Trước sự giới thiệu khá ưu ái của báo chí, tôi cũng tò mò muốn xem Lý Huỳnh Film giải mã câu chuyện Tây Sơn Nguyễn Huệ ra sao vào năm 2010, khi người ta đã đọc những trao đổi nhiều chiều về thời đại biến động đó.
|
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt - Ảnh do đoàn phim cung cấp
|
12 tỉ đồng làm một phim nhựa ắt không thể như thời Lý Hùng đóng phim Thăng Long đệ nhất kiếm. Và mang cái tên tham vọng như Tây Sơn hào kiệt thì phải bập vào được vấn đề: vai trò và bản chất của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Hoặc ít ra là phải áp đặt được một câu chuyện khiến người xem tin được.
Ngày xưa Lưu Quang Vũ viết chèo Ngọc Hân công chúa, sáng tạo (hay là nhặt lại từ dã sử) chi tiết mang cành đào Thăng Long vào Phú Xuân và cho Bùi Thị Xuân ra Bắc tranh biện với sĩ phu Bắc Hà. Vì chèo có tính ước lệ và trong cảm hứng của những năm 1980, mọi người vẫn xem được.
Những màn đấu lý tô đậm cái yếu tố theo ai phò ai, chọn một dòng hay để nước trôi của sĩ phu cũng rất hay. Nghĩa là cái người ta cần là một tính cách, một mâu thuẫn để giải quyết trong điện ảnh.
Thế mà 90 phút phim có những kiến giải còn thô minh họa cho những điều người VN đã học ở nhà trường. Chuyện phim chưa hay trong cách làm cảnh nối cảnh, những cảnh hiện lên trần xì là tận dụng mà quay.
Trong cảnh Thăng Long mở hội thái bình, Thăng Long đây là cảnh Đại Nam quốc tự Bình Dương, người xem bị chi phối bởi những chi tiết mái bêtông và đèn đá kiểu Nhật. Những cố gắng cho diễn viên quần chúng ăn mặc kiểu áo tứ thân, khăn vành dây Bắc bộ không làm giảm đi được không khí gượng gạo của một không gian kiến trúc thô kệch, khiến người xem không sao nhập được tâm trí rằng đây là thời xưa.
Một điểm rất đáng trách là cả triều Lê, từ vua Lê Hiển Tông, chúa Trịnh, Ngọc Hân cho đến toàn bộ La Sơn phu tử (Hà Tĩnh), Nguyễn Hữu Chỉnh (Nghệ An) với mọi sĩ phu Bắc Hà đều nói giọng Sài Gòn!
Ống kính hồn nhiên thu vào những chi tiết khu giải trí dùng làm hoàng thành Lê triều, ximăng, gạch thẻ cứ dễ dàng lọt vào ống kính đủ cả. Không có đường nét hay bài bản gì về võ Bình Định “cầm roi đi quyền”. Những cảnh máu chảy trôi chày, nước sông nghẽn xác giặc làm bằng vi tính thô sơ như quay video.
Lại nói sang chi tiết lịch sử. Nguyễn Huệ ra Bắc, cưới Ngọc Hân, có trăng mật hay không thì không rõ, nhưng có cảnh hai người dạo chơi bên ghềnh đá, cảnh trí là Hầm Hô (Bình Định). Lúc này nhân vật phim vẫn còn ở Bắc Hà, khó có chuyện thời ấy có thời gian đi ra biển Quảng Ninh hay Sầm Sơn mà dắt nhau lên ghềnh đá nghe sóng vỗ được.
Cao trào hẳn là màn đánh đồn Ngọc Hồi. Cái đồn toàn tranh tre nứa lá mà hỏa khí của Tây Sơn đốt mãi vẫn chưa xong. Đánh độ mười phút, Nguyễn Huệ hô: “Ba quân tướng sĩ! Thẳng tiến về Thăng Long!”, hô đến ba lần như khẩu hiệu. Ngoắt sang một cảnh chỗ khác, ba quân tướng sĩ hô: “Hoàng đế Quang Trung vạn tuế” đến chục lần, tưởng người dựng phim dựng nhầm, thay vì lệnh cắt thì sang lệnh dán.
Trẻ con học lịch sử rành rành là Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử ở sau gò Đống Đa nhưng trong phim thì bị chính Nguyễn Huệ (Lý Hùng) tiêu diệt!
Về cách xây dựng lớp lang đánh trận, 10 vạn quân Tây Sơn ắt không thể lao như đi cướp kho thóc thế được. Căn cứ vào tài liệu thường được dùng làm khảo cứu là Hoàng Lê nhất thống chí, tài nghệ quân Tây Sơn được mô tả rất kỹ lưỡng. Không thể chỉ là màn tỉ thí đường phố, những cảnh Lý Hùng đi phăm phăm trên không kiểu phim võ hiệp gây buồn cười hơn là hiệu quả. Đoạn giặc Thanh chạy qua cầu phao thì là một con sông bé tí như cái mương. Sông Cái mà chỉ bé thế thì giặc Thanh chẳng đến nỗi chết nghẽn nước và Tôn Sĩ Nghị phải cho chặt cầu phao.
Chiến công của Quang Trung nhỏ bé thế sao?
Một chi tiết đã thành ước lệ văn nghệ lẽ ra không nên dùng nữa là việc mang hoa đào Thăng Long về thì những cành đào bằng nhựa, hạ cấp ý tưởng xuống mức minh họa dễ dãi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Mặc dù nỗ lực đáng khen khi làm phim đề tài lịch sử, nhưng với cách tư duy hời hợt về lịch sử và dễ dãi về nghệ thuật phải nói rằng kết quả lại nguy hiểm. Ta dắt trẻ con đi xem để rồi giải thích ra sao về một quá khứ oai hùng hiện lên chưa hay như thế?
. Theo TTO
|