BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn

Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa

bởi Quy Ninh » 27-10-2008, 22:17

Phóng sự – Ký sựThứ Sáu, 19/10/2007, 06:00 (GMT+7)

Dấu tích vương triều Tây sơn

Kỳ 1:Đàn Nam Giao và Tử Cấm thành

TT – Hơn 200 năm đã qua, tiếng vọng của vương triều Tây Sơn vẫn còn hiển hiện nơi mảnh đất đã sản sinh ra những bậc anh hùng cái thế, đặc biệt là tiếng vọng của cuộc khởi nghĩa được xem là vĩ đại nhất của những người áo vải chân trần.


Một phần Tử Cấm thành được phát lộ qua khai quật – Ảnh: B.TrungVương triều Tây Sơn – với những chiến công lẫm liệt của Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ) – quá ngắn ngủi, lại còn bị sự trả thù của triều Nguyễn và sự bào mòn của thời gian, mọi dấu tích giờ đây còn lại những gì?

Những ngày cuối tháng 9-2007, người dân xã Nhơn Hậu (An Nhơn, tỉnh Bình Định) rộn lên với việc đàn Nam Giao – nơi tế cáo đất trời cùng tổ tiên dân tộc, nằm trong thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn – vừa được phát hiện. Nhưng sau mừng vui là nỗi đau xót của bà con: cả một khu đất rộng nằm sát chân đàn Nam Giao đã bị chính quyền địa phương bán cho tư nhân đào lấy đất sâu như một lòng chảo lớn, mặc dù nơi đây đã được công bố từ lâu là khu vực di tích thành Hoàng Đế.

Trang trọng và hoang tàn

Trang vàng của thành Hoàng Đế – kinh đô đầu tiên của nhà Tây Sơn (khởi công xây dựng năm 1775) – khép lại đã 200 năm như được thu lại ngắn hơn khi di tích đàn Nam Giao được phát hiện. “Biết cũng chẳng có gì ngoài một ít gạch đá được đào lên nơi ngọn đồi quen thuộc, vậy mà bà con ai cũng cố đến xem cho được” – anh Trần Đức Tâm, nhân viên bảo vệ thành Hoàng Đế, nói. Cách trung tâm thành Hoàng Đế chừng hơn 1km về hướng tây, đàn Nam Giao của nhà Tây Sơn nằm trên đỉnh đồi cao 20m có tên là gò Chùa, rộng chừng 1.500m2, rất bằng phẳng. Cuộc khai quật di tích thành Hoàng Đế vừa được Viện Khảo cổ học VN phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định thực hiện giữa tháng 9-2007 đã làm lộ ra một phần hai móng trong – ngoài của đàn với gạch và một ít đá ong, nhưng trên mặt đồi thì đầy những mảnh gạch ngói vụn để lại từ lâu đời.Tiến sĩ Lê Đình Phụng – Viện Khảo cổ học VN, trưởng đoàn khai quật di tích thành Hoàng Đế lần này – cho rằng đàn Nam Giao chính là nơi biểu hiện quyền lực tinh thần của vương triều trước trời đất và lịch sử dân tộc, bởi vậy người dân trong vùng đã rất hân hoan trước di tích mới được phát hiện này. “Qua chỗ miếu hoang mình còn phải cúi đầu, huống chi cái chỗ đất thiêng liêng thế này” – ông Lê Xuân Ba, 80 tuổi, một ông lão có học thức của làng Nam Tân, nơi có thành Hoàng Đế, nói.Nhưng sau hân hoan là… chua xót. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi phải lội qua cả một vùng đất mênh mông nằm bên trong bờ thành ngoại của thành Hoàng Đế bị đào lấy đất sâu gần 2m, áp đến sát chân móng ngoài của đàn Nam Giao. Chân đồi bị đào sâu, đàn Nam Giao còn lại trông như đứng trên bờ vực, trơ trọi, chực sụp xuống.

Bi tráng Tử Cấm thành

Khu đất rộng nằm sát chân đàn Nam Giao đã bị đào lấy đấtDi tích còn rõ nhất của thành Hoàng Đế là tử cấm thành – bức tường thành trong cùng (sau thành ngoại, thành nội) – chu vi khoảng 600m, được xây rất kiên cố và bề thế để canh giữ cẩn mật nội điện, dinh sở, nội cung (vốn nằm bên trong tử cấm thành; đã bị phá tan) của triều đình.Cuộc khai quật hai điểm nội cung ở bên trong và ngoài tử cấm thành của thành Hoàng Đế diễn ra cùng lúc với cuộc khai quật đàn Nam Giao, kết thúc chưa đầy một tuần khi chúng tôi đến. Khi tất cả đã bị vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) cho san thành bình địa sau khi lên ngôi (1802), những phát hiện cũng chỉ là những móng nền với gạch đá. Kề bên nội điện là dấu vết còn lại của một hồ bán nguyệt và một hòn giả sơn, cả hai đều rất giản đơn, bé nhỏ.Tử cấm thành mới được khai quật giữa năm 2006. Các nhà khảo cổ học cho rằng có thể nó còn kéo dài ra phía bắc, trùm lên nền của một hậu cung vừa mới được khai quật. Được xây bằng loại đá ong khổ lớn và đắp đất bên ngoài nhưng tử cấm thành vẫn có một số đoạn bị sụp đổ. Nhưng không vì thế mà phai mờ với hậu thế những gì triều đại Tây Sơn đã làm được cho dân tộc. Những người cao niên ở làng nhớ khá nhiều về lịch sử Tây Sơn. Ông Lê Xuân Ba và nhiều cụ già ở làng Nam Tân nhắc lại với chúng tôi những chiến thắng mà những đoàn quân xuất phát từ kinh đô này đã mang lại được: đánh tan đại quân của quân Xiêm và quân của Nguyễn Ánh ở phía Nam vào năm 1784; dẹp yên quân của chúa Trịnh ở phía Bắc để trả quyền lại cho vua Lê vào năm 1786; tạo đà cho chiến thắng quân Thanh vào năm 1789. Nhưng họ lại không muốn nhắc lại đoạn bi thảm của kinh thành.Chúng tôi lội quanh gần 2km bờ thành ngoại phía nam. Tuy bị sạt lở nhưng bờ thành trông vẫn như một con đê to lớn, nhiều nơi lộ ra phần đá ong kè chắn rất kiên cố. Nhà cửa vẫn vây quanh trong – ngoài thành cổ, bên những lối đi ngang dọc, yên ả, tươi vui. Nhìn những cọc trụ đánh mốc khu vực thành cổ vừa mới được ngành chức năng cắm dày quanh bờ nam thành ngoại, nhiều người vẫn lo lắng cho di tích. “Mong sao sớm có ngày thành Hoàng Đế được tu sửa lại. Dân mình làm ăn dù có khá lên nhưng di tích không gìn giữ, không tu sửa lại thì cũng không vui trọn được” – ông Mai Bảy, người dân thôn Nam Tân, bày tỏ.Năm 1778 (Mậu Tuất), sau khi hạ sát chúa Nguyễn (Tân Chính Vương và Thái Thượng Vương), Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Thái Đức, chọn đóng đô ở thành Đồ Bàn xưa, tu sửa, làm mới lại rất nhiều và đặt tên là thành Hoàng Đế. Từ kinh đô này, Thái Đức Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, bắt đầu cho những chiến thắng vang dội trong Nam ngoài Bắc cho đến khi Nguyễn Huệ xưng đế hiệu Quang Trung rồi đánh thắng quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789).Với sự suy thoái của vương triều, trước sức tấn công mạnh mẽ của Nguyễn Ánh, thành Hoàng Đế bị thất thủ vào tháng ba năm Nhâm Tuất (1802). Cũng trong năm này, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, bắt đầu tru di tam tộc nhà Tây Sơn.HUỲNH VĂN MỸ

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index … annelID=89

Quy Ninh Đội phó
  Bài viết: 2035 Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03 Đến từ: Quy Ninh – Gia Định Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 2 lần Blog: Xem blog (0)

bởi Quy Ninh » 27-10-2008, 22:21

Dấu tích vương triều Tây Sơn (kỳ 2) :

Quê mẹ và ngôi mộ tổ

TT – Vượt cầu mới sông Côn, vào đền thờ Tây Sơn tam kiệt ở làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), khách hành hương ai cũng cảm động khi biết đất dưới chân của tượng đài Tây Sơn tam kiệt chính là nền nhà xưa của ba vị anh hùng.

Giếng nước ở vườn nhà thân sinh Tây Sơn tam kiệtẢnh: H.V.MỸTrong lịch sử các triều đại phong kiến của nước ta, chưa có mấy vị vua được hậu thế xây đền dựng tượng ngay trên nền nhà xưa cũ của mình.

Những di vật sống đời

Hơn 200 năm trôi qua, dường như không thể để lại được dấu vết gì trên cái giếng xây bằng đá ong của thân sinh Tây Sơn tam kiệt. Giếng vốn không có thành xây này nằm cách tượng đài và đền thờ ba vị anh hùng chỉ chừng vài mươi mét, bên cạnh là cây me cổ thụ với hai vòng tay ôm của người lớn. Những bô lão ở Kiên Mỹ kể: ngay cả cha ông họ khi lớn lên cũng đã thấy cây me này từ lâu.Giếng vẫn đầy nước, cây me vẫn xanh lá, nhạc võ vẫn rập ràng mỗi ngày nơi nhà biểu diễn võ Tây Sơn – Bình Định ở kề đền thờ ba vị. Cũng may khi hậu thế còn được những hiện vật quí giá này để chiêm vọng và sống lại với Tây Sơn tam kiệt những hoài niệm vừa xa xưa nhưng cũng vừa gần gũi này. Nền của đền thờ và tượng đài của ba vị cũng là nền đình làng Kiên Mỹ xưa: ngay sau khi sóng gió trả thù nhà Tây Sơn đã bớt, người dân Kiên Mỹ đã xây trên nền nhà của thân sinh ba vị ngôi đình làng ngầm thờ phụng ba vị.

Anh Mai Văn Châu bên nấm mộ cổ được nhiều người cho là mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt ở đồng Lăng, làng Phú Lạc – Ảnh: H.V.MỸ Trước đền thờ là bãi đất rộng đến sát bờ tả sông Côn. Người xưa truyền lại đây chính là “bến trường trầu”, nơi người anh cả Nguyễn Nhạc đưa trầu cùng những sản vật mua được từ miệt nguồn An Khê – tức Tây Sơn thượng đạo – mà nhiều nhất là của người Ba Na về để bán cho thương lái miền xuôi. Sau đền thờ, chếch về hướng bắc chừng cây số là gò Đá Đen – nơi luyện ngựa tập voi của nghĩa binh Tây Sơn.”Lúc ở đây còn thưa người, đêm khuya thỉnh thoảng dân làng nghe tiếng voi rền ngựa hí lẫn với tiếng người. Lâu lâu có người còn thấy bóng tướng quân cưỡi ngựa lướt qua làng, uy nghi lẫm liệt lắm. Nay người làng không còn nghe thấy những gì như người trước kể, nhưng khi khuya khoắt ngó vô khuôn viên Tây Sơn tam kiệt ai cũng kính cẩn, kiêng dè”, những người lớn tuổi nơi “đất vua” nói.

Chậm bước với tiền nhân?

Chúng tôi tìm đến quê mẹ của nhà Tây Sơn ở làng Phú Lạc, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn). Cuộc trả thù khủng khiếp của Gia Long đã triệt hạ sạch sành sanh người ba họ của Tây Sơn tam kiệt nên phía họ mẹ của ba vị cũng hoàn toàn bị xóa sạch, cả đến mộ phần cũng bị xiêu lạc, thất tung hết. Ông Nguyễn Đức Bổng, 75 tuổi, cư dân làng Phú Lạc, người được coi là khá am hiểu về chuyện xưa, đưa chúng tôi đến gò Đình ở mé tây làng chỉ chỗ nền nhà của song thân Tây Sơn tam kiệt. “Đây mới chính là chỗ ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng là cha mẹ ba vị đã ở trước khi dời về làng Kiên Mỹ là chỗ hiện có đền thờ ba vị”, ông Bổng chỉ vào nền đất hoang, rưng rưng nói.Từ ấp Tây Sơn (nay thuộc An Khê, tỉnh Gia Lai) – nơi tổ tiên ba đời của mình từ Nghệ An vào lập nghiệp, ông Hồ Phi Phúc (nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, đến khi khởi nghĩa Tây Sơn mới đổi là họ Nguyễn để dễ thuận lòng người) đã chuyển xuống ấp Kiên Thành (nay là làng Phú Lạc) là quê vợ của mình để sinh sống. Sau ngày nhà Tây Sơn bị tru di tam tộc, dân làng Phú Lạc đã dựng lên chỗ nền nhà của thân sinh ba vị vốn bị hoang phế lâu ngày ngôi đình làng.Trong chiến tranh chống Pháp, đình Phú Lạc đã bị triệt dỡ, nền đình trơ lại đến nay. Để tưởng nhớ Tây Sơn tam kiệt, năm 1999 chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ song thân ba vị. Đứng trên nền cũ, cũng như nhiều người ở Phú Lạc, chúng tôi thấy thật tiếc: giá mà đền thờ song thân tam kiệt được dựng ngay ở chỗ đất có cuống rốn cọng nhau của ba vị!Nhà Tây Sơn từ khi vua Thái Đức lên ngôi năm 1778 đến khi Cảnh Thịnh bị bắt năm 1802 được tất cả 24 năm, có ba vua: Thái Đức đế Nguyễn Nhạc (1778 – 1793), Thái Tổ Vũ hoàng đế Nguyễn Huệ – Quang Trung (1788 – 1792), Cảnh Thịnh đế Nguyễn Quang Toản (1792 – 1802). Nếu tính từ khi Nguyễn Nhạc khởi binh từ năm 1771 thì cộng tất cả là 31 năm.Từ gò Lăng ra cánh đồng phía trước chừng 700m, chúng tôi đến một ngôi mộ cổ được cho là mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt. “Hồi trước chỗ này là gò đất, đến năm 1990 mới được cải tạo thành đồng ruộng nên ngôi mộ lọt thỏm giữa ruộng nước như vậy” – anh Mai Văn Châu, cư dân Phú Lạc, người bảo vệ “chí nguyện” đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt ở gò Lăng, cho biết.Cũng từ việc cải tạo đồng ruộng này, người ta đã phát hiện một bia đá khổ lớn bị chôn vùi, cách ngôi mộ cổ chừng 6m về hướng bắc. Chỉ đến khi các cán bộ ở Bảo tàng Quang Trung đến tiếp nhận và cho dịch giải những dòng Hán tự khắc trên bia thì mọi người mới hiểu đây là bia mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt (được khắc dựng năm Kỷ Hợi, 1779, một năm sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế). Toàn văn tấm bia (được khắc trên đá trắng nhờ, xung quanh khắc hình rồng), được tìm thấy bên cạnh ngôi mộ cổ ở đồng Lăng làng Phú Lạc: “Tuế thứ Kỷ Hợi, trọng xuân, cốc nhật.Việt cố hoàng hiển tổ khảo Cang nghị mưu lược minh triết công chi lăng. Ngự chế” (tạm dịch: Năm Kỷ Hợi, giữa xuân, ngày lành. Lăng mộ của Cang nghị mưu lược minh triết công (tước), ông nội quá cố của vua nước Việt. Nhà vua tạo lập). Những chữ “Việt cố hoàng hiển tổ khảo” bị đục một số nét chính. Phần lớn thành mộ đã bị phá vỡ, còn nấm mộ thì bị kẻ gian đào khoét để tìm của báu. Nếu ngôi mộ trên đây được xác định là của ông nội ba vị thì đây là ngôi mộ duy nhất (cùng bi ký) của dòng tộc nội – ngoại Tây Sơn tam kiệt được tìm thấy.Vẫn biết còn phải chờ sự giám định của những nhà chuyên môn đối với ngôi mộ cổ này, nhưng thật đáng tiếc đã xấp xỉ 20 năm trôi qua vẫn chưa có những động thái nào cho việc giám định đó. Có phải những người có trách nhiệm đã quá chậm bước với tiền nhân?HUỲNH VĂN MỸ

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index … annelID=89

Quy Ninh Đội phó
  Bài viết: 2035 Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03 Đến từ: Quy Ninh – Gia Định Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 2 lần Blog: Xem blog (0)

bởi Quy Ninh » 27-10-2008, 22:25

Dấu tích vương triều Tây Sơn

Kỳ 3: Tấm lòng ở căn cứ địa


Anh Đinh Giót, một tổ trưởng của làng Đêchơgang, bên hòn đá Bok Nhạc mà anh được cha ông nói cho biết từ nhỏ – Ảnh:H.V.MỹTT – Trong căn nhà sàn tươm tất ở thôn Đêchơgang, xã Phú An (Đắc Pơ, tỉnh Gia Lai), già làng Đinh Chiêm trịnh trọng khi kể về những dấu tích Tây Sơn nơi chốn núi rừng nhau rốn của mình. 72 tuổi, từng là đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai – Kontum, ông Chiêm nói từ nhỏ ông đã được nghe cha mình kể chuyện về Bok Nhạc – tức ông Nguyễn Nhạc.Làng Đêchơgang cũng như nhiều làng Ba Na kế cận thời trước chiến tranh đều ở quanh chân dãy Kônkôrối (còn có tên Hanh Hót) – một đại trường thành ở phía đông nam căn cứ địa của Tây Sơn tam kiệt giai đoạn tiền khởi nghĩa, cách làng mới hôm nay không xa mấy.

Âm vang Bok Nhạc

Di tích của Bok Nhạc còn mãi với người Ba Na trong vùng là “hòn đá Bok Nhạc” nằm cách làng Đêchơgang khoảng 500m về hướng đông nam. Đó là hòn đá rộng như một chiếc bàn và có chỗ gác chân, là nơi mà Nguyễn Nhạc quen ngồi nghỉ chân mỗi khi vào các buôn làng tuyên truyền, vận động lũ làng góp sức cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm nơi núi rừng khuất lấp, lại không có gì lộ dấu để Gia Long cho triệt phá, hòn đá vốn gắn liền với con người phi thường được người Ba Na yêu quí, được dân làng nối đời gìn giữ và đặt tên để còn nguyên vẹn đến nay.Cũng theo già làng Đinh Chiêm, những tặng vật của Bok Nhạc cho các buôn làng Ba Na trong vùng hiện vẫn còn được dân làng giữ được một ít. “Bok Nhạc rộng cái bụng với người mình lắm. Thắng được giặc, Bok Nhạc thưởng cho người mình nhiều chum (ché), nồi đồng, chén bát. Cái của đó quí lắm, dân mình phải cố mà giữ lại đời đời”, ông Chiêm nhớ mãi lời của người trước. Cũng như một số người ở làng Đekơrối, ông Chiêm còn giữ lại được một chum nhỏ sứt miệng nhờ chôn giấu giữa rừng sâu, chỉ được mang về nhà sau ngày hòa bình. “Mỗi cái chum thế này trị giá năm, bảy con trâu. Nhưng có trả cao đến mấy dân mình cũng quyết giữ lại. Thấy nó cũng như thấy Bok Nhạc. Bán mất, lấy cái gì để mà nhớ!”, ông Chiêm nói.Ở làng HLang, xã Yang Nam (Kôngchoro, Gia Lai), cách thị xã An Khê chừng 32km về phía tây nam, ký ức về Bok Nhạc vẫn còn rõ nét với cư dân qua các di tích. Nhắm vào dải cao nguyên An Khê – nay gồm các huyện Kôngchoro, Đắc Pơ, KBang, thị xã An Khê – với rừng rậm sông sâu, rẫy nương sung nẫm, cư dân tốt bụng, ba anh em Tây Sơn đã cho tạo dựng ở đây rải rác một số cơ sở hậu cần.”Ông cha mình kể lại là Bok Nhạc tin cái bụng người Ba Na mình, lập ở đây cái nhà, cái hồ nước, cái chỗ chứa tiền của để đánh giặc”, già làng Đinh Glưh, hơn 80 tuổi, nhắc lại. Làng HLang nay cách cầu Yang Trung bắc qua sông Ba cuộn nước giữa đại ngàn chừng 2km về hướng nam. Nền nhà Bok Nhạc nằm phía sau làng non cây số, nơi một khu đất bằng phẳng chừng một hecta kề một khu đất đá ong.Hồ nước rộng chừng 500m2 đã bị đất cát và cỏ dại phủ lấp, đây đó lộ ra những bờ chắn xây bằng đá ong cỡ lớn. Một góc hồ nước vẫn trong ngần, được cư dân dọn sạch cỏ dại để lấy nước uống khi khô hạn. Từ đây, trưởng làng HLang Đinh Blơch cùng già làng Glưh đưa chúng tôi đi thêm hơn 2km đường rừng để đến chỗ được xem là “kho tiền” của Bok Nhạc.”Bok Nhạc cất tiền ở những hang hốc dưới con suối này. Nhưng loại tiền xu đó cũ lắm rồi, mình dùng tay bẻ nó gãy làm hai, làm ba được. Ông bà mình không cho phép dân mình đụng đến cái của linh thiêng của Bok Nhạc. Đến đời mình cũng phải tuân theo lời dạy ấy” – già làng Glưh nói, chỉ vào những hốc đá dưới con suối Jùmdôn đầy nước, cây chồi phủ kín.

Chuyện như chưa xa mấy…

Già làng Đinh Chiêm bên chiếc ché cổ ông cho là của Bok Nhạc tặng, được người cha của ông cất giữ và truyền lời lại Bok Nhạc – chủ tướng Tây Sơn – có một cuộc tình với người con gái một tù trưởng Ba Na nơi rừng núi An Khê. Nhưng trái tim người anh hùng không chỉ đắm say hương sắc của người đẹp chốn núi rừng mà còn vì đại cuộc. Sợi dây hôn nhân ấy đã thắt chặt thêm mối đoàn kết miền xuôi, miền ngược cho đại sự.Ít ai nghĩ người thứ thiếp Ba Na xinh đẹp Y-adok lại cũng là một trang nữ nhi đảm lược đã lo giúp một phần lương thực cho nghĩa quân trong buổi đầu tụ nghĩa. Hơn hai thế kỷ trôi qua, những gì người sơn nữ ấy đã làm cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vẫn còn được người Ba Na nối nhau ghi nhớ.”Bok Nhạc lấy con gái Ba Na mình làm vợ là bởi quí dân mình. Cái cô gái lấy Bok Nhạc cũng giỏi lắm, biết bày bảo cho dân mình khai vỡ một cánh đồng để có thóc gạo cho quân Tây Sơn ăn. Cánh đồng ấy giờ vẫn còn đó, được gọi là đồng Cô Hầu”, ông Đinh Chiêm kể.Đến thôn Hà Mầu, xã Nghĩa An (KBang, Gia Lai), rẽ vào con đường dốc xuyên rừng về hướng đông thêm chừng 3km là đến được cánh đồng – vườn mít Cô Hầu (cô hầu – một cách gọi người thứ thiếp thời trước?). Tuy cỏ dại cao lút đầu người nhưng cánh đồng xưa trông vẫn bằng phẳng, rộng hơn 2ha. Chung quanh đồng là khu rừng mít chen lác đác với cây rừng, tương truyền cũng là do “cô hầu” cho trồng.Rừng mít Cô Hầu thời đó dày ken, cây to đến hai người ôm, dần dần đã bị đốn chặt hết, nay chỉ còn lại những mầm chồi. Cánh đồng – vườn mít Cô Hầu, hòn đá Bok Nhạc, nền nhà, hồ nước, kho tiền Tây Sơn đang được ngành chức năng tỉnh Gia Lai có kế hoạch dựng bia di tích lịch sử và từng bước tôn tạo. Đứng bên di tích này có thể nghe được tiếng nước của sông Kôn băng dòng về Phú Lạc, Kiên Mỹ – những mảnh làng nhau rốn của ba anh em Tây Sơn nơi vùng hạ đạo cách chừng dăm mươi cây số.Xế chiều, dăm người Ba Na chài cá bên sông băng qua cánh đồng hoang. “Mỗi lần ngang qua đây, nhìn cái đồng cỏ, cái rừng cây mình cứ tưởng thấp thoáng ở đó có dáng hình của Bok Nhạc, của Cô Hầu, của quân lính lướt mắt nhìn đây đó. Biết là chuyện đã xa lắm rồi mà cái bụng mình cứ tưởng như chưa xa mấy”, một người vừa đi qua dừng lại nghỉ dưới bóng cây mít nói với chúng tôi trong niềm xúc động.Tây Sơn thượng đạo xưa là ấp Tây Sơn, nay là vùng An Khê, tỉnh Gia Lai, nơi tổ tiên bốn đời của Tây Sơn tam kiệt từ đất Nghệ An vào khai cơ lập nghiệp. Đến đời thân sinh ba vị dời xuống ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn, tỉnh Bình Định), được gọi là Tây Sơn hạ đạo. Tây Sơn thượng đạo từng là nơi làm ăn, buôn bán với người vùng cao của Nguyễn Nhạc. Đến khi mưu đồ đại sự, ông cùng hai em Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã lấy đây làm căn cứ địa. Sự giúp sức cho giai đoạn tiền khởi nghĩa của nhà Tây Sơn có đóng góp đáng kể của các dân tộc trong vùng, nhất là người Ba Na. HUỲNH VĂN MỸ

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index … annelID=89

Quy Ninh Đội phó
  Bài viết: 2035 Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03 Đến từ: Quy Ninh – Gia Định Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 2 lần Blog: Xem blog (0)

bởi Quy Ninh » 27-10-2008, 22:27

Dấu tích vương triều Tây Sơn

Kỳ cuối : Miếu đền những dũng tướng

Từ đường Bùi Thị Xuân do các ngành chức năng hỗ trợ trùng tu từ nhà từ đường có sẵn của dòng tộc – Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

TT – Từ sông Côn bên đền thờ Tây Sơn tam kiệt nhìn về hướng nam không xa, dãy Hòn Kính sừng sững như bức tường thành che chắn cho những cánh đồng trung du bát ngát.

Dưới chân Hòn Kính là làng Phú Mỹ thuộc xã Tây Phú (Tây Sơn, tỉnh Bình Định) – quê hương của đại đô đốc Tây Sơn Võ Văn Dũng – nơi có ngôi từ đường thờ phượng ông. Tây Sơn tam kiệt, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân cách nhà nhau chỉ chừng đôi ba cây số! Cuộc trả thù của kẻ chiến thắng đã muốn vùi họ vào hố lãng quên đen tối, nhưng hậu thế mãi coi họ là những tướng lĩnh tài ba của một triều đại từng làm hiển hách dân tộc.

Nấm mộ cải táng

Trên đường vào từ đường đại đô đốc Võ Văn Dũng, chúng tôi cứ nghĩ trên con đường này hơn 200 năm trước đã bao lần chàng thanh niên võ nghệ cao cường nơi làng quê đã lặn lội đến với ba chàng trai ngầm nuôi giấc mộng lớn ở làng Kiên Mỹ để cộng thành sức mạnh cho ngày khởi sự. Làng Phú Mỹ nay đường sá khang trang bởi từ quốc lộ 19 rẽ vào đã có đường nhựa vào khu du lịch sinh thái Hầm Hô cách làng không xa. Hầm Hô cũng là nơi Võ Văn Dũng chiêu tụ nghĩa binh cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.Từ đường Võ Văn Dũng nằm cách con đường vào Hầm Hô vài trăm mét, kề những vườn nhà quanh xóm. Ông Võ Văn Diệu, 75 tuổi, hậu duệ của đại đô đốc Dũng, cho biết người của chi tộc nhà ông dựng ngôi từ đường này từ rất sớm để thờ tự ngài đại đô đốc. Thật xúc động khi chúng tôi được biết đại đô đốc Dũng vẫn còn mộ và được đến thăm ngôi mộ nằm cách ngôi từ đường chỉ gần cây số.“Mộ đại đô đốc được ông cha chúng tôi dời từ trong núi sâu về vào thời đầu thế kỷ 20” – ông Võ Thừa Hậu, hậu duệ của đại đô đốc, cho biết. “Nỗ lực chèo chống vương triều Tây Sơn trên bước suy vong, tháng ba năm Nhâm Tuất 1802, Võ Văn Dũng cùng tướng Trần Quang Diệu rời thành Hoàng Đế theo đường thượng đạo vòng qua Lào ra Nghệ An để hội cùng quân Tây Sơn ở đó chống quân Nguyễn Ánh. Nhưng giờ suy vong của triều Tây Sơn đã đến, ông bị bắt ở Nông Cống (Thanh Hóa)”, chúng tôi điểm lại bên mồ đại đô đốc những dòng chính sử.Còn ông Võ Thừa Hậu kể về đoạn cuối oai hùng của đại đô đốc, cũng giống những gì đã được nhà thơ Quách Tấn viết ra trong tác phẩm Nhà Tây Sơn: “Trên đường bị áp giải về Phú Xuân, ông đã phá cũi thoát thân. Lẻn trốn về quê, ông tập hợp người cũ và chiêu mộ thêm nghĩa quân mưu việc phục thù. Ông chọn núi Hòn Hợi ở dưới đèo An Khê làm căn cứ, lên kế hoạch khôi phục cơ đồ. Nhưng mãi rồi cũng bị bại lộ, con cháu của Nguyễn Nhạc bị giết, ông thoát thân được lại trốn vào một làng người Thượng. Được họ đùm bọc, mãi đến mươi năm sau dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) ông mất, thọ trên 90 tuổi”. Nhưng sử nhà Nguyễn nói là ông đã bị giết cùng với các cận thần của vua Cảnh Thịnh vào cuối năm 1802. Cũng vì vậy, theo ông Võ Thừa Hậu, đến nay một số người ở các ngành chức năng vẫn chưa nhìn nhận đây là mộ của đại đô đốc Võ Văn Dũng!Bị Nguyễn Ánh cho đập phá, lăng đô đốc Kiều Phụng ở xã Tam An (Phú Ninh, Quảng Nam) bây giờ chỉ còn lại nấm mộ và móng nền bằng gạch đá. Mộ đô đốc Lê Văn Long ở làng Xuân Phú, xã Tam Thái (Phú Ninh, Quảng Nam) là ngôi mộ đất nhỏ nhoi, cây cối phủ lấp. Mộ tướng Đống Công Trường ở làng Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành, Quảng Nam) cũng là ngôi mộ đất, không bi ký, nằm giữa khu gò hoang…Họ là những võ tướng nhiều công lao với triều đại Tây Sơn, nhất là trong trận chiến đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược từng được vua Quang Trung, Cảnh Thịnh khen ngợi trong các sắc phong. Vậy mà tên tuổi, công lao của họ chỉ mới dần được biết đến trong những năm lại đây, những nấm mộ của họ xơ xác nơi gò bãi hiu hắt.

Còn mắc nợ tiền nhân

Vẫn lúa xanh trải sát bên hè nhà, đường đến từ đường nữ đô đốc Tây Sơn Bùi Thị Xuân ở thôn Phú Xuân, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định) cũng rất đẹp. “Tộc chúng tôi dựng nhà thờ bà sớm lắm. Đây cũng là chỗ cho ông bà chúng tôi đó” – ông Bùi Đức Lưu, 73 tuổi, hậu duệ của vị nữ tướng, nói.Chúng tôi đến vườn Voi – nơi xưa kia vị nữ tướng cột voi – ở kề từ đường, vườn Võ – nơi bà thao tập cho quân sĩ – ở bên dưới từ đường chừng cây số mong tìm chút hơi hướng quá khứ. Vườn Voi nay nhà cửa san sát, còn vườn Võ rộng gần 1ha nằm sát quốc lộ 19 mới bị bán cho một doanh nghiệp san ủi mở cây xăng. Ông Lưu kể từ sự tôn kính bà, nhiều người hay đến từ đường lễ bà để cầu tìm sự yên ổn tâm trí, vượt qua những khó khăn công việc.Quả là bức chân dung nữ đô đốc Bùi Thị Xuân tại từ đường thể hiện được rất cao nét bình tâm, tự tin và quyết đoán của người nữ tướng đĩnh đạc trên mình voi. Những ngày cuối cùng của vương triều, tại Nghệ An bà đã cùng chồng là tướng Trần Quang Diệu (cùng đại đô đốc Võ Văn Dũng từ thành Hoàng Đế kéo ra) toan cầm cự và xoay chuyển thế trận. Và phút cuối cùng, năm 1802, trước cuộc hành quyết của Nguyễn Ánh đối với bà cũng như đối với chồng và con gái, bà vẫn bình thản!Chuyện về bức chân dung của bà cũng rất cảm động. Ông Lưu kể nhân thấy hình vẽ của bà trên một cuốn sách chữ Hán được viết lâu đời để ở nhà ông nội của ông, một vị thầy chùa đã mượn về để vẽ theo rồi đem tặng ông nội ông bức chân dung của bà. Quyển sách chữ Hán đó đã bị thất lạc từ lâu nhưng bức chân dung bà thì còn giữ được để họa ra thờ đến nay.Ông Trần Đình Ký – giám đốc Bảo tàng Quang Trung – cho biết chính quyền và ngành chức năng địa phương đang tập trung xây dựng đền thờ đô đốc Bùi Thị Xuân rất bề thế trên khu đất rộng gần từ đường Bùi Thị Xuân, dự tính hoàn thành cuối năm 2007. Tiếp theo, năm 2008 sẽ xây dựng đền thờ đại đô đốc Võ Văn Dũng (cũng ở gần từ đường Võ Văn Dũng). Cũng theo ông Ký, những nỗ lực tìm kiếm tông tộc của danh tướng Trần Quang Diệu của Bảo tàng Quang Trung vẫn chưa có kết quả.

Dấu tích vương triều Tây Sơn vẫn còn lẩn khuất đây đó mà 200 năm hậu thế dường như vẫn còn mắc nợ tiền nhân.

HUỲNH VĂN MỸ

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index … annelID=89

Quy Ninh Đội phó
  Bài viết: 2035 Ngày tham gia: 22-03-2008, 16:03 Đến từ: Quy Ninh – Gia Định Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 2 lần Blog: Xem blog (0)

bởi My Lăng » 07-06-2009, 18:35

Thành Hoàng Đế, cung điện từng bị chôn vùi

Thành Hoàng Đế do Nguyễn Nhạc xây dựng năm 1776 trên nền của kinh đô Đồ Bàn, vương quốc Champa. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, những gì liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị xóa sạch.

Thành Hoàng Đế cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía bắc, nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.Thành Hoàng Đế cũng như các kinh thành khác gồm 3 vòng thành, với chu vi 25 dặm. Tử Cấm Thành với chu vi 600 m, những đoạn tường của Tử Cấm Thành hiện nay vẫn còn với chiều cao trung bình 1,8 m có đoạn cao đến 3 m, tường xây thẳng bằng đá ong.Qua nhiều lần khai quật đã lộ rõ nhiều công trình kiến trúc chứng tỏ vương triều Thái Đức đã phát triển trên đất này. Đó là nền chính điện, nền điện bát giác với gạch Bát Tràng và đá trắng Champa. Hai hồ bán nguyệt đối xứng qua điện bát giác, với những dãy đá san hô, những bậc đá gắn vào hồ.Ngoài hai hồ bán nguyệt, đợt khai quật còn lộ một hồ hình trái tim. Những cây sung cổ thụ mấy trăm năm tuổi bên hòn giả Sơn. Giếng vuông ở góc thành, lát đá ong mà nước đến bây giờ vẫn trong xanh dù cho thời gian cây cỏ vô tình che lấp.Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó có trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với tướng Võ Tánh vào tháng 5 năm 1801. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu cùng với quan văn là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nơi đây làm nơi thờ “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.Tuy thành Hoàng Đế chỉ còn là di tích lịch sử, nhưng văn hóa, và những làng nghề xung quang thành vẫn còn như từ thuở nào. Không nhiều như “36 phố phường” của thành Thăng Long, nhưng xung quanh thành Hoàng Đế vẫn còn nhiều làng nghề rộn ràng sản xuất như làng gốm Vân Sơn, làng dệt Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, làng tiện gỗ, làng nón… cho thấy một kinh thành nhộn nhịp ngựa xe và phồn hoa làm lòng ta thấy nao nao mà nghĩ về một huyền tích kinh xưa.

Cổng Thành Hoàng Đế.

Một hồ nước trong Tử Cấm Thành đã được khai quật.Hồ hình trái tim.

Giếng hình trái tim.

Một góc Tử Cấm Thành.

Mộ tướng Võ Tánh trong thành Hoàng Đế.

Một góc tường Tử Cấm Thành bằng đá.

Giếng cổ trong thành Hoàng Đế.

Nền điện được lát bằng gạch Bát Tràng.

Những biểu tượng bằng đá trong thành Hoàng Đế.

Voi đá.Hoàng Tuấn

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Du-l … /3BA0FDBC/

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sáchĐể thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng Đội hình 1
  Bài viết: 996 Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43 Đã cảm ơn: 21 lần Được cảm ơn: 13 lần Blog: Xem blog (0)

bởi lalala » 07-06-2009, 22:10

Ta đã hái nhành hoa kia của đáVà đã trao cho nham thạch phiêu bồng [1]Cách Quy Nhơn khoảng 25 km, về hướng Tây bắc có một thành cổ đã thành phế tích, chìm sâu dưới đất, đó là thành Đồ Bàn thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. “Thành do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan đứng ra xây dựng, kiến trúc thật kiên cố. Bên trong có dựng tháp Bảo chướng, bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn án ngữ mặt tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thập Tháp yểm hậu. Thành vị phế bỏ kể từ năm 1471. Ba thế kỷ sau, vào năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm thành Đồ bàn làm sở chỉ huy của nghĩa quân, và đổi tên gọi là thành Hoàng Đế “[2].Một ngày cuối tuần đẹp trời, tôi cùng người bạn đặt chân đến đây. Ở dưới bước chân ta ấy, ở bên dưới kia ấy, dưới ánh nắng vàng này là chốn kinh xưa, chứa bao chuyện tồn vong của một vương triều. Một vương quốc kéo dài dọc biển, theo dải đất hẹp miền Trung đến miền Nam, hùng mạnh suốt mười hai thế kỷ, nay chỉ còn man mác những tượng tháp cũ hoang vu.

Nhìn vương miện trên voi đá trước cổng thành, tôi chợt nhớ câu chuyện vua Chế Mân tặng nước Đại Việt châu Ô, châu Rí cầu hôn nàng công chúa Huyền Trân. Thân gái theo chồng về sống ở Trà Bàn, đất Bình Định nay. Từ đó vương quốc Champa bắt đầu bị đẩy lùi về phía Nam đèo Hải Vân. Đến năm 1471, nước Đại Việt đánh chiếm Trà Bàn và thôn tính Champa, một nền văn minh Nho giáo thay thế nền văn minh Ấn Độ giáo.

Một vương triều đi qua, hồn phách mộng đã xa rồi… Cỏ xanh kia đang đăm chiêu chuyện gì?

Hỡi các nàng công chúa, vương phi ngồi vén xiêm y trên hồ bán nguyệt, tôi vô tình hay hữu ý mà giẫm lên gót ngà gót ngọc dấu lại trên bờ đá nhỏ kia…

Hỡi ơi, là là… giữa cõi miền này các thời đại đi quanh. Tôi chạm tay vào tường thành, nghiêng đầu tạm biệt Đồ Bàn…————-[1] Bùi Giáng

[2] Xem thêm Thành cổ Đồ Bàn

Các thành viên đã cảm ơn lalala về bài viết này: Restive Horse
lalala Đội hình 2
  Bài viết: 337 Ngày tham gia: 10-04-2004, 18:07 Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 38 lần Blog: Xem blog (0)

bởi My Lăng » 09-06-2009, 13:14

blog của LàLáLa, viết rất hay .Có lãng mạn, có thơ, có ảnh, có bình. Có Cù Lao Xanh rồi tới Kinh đô Đồ Bàn, blog của LàLáLa có nhiều điều để học. Ông lão vẫn say trăng đầu gối sáchĐể thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng Đội hình 1
  Bài viết: 996 Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43 Đã cảm ơn: 21 lần Được cảm ơn: 13 lần Blog: Xem blog (0)

bởi lalala » 09-06-2009, 16:12

My Lăng đã viết:blog của LàLáLa, viết rất hay .Có lãng mạn, có thơ, có ảnh, có bình. Có Cù Lao Xanh rồi tới Kinh đô Đồ Bàn, blog của LàLáLa có nhiều điều để học.

Anh quên là blog của La có cả My Lăng nữa! Cảm ơn anh quá khen! Mà chán cái là, ở Quy Nhơn mấy hôm nay multiply bị chặn, nên muốn vào blog phải vượt tường lửa.


lalala Đội hình 2
  Bài viết: 337 Ngày tham gia: 10-04-2004, 18:07 Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 38 lần Blog: Xem blog (0)

bởi My Lăng » 09-06-2009, 16:29

lalala đã viết:

My Lăng đã viết:blog của LàLáLa, viết rất hay .Có lãng mạn, có thơ, có ảnh, có bình. Có Cù Lao Xanh rồi tới Kinh đô Đồ Bàn, blog của LàLáLa có nhiều điều để học.

Anh quên là blog của La có cả My Lăng nữa! Cảm ơn anh quá khen! Mà chán cái là, ở Quy Nhơn mấy hôm nay multiply bị chặn, nên muốn vào blog phải vượt tường lửa.

Tư tưởng Bình Định lúc nào cũng dzậy! Ko thoáng như HN, SG.

Bến My Lăng có đọc . Hay ! La chụp cái hình đó (trong BML) chổ nào zậy. Vị trí Chính xác địa điểm được ko? Anh có về năm ngoái , nhưng ko thấy.

Sửa lần cuối bởi My Lăng vào ngày 09-06-2009, 16:32 với 1 lần sửa trong tổng số.

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sáchĐể thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng Đội hình 1
  Bài viết: 996 Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43 Đã cảm ơn: 21 lần Được cảm ơn: 13 lần Blog: Xem blog (0)

bởi My Lăng » 09-06-2009, 16:35

Bên kia cầu hay bên này cầu ? Cái quán đó chắc của tư nhân quản lý hả, để đợt này về ghé.
Ê! Môi đỏ gọi anh bằng chú đó nghen.

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sáchĐể thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng Đội hình 1
  Bài viết: 996 Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43 Đã cảm ơn: 21 lần Được cảm ơn: 13 lần Blog: Xem blog (0)

bởi lalala » 12-06-2009, 14:01

My Lăng đã viết:Bên kia cầu hay bên này cầu ? Cái quán đó chắc của tư nhân quản lý hả, để đợt này về ghé.
Ê! Môi đỏ gọi anh bằng chú đó nghen.

Quán cafe My Lăng nằm cách cầu khoảng 50 mét, chạy về phía thị trấn. Nhà thằng buctuonglua ở bên phía này sông, lấy lưới ra thả cá, kiếm bàu đá ra bờ sông ngồi ngắm… xe xúc cát!

He ha, lại gặp thêm một người quen của Mâu đỏ ở BDFFC…


lalala Đội hình 2
  Bài viết: 337 Ngày tham gia: 10-04-2004, 18:07 Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 38 lần Blog: Xem blog (0)

bởi ngocviendesign » 12-06-2009, 15:58

Em đang dự định thực hiện một phim phóng sự chừng 25 phút về Thành Hoàng Đế, vừa qua có đi khảo sát, có đọc những thông tin trên này. Nhưng hoàn toàn có nhiều chiều hướng viết hơi khác khác một chút. Lục lọi trong thư viện của trường Văn Hóa thì khá chi tiết về Thành Hoàng Đế, về lúc thành lập đến lúc vào tay Nguyễn Ánh. “Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó có trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với tướng Võ Tánh vào tháng 5 năm 1801. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu cùng với quan văn là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nơi đây làm nơi thờ “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.”

Một điều khá thú vị cho bộ phim phóng sự em sắp làm là về “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Dù là phía bên Nguyễn Ánh, nhưng người dân khá tinh tường không phân biệt phe này hay phe kia. Có rất nhiều nguồn cho rằng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu treo cổ tự vẩn chứ ko phải là tự thiêu hay uống thuốc.

Ai rãnh thì hú em nhậu… phone: 0907205217
http://www.ngocvienphoto.com ngocviendesign Đội phó
  Bài viết: 1023 Ngày tham gia: 24-03-2008, 08:44 Đã cảm ơn: 106 lần Được cảm ơn: 107 lần Blog: Xem blog (0)

bởi refereebd » 19-06-2009, 23:10

ngocviendesign đã viết:Em đang dự định thực hiện một phim phóng sự chừng 25 phút về Thành Hoàng Đế, vừa qua có đi khảo sát, có đọc những thông tin trên này. Nhưng hoàn toàn có nhiều chiều hướng viết hơi khác khác một chút. Lục lọi trong thư viện của trường Văn Hóa thì khá chi tiết về Thành Hoàng Đế, về lúc thành lập đến lúc vào tay Nguyễn Ánh. “Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó có trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với tướng Võ Tánh vào tháng 5 năm 1801. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu cùng với quan văn là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nơi đây làm nơi thờ “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.”

Một điều khá thú vị cho bộ phim phóng sự em sắp làm là về “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Dù là phía bên Nguyễn Ánh, nhưng người dân khá tinh tường không phân biệt phe này hay phe kia. Có rất nhiều nguồn cho rằng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu treo cổ tự vẩn chứ ko phải là tự thiêu hay uống thuốc.

– Điều thứ nhất là bạn đang nhận tiền để quảng cáo cho “song trung”, mà đã nhận tiền thì khó có thể khách quan. Nên đừng bao giờ nói như thế nữa.

Dù là phía bên Nguyễn Ánh, nhưng người dân khá tinh tường không phân biệt phe này hay phe kia. Có rất nhiều nguồn cho rằng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu treo cổ tự vẩn chứ ko phải là tự thiêu hay uống thuốc.

_Điều thứ hai, có bao nhiêu người ngụ cư, bao nhiêu tạm trú, thường trú…tính từ ngày nào ….số liệu đó có đủ chứng minh ko ? Đừng nói những lời đó khó nghe lắm . Ai tinh tường ai ko, còn những người theo Tây Sơn là ko tinh tường hay theo Nguyễn Ánh-Gia Long mới la tinh tường ?Trình độ của bạn đã đủ sức khẳng định chưa, bạn bao nhiêu tuổi. Còn người nào khẳng định. Bạn có biết , trước 75 nơi đây là vùng chiến sự. Bom đạn, mìn sát thương còn đó đến những năm 80. Có bao nhiêu người còn lại sau chiến tranh. Họ là ai? Dân bản địa hay tứ xứ, có mấy người đủ trình độ để thẩm định lịch sử.Thư viện của 1 trường văn hóa tầm cỡ Bình Định đã đủ sức thuyết phục thay đổi cả lịch sử ko? Bạn có là con dân của Tây Sơn Nguyễn Huệ hay con cháu Gia Long? Dù là ai thì cũng cần có quá trình tìm hiểu , phân tích suy luận, tìm tòi tài liệu. Bạn biết tếng Pháp ko? có qua Thư viện bên Pháp đọc tài liệu ko mà đòi thay đổi lịch sử.Hãy thật sự khách quan mà nhận định. Nhận việc- tiền của người thì cứ mà làm , đừng bày đặt “rộng đường dư luận” .

Bạn đồng ý KO?

refereebd Thành viên   Bài viết: 60 Ngày tham gia: 09-05-2009, 10:03 Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 0 lần Blog: Xem blog (0)

bởi vinh hy » 19-06-2009, 23:33

Hổm giờ đọc bài của Viễn có vài thắc mắc định hỏi, nhân hôm nay đọc bài của refereebd mình xin hỏi luôn:Thứ nhất: Nếu đang là sv, Viễn làm bài tập hay phim tốt nghiệp thì ắc hẳn phải có đăng ký đề tài – Vậy trường nào đồng ý cho Viễn làm phim về “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ?

Thứ hai: Nếu đã đi làm, ai đã cấp phép cho bạn làm phim về “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ?

“Sống nhân ái để bảo toàn năng lượng, dùng năng lượng để làm cuộc sống tốt hơn.”

Sân sau


vinh hy Đội phó
  Bài viết: 2757 Ngày tham gia: 18-01-2009, 18:07 Đến từ: Tuy Phước ; Tp HCM Đã cảm ơn: 178 lần Được cảm ơn: 474 lần Blog: Xem blog (0) CĐV của: Binh Định;Arsernal;Pháp

bởi bundooroo » 20-06-2009, 11:50

refereebd đã viết:Trình độ của bạn đã đủ sức khẳng định chưa, bạn bao nhiêu tuổi. Còn người nào khẳng định. Bạn có biết , trước 75 nơi đây là vùng chiến sự. Bom đạn, mìn sát thương còn đó đến những năm 80. Có bao nhiêu người còn lại sau chiến tranh. Họ là ai? Dân bản địa hay tứ xứ, có mấy người đủ trình độ để thẩm định lịch sử.Thư viện của 1 trường văn hóa tầm cỡ Bình Định đã đủ sức thuyết phục thay đổi cả lịch sử ko? Bạn có là con dân của Tây Sơn Nguyễn Huệ hay con cháu Gia Long? Dù là ai thì cũng cần có quá trình tìm hiểu , phân tích suy luận, tìm tòi tài liệu. Bạn biết tếng Pháp ko? có qua Thư viện bên Pháp đọc tài liệu ko mà đòi thay đổi lịch sử.Hãy thật sự khách quan mà nhận định. Nhận việc- tiền của người thì cứ mà làm , đừng bày đặt “rộng đường dư luận” .

Bạn đồng ý KO?

Bác refereebd nói vậy là không đúng rồi!Nghiên cứu lịch sử không nhất thiết phải lớn tuổi, già lão mới làm được đâu. Quan trọng là phải có lòng đam mê, khả năng nghiên cứu và có khả năng tận dụng những ưu thế của khoa học và công nghệ. Người nghiên cứu lịch sử trẻ có ưu thế về tư duy mới mẻ, thoáng, không bị chi phối bởi những quan điểm cổ điển có thể đem lại những cách nhìn mới. Lịch sử là bất biến, nhưng quan điểm, đánh giá nhìn nhận về sự kiện lịch sự, con người lịch sử lại có thể thay đổi và đa chiều.

Tui vẫn đồng ý với bác về sự khách quan khi bàn về lịch sử, nhưng nói về lịch sử cũng nên đa chiều. Đúng, sai thì sẽ có dư luận phản biện sau này.

BÌNH ĐỊNH – LÀM LẠI TỪ HẠNG NHẤT!


bundooroo Giám sát   Bài viết: 5811 Ngày tham gia: 13-04-2008, 17:06 Đã cảm ơn: 289 lần Được cảm ơn: 140 lần Blog: Xem blog (27) CĐV của: Binh Dinh, MU, Barca, Inter!

bởi My Lăng » 25-09-2009, 09:46

Thăm thành Hoàng Đế 21/09/2009 10:14

Tượng sư tử đá phía trước được cho là để bảo vệ thành

(TNTT>) Về An Nhơn (Bình Định), không chỉ được no mắt với những cánh đồng lúa xanh trải dài vô tận, no say với vị nồng nàn của rượu Bàu Đá, chúng tôi còn bị mê hoặc bởi nét rêu phong, cổ xưa đến kỳ bí của thành Hoàng Đế.

Tấm bảng chỉ dẫn vào tháp Cánh Tiên-thành Hoàng Đế nằm ngoài QL.1A, đoạn thị trấn Đập Đá, giúp chúng tôi dễ dàng đến ngôi thành cổ nhà Tây Sơn.

Uy nghiêm Tử Cấm thành

Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (Bình Định) là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm 3 vòng thành: thành ngoại, thành nội và Tử cấm thành với 4 cạnh phân bố theo đúng 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Chu vi thành ngoại là 7.400m. Bên trong là Tử cấm thành có tổng diện tích 21.600m2, nằm ở trung tâm của thành Hoàng Đế.

Những tảng đá ong cổ xưa ở thành Hoàng ĐếHai chú voi bằng đá rêu phong phủ phục trước cổng thành xưa như chào đón du khách. Đôi thạch tượng đứng cách nhau hơn 20 mét, một hướng về đông, một hướng về tây trước cổng thành. Đó là dấu tích thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc giữ lại khi xây dựng thành. Ghé thăm cung điện, lầu bát giác, hòn giả sơn…của khu Tử cấm thành lừng danh một thời, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những cấm cung, cung điện uy nghiêm, sân chầu của vua quan thời Thái Đức Nguyễn Nhạc.

“Quyển sách cổ bị bỏ quên”

Thành Hoàng đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với đá ong địa phương được tận dụng làm tường khá kiên cố. Khu Tử cấm thành luôn rợp bóng cây xanh, có cả hồ bán nguyệt, hòn giả sơn…rất thơ mộng. Thấp thoáng sau tán cây cổ thụ nơi hòn giả sơn, tháp Cánh Tiên nghiêng mình e ấp đẹp tựa tranh vẽ. Trải qua sự tàn phá của thời gian, những cây cổ thụ với đủ loại: me, sung, bồ đề, khế…vẫn hiên ngang đứng đó như những chàng lính ngự lâm oai dũng bảo vệ cấm cung.

Lầu bát giác và mộ Võ TánhVới tuổi đời hơn 200 năm, cổ thành Hoàng Đế được ví von như một quyển sách cổ bị bỏ quên, để rồi nếu vô tình chạm đến và mở ra, bạn sẽ bị chinh phục bởi nét đẹp của những trang dĩ vãng, những dòng lịch sử hết sức giá trị. Vì lòng hận thù cá nhân, Nguyễn Ánh đã san lấp thành và xây lăng mộ cho tướng bại trận của mình là Võ Tánh với lầu bát giác ngay trên đại điện.Võ Tánh vốn là tướng của Nguyễn Ánh nhưng do đã trung dũng hy sinh và cầu quân nhà Tây Sơn tha cho binh sĩ mình được về với vợ con nên đã được nhân dân địa phương thờ cúng.Không ai lý giải được vì sao cây me già trải qua hàng trăm mùa thay lá vẫn cao lớn, xanh tốt; bức tường thành đá ong cũ nát nhưng vẫn còn đong đầy nét độc đáo quyến rũ; cây sung hơn trăm năm tuổi vẫn luôn sai quả, trĩu cành; còn cái giếng vuông bằng đá ong đặc trưng của người dân địa phương luôn đầy nước mát lành…Những điều bí ẩn ấy đang đợi chờ những bước chân lữ khách cùng đến khám phá.Mặc dù được coi là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, ghi lại những sự kiện bi tráng trong những năm tháng cuối cùng của phong trào anh hùng áo vải cờ đào đất võ, nhưng nơi này còn ít du khách đến thăm.

Cát Minh

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sáchĐể thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng Đội hình 1
  Bài viết: 996 Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43 Đã cảm ơn: 21 lần Được cảm ơn: 13 lần Blog: Xem blog (0)

bởi Restive Horse » 19-09-2010, 23:00

Ở Bình Định mà mình chưa bao giờ đặt chân đến nơi này. Cảm ơn Ban Lala.

ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU.
ĐẤT KHÔNG LÀNH ĐẤT NHẬU LUÔN CHIM.


Restive Horse Đội phó
  Bài viết: 1486 Ngày tham gia: 05-03-2008, 12:53 Đã cảm ơn: 156 lần Được cảm ơn: 96 lần Blog: Xem blog (4)

bởi thanhnha » 20-09-2010, 00:46

Sao diễn đàn của người Bình Định mà cứ copy rồi paste hoài vậy ta? Bộ mọi người hông thấy xấu hổ hả?

thanhnha Đội hình 2
  Bài viết: 312 Ngày tham gia: 07-08-2008, 18:14 Đã cảm ơn: 0 lần Được cảm ơn: 20 lần Blog: Xem blog (0)

Quay về Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 3 khách

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ