM. Tại các siêu thị lớn, rượu Bàu Đá… của Minh Anh chiếm phần lớn. Mặc dù đã có hẳn Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, nhưng việc quản lý chất lượng rượu vẫn không được cải thiện. Theo ông Lê Quang Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, hiện nay Hiệp hội có 52 hội viên - trong đó có 32 hội viên chuyên nấu rượu ở làng Cù Lâm, còn lại 20 hội viên là các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế số cơ sở kinh doanh lấy tên rượu Bàu Đá thì rất nhiều và mạnh ai nấy làm. Những hộ kinh doanh rượu thường không hợp tác, không thấy nghĩa vụ, quyền lợi lâu dài. Thậm chí có hội viên còn không muốn tiếp cận với Hiệp hội để góp phần phát triển thương hiệu làng nghề. Một trong những lý do chính là chưa lấy lại được nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”.
* Cần quyết liệt hơn!
Sau khi thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh rượu Bàu Đá, năm 2007, Sở Khoa học-Công nghệ Bình Định đã giúp Hiệp hội làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ (8.2007) và Hiệp hội cũng đã làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bãi bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã cấp cho Minh Anh và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” cho làng nghề. Trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ có công văn (số 293/SHTT-TTKN, ngày 5.2.2007) với nội dung tạo điều kiện cho Hiệp hội đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Bộ Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh cũng có văn bản cho chủ trương xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Văn bản kết luận (số 1532/TB-BKHCN, ngày 25.6.2009) của Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh ngày 3.6.2009, nêu rõ: “Về đề nghị xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học - Công nghệ ghi nhận và giao Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm việc tranh chấp thương hiệu theo các quy định của pháp luật...”.
Tuy vậy, cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Và thương hiệu “Rượu Bàu Đá” của Bình Định hiện vẫn thuộc về Công ty Minh Anh ở Đà Nẵng. Việc xác lập nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” là hết sức cấp thiết và tỉnh Bình Định cần có những tác động quyết liệt hơn. Nếu chưa được công nhận nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”, thì các doanh nghiệp rượu Bàu Đá của tỉnh vẫn chỉ “loay hoay” ở thị trường trong tỉnh và gặp khó khăn khi muốn mở rộng thị trường. Và trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh rượu của tỉnh ta đã được nếm “quả đắng” khi có lần vào dịp Tết Nguyên đán, quản lý thị trường TP.HCM không cho lưu hành các loại rượu Bàu Đá không mang tên thương hiệu Minh Anh.
|
|
|