Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội có chương trình biểu diễn hát bá trạo, hát tuồng. Đây là lễ hội dân gian truyền thống thể hiện văn hóa tín ngưỡng của ngư dân miền biển Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung được tổ chức hàng năm cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa tôm cá.
![]() |
Các cụ già bắt đầu nghi thức lễ cầu ngư. Ảnh: B.Trung |
Ngoài biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ, nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là loại hình múa hát bả trạo thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới…
![]() |
Phần nghi lễ do các học sinh làng chài tham gia. Ảnh: N.Trần |
Đội bả trạo có khoảng 18 người, trang phục theo nghi lễ cổ và ba vị chỉ huy gồm Tổng mũi, Tổng khoan và Tổng lái. Mở đầu lễ hội là một đoạn múa chèo thuyền. Sau khi được lệnh của tổng lái, các tay chèo cùng nhảy bước một, từ một hàng thành hai hàng, rồi chuyển thành bốn hàng dọc. Tiếp đó là động tác qùy lạy và day mái chèo. Từ động tác này, ba vị chỉ huy hát theo các điệu tẩu mã, nói lối hoặc hát khách, hát nam. Các con trạo (bạn chèo) thỉnh thoảng phụ hoạ theo, hoặc lặp lại một đoạn của bài hát cổ.
Loại hát múa dân gian này được tổ chức theo tục lệ hằng năm, hoặc 2, 3 năm một lần nhân dịp Lễ Nghinh Ông hoặc trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông và trong các lễ hội cầu mùa, cầu ngư của ngư dân. Hát bả trạo còn gọi là hát chèo bả trạo, chèo cầu ngư, chèo cạn, hò rước Ông… Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ. Có thể nói hát bả trạo gắn liền với nghi lễ, bởi vì khi tham gia bả trạo tất cả mọi người, từ diễn viên đến khán giả đều cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng – từ lòng kính đối với Ông. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, vì vậy trong lễ Nghinh Ông hát bả trạo đóng một vai trò quan trọng thu hút nhiều người tham gia và là một phần của văn hoá dân gian, tuy mang tính nghi lễ nhưng vẫn cung cấp được tài liệu quý báu về phong tục, tập quán và nghệ thuật. Dần dần, loại hình này biến thành biến thành múa hát nghi lễ, áp dụng trong tang gia của các ngư dân, rồi lan ra quần chúng, gọi là hò đưa linh.
Đội gồm có : Tổng mũi (tổng thuyền), tổng khoang (tổng trung) và tổng lái (tổng hậu) và khoảng từ 10 đến 16 thành viên gọi là con trạo (tay chèo), số lượng con trạo bao giờ cũng là số chẵn. Đội có trang phục riêng, tổng mũi, tổng khoang, tổng lái mặc lễ phục cổ truyền : áo dài đen, quần trắng (có nơi mặc trang phục rực rõ như hát tuồng). Con trạo mặc áo trắng, quần trắng có quần xà cạp, đầu chít khăn, lưng bụng thắt vải đỏ, đi chân đất, tay cầm mái chèo dài 1,2m sơn đen, trắng. Dàn nhạc cụ có đàn cò, trống, kèn, sênh. Nghệ thuật trình diễn của hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của các tổng mũi, tổng khoang, tổng lái cùng con trạo dưới sự điều khiển thống nhất của tổng mũi. Đội múa nghiên mình giống tư thế người đang chèo thuyền, vừa hát vừa múa mái chèo. Động tác cách diệu đôi chân di chuyển trên mặt đất như thuyền đang lướt sóng, theo hiệu lệnh họ nghiên về phía trước, phía sau nhịp nhàng, đội di chuyển thành vòng tròn, hàng dọc, hàng ngang … Hát bả trạo có “xướng” và “xô”, 3 tổng thì xướng theo điệu hò, nói lối, hát nam, hát khách, tấu mã … còn các tay chèo thỉnh thỏang “xô” theo hiệu lặp lại một đoạn của vai Tổng.
Toàn bộ tiết mục hát bả trạo diễn ra như một hoạt cảnh gồm 8 đoạn : Tụ quân – Đưa linh – Ra khơi – Đánh bắt cá – Nghỉ ngơi – Bão tố – Chống bão tố và an bình. Nội dung ý nghĩa trong các lời hát của vai Tổng là nhắc đến công đức của cá Ông, tỏ lòng tôn kính công lao tiền hiền, ca ngợi cuộc sống lao động bình dị chân chất của ngư dân, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp của đất nước và cầu mong cho vụ mùa bội thu, tránh được bão tố đem lại cuộc sống no đủ hạnh phúc.
St