BinhDinhFFC • View topic – HÀN MẶC TỬ – HƯƠNG THƠM VÀ MẬT ĐẮNG (Toàn tập)

Mộng CầmMộng Cầm, bí danh của người yêu Hàn Mặc Tử, đi lầy chồng sau khi nhà thơ mắc bệnh phong – nỗi đau đớn bất tuyệt và niềm nhớ nhung đầy ám ảnh của đời Hàn. Cùng căn bệnh nan y, mối tình dang dở này là nhân tố vô cùng quan trọng khiến Hàn viết nên những vần thơ máu lệ tuyệt bút.Trong tạp chí Văn (Sài Gòn) số 179, về Hàn Mặc Tử, ra ngày 1-6-1971 có đăng bài của ông Châu Hải Kỳ phỏng vấn Mộng Cầm về quan hệ giữa bà và nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hình ảnh Mộng Cầm ở tuổi xế chiều được ghi lại qua ông Châu: “Bà khuôn mặt đầy đặn, nước da dù đã trắng trẻo, mịn màng cũng được trang điểm qua loa một làn phấn lợt thêm hồng đôi má bên cặp môi cùng một màu hồng. Nếu không để ý đến cái thân thể cũng như cử chỉ, dáng điệu trang trọng xứng hợp với một nữ trung niên khuê các, mà chỉ nhận diện bằng “khuôn mặt nép bên hoa” thôi, thì mặc dù bà đã bốn mươi có lẽ, trông bà hãy còn đẹp đẽ, duyên dáng như một cô gái vừa quá tuổi trăng tròn.

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Câu thơ Thôi Hiêu tự dưng đến. Tôi thầm nói trong não: Khuôn mặt ấy, bảo xưa kia Hàn Mặc Tử không cảm sao được”.

Về sự gặp gỡ và giao tiếp giữa nhà thơ Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm, chúng tôi xin trích lời Mộng Cầm trả lời phỏng vấn của Châu Hải Kỳ, gọi là có tiếng nói của của người trong cuộc.

Từ những chuyến đò Mũi Né đến lầu ông hoàng

Lời Mộng Cầm: Năm ấy tôi 17 tuổi, học lớp nhất trường Nam Phan Thiết. Tuy mới học lớp nhất, nhưng tôi rất ham văn chương. Đêm đêm tôi thường đến học thêm Việt ngữ với cậu Bích Khê tôi. Cậu có mở một lớp đêm cho những ai muốn học thêm và có chỉ dẩn làm thơ văn. Những bài thơ tôi làm ra toàn thơ Đường luật, tôi đăng báo Công luận trong Nam. Một hôm đến trường, tôi tiếp một bức thư do nhà dây thép đưa lại. Đó là bức thư đầu tiên của H.M.T gửi cho tôi. Trong thư, H.M.T tỏ ý cốt tìm cho biết để giao thiệp trau luyện văn thơ. Tôi có gặp trên báo tên Hàn Mặc Tử một đôi lần, nhưng không biết H.M.T là ai, và cũng không biết, bằng cách nào, H.M.T biết được địa chỉ của tôi. Vì lúc này, theo như trong bức thư gửi cho tôi, H.M.T đang làm ở sở Đạc điền ở Quy Nhơn.Tôi bận học thi Tiểu học, cho nên một tháng sau tôi mới trả lời. Bắt đầu từ đó, chúng tôi thường có thư đi lại với nhau, nhưng cũng nói toàn chuyện văn thơ…Chúng tôi giao thiệp như thế được chừng năm, sáu tháng thì tôi phải về Quãng Ngãi. Cuộc giao thiệp gián đoạn. Về Quảng Ngãi, tôi gặp một người bạn học cũ mới hay chính bạn tôi quen với H.M.T, đã giới thiệu tôi với Hàn và cho Hàn địa chỉ. Chị cũng cho biết H.M.T vừa thôi làm sở Đạc Điền, vào Sài Gòn viết giúp các báo Sài Gòn mới và Phụ nữ tân văn.Ở Quảng Ngãi mấy tháng, tôi vào Phan Thiết. Tôi ra Mũi Né ở học “cô đỡ” với cậu tôi là ông L.Q.T (anh lớn của Bích Khê).Tình cờ, đọc Sài Gòn mới, cậu tôi thấy H.M.T nhắn trong mục thư tín: chị Mộng Cầm ở đâu cho biết địa chỉ…” Ông mới hỏi tôi: “Hàn Mặc Tử là ai mà cứ nhắn hỏi cháu hoài, sao cháu không trả lời?”.

Tôi kể câu chuyện quen biết trong mục trau luyện văn chương cho cậu tôi nghe. Cậu tôi cho phép, tôi viết thư cho Hàn Mặc Tử. Thư từ đi lại mật thiết trong mấy tháng. Thì một chiếu thứ bảy nọ, vào khoảng tháng tư tháng năm, Hàn Mặc Tử ra Phan Thiết. Anh mướn đò đi Mũi Né tìm đến bệnh xá. Tôi đang làm thuốc cho bệnh nhân, ông phu vào đưa vào cho tôi một tấm danh thiếp trên có đề mấy hàng

Hàn Mặc Tử
Chef Cercle d’ EtudeQuy Nhơn.Tấm danh thiếp này tôi giữ mãi làm vật kỷ niệm bất ly thân cho đến lúc mấy tháng gần đây, vì đứa em họ tôi nó xin khẩn thiết quá, tôi mới cho nó. Hiện nó giữ bo bo và ai xin nó cũng không đưa, chỉ sợ mất.Tôi đi ra thì thấy một chàng thanh niên mặc âu phục xoàng xĩnh đang đứng ở cửa bệnh xá.Sau khi chào hỏi, tôi mời vào nhà, giới thiệu với cậu T. Cậu để cho chúng tôi tiếp chuyện tự nhiên. Kể ra, vào thời đại nam nữ cách biệt mà được như vậy cũng đã tự do lắm. Hàn Mặc Tử xin cậu tôi, sẵn có đò, cho phép tôi đi Phan Thiết chơi, luôn tiện nhờ tôi giới thiệu với Bích Khê mà anh hằng ao ước tìm gặp. Cậu tôi bằng lòng. Và tối hôm đó, chúng tôi xuôi đò về Phan Thiết.Gặp hôm có trăng, nhưng chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm sông nước mà ngồi trong khoang để nói chuyện. Hàn Mặc Tử không đẹp, nhưng nhỏ nhẹ, dễ thương. Hồi này anh mới 24 tuổi, song trông người anh yểu tướng, tôi in trí thế nào anh cũng không thọ. Nhờ ngọn đèn sáng dưới đó, tôi đã ngờ ngay từ hôm đó là anh có bịnh phung, hai trái tai anh hơi đỏ đỏ mà dày dày. Vì có học ở nhà thương nên tôi biết triệu chứng, tuy vậy, tôi chưa dám chắc. Đến sau này, tôi gặp anh Nguyễn Thông, bạn học cũ của tôi, cũng làm sở Đạc điền với Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn cho biết: “Chị có biết Hàn Mặc Tử bị phung không?” (thời kỳ còn nhẹ). Tôi mới chắc chắn.Đoán biết Hàn Mặc Tử bị phung, song tôi không nói ra. Tôi vẫn một lòng kính trọng anh. Đò đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy tại đây. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều lại, anh đáp chuyến tàu suốt trở vê Sài Gòn.Sau ngày ấy, cậu Bích Khê bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức. Vì lẽ đó mà Hàn Mặc Tử ra vào thường, thứ bảy nào anh cũng có mặt tại Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào. Một dịp thứ bảy đi chơi Lầu ông Hoàng, anh thổ lộ mối tính của tôi. Tôi trả lời anh: “Chắc rằng không thể đến chỗ làm bạn trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”.Anh hỏi lý do.

Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được. Ý tôi muốn được một người chồng đẹp đẽ, tráng kiện… Tuy vậy, chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều bức thư anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi luôn luôn ngụy biện để từ chối. “Em nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu”.

Đến đây, ông Châu Hải Kỳ xin lỗi ngắt lời bà:- Tôi xin hỏi thật bà: bà không muốn đến hôn nhân, nhưng đối với Hàn Mặc Tử có lúc nào bà cảm thấy yêu không? Và trong những cuộc giao du thân mật đã có lần nào thi sĩ tỏ thái độ suồng sả với bà chưa?- Chúng tôi rất mến nhau. Nhưng đó là mối tình văn thơ. Còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng. Vả lại, lúc bấy giờ, tôi tuy đã lớn tuổi, nhưng còn khờ lắm…

Người đi một nửa hồn tôi mất…

Mắc bệnh phong gần một năm thì Hàn Mặc Tử được tin Mộng Cầm sang ngang.Mặc dù từ khi biết mình mang căn bệnh quái ác, Hàn tuyệt giao với bạn bè và cả Mộng Cầm. Mặc dù trong thâm tâm, chàng biết việc nàng lấy chồng là hợp lý và tất nhiên. Mặc dù chàng hiểu hơn ai hết rằng không thể gắn đời mình với đời nàng một khi mình đã thân tàn ma dại. Mặc dù… Song, mặc dù thế nào, cái tin phủ phàng kia vẫn chụp xuống đời chàng như cơn bão, bứng trốc gốc niềm an ủi lớn lao của tâm hồn. Hàn Mặc Tử đã chết lịm đi trong cảm giác mất mát sững sờ. Họ đã xa rồi khôn níu lại Lòng thương chưa đã mến chưa bưa Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

(Những giọt lệ)Thế là Mộng Cầm đã phụ tình chàng. Như một nữ hoàng lạnh lùng, nàng đã từ bỏ ngôi báu trong lòng Hàn để tìm một vương quốc khác. Trong rất nhiều bài thơ của tập Đau thương. Hàn Mặc Tử rên rỉ xót xa vì nỗi đau tình phụ. Chàng giận người yêu không chung thủy, lời thơ không nén được dằn dỗi: Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý Em có chồng mà đành đoạn chia đôi Xưa thứ gì dính dáng ở đầu môi

Nay trả lại để tôi làm dấu tích

(Dấu tích)Càng giận lại càng thương. Nhà thơ thất tình lạc vào miền nhớ thương sầu thảm không có lối ra. Có khi chàng gọi cả tên thật của Mộng Cầm để trách than kể lể:

Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi

(Muôn năm sầu thảm)Nghe sao thê thiết và bi lụy quá! Song hoàn cảnh bi đát của nhà thơ đã quy định điều ấy; Thể xác bị đày đọa vì bệnh tật, tinh thần quay quắt trong cô đơn. Có thể nói rằng nhà thơ đắm chìm trong quá khứ và mộng tưởng để tạm quên thực tại buồn đau. Mỗi lúc như thế, tự nhiên những kỷ niệm thơ mộng của mối tình thắm thiết hiện về đốt cháy cõi lòng. Nhớ lắm lúc như si như dại Nhớ làm sao bải hoải tay chân Nhớ hàm răng nhớ hàm răng

Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều

(Muôn năm sầu thảm)Biết bao đêm, trong cơn say lúy túy Hàn mong ước người xưa trở về. Niềm khao khát ấy càng mãnh liệt thì sự trống vắng càng thênh thang khi nhà thơ sực tỉnh: Đêm nay lại giống đêm nào Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan Say thôi lại muốn Nàng nâng đỡ

Nhưng nàng xa từ thuở vu qui

Người mình yêu đã là vợ kẻ khác. Sự thực tàn nhẫn bủa vây nhà thơ. Nỗi đau tình phụ lên tới cực điểm, cộng với cảnh sống thiếu thốn và bế tắc vì bệnh tật vô phương cứu chữa, chừng ấy điều đủ cho Hàn Mặc Tử hình dung sự săn đuổi của số phận gấp gáp sau lưng, thậm chí bàn chân của nó đang dẫm nghiền lên trái tim tan nát của chàng. Nhà thơ đau đớn kêu lên: Trời hỡi! Làm sao cho khỏi đói Gió trăng có sẵn làm sao ăn? Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?

(Lang thang)Tiếng kêu xé rách không gian, nỗi đau phơi bày chật chội cả vũ trụ, có lẽ Hàn là kẻ cùng cực nhất thiên hạ về cả vật chất, thể xác lẫn tinh thần. Chàng giàu hơn thiên hạ chỉ ở nỗi đau và những vần thơ trung thực với lòng mình. Hàn Mặc Tử thật có lý khi tự coi mình là một tiên hành khất: Lãng tử ơi! Mi là tiên hành khất May không chết lạnh trước lầu mỹ nhân Lãng tử ơi mi là tiên hành khất

May không hộc máu chết rồi còn đâu!

(Lang thang)

Đã hành khất, mà thuộc hàng tiên; tức là hành khất thứ thiệt, hành khất “đắc đạo”. Đùa đấy mà đau đấy! Một bản lĩnh đang cười trên nỗi bất hạnh của chính mình, cái cười nghẹn ngào nước mắt.

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ