Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, ngày mùng 2 Tết, người dân sống quanh đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ (Bình Định) lại náo nức chuẩn bị cho hội đua thuyền – một môn thể thao đặc trưng không thể thiếu trong văn hóa vùng này.
Khác với lần đua trước, hội đua thuyền năm nay tại Bình Định được tổ chức liên kết với lễ hội Chiến thắng Đèo Nhong – Dương liễu vào ngày mùng 5 Tết, nên việc đầu tư tham dự của các địa phương cũng khá công phu. Từ khâu chọn thuyền, đến tuyển chọn vận động viên cũng khắt khe và chu đáo hơn.
Tuy nhiên, một điều đặc biệt mà chỉ có các hội đua thuyền ở huyện Phù Mỹ mới có, đó là nhiều gia đình mà cả hai vợ chồng đều tình nguyện tham gia. Hội đua thuyền đầu xuân ở Phù Mỹ hàng năm đã thu hút hàng vạn du khách thập phương đến xem và cổ vũ. Đây thật sự là nét văn hóa từ bao đời nay của địa phương. Người dân ở đây còn tin tưởng rằng, nếu địa phương nào đoạt chức vô địch thì trong năm người dân ở đó làm ăn khá giả và gặp nhiều may mắn.
![]() |
Tăng tốc để chuẩn bị về đích ở hội đua thuyền ngày xuân trên đầm Trà Ổ, Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh:
Hằng Nga. |
Theo các bậc cao niên, hội đua thuyền đầu ngày xuân trên đầm Trà Ổ có cách đây hàng trăm năm. Cứ mỗi độ Đông sắp tàn, người dân ở các xã sống quanh đầm phân công nhau đi khắp nơi tìm mua các vật tư về đóng thuyền đua (còn gọi là ghe).
Thuyền đua là loại thuyền đặc biệt, không giống thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế tối đa lực cản của nước. Thân được làm bằng tol nhẹ (còn được gọi là ống đèn), vành ghe chọn loại gỗ tốt, bền.
Những năm trước đây, khi nghề đóng thuyền đua chưa được phổ biến rộng rãi, dân một số xã như Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Lợi phải sang tận xã Mỹ Thắng để thuê thợ đóng.
Nghề đóng thuyền đua cũng lắm công phu. Khi tôn mua về còn cong, người thợ uốn và dát làm sao cho tole thẳng ra, sau đó ghép nối từng mảnh lại thành một chiếc ghe rồi đóng các chốt. Điều quan trọng nhất là việc ráp vành gỗ, đà và then vào ghe làm sao cho đồng bộ. Khi bơi, nước chạy đều khắp ghe tránh dồn lại một chỗ làm thuyền chạy chậm, sau đó dùng dầu bóng đánh đều lên khắp thân để nước khỏi thấm vào vành.
Khi thuyền làm xong được để nơi đình, miếu hoặc nơi trang trọng, đến ngày tập luyện hay thi đấu mới hạ thủy. Khi đưa thuyền xuống nước phải có nam giới dẫn đường, và kiêng không để phụ nữ đi ngang qua.
Để đóng được một chiếc thuyền đua, chi phí hết ít nhất khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Trước đây, khi đời sống còn khó khăn, các địa phương phân công người đi quyên góp tiền của người dân trong thôn để đóng thuyền. Ngày nay, cuộc sống khá hơn, nhất là những người dân địa phương đi làm ăn xa thành đạt cứ khoảng đầu tháng Chạp là gửi tiền về ủng hộ để đóng thuyền, mua đồng phục thể thao và bồi dưỡng vận động viên luyện tập. Chi phí đóng mỗi chiếc ghe lên đến hàng chục triệu đồng.
![]() |
Kiểm tra con thuyền mới đóng xong để chuẩn bị hạ thủy. Ảnh:
Hằng Nga |
Như đã thành thông lệ, hội đua thuyền bắt đầu từ xóm thôn, được tổ chức vào ngày mùng 2 Tết. Trước khi bước vào đua chính thức, hàng ngày cứ vào mỗi buổi chiều, khi nghe tiếng trống chầu vang lên thì các tay chèo khẩn trương tập trung đến nơi quy định để luyện tập cho đồng bộ và tăng thêm sức dẻo dai. Hội đua thuyền ở thôn, xã được xem là vòng loại để chọn ra 2 đội (nam, nữ) đạt giải nhất đại diện cho xã đi tranh tài cấp huyện. Tuy là vòng loại nhưng tính chất cũng cuộc đua cũng quyết liệt và không kém phần hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân địa phương đến xem và cổ vũ.
Mỗi xã có 8 đội tham gia, gồm 4 đội nam và 4 đội nữ. Nội dung đua thuyền nam, cự ly “5 vòng 10 dạo”, tương đương 1 km, nội dung đua thuyền nữ “4 vòng 8 dạo”, tương đương 800 mét. Các tay chèo được chọn ra từ những thanh niên có sức khỏe tốt, hàng ngày sống bằng nghề đánh bắt trên đầm, có kinh nghiệm sông nước và nhất là có “máu” đua thuyền. Mỗi thuyền đua có 12 vận động viên gồm: 10 tay chèo, 1 lái nhịp và 1 tổng lái.
Bước vào cuộc đua, khi có tín hiệu xuất phát, các thuyền lập tức lao lên. Tiếng trống giục liên hồi, tiếng reo hò vang dậy của người xem, những chiếc nón huơ lên cao cổ vũ, tạo nên một không khí tưng bừng náo nức. Sự thắng bại trong cuộc đua tùy thuộc ở toàn đội, ở sự khoẻ mạnh, dẻo dai của các thành viên trong đội; nhưng ở đây không thể không kể đến vai trò của người lái nhịp và tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền, giữ một trọng trách lớn, là phải dùng then (thanh tre) đánh nhịp rõ to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp.
Nhiệm vụ của người đạp then nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhịp đánh quá nhanh có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến bơi chuệch choạc. Một khi nhịp đã vừa mà có thuyền viên không theo đúng nhịp, gây lực cản thì phải kịp thời phát hiện để thay bằng vị trí khác.
Tổng lái là người ngồi ở cuối thuyền quan sát đều khắp, đồng thời đảm đương nhiệm vụ lái thuyền nhắm thẳng đến cột tiêu, đồng thời phải lượn tránh sóng. Đến giáp cọc tiêu rồi phải bẻ lái thế nào đó để không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp thuyền dễ bị chòng chành và nhọc công sức của thuyền viên.
Khi vòng loại ở cơ sở kết thúc, mỗi xã đã chọn được 2 đội nhất (nam và nữ) để tranh tài cấp huyện, các địa phương lại chuẩn bị cho cuộc chinh phục đỉnh cao hơn.
Hằng Nga