BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định

Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa

bởi redshark » 08-05-2009, 15:21

Bún song thằng An TháiSong thần là tên gọi xuất phát từ “song thằng” có nghĩa là dây bún đôi, thường kéo ra một lần hai sợi, lâu ngày đọc trại thành “song thần”. Riêng loại bún duỗi hình số 8 cũng là loại bún song thần nhưng đã biến thể chỉ còn có một sợi mà thôi.Người Bình Định có câu: Nón ngựa Gò Găng Bún song thần An Thái Lụa đậu tư Nhơn Ngãi

Xoài tượng chín Hưng Long

Những ai về thăm Bình Định, quê hương của bún song thần mà không nhớ mua một ít đem về làm quà cho người thân thì là điều thiếu sót vô cùng. Những tấm bún vuông vức hay cuộn lại thành hình số tám gói lại cẩn thận được bày bán lẫn lộn với loại bún thường làm bằng bột mỳ tại các phố chợ.Bún song thần đem về nấu canh với tôm, cua hay thịt nạc thì ngon tuyệt. Nước canh ngọt và bổ. Tuy nhiên, nấu canh thì nên dùng loại bún duỗi có dạng hình số 8 ngon hơn vì sợ nó thẳng và rời. Bún song thần đem xào thịt càng thơm ngon, và nếu phải để lâu, sợi bún vẫn dai và dời, chẳng hề đóng cục như loại bún thường.Theo khẩu truyền bún này có từ thế kỷ 18, nghĩa là lúc người Hoa đến thị trấn An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định sinh cơ lập nghiệp và phát triển nghề làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Dưới thời phong kiến, các quan địa phương lai kinh đều mang theo bún song thần là đặc sản của Bình Định về triều để tiến vua ngự thiện. Vì sản xuất có hạn, nên nó quý và hiếm. Trong thời kỳ chiến tranh, bún song thần An Thái có mai một đi một thời gian dài nhưng ngày nay đã phục hồi trở lại.Bún song thần làm bằng bột đậu xanh, đậu trắng hay đậu đen, nhưng làm bằng bột đậu xanh là có giá trị hơn cả.Đậu đem phơi nắng cho thật khô rồi ngâm nước lạnh cho nở đều mới xay. Việc xay bột là cả một nghệ thuật. Lúc xay phải tốn rất nhiều nước để cho bột lắng qua nhiều đợt, vì vậy phải dùng đến nước sông mới xuể. Trên các bãi cát ven sông Côn, những trại xay bột mọc lên khắp nơi. Nước dùng để lắng bột phải là loại nước trong và mát. Nhiều người thường bảo, chỉ có dùng nước sông Côn mới xay được bột tốt, nhất là nước lấy ở đoạn sông chảy qua thị trấn An Thái. Có lẽ đoạn sông này, lòng sông toàn cát sạch không lẫn bùn dơ chăng? Chẳng thế mà ở đây có câu ca:Nước trong thời bột mới trong Đậu xanh vẫn đục tại lòng anh đen!Những cối xay bột làm việc liên tục suốt cả đêm vì ban đêm nước sông mát mẻ, bột không bị sình.Bột xay xong, được lọc qua nhiều lần và phân thành loại bột nhất, bột nhì. Tinh bột được mang đi phơi thật khô trước khi đem làm bún. Thông thường 1,2 kg bột đậu sẽ làm được 1kg bún. Bún có hai loại: bún tạ hình vuông, mỗi bề dài độ ba tấc tây và sợi bún được kéo đôi, còn bún duỗi chỉ kéo ra sợi chiều dài đến vài chục mét cuốn lại thành hình số 8.Để làm bún, trước tiên người thợ nhào bột cho đều với nước lạnh. Cái khó là nhào bột thế nào cho vừa, không khô mà cũng không nhão quá. Xong, người ta cho bột vào một cái rá thiếc có đục thủng nhiều lỗ nhỏ li ti, vừa nặn bột, vừa rê đều trên mặt chảo nước sôi. Đợi cho bún chín mới dùng chiếc rá nhẵn vớt bún ra bỏ vào một chảo gang khá chứa nước lạnh cho bún nguội dần và nở đều. Bây giờ mới đem bún rải lên tấm vỉ tre có chiều dài từ ba đến bốn mét và rộng độ năm tấc tây đem đi phơi nắng cho khô. Đặc biệt sợi bún không bao giờ dính tay hay dính vào tấm vỉ như loại bún thường. Khi bún đã khô không nên gỡ liền mà phải đợi qua đêm để cho bún dịu rồi mới lấy ra xếp thành từng kiện; riêng loại bún duỗi thì đem xếp lại thàng từng bó.Ngày nay, bún song thần An Thái được chở đi bán khắp nơi trong nước.

Bánh hỏi: Được làm từ bột gạo, là món ăn đặc thù của Bình Định. Bánh hỏi thường được ăn kèm với thịt heo, bánh tráng và các loại rau thơm, nước mắm, tạo thành món ăn mang đầy đủ hương vị chua, cay, ngọt, béo, thơm ngon vô cùng đặc trưng, hấp dẫn.

Rượu Bàu Đá: Là loại rượu nổi tiếng của Bình Định, được chưng cất ở vùng An Nhơn, hương vị thơm ngon đặc thù, sánh ngang với nhiều loại rượu nổi tiếng trong cả nước như rượu làng Vân ở miền Bắc, rượu Gò Đen ở miền Nam…

Thủy, hải đặc sản – Chình: Có nhiều loại chình như chình mun và chình bông, thịt ngon và bổ. Đặc biệt là loại chình mun ở đầm Châu Trúc – Huyện Phù Mỹ nổi tiếng thơm, ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao.

Các loại tôm, cua, mực, cá: Như tôm ùm, tôm sú, cua huỳnh đế, mực ống, cá chua, cá ngừ đại dương… được chế biến thành những món ăn hấp dẫn có giá trị dinh dưỡng cao phù hợp với khẩu vị mọi người.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113

Sửa lần cuối bởi redshark vào ngày 08-05-2009, 15:25 với 1 lần sửa trong tổng số.


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:22

Bánh ít lá gai

“Muốn ăn bánh ít lá gai,
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi..”

Nguyên liệu làm bánh ít lá gai lại rất dễ tìm ở vùng quê Bình Định. Hái một ít lá gai – loại cây được trồng thành rào hoặc từng khóm cạnh bờ ao – luộc chín, giã nhuyễn, cho thêm bột nếp tươi đã vắt ráo nước và đường cát vào giã, trộn đều là xong phần bột bánh. Phần nhân, ngoài đậu xanh và đường phải có dừa khô nạo cơm mới đúng “gu”. Đường đem thắng cho mất mùi, cho đậu xanh đãi vỏ, luộc chín và cơm dừa nạo vào xào đến khi vừa khô, vo viên được là vừa. Nhớ cho thêm nước muối và gừng để nhân có thêm mùi thơm và ngọt dịu. Ngắt cục bột lá gai cỡ bằng quả trứng gà đè bẹp trong lòng bàn tay, đặt viên nhân đã vo tròn cỡ bằng quả trứng cút vào giữa, bọc lại, vê tròn, xong đem hấp hơi cho bánh chín. Thế là xong phần chế biến, bây giờ chỉ còn làm đẹp cho bánh nữa thôi. Lá chuối non đã hong qua nắng hay hơ qua lửa cho bớt dòn, cắt thành từng miếng tròn đường kính cỡ gang tay. Xấp hai miếng thành một, cuộn thành hình phễu, cho viên bánh đã được thoa qua lớp dầu phụng chín vào giữa. Xếp lá thành một hình chóp nhọn sao cho các cạnh vuông vắn, cân đối y như một kim tự tháp vậy. Sau đó đem hấp sơ qua cho các nếp gấp “chết ” hẳn khỏi bung, đừng hấp lâu là mất màu xanh mà lại mềm nhũn không đẹp. Vậy là chiếc bánh ít lá gai, đặc sản của Bình Định đã hoàn thành. Cầm chiếc “kim tự tháp” xanh tươi, bóc lớp lá, cắn một miếng, ngậm mà nghe chút đắng dịu dàng của lá, chút dẻo của nếp, chút bùi của đậu, chút ngọt của đường, chút béo của dừa hoà với mùi lá gai thơm lừng.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113

Sửa lần cuối bởi redshark vào ngày 08-05-2009, 15:24 với 2 lần sửa trong tổng số.


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:24

Nem chợ Huyện

Nhiều nơi có nem, nhưng theo tôi ngon nhất vẫn là NEM CHỢ HUYỆN (Phước Lộc – Tuy Phước – Bình Định). Đến một trong những quán nem của nhà họ Trần ở Phước Lộc, không cần nói gì cô hàng đã dọn lên vài chục nem chua gói bằng lá chuối, cột bằng dây chuối vuông vức xâu từng chục một. Lột bỏ hai cuộn lá chuối bên ngoài, rồi đến lớp lá ổi bên trong, ruột nem hồng hồng hiện ra xinh xắn đã thấy nước miếng tứa ra chân răng. Cầm chiếc nem chấm vào chén xì dầu, cắn một miếng cùng một tép tỏi tận hưởng cái cảm giác giòn giòn, vừa thơm, vừa nồng. Ai thích cay thì cắn thêm lát ớt, càng thêm nồng nàn. Nem Chợ Huyện không chỉ được ưa thích đối với người dân Bình Định mà còn là món khoái khẩu của dân tứ xứ, thậm chí còn “vượt biên” đến Tây, Tàu nữa. Một chủ quán ở Phước Long cho chúng tôi biết mấy cái Tết vừa qua Việt kiều về thăm quê đặt làm hàng ngàn chiếc mạng đi. Nem chua để sẵn, khách đến mang ra lột nhấm nháp thật không gì tiện và thú vị bằng.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:28

Cái ăn Bình Định qua những câu ca xưa Sống trong phong cảnh sơn thủy hữu tình, sông chảy, núi cao, biển dào dạt sóng vỗ, con người Bình Định chẳng dám sánh với người Kinh Đô thanh lịch “ăn Bắc, mặc Kinh”. Nhưng với vốn đặc sản của riêng mình cũng đủ cho người dân ở đây tự hào.Người Bình Định có biệt tài làm bánh ít lá gai. Ai đã từng thưởng thức bánh ít Bình Định thì khó quên cái dẻo dai, ngon ngọt của nó. Thế mới có câu ca: “Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi” Ngoài bánh ít lá gai còn có bánh ít nhân tôm, bánh ít nhân mè nữa. Mỗi thứ với cách thức chế biến riêng, bằng những kinh nghiệm riêng đã tạo nên cái ngon miệng. Muốn ăn bánh ít nhân mèLấy chồng Hòa Đại đạp chè thâu đêmMuốn ăn bánh ít nhân tôm

Lấy chồng Hòa Đại ăn cơm củ mì.

Chẳng những thế mà trên mảnh đất của người Chàm xưa, còn lại nhiều di tích Chàm, người dân cũng thật thà đặt tên cho một ngọn tháp là tháp Bánh Ít. “Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di/ Sông xanh núi cũng xanh rì/ Vào Nam ra Bắc cũng đi đường này.” Liên quan đến tháp Chàm và đặc sản của Bình Định phải nói đến nem chợ Huyện –Tuy Phước. “Ai về Tuy Phước ăn nem Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm.” Người Bình Định rất có lý khi đặt nem chợ Huyện bên cạnh Tháp Chàm. Điều đó nói rằng: nem chợ Huyện là đặc sản “có cỡ”. Vào quán, gọi món nem chua nhâm nhi chút rượu chờ tiếp món nem nướng để thưởng thức. Và một lần như thế, bạn sẽ không bao giờ quên.Bình Định có dừa Tam Quan nổi tiếng. Những hàng dừa râm mát, những cô gái ở đây da trắng nõn nà vì không một giọt nắng nào vươn đến. Nhiều cô gái đẹp lạ lùng: “Tam Quan ít mít nhiều dừa/ Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng.” Và các cô cũng đa tình không kém, dám chấp nhận cả cho tình yêu: “Tam Quan ngọt nước dừa xiêm/ Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh.” Dừa cho nhiều sản phẩm. Và những thi tứ cũng khởi nguồn từ đây: “Cạo dừa, đạp cám cho nhanh/ Ép dầu mà chải tóc anh, tóc nàng.”Bình Định cạnh biển Đông, có đầm Thị Nại, cá tôm phong phú. Câu ca vùng này đã nói: Cá nục gai bằng hai cá nục vọngVợ chồng nghĩa trọng nhơn nghĩa tình thâmXa nhau muôn dặm cũng tầm

Gặp nhau hớn hở tay cầm lời trao.

Nghề làm nước mắm cũng theo đó mà phát triển. Tuy không như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết…nhưng nước mắm Vạn Gò Bồi cũng mặn mà không kém: “Gò Bồi có nước mắm thơm/ Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi.” “Nước mắm Gò Bồi, trã nồi An Thái”, đó chính là hai đặc sản mà nhân dân so sánh với nhau. Chính nước mắm Gò Bồi đã làm nên cái duyên mặn mà, kết nguyền tình nghĩa của các đôi nam nữ: “Ai về dưới Vạn Gò Bồi/ Bán mắm, bán cá lần hồi thăm em.” Xuân Diệu khi hồi tưởng nhớ về quê ngoại không thể nào quên được: “Ôi, tôi mang sẵn cất sâu thay/ Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở Vạn Gò Bồi làm nước mắm/ Một hạt muối trong tim dể mặn với tất cả những gì đằm thắm…” Tình nghĩa người miền ngược với người miền xuôi càng thêm thắt chặt qua những sản phẩm của biển cả, đầm hồ này: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.” Đó là những cái ăn, dẫu không bằng “ăn Bắc, mặc Kinh” nhưng cũng lắm điều thú vị, phong phú mà ở đây không thể kể ra hết.Nếu ở Hoài Nhơn có dừa Tam Quan thì đi vào Phù Mỹ lại có nhiều thứ khác. Đó là chè tươi: “Anh về Phù Mỹ nhắn nhe/ Nhắn chị bán chè sao vậy chẳng lên? Anh về dưới vạn thăm nhà/ Ghé vô em gởi lạng trà Ô Long.” Đó là tôm, tép: “Rủ nhau mua tép Trà Ô/ Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về…” Đến Tuy Phước, bạn chẳng những thưởng thức nem chợ Huyện, nước mắm Vạn Gò Bồi, mà cả dưa Luật Lễ nữa chứ: “Muốn về Luật Lễ ăn dưa/ Sợ e nước lớn đò đưa không đều.” Thật là vô vàn. Vì thế mà ca dao Bình Định đã khuyên: Muốn ăn đi xuốngMuốn uống đi lênDạo khắp bốn bênChợ Thành, chợ GiãChợ Dinh bán chả

Chợ Huyện bán nem…

Quả thật là thế. Núi rừng Tây Sơn cũng có sản vật ngon để khoe với các vùng khác. Chẳng hạn, chà viên là thức trái cây ngon lành ở đây: Quảng Nam nổi tiếng bòn bonChà viên Bình Định vừa ngon, vừa lànhChín muồi da vẫn tươi xanh

Mùi thơm cơm nếp, vị thanh đường phèn.

Và nhất là bắp nếp chín vàng của vùng đất này làm bồi hồi những ai đi xa. “Ta về ta nhớ Bến Giang/ Nhớ soi bắp nếp chín vàng bên sông.” Quê hương Bình Định lắm sản vật, bốn mùa hoa quả, cây trái ngọt lành, trù phú vật chất nên con người Bình Định xưa cũng phong phú về tinh thần. Và đất lành chim đậu…

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:29

Bánh inBánh in là loại bánh phổ biến nhất ở Bình Định vào dịp giỗ, Tết, nổi tiếng nhất là bánh in Nước Mặn, thị trấn nhỏ bé có từ thế kỷ thứ 17. Bánh phổ biến mọi nơi, nhà nào dù giàu hay nghèo đều có. Bánh làm bằng bột nếp. Tuy bánh in dễ làm, ai cũng làm được nhưng rất khó khéo. Muốn bánh khéo phải làm thế nào để bánh vừa dẻo, vừa xốp, không cứng cũng không bở.Ngày xưa thì làm rất công phu, phải lựa nếp dẻo, chọn hạt cùng cỡ để rang không bị hột cháy, hột không. Nếp chọn xong đem vo, để cho ráo nước. Hạt nếp vừa ráo người ta đem rang bằng trã đất trên lửa nóng. Mà rang vừa vàng thôi. Vì vàng quá bánh sẽ không trắng. Rang chưa vàng rất khó xay (bằng cối đá).Nếp xay xong để ít nhất mười ngày mới làm để bột khỏi bị rốc. Vào dịp Tết, khí trời lạnh có hơi nước, bột đem lấy sương. Đường cát trắng đem bỏ vào chảo bắc lên bếp, nhỏ lửa để lúc sôi đường khỏi trào ra ngoài. Khi đường sôi – luôn tay quậy đều và nặn vào một vài giọt chanh để không bị lại đường (không có cát). Khi đường nhuyễn người ta nhắc xuống để nguội. Lúc làm bánh ta lấy muỗng nạo dần từ trên xuống – bỏ bột nếp vào chà bằng hai tay hoặc dùng chai tròn, hoặc chày cán đi cán lại nhiều lần cho thật nhuyễn.
Hoa văn nổi rõ trên bánh in Số lượng đường và bột ngang nhau (1 kg đường làm 1 kg bột) thì bánh mới ngọt. Chà đến khi nào bột và đường quyện vào nhau, bỏ thử vào lưỡi thấy tan đều không còn hột đường là được. Khâu này quyết định bánh khéo hay không. Người ta dùng khuôn nhỏ, tròn, đường kính độ 3 phân, hoặc dùng khuôn cạnh 3x5cm. Bỏ bột vào lớp dưới đáy, bỏ nhân chính giữa, bỏ một lớp bột lên trên, lấy nắp đậy lên rồi ấn nhẹ tay để bánh được xốp và lấy khuôn ra.Bánh mới làm xong rất dễ bể. Phải để 15 phút sau mới di chuyển. Làm như thế bánh sẽ rất xốp, còn mịn là do lúc chà bột. Nếu ấn mạnh quá bánh sẽ chặt, qua vài hôm sau bánh rất cứng.Nhân thường làm là nhân đậu xanh được bóc vỏ, nấu chín, tán nhuyễn, cho đường vào để trên lửa riu riu đến khi khô đặc thì nhắc xuống rồi bỏ vào và viên từng viên tròn. Nhân dừa cũng làm như thế: dừa được nạo nhỏ và trộn đường làm như đậu xanh. Có nhiều nhà kỹ hơn thì làm nhân mè rang + mứt gừng + mứt bí + thịt mỡ xắt hạt lựu đã được rim đường. Tùy vào sở thích của mỗi nhà mà bánh có nhiều loại nhân khác nhau. Phố biến nhất là chỉ có nhân mè rang vàng đâm nhỏ trộn đường là xong.Những nhà cẩn thận, khéo tay, làm bánh xong họ dùng giấy bóng bọc từng cái, đem xếp vào quả, hoặc hộp giấy. Mỗi lần mở ra bánh vừa thơm, vừa dẻo, vừa xốp, nhân mè thơm, bí đao giòn, thịt mỡ béo, gừng cay lại thơm mùi va ni, ngon không chê được.Cũng có nhiều nhà, làm bánh xong họ bỏ vào thúng, hoặc bầu đem treo trên trần nhà để trẻ em khỏi đòi ăn trước Tết. Bây giờ, khâu rang nếp, xay bột và thắng đường không còn nữa, người nội trợ bớt rất nhiều công đoạn. Bột, đường bán sẵn ở chợ, chỉ cần mua về làm nhân bỏ vào in bánh là xong.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:31

Cá tràu nấu ám

Cá TràuTrong các loại cá nước ngọt thì cá tràu là ngon nhất. Cá lóc, cá quả, cá chuối cũng chính là cá tràu, chỉ có điều từng vùng miền mà có tên gọi khác nhau. Trong dân gian, cá tràu được cho là loại cá ngon tứ mùa; cá tràu sống chủ yếu ở những nơi hiểm hóc trong các đìa, ao, hồ nước sâu… không khi nào thiếu nước, thiếu mồi; có lẽ từ lý do này mà cá được béo mập, thơm ngon quanh năm.Cá tràu không sống theo đàn mà chỉ sống cặp, “một cồ – một mái”; cá tràu sinh hàng nghìn cá con gọi là bầy rồng rồng; rồng rồng còn nhỏ, cá cha – cá mẹ chăn, dắt bầy con đi ăn khắp nơi trong ao đìa, đồng ruộng, cá tràu rất ham con, vô phúc chú vịt nào chui vào đám rồng rồng ắt phải bị thương vì cá cha – cá mẹ. Rồng rồng lớn lên tách khỏi cha – mẹ thì gọi là cá cững; cá cững vẫn sống theo đàn, khi đến tuổi sinh đẻ thì cá tách từng đôi và được gọi là cá tràu.Trong dân gian đúc kết nhiều kiểu kho nấu, kiểu gì cũng ngon: rồng rồng thì để nguyên, rửa sạch kho rim với hành, tiêu bột ăn với cơm nóng; cá cững thường nấu canh chua, nướng lửa than dằm nước mắm ngon với ớt tỏi, cũng có thể nướng kho khô hoặc kho với mắm cua chua; cá tràu thì chế biến nhiều kiểu: nấu canh chua, lóc thịt giã chả, nướng lửa than kho tộ với gừng và nghệ tươi, nướng truôi chấm muối ớt… nhưng ngon nhất là món tràu nấu ám.Ở các miệt quê, những bữa tiệc sang trọng không thể thiếu hai món: “gà hầm”, “cá ám”. Nấu cá ám cho ngon cũng công phu lắm: cá tràu phải là cá bắt ở ao, hồ tự nhiên, đem về lấy nước sạch thả cá vào khoảng một ngày để cho bộ lòng cá sạch sẽ (nếu không thả cá vào nước như vậy thì mổ bỏ bộ lòng), đánh vảy, cắt vi, bóc mang, dùng dao khứa hai bên mình cá một số nhát cho cá dễ thấm gia vị, hành, tiêu, nghệ tươi giã nát hòa với muối bột, xát đều lên mình cá (ướp nước mắm cũng ngon nhưng hơi chua). Ướp độ mười phút, dùng lạt bó tròn cá, dầu phộng đun sôi, cho cá vào nồi trở qua trở lại vài lượt, đậy nắp nồi kín hạ lửa hiu hiu cho cá thấm gia vị và chín đều. Hoa chuối chát thái nhỏ (nhớ là thái ngang cho hoa chuối khỏi bị xơ) nếu là hoa chuối hàng năm thì thái dày cho vào nước muối loãng để hoa chuối được trắng và giảm độ chát; đun cá độ từ 5-7 phút thì cho hoa chuối vào đảo vài lượt, cho nước sôi vào nồi độ thiêm thiếp, đậy nắp nồi kín, vẫn lửa hiu hiu; nấu độ 10 phút thì nồi cá thấm tháp, chín đều, hành ngò, rau răm thái nhỏ cho vào nồi đảo vài lượt cho ra bát, đậu phụng rang bóc vỏ lụa rải đều lên bát cá; mùa đông thì ta có thể để nồi cá trên bếp lửa hiu hiu mà dùng. Tuy nhiên, ta có thể không nấu nước lã đun sôi mà nấu bằng nước cốt dừa và cũng có thể cho thêm khế chua thái dày nấu chung khi hoa chuối sắp chín; cách nào cũng ngon chỉ khác nhau ở hương vị và khẩu vị của mỗi người, mỗi gia đình.Tôi đã được thưởng thức món cá tràu ám bắp chuối nhiều nơi, nhưng ở miệt An Nhơn – Bình Định tôi cảm thấy ngon hơn, có lẽ là do cảm giác; nồi cá ám bốc hơi thơm, đặt bên là một nậm rượu Bầu Đá – mấy cái chén sành hạt mít; một rổ rau sống gồm các loại rau thơm, dưa leo, cà chua xanh thái mỏng, cải cay non hai lá nhám trộn vào, bánh tráng gạo nướng giòn… buổi chiều trên thềm nhà một vùng quê tĩnh mịch, gió nồm thổi nhẹ; chúng ta ngồi đàm đạo nói chuyện hôm qua, hôm nay, công việc ngày mai; hương vị cá ám, mùi thơm phức chén rượu chính hiệu Bàu Đá – An Nhơn, ta cảm thấy vui sướng, lâng lâng sau một ngày lao động mệt nhọc…

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:32

Cá chạch nấu lá gừng

Một buổi trưa hè nào đó, bỗng nhớ quắt quay món cá chạch (có vùng còn gọi là cá nhét) nấu lá gừng. Có gì đâu cao xa nhưng trước hết phải có cá chạch tươi, mới vừa tát đìa lên càng tốt; cái giống này chuyên dũi dưới lớp bùn trong ao đồng nên tát bắt là thượng sách; nếu được tham gia vào “quy trình” tát cá thì càng thú.Chuyện này ở quê thì tỏ ra khá đơn giản nhưng đối với dân thị thành thì đôi khi phải tham gia vào một tour du lịch nào đó thì mới có được cảm giác làm nông dân tát đìa cá. Mùa tháng năm, tháng sáu này là dịp cá chạch đẻ nên con nào con nấy mập núng, trứng chứa chật bụng…Cá chạch làm món kho tộ thì đã hảo hạng nhưng lúc nóng nảy trong người hoặc cần tốc hành hơn thì nấu canh lá gừng là… mau thấy nhất. Cá chạch làm ruột sơ, rửa sạch, cho vào nồi nước lã nấu canh vừa với lượng cá-lượng người ăn, khoảng mười lăm phút là cá chín, một nắm lá gừng tươi non xắt nhỏ bỏ vào, ai ăn cay thì thêm mấy lát ớt tươi và tí tiêu bột. Nếu có nước mắm ngon nêm nếm thì cũng chả cần bột ngọt làm gì… Thế là xong một tô canh cá chạch nấu lá gừng bốc khói vang lừng!Một tô canh vừa ra khỏi bếp, một nồi cơm vừa chín, ăn nóng mới ngon, cho người giải nhiệt. Cái ngọt dịu dàng, ngon ngót, dai dai của cá hoà hương vị lá gừng nồng đượm trong toàn thể cuống họng, cứ thế mà chan mà húp… Cái kiểu ăn độc món này của người nhà quê xứ Trung mới hợp thời, hợp cảnh làm sao, bởi chẳng có món nào khác làm khẩu vị người ăn bị… phân tán! Chỉ vậy thôi mà ta chợt cảm khái: “Cá ơi là cá, canh ơi là canh, cơm ơi là cơm…!”.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:34

Món ngon “quê võ” Tây Sơn

Ngồi nhâm nhi ly rượu Bàu Đá, bên tô gié hay dĩa cá lúi, rồi ăn chiếc bánh cuốn kiểu “hai sống một chín”… là cái thú của người dân đất Võ. Những món ăn tuy đầy vẻ mộc mạc, dân dã, nhưng lại toát lên cái gai góc, đầy hào khí của một vùng “quê Võ”: Tây Sơn. Trong những món ăn trên, phổ biến nhất và bình dân nhất vẫn là gié bò. Món này xuất xứ từ đâu, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau. Chỉ biết rằng, để “bắt gié” thật ngon, cần lựa khúc ruột non còn tươi. Sau khi lấy gié ra khỏi ruột non, đổ muối, tiêu, hành và tỏi băm nhỏ vào nồi đựng gié, rồi để khoảng 10 phút cho thấm. Sau đó, xào chín gié, đổ nước dừa vào nấu sôi, vớt bọt, để nguội lấy nước trong. Để nồi gié thêm hấp dẫn, người ta cho thêm ruột non, gan bò và huyết bò vào. Một bí quyết nhỏ để khử mùi hăng của gié, tạo mùi thơm quyến rũ, là nướng sả và gừng thật thơm, rồi cho vào nồi. Sau đó, vò nát lá giang cho vào để tạo vị chua. Người ta vẫn kháo nhau, rằng khi nóng trong người, nên ăn tô gié để giải nhiệt, lại có lá giang tạo vị chua, kích thích vị giác. Gié phải ăn nóng mới ngon. Nhìn tô gié bốc khói nghi ngút, màu nước nâu nâu pha ánh xanh, ngửi thấy mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang và vị đắng của gié, hẳn không mấy ai cầm lòng đặng.Đến Tây Sơn, muốn ăn tô gié ngon và chất lượng, tốt nhất ta nên tìm đến Đồng Phó, vào những quán bình dân, không bảng hiệu. Những quán này có tiếng vì bán đã nhiều năm. Giá ở đây cũng bình dân. Chỉ cần 5.000 đồng là ta đã có một tô gié thật “đúng bài”.Cũng là bánh cuốn, nhưng bánh cuốn ở Tây Sơn lại mang cái tên hổng giống ai, đủ để khách thập phương phải “tròn mắt”: món “hai sống một chín”. Có tên vậy vì mỗi cuốn bánh phải dùng hai cái bánh tráng gạo sống cuốn cùng một cái bánh tráng nướng cùng trứng vịt luộc, nem nướng, dưa leo xắt nhỏ, rau thơm, lụi (thịt bò nướng), chả ram… bên trong. Có giả thuyết nói rằng món bánh cuốn Tây Sơn này chính là hậu sinh của món bánh tráng thời vua Quang Trung. Thời đó, quân sĩ dùng bánh tráng làm lương khô thay cơm khi hành quân. Sau này, để ăn bánh tráng cho no, người ta nghĩ đến việc cuốn nó với một số món khác. Ấy cũng là một truyền tụng. Điều thú vị khác: nhân chả ram của món ăn này rất độc đáo vì không hề có tôm, thịt, mà chỉ có giá luộc và bánh phở cắt nhỏ cỡ đốt tay.“Hai sống một chín” đơn giản, dễ làm, nhưng để ăn ngon thì không mấy quán ở Tây Sơn có thể làm vừa lòng thực khách. Bởi cái khó nhất của món này là phải làm nước chấm thế nào thật vừa miệng. Muốn vậy, phải cho thật chính xác lượng chanh cần thiết, để loại bỏ bớt độ chát của nước mắm.Một món ăn khác cũng khá hấp dẫn với du khách nhưng “nghiệt nỗi”, lại gây di họa không ít cho môi trường, ấy là món chim mía Tây Sơn. Do Tây Sơn là vùng nguyên liệu mía của tỉnh, nên chim mía ở đây ngon hơn những nơi khác. Một số người dân địa phương vẫn có nghề rập chim trong những ruộng mía, cung cấp cho các quán ăn. Bởi vậy, chim mía Tây Sơn thường tươi; nướng hay quay lên rất ngọt. Chim mía nướng hay quay giòn, cho cả con vào miệng, nhấp chút rượu Bàu Đá, là thấy lòng lâng lâng.Muốn ăn chim mía, bạn còn có thể ghé quán Tư Sa (số 40 đường Quang Trung, Phú Phong). Tuy nhiên, quán này nổi danh hơn với những món cá. Thực đơn của quán gồm đủ các món cá sông như: cá giếc nấu rau răm, cá lóc nấu canh chua, cá rô chiên giòn… Nhưng ngon nhất hẳn là món cá lúi sông Côn kho tiêu hoặc kho nghệ mà nhà thơ Nguyễn Duy từng khen là “mới nghe danh thôi đã hoành tráng”. Ăn những con cá lúi kho nghệ vàng ươm, ngọt bùi, thơm phức; nhấp nhám những chú cá rô chiên giòn rụm… ta như đang thưởng thức hương vị của một dòng sông.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:35

Gỏi da bò Phú Phong

Gỏi da bò Phú Phong – nguồn Văn hoá nghệ thuật ăn uốngGỏi da bò là có thể coi là món ăn đặc trưng của thị trấn Phú Phong, huyện Tây sơn, tỉnh Bình Định. Chọn da bò non mềm, trộn gỏi chua ngọt với gừng, chanh. Món gỏi ăn kèm bánh tráng mè đen.Để làm món gỏi da bò phải chọn loại bò non vì bò càng non da càng non và mềm, 1kg da bò có thể đủ cho 10 -12 người ăn, gọi là “lai rai với từng ly rượu Bầu Đá – đất Quang Trung”.Rửa thật sạch da bò nhiều lần bằng nước muối sinh lý 9% và có ít nước chanh quả tươi. Sau đó dùng dao lam cạo hoặc nhổ sạch lông rửa thêm 2-3 lần nữa với nước muối có pha thêm nước chanh tươi.Da bò khô, sạch thái mỏng càng mỏng càng ngon, càng dẻo, giòn. Thắng dầu phụng có hành khô và tỏi thái mỏng giã nhỏ.Các nguyên liệu ăn kèm có rau húng quế, rau răm, lá củ hành tươi, ngò thơm, rau bắp chuối, củ hành tây, rất ít lá chanh non tất cả thái nhỏ. Đậu phộng rang giòn giã vừa nhỏ, hạn chế tinh dầu nếu giã nát nhỏ.Vài lát gừng giã nhỏ pha với nước chanh tươi (nếu không có chanh thì thay bằng giấm thanh), bột hạt tiêu khô, bột ngọt, ít đường ăn và muối, vài lát ớt đỏ thái mỏng. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào thau trộn đều, trong quá trình trộn cho thêm nước mắm chanh, gừng ớt, đường. Ăn gỏi da bò phải có bánh tráng gạo có mè đen nướng giòn, có nước chấm.Gỏi da bò ngon và rất bổ, nhưng cũng rất khó tìm, chỉ có nơi nào có lò mổ xẻ bò… tìm được mảng da ngon để làm gỏi. Ở Bình Định phải lên các lò mổ bò, heo ở thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn, Bình Định. Cũng có thể gọi món gỏi da bò là đặc sản của vùng đất Tây Sơn – quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ – Quang Trung.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:36

Ăn hàu giữa mênh mang sóng vỗBây giờ, quán đặc sản biển nào cũng sẵn món cháo hàu. Cháo hàu kết thúc cuộc nhậu, no – ngon – bổ dưỡng. Dù thế, do vài lần được ăn hàu tại gành biển, nên hàu nguyên liệu của hàng quán cứ thấy nó bùi bùi, nhàn nhạt. Nghe nói hàu nuôi cho ăn nữa, nhanh lớn lắm và dĩ nhiên chất lượng có giảm. Than phiền chuyện này với nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, dân biển gốc, ông kể chuyện ăn hàu tuyệt chiêu, chép ra đây cùng thưởng thức.Vật liệu chuẩn bị cho sự ăn khá đơn giản: hai bó chùm bìa, dúm muối tiêu, lít dấm và chai rượu Bàu Đá (luôn có rượu ngon này, vì dân buôn mang qua đổi sản vật biển). Chùm bìa là loại vỏ cây trên núi, thường mua từ Phú Yên về, ngâm nước nhuộm lưới, bã vớt phơi khô, bó lại cháy rất đượm, tàn chắc phải dụi mới gãy. Chùm bìa bó thành bắp chân, dài mét rưỡi, luôn sẵn ở biển để soi cá, đưa ma…Chèo ghe ra gành lúc triều xuống, một chiều mùa hè nào đó. Chọn bãi hàu lớn, dày, đủ ăn cho vài ba người cùng đi. Đốt hai bó chùm bìa cho cháy đượm, rồi rà qua rà lại mảng đá hàu. Mươi phút sau, hàu thứ tự hả miệng. Chai dấm rưới tràn từ triền cao chảy xuống, len lỏi qua đá, rêu, chui vào miệng hàu. Là ăn. Ai cũng phần một gói muối tiêu, một cây kim bị (hoặc gai núi cũng luôn sẵn đâu đó), tự xỉa ruột hàu chấm muối. Vài con dừng lại chiêu một nắp rượu ngon, tuyệt đối phải có rượu vì hàu bổ dưỡng và rất mát.
Hàu được chế biến Chu cha, cái miếng hàu nong nóng, măn mẳn, chua chua, mềm ngọt trong miệng, thêm chút thơm tiêu, thêm nồng nã mùi rong biển chung quanh, rất đặc trưng. Miếng này tiếp miếng kia trong mênh mang gành và biển và sóng gió. Ăn, phần ai nấy tìm cho mình cái sướng ngon tột đỉnh của vị giác, khứu giác và cảm giác đã đời của đất trời thênh thang hòa nhập và tự tại. Nghỉ chút làm ly đế, toàn bộ dư vị tuyệt luân trên, nhất tề tan ra thấm vào tận chu chuyển li ti trong máu, râm ran nóng, trả lại nguyên xi cái miệng thèm ăn như lúc ban đầu. Ăn, chừng nào no, đã mới thôi, ngàn vạn năm trước và chắc rằng mãi về sau, sự ăn đạt thấu cái thỏa mãn cao nhất vẫn luôn là hạnh phúc vô biên của con người, của bản chất sống.Dĩ nhiên, thường thì bãi hàu chưa hết, thực khách đã no nê. Lùi lên một trảng bằng nào gần đó, tiếp tục ngâm nga phần rượu còn lại, nghe hoàng hôn chầm chậm xuống trên từng con sóng sẫm màu, nghe trong từng tế bào rộn rực niềm sinh sôi và khoái. Và cảm thấy đời thật đáng yêu, đáng sống, mọi ưu tư phiền muộn tan nhanh, mọi ganh ghét tị hiềm vợi đi rất nhiều. Nếu không có gì thật bận rộn, hãy ngã người xuống ngủ một giấc ngon lành, cho tới khi mặt trời lộng lẫy ngang sóng, vươn vai ngồi dậy ngắm thiên nhiên tuyệt mỹ một chút, rồi chèo ghe về, lại bắt đầu một ngày mới với những lo toan.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:39

Đặc sản Bình Định qua ca dao tục ngữBình Định – Vùng đất duyên hải miền Nam Trung bộ từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Nơi đây có nhiều phong tục tập quán, thổ săn khác nhau và miếng ngon vật lạ chẳng bao giờ thiếu vắng. Bởi vậy, nhiều đặc sản từng vùng, từ món ăn bình dân cho đến các loại sơn hào hải vị được khách sành ăn chọn lựa, phẩm bình. Nhiều đặc sản đã nổi tiếng từ ngàn xưa và đã đi vào văn học dân gian, truyền tụng qua nhiều thế hệ ”Gỏi chình Châu Trúc Bánh tráng Tam quan Nón lá Gò Găng

Nem chua chợ huyện“

Và thêm món chả cá Đề gi được mọi người ca tụng:

”Ai về qua cửa Đề gi,
Nghe mùi chả cá chân đi không đành “

Bình Định còn là quê hương của xứ dừạ Dừa Tam quan mọc như rừng, với câu ca truyền tụng từ bao đời naỵ

”Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam quan“

Từ xưa, Bình Định là xứ lắm cá mắm. Nước mắm ngon thì không đâu bằng:

”Gò Bồi có nước mắm thơm
Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi “

Nhiều nhất là cá chuồn, phải nhắn nhủ người vùng cao Tây Nguyên – nơi có nhiều măng le ngon – đem về miền biển để trao đổi, mua bán:

”Ai về nhắn với nẫu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gửi lên”

Tuy “chẳng lịch bằng Kinh đô”, nhưng Bình Định “không đồng khô cỏ cháy”. Đất đai tuy không phì nhiêu, màu mỡ nhưng biển cả mênh mông, núi rừng trùng điệp, “năm dòng sông chảy, sáu dãy non cao, biển đông sóng vỗ dạt dào…”, có lắm miếng ngon vật lạ, sản vật khắp miền …..

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … picID=1113


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:40

Bún cá Bình ĐịnhNgười Quy Nhơn có một niềm tự hào đặc biệt về món bún cá. Từ những con cá mối, cá thuẫn, cá chai, cá rựa… ít được dùng để kho nấu vì không ngon hoặc nhiều xương, người ta đem chế biến thành chả cá. Cùng với nem chợ Huyện, bánh tráng nước dừa Tam Quan, rượu Bầu Đá An Nhơn, bún cá là món mà người Quy Nhơn thường đem ra khoe với khách phương xa.Buổi sáng, nghe nói đi ăn bún cá Nguyễn Huệ là biết ngay sẽ được thưởng thức một món quà sáng đầy thú vị. Quán nằm trên đường Nguyễn Huệ, chếch ngã ba Nguyễn Huệ – Lê Hồng Phong một chút, không bảng hiệu nhưng sáng nào khách đến ăn cũng đông nghịt. Những người sành bún cá khẳng định rằng đây chính là quán “Quy Nhơn đệ nhất bún cá”, từ món ăn cho tới phong cách phục vụ. Nước lèo bún cá vốn đã ngọt bởi được nấu từ xương cá còn được chủ quán cho thêm những phụ liệu như măng le, nấm rơm nên vị rất đậm đà. Nước lèo, chả cá ngon đã đành, đến cả dĩa rau sống cũng được chủ quán chăm chút bằng những cọng bắp chuối trắng nõn, xà lách búp, rau ngò xắt nhỏ trộn chung trông rất bắtmắt. Ngoài ra, trên đường Nguyễn Huệ cũng còn một quán bún cá khá đông khách nữa nằm ngay ngã ba Nguyễn Huệ – Lê Lợi và chỉ bán buổi tối. Một số quán bún cá cũng được nhiều thực khách đánh giá là ngon như quán nằm ngay ngã ba Trần Phú – Nguyễn Công Trứ, các quán trên đường Tăng Bạt Hổ…Và dù là ăn sáng hay ăn khuya, đi trên bất cứ con đường nào ở Quy Nhơn người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp một tấm bảng đề “Bún cá”. Tuy đơn giản chỉ là bún, chả cá và nước lèo nhưng bún cá cũng có nhiều giá khác nhau, từ 2.000đ/tô đến 6.000đ/tô và ngon dở là tùy khẩu vị người ăn “ghiền” ăn ở quán nào chứ không nhất thiết là đắt tiền thì mới ngon. Chả cá, tuy chỉ với hai kiểu chính là chả hấp và chả chiên (gồm loại bánh lớn và loại vo viên nhỏ cho vào nồi nước lèo) nhưng hấp dẫn thực khách bởi tính “hiền”, ăn dễ tiêu, ngon miệng của nó. Chị Mai, chủ một quán bún cá sáng trên đường Tăng Bạt Hổ cho biết: “Chả cá ngon là phải được làm từ cá mối, cá thuẫn tươi, xay và quết cho thật kỹ để chả dai. Chả ngon còn là chả không tanh mùi cá, thơm gia vị và ngọt vị ngọt của cá. Muốn cho nước lèo bún cá ngon thì nhất thiết phải nấu nước bằng xương cá (đã lấy thịt làm chả)”. Không chỉ nổi danh ở quê hương, bún cá Quy Nhơn còn theo chân một số người Quy Nhơn vào Sài Gòn làm ăn, và trở thành niềm tự hào của bất cứ người Quy Nhơn nào ở Sài Gòn, mỗi khi bắt gặp một tấm bảng hiệu “Bún cá Quy Nhơn” giữa phố phường đông đúc.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … 113&Page=2


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:42

Cá lóc kho nước dừaCá lóc kho nước dừa là 1 trong những món ăn thông dụng ở Bình Định. Cách chế biến như sau:Nguyên liệu: – 500gr cá lóc – 1/2 nước của quả dừa (dừa non hoặc dừa xiêm) – Đường cát – Mỡ nước – Hành củ – Nước mắm ngon – Gia vị, tiêu Cách làm: – Cá rửa sạch, cắt khúc khoảng 4cm rồi ướp hành tỏi, ớt, mắm, muối, mỡ, đường cho ngấm. – Đun chút đường làm nước hàn để cá kho có màu. Xếp cá vào niêu đất hoặc nồi có đáy dày, sau đó đổ nước dừa cùng với nước hàn vào cá. Khi nước sôi nhớ vớt bọt, đun nhỏ lửa. Thỉnh thoảng lấy khăn nhắc nồi nghiêng qua nghiêng lại cho phần nước thấm đều vào cá. Nêm nếm rồi tiếp tục kho đến khi nước sánh dẻo vàng lại là được. Rắc chút tiêu và hành lá xắt nhỏ. – Ăn nóng với cơm, ăn kèm với rau lang luộc rất ngon

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … 113&Page=2


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:43

Cháo cua huỳnh đế Bình ĐịnhCua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh). Cua huỳnh đế có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu… Cua huỳnh đế có quanh năm nhưng rộ nhất là tháng chạp âm lịchÐây cũng là thời gian mà cua ngon nhất: to, chắc thịt và gạch cua nở đầy mai. Cua huỳnh đế luộc chấm muối tiêu chanh ăn rất ngon, nhưng ngon nhất phải kể đến món cháo. Cua huỳnh đế rửa sạch cho vào một cái tô lớn rồi đem hấp để giữ nguyên chất ngọt. Xong, tách mai ra dùng muổng nạo hết gạch để vào một tô riêng. Phần càng que được ráy thịt đổ vào tô khác để ướp nước mắm ngon, tiêu hành, bột ngọt… Kế tiếp bắc một chảo dầu lên, phi hành củ cho thơm, nhỏ lửa, cho thịt cua vào và đồ đều cho thịt thấm. Khi cháo nhừ cho thịt cua vào và để sôi vài dạo. Ðổ tô gạch cua sau cùng. Nêm cho vừa ăn và cho thêm nửa củ hành tây lát mỏng cùng lá hành, ngò xắt nhỏ. Nhấc xuống và cho thêm tiêu vào. Nồi cháo cua huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua. Húp từng muổng cháo nóng mới ngon làm sao! Mùi thơm đặc trưng xông vào mũi cùng hơi nóng phả vào mặt. Ăn hết tô cháo, mồ hôi vã cả người, nghe khỏe ra….

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … 113&Page=2


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:44

Cá chẻm Thị NạiÐầm Thị Nại (Bình Định) nhận nước ngọt từ ngã ba sông Gò Bồi, Cầu Ðôi và Lòng Sông. Nước ngả mặn nhiều thủy trùng, côn trùng, cho nên hầu hết cá tôm đều béo, ngon, ngọt, ngon nhất là cá chẻm.Cá chẻm thân dài hao hao cá chép với cái mồm rộng hoác. Nó rất khỏe và chỉ ăn mồi sống. Thấy con mồi lượn, nó phóng tới há miệng đớp ngay. Người đi câu nhà nghề gặp cá chẻm ăn là biết ngay. Cá chẻm cắn câu không mấy khi xảy. Biết cá chẻm đớp bạn chỉ cần giật nhẹ cho lưỡi dính vào miệng cá, nới sợi dây câu cho cá chạy, rồi chỉ cần giữ mái chèo để nó kéo bạn đi du ngoạn trong đầm. Vì vậy nó còn có tên là cá “vượt”. Lúc cá mệt rồi, nằm phơi cái bụng trắng như bạc. Thu dây câu, đập cho nó một mái chèo rồi kéo lên. Cá lớn có thể dài hơn 1m. Ðược con chẻm cỡ ấy giá hiện nay phải đến vài trăm nghìn đồng. Giá trị nhất là bộ lòng. Giá cao là thế nhưng không mấy khi gặp bán ở chợ. Thợ câu chỉ bán phần thịt cá thôi. Họ để lại bộ lòng chẻm vì nhiều lẽ: lòng cá chẻm ngon tuyệt. Họ còn tin rằng, có ăn bộ lòng cá thì mới còn câu được nó, bán đi là thất lộc. Miếng ngon thế khi ăn thì nhất định phải mời bạn bè cùng thưởng thức. Thế mới thiêng! Chẳng bao giờ họ ăn một mình. Ðó là cái lệ miền sông nước. Lòng cá chẻm xào hành, gan cá bùi mà ngọt, mỡ cá béo, thơm ngậy, bao tử cá giòn giòn, dai dai. Chút lá hành hăng hăng, cay cay làm giảm bớt cái vị béo. Một ly đế nhỏ thôi đủ làm tăng hương vị cá. Ăn món lòng cá chẻm tươi, bạn mới thấy hết cái ngon khó tả trong nghệ thuật ẩm thực. Thịt cá chẻm thật lành, thơm ngon. Bạn có thể ăn cá trừ cơm. Những miếng thịt cá chẻm xắt vuông con cờ, tươi xanh, mà xào với hành, ớt, chuối, khế thì ngon phải biết. Cái thú, cái ngon của vùng sông kề biển là thế. Mấy khi người ở xa được thưởng thức món ăn này.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … 113&Page=2


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 08-05-2009, 15:45

Món thưng Bình ĐịnhNgười Bình Ðịnh rất thích ăn bánh tráng cuốn, cái gì cũng cuốn được, từ thịt heo luộc, cá hấp, cho đến chả nướng. Ðấy là những món cuốn ngày thường. Ba bữa Tết người ta hay cuốn bánh tráng với thịt “thưng” (thưng là gọi theo người miền Trung). Món này có cách ướp hơi giống với món rô tiNgày Tết ở đây – dù là thành thị hay nông thôn – nhà nào cũng phải có cho được món thịt thưng. Nhà đông người và không đến nỗi eo hẹp, thì thưng vài ba ký. Nhà ít người thì một, hai ký. Nhà nghèo thì nửa ký… Có chảo thịt thưng, có dàn bánh tráng mới ra cái Tết.Thịt heo để thưng, có thể lựa mua phần đùi hoặc là ba chỉ. Tùy theo ý thích mỗi nhà. Còn thịt bò thì nên mua phần bắp. Thịt mua về cắt dọc ra thành những miếng vừa phải, bề ngang cỡ vài phân. Cả heo và bò đều phải luộc sơ qua rồi ướp. Nhớ ướp và thưng riêng. Thịt heo thì ướp với hành – tỏi giã, tiêu, nước mắm ngon, xì dầu và chút đường. Thịt bò thì cùng những gia vị nói trên, thêm sả, gừng giã nhỏ. Trong thời gian ướp độ vài tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng lật từng miếng thịt một, cho độ thấm được đều nhau. Sau đó bắc chảo lên bếp, đổ dầu vào. Dầu nóng, lần lượt bỏ từng miếng thịt vào và hạ lửa nhỏ. Rồi cứ một chặp lại lật, và múc nước ướp, rưới đều lên những miếng thịt. Cứ như thế cho tới khi nước ướp đã hết và nước ở trong chảo thưng, chỉ còn xâm xấp. Miếng thịt săn lại, vàng ươm và khắp cả nhà sực mùi thơm của “thưng” là được.Những ngày đầu năm mọi người trong gia đình thường đi chúc Tết, đi chơi và tiện lợi biết bao, khi về tới nhà, hâm lại chảo thịt thưng và xắt ra lấy một, hai đĩa. Rồi nhặt một ít xà lách, rau thơm có sẵn và cắt dưa leo, xong nhúng bánh tráng và… ăn. Cái món này thường rất ngon miệng nhưng ăn no quá, lại khó tiêu.Bên cạnh thịt heo và thịt bò thưng để cuốn bánh tráng, ở đây người ta còn thưng gan, tai, bao tử, lưỡi heo… để lai rai cùng người thân, bạn bè, trong mấy bữa đầu xuân. Cách làm vẫn tương tự như vậy. Có khác chăng là người ta thường ăn kèm với đồ chua ngọt. Cũng xin nói rõ: Ðồ chua ngọt gồm có su, cà-rốt, kiệu… làm sạch, phơi héo, ngâm với dấm – đường, khoảng vài ngày là ăn được. Mỗi loại thưng có một kiểu ngon khác nhau. Chẳng hạn: Gan heo thì vừa béo, vừa bùi. Bao tử thì ngon ở độ dai. Tai heo thì ngon ở cái dòn… Nhưng tóm lại, đó là những thứ món ăn vô cùng hấp dẫn và rất đặc trưng cho quê hương miền Trung.Thế nên món thưng đã, đang và sẽ còn xuất hiện nơi mỗi ngôi nhà miền Trung khi Tết tới.

Trích http://2sinhvien.com/diendan/Topic.aspx … 113&Page=2


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi theanh_hn » 09-05-2009, 00:31

Sản phẩm nước mắm Như Hoa ( Hoài Nhơn) đạt giải Thương hiệu vàng ATVSTP của Bộ y tếMới đây tại TP Hồ Chí Minh Cơ Sở nước mắm Như Hoa của Huyện Hoài Nhơn đã được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y-tế trao tặng giải thương hiệu Vàng an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nước mắm của cơ sở.Được biết cuộc bình chọn trên có 300 sản phẩm của các DN, công ty chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm trong cả nước tham gia. BTC đã chọn ra 65 sản phẩm để trao giải và cấp giấy chứng nhận.Nước mắm Như Hoa là doanh nghiệp đầu tiên của huyện Hoài Nhơn tiến hành đăng kí mã số, mã vạch, nhãn hiệu hàng hoá độc quyền. Và đã đạt nhiều huy chương tại các kì hội chợ triển lãm toàn quốc như: Huy Chưong vàng hội chợ Sản phẩm mới, công nghệ mới, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao- Phù hợp tiêu chuẩn do Bộ KH-CN tổ chức.

Văn Vỹ- Đài TT Hoài Nhơn

[*]


theanh_hn Đội hình 2
  Bài viết: 416 Ngày tham gia: 12-03-2009, 22:41 Đã cảm ơn: 8 lần Được cảm ơn: 7 lần Blog: Xem blog (0) CĐV của: Bình Định và SVBĐ – HCM

bởi nguoi_con_dat_vo » 09-05-2009, 11:20

CÁC LOẠI BÁNH
Một người Bình Định xa quê hương, gọi điện về, thể nào cũng hỏi về mấy quán bánh xèo, bánh bèo đã ăn từ hồi xa lơ xa lắc nào. Chỉ là những loại bánh, nhiều nơi khác cũng có, vậy mà đã đi vào nỗi nhớ về một vùng đất như thế…
Bánh bèoChất liệu chính để làm ra bánh xèo ở Bình Định cũng từ gạo, tôm, thịt và giá sống. Muốn đổ bánh xèo thì phải ngâm gạo trước, rồi mang đi xay thành bột nhuyễn và pha. Một chủ quán bánh xèo trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) bật mí: “Phải pha sao cho độ lỏng vừa phải, để tạo nên cái giòn, cái dẻo của bánh. Nếu đặc quá, bánh sẽ khô, sống; lỏng quá, bánh sẽ mềm, nát, sít với chảo”.Bên cạnh bột gạo, những con tôm nước lợ (tôm đất) mập mạp, tươi rói, thịt ngọt là hương vị không thể thiếu để tạo nên vị ngọt của bánh xèo. Khi những chiếc khuôn bánh xèo đã nóng đủ độ, người ta dùng một nhúm thân hành nhúng dầu phộng thấm đều quanh khuôn và đặt lên đó con tôm, vài miếng thịt ba chỉ xắt nhỏ. Dầu chín, dùng vá múc nước bột đổ vào chảo. Bột gặp dầu nóng phát ra những tiếng kêu “xèo xèo…” thật vui tai. Trước đây, khi có điều kiện, người Quy Nhơn lại ngược lên thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước); hay ghé quán bánh xèo bà Năm ở làng Mỹ Cang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), để ăn cho đã thèm. Nhưng “năm thì mười họa” mới có dịp như vậy. Ngày thường, muốn ăn bánh xèo, người Quy Nhơn hay đến góc ngã tư đường Trần Cao Vân – Phan Bội Châu. Ở đó, có ba, bốn quán bánh xèo kề nhau, rất đông khách. Nhưng giờ đây, muốn ăn bánh xèo, nhiều người lại tìm đến quán Cây Me (số 546, đường Nguyễn Thái Học). Quán luôn tấp nập bởi ngon mà giá lại bình dân, chỉ 1.000đồng/bánh.Phổ biến và bình dân nhất vẫn là bánh bèo. Khuôn bánh bèo là những cái chén nhỏ xíu. Mỗi chiếc bánh nhỏ, như cánh bèo dập dềnh trên mặt nước. Trông việc đổ bánh bèo thật đơn giản, nhưng để đổ được những chiếc bánh cho đều, không để sánh ra ngoài, cũng là một nghệ thuật vậy. Khi bánh chín, lấy bánh ra rồi, thêm ít tôm cháy màu vàng gạch lên trên, thêm ít bánh mì chiên giòn, hành phi… Đang đói bụng mà gặp những chén bánh bèo nóng thế này, quả là… Nổi tiếng nhất ở Quy Nhơn có lẽ là quán bánh bèo Cây Mận (số 742 đường Trần Hưng Đạo). Theo chị Thảo – chủ quán, má chị đã lập ra quán từ cách đây 40 năm. Tôi có người dì ở Nha Trang, cứ mỗi dịp ra Quy Nhơn là thể nào dì cũng phải ăn cho được bánh bèo Cây Mận; thậm chí có khi, vừa bước xuống tàu, dì bảo tôi dẫn đi ngay. Dì nói: “Cứ mong có dịp ra Quy Nhơn để được ăn bánh bèo”. Nay thì bánh bèo Bình Định cũng đã theo thương hiệu của quán Sông Trăng (do một người Bình Định tạo lập ở TP. Hồ Chí Minh), đi xa. Bao nhiêu người Bình Định làm ăn xa, nay cũng đã có thể “thỏa nỗi nhớ nhung”. Vậy nhưng, dường như, ăn những món bánh trái quê nhà, ngay trên mảnh đất ruột rà, xem ra mới thâu nhận đủ cái hương vị của nó. Một loại bánh dễ làm và rất gần gũi với người Bình Định, là bánh căn. Bánh căn ngon, hợp với túi tiền của người lao động. Bánh thường được bán trong những con hẻm nhỏ, giá chỉ hai ngàn đồng/đĩa. Bánh căn cũng được làm bằng gạo tẻ. Trước khi đổ bánh, muốn cho bánh thơm ngon người bán thường bỏ vào một ít lá hẹ hay hành thái nhỏ. Khuôn đổ bánh giống như chiếc chõ rang làm bằng đất nung, đặt trên lò than hồng. Bánh căn, ngoài để ăn, còn để hiểu thêm, về con đường tiếp biến của văn hóa Việt trên bình diện ẩm thực, trong quá trình định cư vùng đất mới. Tất nhiên, bánh căn hay bánh xèo, bánh bèo, ngon hay không, còn tùy thuộc vào nước chấm. Cũng vị chua của chanh, ngọt của đường, mặn của nước mắm, cay của ớt, nồng của tỏi… ai hổng biết, nhưng không phải ai cũng pha chế cho vừa khẩu vị, chứ chưa nói đến chuyện “để đời”.Một loại bánh khác, không kém phần hấp dẫn, là bánh canh. Nổi tiếng và được nhiều người biết đến có lẽ là quán bánh canh Bà O (số 45, đường Phan Đình Phùng). Tô bánh canh với những cọng bánh tròn, làm từ bột gạo hay bột mì, thêm vài miếng chả cá, quả trứng cút, lát chả lụa, chút tiêu, hành lá, tương ớt, vậy mà rất đậm đà hương vị, giá chỉ 5.000 đồng. Chiều chiều, hãy cùng bạn bè đạp xe quanh thành phố, hít thở không khí phố biển, rồi rẽ vào một quán bánh nào đó, vừa hàn huyên, vừa thưởng thức hương vị của các loại bánh. Vậy là ta đã gom lại, một chút gì rất Quy Nhơn.

Nam Phương

Nguồn:http://www.baobinhdinh.com.vn/vanhoa-nghethuat/2007/7/46062/

Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau khổ của đồng loại để chăm lo riêng cho bộ da của mình!


nguoi_con_dat_vo Đội hình 1
  Bài viết: 608 Ngày tham gia: 24-04-2008, 19:38 Đến từ: Hội những người độc thân… Đã cảm ơn: 16 lần Được cảm ơn: 12 lần Blog: Xem blog (2) CĐV của: Bình Định – Liverpool

bởi redshark » 13-05-2009, 14:33

Rượu bầu đá

Nguyên liệu: 5 kg gạo (lấy được 2,5 – 3 lít rượu) phải mất 6 tiếng đồng hồ

Dụng cụ sản xuất: Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng.

Bí quyết: Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu… cộng với kinh nghiệm gia truyền. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Khi đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ khiến giật mình, e ngại.

Rượu Bàu Ðá là một sản phẩm truyền thống của Bình Ðịnh đã nổi tiếng từ rất lâu. Tương truyền, từ nhiều thế kỷ trước, những người dân nghèo ờ gò Cù Lâm, thôn Bàu Ðá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, trong khi tìm kế sinh nhai đã nấu rượu và sử dụng nguồn nước ngầm rỉ ra từ bàu đá tại thôn Bàu Ðá. Không ngờ những mẻ rượu được nấu từ nguồn nước này lại có một mùi hương rất đặc biệt, và nếu uống một cách điều độ mỗi ngày chỉ một, hai cốc nhỏ sẽ cho cảm giác thoải mái, dễ chịu, trị được chứng đau lưng, nhức mỏi, giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng hơn. Và thế là từ đó, rượu Bàu Ðá trở thành một thứ “ngự tửu” được dùng để tiến vua, là loại rượu thường được dùng trong các buổi yến tiệc của vua chúa…Do danh tiếng của rượu Bàu Ðá, trong dân gian nhiều người, nhiều địa phương khác đã kiếm cách “ăn theo”. Bất cứ rượu được nấu ở đâu, để dễ tiêu thụ người ta cũng gán cho nó cái nhãn Bàu Ðá. Vì thế trải qua thời gian, rượu Bàu Ðá tuy không mất nhưng danh tiếng bị mai một dần. Ngay cả người Bình Ðịnh khi cần kiếm cho được một chai rượu Bàu Ðá cũng rất khó.Ðầu năm 1999, từ gợi ý của một đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh, chị Nguyễn Thị Ngọc – một nữ biệt động thành, thương binh 4/4- lúc này đã nghỉ mất sức, đã nảy ra ý tưởng phục hồi lại danh tiếng của rượu Bàu Ðá, nâng cao chất lượng của nó và đưa nó trở thành một sản phẩm công nghiệp. Với kiến thức có được từ thời còn làm giám đốc Xí nghiệp rượu Quy Nhơn và sự trợ giúp của bạn bè, chị đã hoàn thành đề tài “Nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm rượu Bàu Ðá” và trình lên Hội đồng khoa học kỹ thuật của tỉnh. Tháng 6-1999, đề tài này được Hội đồng chấp nhận và hỗ trợ cho chị Ngọc 100 triệu đồng để thực hiện. Chị Ngọc đã về ngay Bàu Ðá mua 10 lít rượu nguyên gốc và trong suốt một năm trời, chị đã không biết bao nhiêu lần vào Nam ra Bắc, tìm đến các nhà máy rượu nổi tiếng và các chuyên gia về rượu để nhờ tìm ra quy trình loại bỏ các tạp chất và độc tố (có trong rượu Bàu Ðá nguyên gốc) cho đến khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Tháng 7-2000, đề tài “Nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm rượu Bàu Ðá” của chị Ngọc được Hội đồng khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định nghiệm thu và đánh giá rất cao. Cũng từ đó, cơ sở rượu Bàu Ðá Ngọc Hương do chị Ngọc làm chủ cơ sở chính thức ra đời. Chị Ngọc cho biết, ngày cơ sở ra đời cũng là ngày chị hoàn trả được 70% vốn theo quy định cho Hội đồng khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Theo chị Ngọc, sản phẩm rượu Bàu Ðá của cơ sở Ngọc Hương đưa ra thị trường tuy chưa nhiều (mỗi năm khoảng 50-70 nghìn chai) nhưng đã có mặt ở hầu hết thị trường các thành phố lớn, đặc biệt ở các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Ai đã từng cầm trên tay những chai, bầu rượu Bàu Ðá Ngọc Hương và được thưởng thức hương vị của nó, đều khải “tâm phục, khẩu phục” bởi hương vị tuyệt hảo và vẻ đẹp độc đáo của bao bì, mẫu mã. Chị Ngọc cho biết, tại Hội chợ TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Vườn Tao Ðàn nhân dịp Quốc khánh 2-9-2001, sản phẩm rượu Bàu Ðá Ngọc Hương được khách hàng chú ý nhất trong gian hàng trưng bày và bán rượu, chỉ trong vòng 1 tuần rượu Bàu Ðá Ngọc Hương đã đạt doanh thu kỷ lục: gần 100 triệu đồng !Hiện nay sản phẩm rượu Bàu Ðá của cơ sở Ngọc Hương về mẫu mã có trên 10 loại, đặc biệt các loại đựng trong bầu gốm Lái Thiêu rất được khách hàng ưa chuộng khi dùng để làm quà tặng. Toàn bộ rượu nguyên liệu đều được sản xuất tại Bàu Ðá, cơ sở Ngọc Hương chỉ xử lý loại bỏ tạp chất và độc tố, đóng bao bì. Chị Ngọc cho biết, hiện nay tại hò Cù Lâm (thôn Bàu Ðá) chỉ có 39 hộ nấu rượu và do họ nấu theo phương pháp thủ công nên dù “nấu hết công suất”, sản phẩm ra cũng không nhiều.Ngoài rượu Bàu Ðá, cơ sở Ngọc Hương cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công và tung ra thị trường các loại rượu Sầu riêng, rượu Ðậu nành, rượu vang trái cây hỗn hợp, rượu Nhàu, rượu nếp than …Ðặc biệt, chị Ngọc tiết lộ: chị đã mua được phương thuốc “thần tốc Quang Trung” từ một lão võ sư 90 tuổi ở Tam Ðảo. Phương thuốc này nếu ngâm với rượu Bàu Ðá sẽ là một thứ rượu thuốc kỳ diệu, một đặc sản độc đáo nữa của Bình Ðịnh…

Theo http://www.bunchaca.com/dac-san/2-produ … au-da.html


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

bởi redshark » 13-05-2009, 14:53

Tré Bình ĐịnhMón ăn này đặc biệt dễ làm, có vị chua chua ngọt ngọt, lại không có cảm giác bị ngán – rất thích hợp để gia đình bạn “lai rai” trong 3 ngày Tết sắp tới.

Nguyên liệu: Thịt đầu heo, thịt đùi heo: 1 kg, riềng: 1 củ, thính (gạo rang giã nhỏ): 100g, mè: 100g, tỏi băm nhuyễn, gia vị: nước mắm, đường, bột nêm, tiêu… Bánh tráng, xà lách, dưa leo, rau thơm. Lá chuối sạch (hoặc một hũ có nắp đậy). Chuẩn bị cho 10 người ăn.

Thực hiện: Thịt đầu heo, thịt đùi heo luộc lên, xắt miếng vừa ăn. Củ riềng thái sợi. Trộn hỗn hợp củ riềng, thịt heo, tỏi và nêm gia vị vừa ăn.

Lấy lá chuối sạch bỏ thịt vào lá quấn lại (hoặc để thịt vào hũ, đậy kín nắp), sau 2 ngày là dùng được.Khi ăn, món tré này phải có vị chua chua, ngọt ngọt (giống như nem) ăn kèm bánh tráng cuốn rau sống chấm nước mắm chua ngọt.

Trích http://www.bunchaca.com/dac-san/2-produ … -dinh.html


redshark Đội phó
  Bài viết: 2732 Ngày tham gia: 06-03-2009, 13:48 Đến từ: Tuy Phước, Tp. HCM Đã cảm ơn: 297 lần Được cảm ơn: 141 lần Blog: Xem blog (8) CĐV của: TNG

Quay về Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 3 khách

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ