BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Một người mẹ tưởng là chỉ có ở trong mơ…

bởi lalala » 17-09-2010, 16:41

Ghi chép của Đỗ Doãn HoàngBà Hường là nguyên mẫu trong bộ phim nổi tiếng “Huyền thoại về người mẹ” (Đạo diễn Bạch Diệp, nhân vật chính – bà Hường- do NSND Trà Giang thủ vai) từng làm thổn thức trái tim hàng triệu khán giả trong và ngoài nước, được Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam công chiếu vào cuối những năm 1980. Bà đã vượt qua bom đạn, sự vây ráp, khủng bố, bắn giết của kẻ thù để đỡ đẻ, giải cứu, “thu gom”, cất giấu những đứa trẻ tội tình nhất, là nạn nhân bi ai nhất của chiến tranh về nuôi; rồi bà và chính những đứa “con” của bà đã nỗ lực làm giao liên, vận chuyển hàng hoá phục vụ công cuộc vệ quốc vĩ đại.Vẫn biết, như người ta bảo, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, cá chuối đắm đuối vì con; người đàn bà nào cũng là Bồ Tát của những đứa con họ dứt ruột đẻ ra. Nhưng, thú thật là, cho đến trước khi tiệp cận với tài liệu gốc, trực tiếp thăm hỏi bà Hường, tôi cứ nghĩ bộ phim kia “hư cấu” thêm cho một huyền thoại thôi, chứ làm gì có người phụ nữ nào đến mức như thế. Rồi lại hoá ra, ngược lại: phim mới chỉ diễn tả được một phần sự khốc liệt của chiến tranh và lòng nhân ái của Người Mẹ.“Mẹ tuy nghèo, nhưng thế này là “vua” so với hồi đó rồi”Giới thiệu phim mà bà Hường là nguyên mẫu nhân vật Hương do NSND Trà Giang đóng.Phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, một lối ngõ tuyềnh toàng, hỏi nhà bà Hường, ai cũng tíu tít chỉ, “Bà người mẹ huyền thoại” chứ gì, “mới rồi NSND Trà Giang về thăm và tặng quà cho bà cụ đấy, lại còn tặng một cái khăn rất đẹp nữa, chú ạ”. Ngôi nhà thanh bạch, tĩnh lặng tuyệt đối, Huân chương Kháng chiến Hạng nhất và nhiều bằng khen cho một lão thành cách mạng treo trên bờ tường, mẹ Nguyễn Thị Hường, ở tuổi 77, da vẫn còn mai mái xanh sau cơn bạo bệnh. Cô con gái muộn mằn học Đại học ra không xin được việc, phải đi khâu giày kiếm sống nuôi chồng con. Nhìn cảnh đó, tôi tỏ ý ái ngại, ai dè bà Hường quả quyết: “Con ơi, thời mới, sống như thế này là “Vua” (ý nói rất sung sướng) rồi con ạ. Ngày xưa, mò cua bắt tép, nuôi đàn con trong đống rơm, ngoài bụi rậm ven sông, rồi tù đày liên tục, có khi 6 tháng, có khi 1-2 năm ở Nhà lao Quy Nhơn, lần nào cũng nghĩ là mình không sống nổi để về nuôi giấu các con! Thế này là “vua” rồi con ơi”.Tôi rùng mình, cảm giác xúc động lân rân đến… tận bây giờ. Không phải là đóng phim, không phải là hô khẩu hiệu, người mẹ dốc cạn tuổi thanh xuân của mình cho việc nuôi giấu những đứa con đồng đội, con liệt sỹ, trẻ em đường phố quá thiệt thòi ấy đã nói cái điều giản dị mà bà đã nghĩ rất chân thành. Tôi tin là như vậy, bởi trước mặt tôi là cả một kho tư liệu thuyết phục nhất về một cuộc đời như nhiều huyền thoại của bà.Sinh năm 1932, tham gia cách mạng từ thời còn chống Pháp, cô gái Nguyễn Thị Hường đã có một cuộc đời bi tráng, quả cảm đến ngỡ ngàng. Giấy tờ, văn bản, xác nhận của tổ chức và đồng đội đang còn lưu giữ, cho thấy: hơn 10 tuổi, Hường đã làm giao liên, gần 20 tuổi làm khu đội phó dân quân du kích, Phó bí thư đoàn thanh niên của khu 5 (nay là phường Đống Đa), trực tiếp đào giao thông hào, cài chông – mìn, vận chuyển tiếp tế lương thực, vận động bà con phá ấp chiến lược… Giai đoạn 1950-1955, vì yêu cầu nhiệm vụ, các lãnh đạo thị uỷ Quy Nhơn và hầu hết lực lượng rút khỏi thị xã, họ để lại nhiều tài liệu, súng ống, đạn dược để Hường cùng một số ít đồng đội cất giữ, bí mật bám trụ trong lòng địch. Tháng 4 năm 1952, nhờ thông tin “tình báo” của Hường, thị uỷ Quy Nhơn đối phó thành công một trận càn rất lớn của địch. Do nghi ngờ hành tung của Hường, địch đã điên cuồng đốt phá nhà cửa, đẩy mẹ già và 4 chị em Hường phải sống dưới gốc cây mận và các ụ rơm giữa màn trời chiếu đất. Cha Hường, một nông dân đói khổ đi làm cửu vạn thời cũ, đã phải thổ huyết, tắt thở trên đồng muối bỏng nắng sau những trận đòn roi độc địa của bọn cai thời thuộc Pháp. Cảnh nhà tan tác, 4 chị em ngủ ngoài ổ rơm góc vườn, ăn vỏ củ mì chống đói, chỉ có hai bộ quần áo, người lúc nào cũng đầy chấy rận. Chưa hết, hai người anh trai của Hường mất tích trên đường đi công tác, đến giờ vẫn chưa ai biết xương cốt của họ nằm nơi nao. Trong quá trình hoạt động, nữ du kích Nguyễn Thị Hường đã kết hôn với người đồng đội tên là Liêm. Trăng mật được vài ngày thì ông Liêm đi tập kết, bảo đi 2 năm, ai dè 21 năm sau ông mới đột ngột trở về.Người mẹ với 12 đứa con sống ở ổ rơm, bụi cây ven đầmTừ ngày còn trứng nước cách mạng, trong quá trình hoạt động, Hường đặc biệt quan tâm cưu mang trẻ em nghèo khổ. Từ năm 1945 đổ đi, cao điểm, có lúc hơn 10 đứa trẻ “đầu đường xó chợ” được chăm sóc bởi bàn tay nữ Bồ Tát giữa đời thường, Nguyễn Thị Hường. Dù Hường chưa một lần làm mẹ, năm 1963, thấy được “năng lực” gắn bó với trẻ em của Hường, tổ chức phân công chị tiếp cận những đứa trẻ lang thang, điều tra lý lịch và huấn luyện chúng “hoạt động cách mạng”; cưu mang con nhỏ của những người đồng đội đi thoát ly hoặc hy sinh. Địch càn quét dữ dội ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, một nữ đồng chí đã chết, bỏ lại một bé gái 2 tuổi. Lại một trận pháo kích tàn khốc, nữ dân quân ở Càng Rang, Phù Cát bị thương dập nát một bên chân, đùi dưới giao thông hào khi mang thai hơn 7 tháng. Được tin, chị Hường đã phải đóng giả nông dân cắt lúa, cùng người đàn bà lấm lem bùn đất khác mang dát giường ra, đối mặt với máy bay địch đang xà xuống gào lên “Vi- ci? Vi – ci?” (VC – Việt Cộng?) rồi cầm cái liềm đầy bùn đất, líu ríu gào gọi, liều mình “thủ vai người nhà nạn nhân”, thuyết phục giặc đem trực thăng đón “dân lành” đi cấp cứu. Vài phút sau, người đàn bà bụng mang dạ chửa đã được nhập viện cách nơi trúng đạn gần 40 km. Tại Bệnh viện Quy Nhơn, người mẹ tên là Hoa đã chết, để lại đứa bé buộc phải đẻ non, chỉ nặng 1,6 kg – đặt tên là Hồng. Đó là năm 1967. Bé Hồng phải nuôi trong lồng kính 6 tháng, cháo sữa rất là kỳ công. Năm 1968, tổ chức bố trí cài hai nữ đồng chí xinh đẹp vào kho đạn Đèo Son (Quy Nhơn) rồi phá huỷ kho đạn của địch, chặn bước chân thẫm máu của chúng trước khi lên giày xéo Tây Nguyên. Hai nữ đồng chí hy sinh, để lại hai đứa con miệng còn hơi sữa, mẹ Hường cũng đứng ra nhận nuôi. Tiếp đến, một người con trai 3 tháng tuổi của hai đồng chí buộc phải thoát ly về nông thôn để chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược năm 1972. Lại vài nhóm trẻ lang thang đường phố được “gom” về. “Người mẹ vĩ đại” Nguyễn Thị Hường, dù chưa một lần sinh nở, vẫn phải chăm sóc cả đàn, lúc cao điểm lên tới 12 đứa “con”!Bà Hường nhớ lại: các “con” tôi, toàn những đứa tận cùng khổ cực, bố mẹ mất sớm, đi lang thang đói khát, khi tôi đem về chăm sóc, các cháu rất ngoan. Chúng sớm có tinh thần yêu nước, 10 tuổi đã tham gia làm liên lạc, vận chuyển hàng hoá ra căn cứ của ta ngoài Đầm Thị Nại. Số “con” còn sống đến hôm nay, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đầu tên “thằng” Ý (theo cách gọi của bà), sau này đi thanh niên xung kích đã hy sinh; tiếp đến là các “cậu” Bùng (đã hy sinh), rồi đến Báu, Dừa; và các “cô bé” Liên, Kháng, Tần, Đính…. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người đã trưởng thành làm cán bộ rồi về hưu, sống ven đầm Thị Nại như “mẹ Hường” hôm nay. Cô Nguyễn Thị Tần, sau này làm ở Thị uỷ Quy Nhơn, giờ sống cùng khu vực với bà Hường. Nhiều người làm cán bộ ở tận Đăk Lăk.Thời kỳ năm 1945, “mẹ Hường” nuôi nhiều trẻ nhỏ đến mức phải liên tục di chuyển chỗ ở, thỉnh thoảng phải “thả” bớt trẻ cho người khác nuôi để tránh sự dòm ngó của giặc. Năm 1954, nhiều cán bộ đi tập kết, trẻ “trao” cho bà Hường và nhóm “bám trụ” cảu bà càng nhiều hơn. “Chúng tôi sống lưu động, kiếm được cái gì ăn cái nấy, nhiều khi cả nhóm trẻ mới có… 2 bộ quần áo rách. Thế nhưng, khi tổ chức chuyển “thằng” Nam đi nơi khác nuôi, tôi lại nhớ “nó” không chịu được. Bọn trẻ hoạt động liên lạc, tiếp tế rất tích cực, bọn giặc ít để ý đến đám mò cua bắt ốc, bé loắt choắt như thế lắm” – bà Hường kể.“Tự tôi, chứ không ai biểu tôi phải thương trẻ con hết”Với những thành tích như… huyền thoại đó, năm 1978, bà Hường được mời ra Nhà Hát lớn Hà Nội báo cáo thành tích trong một hội nghị toàn quốc nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Tại đây, bà Hường đã giản dị kể lại câu chuyện của đời mình khiến rất nhiều đại biểu, nhiều nhà báo trong và ngoài nước phải lặng đi. “Các nhà báo phỏng vấn tôi cứ làm tôi nhớ đến các cuộc hỏi cung hồi tôi ở Nhà lao Quy Nhơn trước đây (cười). Hai vợ chồng ông nhà báo thuộc Liên Xô hỏi rất nhiều, họ viết bài tên là “Người mẹ Nghĩa Bình” (tỉnh Nghĩa Bình cũ, gồm Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay), họ tặng báo cho tôi, rồi vài năm sau, năm 1984, họ còn tìm vào tận nhà ven đầm Thị Nại của tôi để thăm hỏi và tặng quà. Nghệ sỹ Trà Giang cũng gặp tôi tại hội nghị đó. Hôm ấy, người ta hỏi tôi, sao chưa đẻ bao giờ mà nuôi trẻ con giỏi thế, tôi bảo, tôi đọc sách, tôi đi học nữ hộ sinh. Hỏi, sao thương trẻ con nhiều thế, tôi bảo: tôi tự thấy thương, không ai biểu tôi phải thương hết. Tôi kể cho họ nghe, cái cảnh tôi đã sợ hãi, đã khóc lóc như thế nào, khi thấy Hoa (người mẹ đã hy sinh) nằm trên vũng máu mà bụng mang dạ chửa. Tôi bước xuống, thanh niên, phụ nữ, đại biểu nước ngoài cùng ôm lấy tôi, nhiều người khóc lắm”.Buổi gặp gỡ vỡ oà nước mắt đó, đã khiến các đạo diễn, diễn viên quyết định làm bộ phim “Huyền thoại về người mẹ”. Bà Hường trở thành nguyên mẫu nhân vật chính trong phim, bà dẫn đoàn đi quay ở khắp các địa điểm bà từng hoạt động, thu gom, nuôi giấu, quản lý các cháu nhỏ, như Đảo Yến, Đầm Thị Nại, Tịnh Xá Ngọc Nhơn… Hai toa xe lửa toàn thiết bị máy móc được chuyển từ Hà Nội vào, đoàn đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, quay suốt 6 tháng trời. Quay xong, cho “nguyên mẫu” (khi Trà Giang vào vai, nhân vật mẹ Hường có tên là Hương) xem, mẹ Hường chỉ góp ý: “Phim chưa khốc liệt bằng sự thật. Mẹ Hương trong phim chỉ nuôi có 4 đứa con, tôi nuôi hơn chục đứa, mà nuôi giữa việc nó đập phá nhà cửa, nó bắt tôi tù tội nữa chứ!”.Bà Hường (thứ 2, trái sang) và Trà Giang (bìa phải) chụp ảnh khi làm phim.Kể lại chuyện này, mẹ Hường cười hiền: những kỷ niệm với đoàn làm phim, khiến tôi không thể nào quên. Vừa rồi, nhân Festival Bình Định, NSND Trà Giang lại qua thăm người già đau ốm Nguyễn Thị Hường, nguyên mẫu nhân vật mà bà đã thủ vai, một vai diễn khá quan trọng trong sự nghiệp lừng danh của bà. Hai người phụ nữ luống tuổi tâm sự trong nước mắt vui. NSND Trà Giang còn vui hơn, khi được biết, bà Hường vẫn giữ nguyên tinh thần cách mạng quật cường từ hồi… năm 1945, kinh qua bao nhiêu bom đạn và chết chóc, để bây giờ cứ nặng lòng với những câu chuyện nhân ái ở đời. Bà Hường không đủ tiền thuốc men, đau ốm, nhưng vẫn làm “lãnh đạo quỹ khuyến học”, vận động các nhà hảo tâm giúp trẻ em khó khăn, tổ chức các đội xung kích hiếu học ở 6 tổ dân phố với 130 em.Trước khi tôi về, bà Hường thở hắt: “Tôi trăn trở lắm, giờ đây, xem tivi thấy nhiều trẻ em bỏ xứ đi về thành phố ăn xin lắm, chúng ta giờ có điều kiện thu gom, quản lý, nuôi dưỡng, dạy nghề cho các cháu hơn hồi tôi làm “Huyền thoại về người mẹ” nhiều, sao chúng ta không giải quyết triệt để? Tôi chăm sóc các cháu từ hồi trốn giặc chui nhủi, thế mà vài đứa về với cha mẹ “mất” thôi, chứ tôi cưới vợ gả chồng cho các cháu hết đấy nhé. Nhiều đứa làm “cán bộ nhà nước” ở khắp Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên đấy nhé” – bà Hường cười mãn nguyện và… trách móc.Bà Hường của hôm nay, vất vả lắm, tật bệnh lắm nhưng khí thế lắm. Bà vẫn luôn tham gia tích cực và đầy trăn trở về những câu chuyện “nóng” của xã hội, như: trẻ lang thang, ăn xin, lòng hiếu học…Đ.D.H

Nguồn: http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/show.dml/13096622


lalala Đội hình 2
  Bài viết: 337 Ngày tham gia: 10-04-2004, 18:07 Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 38 lần Blog: Xem blog (0)

bởi Restive Horse » 17-09-2010, 17:37

lalala đã viết:Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng

Bà Hường nhớ lại: các “con” tôi, toàn những đứa tận cùng khổ cực, bố mẹ mất sớm, đi lang thang đói khát, khi tôi đem về chăm sóc, các cháu rất ngoan. Chúng sớm có tinh thần yêu nước, 10 tuổi đã tham gia làm liên lạc, vận chuyển hàng hoá ra căn cứ của ta ngoài Đầm Thị Nại. Số “con” còn sống đến hôm nay, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đầu tên “thằng” Ý (theo cách gọi của bà), sau này đi thanh niên xung kích đã hy sinh; tiếp đến là các “cậu” Bùng (đã hy sinh), rồi đến Báu, Dừa; và các “cô bé” Liên, Kháng, Tần, Đính…. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người đã trưởng thành làm cán bộ rồi về hưu, sống ven đầm Thị Nại như “mẹ Hường” hôm nay. , giờ sống cùng khu vực với bà Hường.

Nguồn: http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/show.dml/13096622

Cảm ơn Lalala nhiều về bài viết của Đỗ Doãn Hoàng. Trong bài có nói về 2 nhân vật: Tên thằng “Ý” chính là ông Anh con bà Cô ruột thứ 2 và Cậu “Bùng” chính là Chú ruột của mình. Hồi đó nhà mình gần cầu chữ I, có một hầm bí mật nuôi quân cách mạng nhưng bị chỉ điểm nên bị đich phát hiện, đốt nhà và bắt Dượng rễ mình là Dương văn Lễ (tức Cha của nhân vật Ý ở trên). Người Cô mình là Nguyễn thị Lài, khóc lóc van xin nên bị địch đánh mấy bán súng rồi bị bắt luôn. Anh 2 “Ý” giống như một đứa trẻ mồ côi và may mắn được Cô Hường nuôi dưỡng.Mẹ Cậu “Bùng” chính là bà Nội mình, năm đó khi Bà Nội và Ba đi làm về tới bên này Cầy chữ I bây giờ, thấy địch chống xuồng qua sông và ập vô nhà mình, bà Nội lập tức trốn khỏi Qui Nhơn lên Đà Lạt ở nhà Ông 6 – em Nội. Ba mình thì phải trốn vào Nha Trang thay đổi tên họ nhằm tránh sự truy bắt của địch, nên chú “Bùng” lúc này may mắn gặp được Cô Hường nuôi dưỡng.

Sau này Anh “Ý”, Chú “Bùng” và Anh Chanh. (1 tổ 3 người).Năm 1968 đánh vào đài phát thanh Thị xã Qui Nhơn (nay là sở Tài Chính tỉnh) bị hy sinh mất xác cho đến năm 2002, được một người tìm mộ liệt sĩ tìm được ở gần Suối Tiên ngày nay. Cả 3 người được CA tỉnh làm lễ đưa hài cốt về nhập quan tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Qui Nhơn. Mấy năm trước Chú Đinh Bá Lộc còn khỏe, tết năm nào cũng ghé thăm gia đình và tặng tấm thiệp của CA tỉnh gởi tặng.

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU.
ĐẤT KHÔNG LÀNH ĐẤT NHẬU LUÔN CHIM.


Restive Horse Đội phó
  Bài viết: 1486 Ngày tham gia: 05-03-2008, 12:53 Đã cảm ơn: 156 lần Được cảm ơn: 96 lần Blog: Xem blog (4)

bởi truong vinh loc » 17-09-2010, 21:12

‘’Làm cách mạng từ khi tôi đã hiểu.Dấn thân vô là phải chịu tù đày.Là gươm kề cổ là súng kề tai.Là thân sống chỉ coi còn một nửa…’’( thơ ca cách mạng)Thôi bạn hỡi đừng có mà nói nữa.Bỡi có trồng cây thì được hái trái thôi.Đời lạ thay có nhiều kẻ chẳng trồng cây.Mà vẫn hái trái qua tháng này năm nọ.Huyền thoại thay người mẹ tên Hường.Là người cách mạng dũng cảm và bình dị.

Đâu bổng lộc nào bằng bác ái và tình thương!

Thật thà người với người:Tình cảm bền lâu .Thành thật với tình yêu:Tình yêu bền vững .Thành thật là hòa bình và hạnh phúc!

Xin đừng lừa dối dân tộc tôi!

truong vinh loc Đội phó
  Bài viết: 1520 Ngày tham gia: 11-07-2008, 22:04 Đã cảm ơn: 309 lần Được cảm ơn: 402 lần Blog: Xem blog (20)

Quay về Người Bình Định bốn phương

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 2 khách

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ