BinhDinhFFC

Bên bờ sông Hà Thanh thuộc thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định có một ngôi chợ tồn tại hàng trăm năm nay. Chợ được mang tên: chợ Gò.

Phiên chợ được nhóm vào ngày mùng Một Tết âm lịch, chỉ một ngày duy nhất trong năm. Người ta đến với chợ không chỉ mua bán đơn thuần mà cái chính là chơi xuân, gặp gỡ bạn bè…

Từ việc “mua vui” cho lính

Ông Bảy Lân, nhà ở cạnh chợ, đã gần “tám mươi lần đi chơi chợ Gò”, cho hay: “Tôi lớn lên đã thấy chợ Gò rồi. Tôi có hỏi cha tôi về cái chợ kỳ lạ này, ông chỉ nói một câu gọn lọn: chợ của quân Tây Sơn đấy”.

Tương truyền, dưới thời Cảnh Thịnh, năm 1799, quân Nguyễn Ánh tấn công Quy Nhơn, đe dọa trực tiếp đến thành Hoàng Đế – nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng Vương. Mùa xuân năm Canh Thìn (1800), hai dũng tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh rời Phú Xuân mang ba vạn quân vào Quy Nhơn nghênh chiến. Sông Hà Thanh, đoạn gần Trường Úc dẫn ra đầm Thị Nại để tiếp cận Quy Nhơn được các tướng lĩnh Tây Sơn chọn là nơi đặt tổng hành dinh.

Một góc chợ Gò

Bên núi, bên sông, quãng giữa lại xuất hiện một gò đất khá rộng và bằng phẳng. Chiến đấu liên miên rồi cũng có lúc phải “xả hơi”, ba vạn quân Tây Sơn phần lớn là người Đàng Ngoài, Tết đến lại càng nhớ nhà. Để khích lệ tinh thần quân sĩ, vị dũng tướng đã nghĩ ra cách bày trò vui.

Gò đất bên cạnh sông Trường Úc được chọn làm nơi vui chơi của quân sĩ. Người dân quanh vùng thấy thế bèn “góp vui” với đủ các trò chơi dân gian khác. Bình Định là đất võ, đất tuồng, đất bài chòi, các món “ruột” này cũng đủ làm vui lòng quân sĩ ba ngày Tết, quên đi nỗi nhớ nhà.

Nếu chỉ bày trò cho lính vui xuân như thế, khi lính đi rồi thì chợ cũng sẽ giải tán luôn. Tuy nhiên, chợ Gò không những không “giải tán” sau trận thư hùng trên đầm Thị Nại, mà người dân trong vùng còn tiếp tục lưu giữ nó cho đến hôm nay. Người ta bảo đó là cách tưởng vọng của người dân đối với nhà Tây Sơn.

Đến “sân chơi” của một vùng quê

Ông Bảy Lân chỉ về phía khoảng đất trống được dùng làm sân bóng ngay trước nhà mình, nói: “Chợ Gò đấy. Coi bộ buồn thiu vậy chớ đến mùng Một Tết, chen chân không lọt đâu. Dân đi chơi Tết chợ Gò không chỉ là người Tuy Phước mà tận dưới Quy Nhơn cũng lên, tận trên An Nhơn, Phù Cát cũng xuống. Đi gặp bạn gặp bè đấy mà”.

Như một quy ước đã thành thông lệ, chợ Gò là nơi gặp gỡ của những người bạn quanh năm bận rộn với ruộng đồng không đi thăm nhau được. Đây là dịp để họ gặp nhau, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn và lai rai với nhau dăm gói nem chợ Huyện cùng vài ly Bàu Đá – loại danh tửu đang bày bán la liệt dọc đường cái quan thuộc địa phận Bình Định hiện nay.

Đánh cờ người-một trò chơi trong hội chợ Gò

Đàn ông thì thế, còn đàn bà cắp chiếc thúng, bỏ dăm bảy lá trầu, mươi quả cau hoặc đem ít con vật được làm bằng đất sét ra chợ để bán lấy hên. Vài năm nay, các mặt hàng trong chợ đã phong phú hơn với đủ các chủng loại như một “siêu thị” nho nhỏ. Cả người bán lẫn kẻ mua đều không mặc cả trả treo gì. Ai cũng quan niệm rằng mình đi bán để lấy hên và đi mua cái may đầu năm.

Phần mua – bán là thế, phần “hội” mới là chính. Hàng loạt trò chơi dân gian quy tụ nhiều “tài tử văn nhân” khắp vùng về đây thi thố. Hát bội, hát bài chòi, đi cà kheo, đánh cờ người là những tiết mục được trình diễn trong chợ.

Đặc sắc nhất vẫn là đi quyền, múa võ. Suốt mấy trăm năm tồn tại, chợ Gò chỉ vắng khách trong 9 năm chống Pháp vì sợ máy bay oanh kích, còn năm nào cũng đông vui. Những năm gần đây, ngành văn hóa thông tin đã đưa chợ Gò vào danh mục “vui chơi ngày Tết”, vì vậy các trò chơi dân gian và cảnh bán mua cũng xôm tụ và bài bản hơn.

Mùa hè năm 2008, tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn lần đầu tiên, song đáng tiếc địa chỉ văn hóa “chợ Gò” không được tô đậm trong lễ hội gắn với tên tuổi người anh hùng áo vải. Dù vậy, trong tâm thức của người dân Bình Định, chợ Gò là địa chỉ không thể thiếu trong cuộc hành trình du xuân mỗi dịp Tết đến.

Trần Đăng

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ