BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đồng bằng – Bờ biển, cửa biển – Đầm ao

Mà Đông là biển cả.Ba mặt Nam Tây Bắc là ba dãy non xanh nối nhau lại thành hình một chiếc ngai rồng vĩ đại.

bởi turbo » 20-04-2007, 15:00

Đồng bằngDiện tích toàn tỉnh Bình Định phỏng chừng tám nghìn cây số vuông, tức 800 nghìn mẫu tây. Núi non chiếm hơn 2/3 diện tích. Còn độ trên dưới 200 nghìn mẫu Tây là đồng bằng. Đồng Bình Định là cánh đồng lớn trong những cánh đồng lớn ở trung Việt. Nhưng không được nhất trí như đồng ở nam Việt. Đồng thường bị núi gò làm gián đoạn. Song đoạn nào cũng bát ngát mênh mông, nhất là những cánh đồng ở lưu vực những con sông lớn, như Côn Giang, Lại Giang…. thì sắc xanh của hoa màu liền với sắc xanh của trời biếc.Ngoài những cánh đồng ở bình nguyên, Bình Định còn nhiều cánh đồng ở nơi miền núi.Những cánh đồng ở bình nguyên đã có từ khi người Chiêm Thành làm chúa lãnh thổ. Và khi người Việt Nam định cư thì những nơi ở trong lưu vực các con sông lớn được khai thác, khẩn hoang lần lần, từ bình nguyên lên miền núi.Đồng ở bình nguyên thì lấy tên địa phương mà gọi. Còn ở nơi miền núi, thì có tên riêng từng vùng. Như ở Hoài Nhơn có đồng Vuông ở giữa thung lũng núi thuộc xã Hoài Sơn.Ở An Lão có đồng Dài tức là đồng Thanh Lương, chạy từ Năng An đến Truông Ổi.Đồng Dí, đồng Dớn ở vùng Kim Sơn.Đồng Đế ở xã Mỹ Chánh, quận Phù Mỹ.Nhiều nhất ở Bình Khê (nay một phần thuộc tỉnh Gia Lai và phần thuộc tỉnh Bình Định là huyện Tây Sơn). Những đồng có danh như:Đồng Hươu tức Lộc Đỗng, nơi xưa kia nghĩa quân Cần Vương đóng tổng hành dinh nay đã trở thành một xóm ruộng tốt người đông, thuộc thôn Phú Phong, xã Bình Phú.Đồng Vụ thuộc thôn Trinh Tường, xã Bình Tường. Đây là nơi đóng trại trữ lương của nghĩa quân, tục gọi là nam trại.Đồng Vụ gồm có đồng Vụ nội và đồng Vụ ngoại. Hiện giờ đồng Vụ nội cũng như ngoại là một đồng lúa phì nhiêu, rộng rãi, chung quanh có núi non, có sông suối. Dấu tích nghĩa quân Cần Vương không còn tìm thấy. Nhưng nhân dân ở đồng Vụ không mấy ai quên trận đánh Pháp ở đây.Đó là năm Bính Tuất (1886), quân Pháp kéo lên đánh Bình Khê. Nghĩa quân rút lui vào mật khu. Quân địch không tìm ra dấu vết liền đóng binh tại đình Phú Phong cho bọn Việt gian đi dọ thám. Dò biết được lực lượng của địch, Mai nguyên soái bố trí phục kích ở hai bên đường vào đồng Vụ. Quân địch cho điều tra thấy nghĩa binh đóng ở đồng Vụ nội, bèn tiến binh công kích. Để quân địch vào sâu trận địa rồi, nghĩa quân hét lên một tiếng vang trời dậy đất rồi bốn mặt đổ xô ra chém giết. Địch trở tay không kịp, lớp bị chết lớp quăng súng chạy. Nghĩa quân đại thắng. Quân địch rút lui về Quy Nhơn. Từ ấy, những lúc hành binh, địch không dám đi vào sâu trong làng xóm ở xa quốc lộ.Trong trận này địch bị thương nhiều hơn chết. Và trong số quân tử trận có một tên chỉ huy ngoại quốc, mà nghĩa binh gọi là “ma ní” (vì không phải Pháp chính cống). Chí căm thù xâm lăng lên tới cực độ, và cuộc chiến thắng đồng Vụ kích động tinh thần nghĩa quân đã hăng càng thêm hăng.Phía trong đồng Vụ, ném về phía Tây Nam, có đồng Le. Tại vùng núi đồng Le có Linh Đỗng là mật khu của nghĩa quân.Ba nơi đồng Hươu, đồng Vụ, đồng Le ở cách nhau xa nhưng có đường liên lạc bí mật. Đó là khi xưa, chớ hiện nay thì đường qua lại đã mở rộng.Trong vùng kế cận ba đồng trên, còn nhiều đồng khác như đồng Sim, đồng Gian, đồng Tranh, đồng Dầu, đồng Sa… Những cánh đồng này trước kia đã khai thác, nhưng hiện nay phần nhiều đều bị bỏ hoang.Những đồng kể trên đều ở phía tả ngạn sông Côn. Phía hữu ngạn còn có một đồng nữa, đất rất phì nhiêu, ruộng cấy hai mùa không bao giờ mất: đó là đồng Quan, nơi nghĩa binh đóng bắc trại.Ngoài ra, còn nhiều đồng khác, song không có chi đáng nêu.Những tên đồng ở nơi miền núi, thường thường cổ nhân theo đặc điểm ở mỗi chỗ mà đặt danh. Nhiều nơi hiện nay danh còn đúng với thật. Như đồng Sim vẫn còn nhiều sim, đồng Dầu vẫn còn nhiều cây dầu rái… Nhưng có nhiều nơi đã thay đổi khác. Ví dụ đồng Hươu tên chữ là “Lộc Đỗng” khi xưa có rất nhiều nai. Cổ nhân có câu:

Lên đồng Hươu giục chó săn nai, bị cọp rượt chạy đà giáp ngựa
Xuống quán Ngỗng mua gà ấp vịt, rủi diều tha nuôi thật uổng công.

Nhưng ngày nay thì lộc đã không có mà nai cũng ít thấy bóng nơi núi nơi rừng. Cho nên người địa phương có câu:

Tiết trời đông chí người nhiều rận,
Vùng đất đồng Hươu núi ít nai.

Đồng Bình Định, cũng như đồng ở các tỉnh miền Trung gồm có “điền” và “thổ”. Điền trồng lúa. Thổ trồng hoa màu phụ và cây công nghiệp. Điền chia ra ruộng rộc và ruộng gò:

Ra đi cha mẹ dặn dò,
Ruộng rộc thời cấy, ruộng gò thời gieo.

(Ca dao)Còn hoa màu phụ thì nhiều nhất là dừa, dâu, đậu, mía, khoai lang, khoai mì..v.v..Đồng Bình Định tuy không phì nhiêu bằng đồng miền Nam, nhưng đứng vào bậc nhất, bậc nhì ở trung Việt. Lại thêm nông dân Bình Định áp dụng triệt để những yếu tố cần thiết trong nghề làm ruộng là nước, cần, phân, giống. Nên từ trước đến nay, người Bình Định ít khi bị đói, và trong chín năm kháng chiến chống Pháp đồng Bình Định chẳng những nuôi sống 800 ngàn dân của tỉnh mà còn tiếp tế cho các tỉnh khác trong liên khu 5. Nếu có được đầy đủ dụng cụ tân chế, và vốn liếng dồi dào, với cánh đồng tỉnh nhà, nhân dân Bình Định có thể sống một đời sống phú túc phong lưu.Nên có thơ rằng: Rộc tiếp gò, soi, đồng tiếp đồng.Trời mây chung bóng biếc mênh mông,Vàng cao nghĩa đất hai mùa lúa,Bạc chứa nguồn tin sáu ngã sông.Thêm lợi vì dân dừa đỗ mía,Chung tình với nước giống phân công.Cuộc đời nay nắng mai mưa mặc

Nuôi tám mươi muôn vững một lòng.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

bởi turbo » 20-04-2007, 15:02

Bờ biển và cửa biểnBờ biển Bình Định chạy từ cửa Kim Bồng vài đến chân núi Cù Mông dài trên 100 cây số. Địa hình bờ bãi khi bằng, khi dốc, khi lõm vào thành cửa, thành vũng, khi lồi ra thành mũi thành ghề, khi thì cát trắng tắm nước xanh, khi thì non cao dợn sóng bạc… Đi ngoài biển trông vào thật vô cùng thích thú.

Cửa Kim Bồng

Nằm dưới chân dãy Bình Đê, cửa Kim Bồng ăn thông vào cửa Tân Quan.Cửa hẹp nhưng sâu nên thuyền trọng tải vào ra Tân Quan được dễ dàng.Trước kia, nhà vua của các triều đại đều có đặt chức Tấn thủ thừa biện để canh phòng và thu thuế ghe thuyền chở hàng hóa ra vào. Vì vậy nên gọi là hải tấn (Kim Bồng hải tấn). Năm Thành Thái thứ 11 (1899) chức Tấn thủ thừa biện bãi bỏ, người Pháp đặt nha Thương Chánh thay vào. Từ Kim Bồng chạy vào, bờ biển thấp và toàn cát chừng bảy cây số thì đến cửa An Giũ.

Cửa An Giũ

Cũng là một hải tấn.Trước cửa có một dải cát chạy dài từ Ca Công, Thạnh Xuân đến Diêu Quan, dài đến bảy cây số, tục gọi là “Con Rồng động đỏ”. Bãi cát này khi mở khi lấp không thường, làm trở ngại cho ghe thuyền không ít.Ở phía hữu cửa biển, tại thôn Thạnh Xuân, có đền thờ ba vị thần là Tứ Dương Thành Phủ Quân, Đà Dương Phủ Quân và Thế Tử Nhạc Phủ Quân, gọi là Tam Thần Từ. Sự tích ba vị thần không ai biết rõ, chỉ nghe truyền rằng là ba vị trung thần thủ tiết, rất linh hiển. Cửa biển An Giũ thường bị cát bồi lấp. Tục tuyền rằng, hễ đến đền cầu đảo thì cửa mở rộng, ghe thuyền ra vào dễ dàng. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đến kỳ vận tải hàng cửa biển bị lấp, quan địa phương đến đền cầu khẩn thì ngay bữa hôm sau liền thấy mở ra một cửa mới rộng và sâu, nhưng được vài ngày, sau khi vận tải xong thì cửa biển đóng trở lại như cũ. Việc ấy tâu lên, nhà vua chuẩn bị cho sắm lễ cúng tế. Từ ấy năm nào cũng chiếu lệ thi hành. Những khi trời nắng hạn, cầu đảo cũng được ứng nghiệm, dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, nhà vua nhiều lần phong tặng. (Trong Đại Nam Nhất Thống Chí có chép rõ).Đó là một đặc điểm của cửa biển An Giũ.Cửa An Giũ cũng là chiến trường của nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn với nhiều trận quyết liệt.Năm Quí Sửu (1793) Nguyễn Ánh tự đốc chu sư tấn công thành Quy Nhơn, sai Nguyễn Văn Nhơn chia quân kéo đánh đồn Lại Giang. Tướng Tây Sơn là đô đốc Nguyễn Công Thái đánh không lại phải đầu hàng. Qua năm sau (Giáp Dần 1794), tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Trương lại kéo quân đến đánh úp quân Tây Sơn một lần nữa ở cửa An Giũ. Quân Tây Sơn bị thua. Quân nhà Nguyễn đoạt được hơn mười chiếc thuyền lương thực. Tuy thắng nhưng lần trước cũng như lần sau, quân nhà Nguyễn đều bị quân Tây Sơn đánh đuổi về Gia Định.Qua khỏi cửa An Giũ, từ Diêu Quan (Hoài Nhơn) vào đến Phú Thứ (Phù Mỹ), núi Bích Kê chạy sát mé biển, nên nhiều nơi:

Chờn vờn mặt nước cây toan lội,
Lấp lững chân non sóng muốn trèo.

Cạnh vùng Phú Thứ (về phía nam) có cửa Hà Ra.

Cửa Hà Ra

Xưa kia cũng là một hải tấn quan trọng, có chức Tấn thủ tuần phòng, sách gọi là Hà La hải tấn.Cửa biển ăn thông vào đầm Trà Ô ở phía Nam với một con nước dài đến bốn cây số. Ngày xưa cửa biển mở rộng, ghe thuyền vào ra đầm Trà Ô được dễ dàng như các cửa lớn. Nhưng hiện nay đã bị cát bồi, chỉ có mùa mưa lụt, nước chảy mạnh mới lưu thông.Ở ngoài khơi ngay trước mặt Hà Ra có một hòn đảo nhỏ hình giống con rùa bò, tục gọi là hòn Qui hay hòn Khô. Đó là một nút ruồi trang điểm cho “khuôn mặt” Hà Ra thêm duyên vậy.Từ Hà Ra vào đến Vĩnh Lợi (Phù Cát), trên 28 cây số, trừ hòn Vi Rồng ở Tân Phụng và hòn Lang ở Vĩnh Lợi ra, tất cả đều là cát trắng viền biển xanh, mịn màng bằng phẳng. Cổ nhân gọi là: Bạch Sa Động.Truyền rằng:Động cát này xưa kia là một rừng cây. Từ Tân Phụng trở vào cây cối sầm uất. Hòn Vi Rồng và hòn Lang khuất trong đám cổ thụ bóng cả thân cao. Có một thầy địa lý người Trung Hoa đến xem cuộc đất, cho biết rằng không kíp thì chầy, thế nào rừng cũng bị cát bồi lấp. Người địa phương lo sợ, cầu đảo hàng năm. Nhưng rồi vẫn không tránh khỏi tai nạn: Trời bỗng nổi bão lụt to lớn phi thường. Luôn mấy ngày đêm mưa không ngớt, gió không ngớt. Phần nước trên núi chảy xuống, phần nước dưới biển dâng lên. Nhà cửa ngập trôi, cây cối ngập trôi, vật chết, người chết… Đến khi trời xửng, nước dựt, thì dãy rừng xanh đã biến thành bãi cát trắng. Hòn Vi Rồng và hòn Lang đứng trơ trọi giữa trời.Khoảng giữa động, tại Xuân Phương có một mũi đá nhô ra biển, tục gọi là Gành Mét, tên chữ là Độc Ky (Gành Một).Từ Gành Mét đến Hòn Lang có hai vũng ôm lấy bờ biển. Một vũng, ở phía bắc từ Gành Một đến hòn Vi Rồng, gọi là vũng Mới, trên vũng có hải đăng. Một vũng ở phía nam từ Vi Rồng đến hòn Lang, gọi là vũng Bầu. Xưa kia gọi hai vũng này là Phòng Mãi hải tấn, đặt chức Tấn thủ để tuần phòng thủ sở ở phường mới (Tên phường Mới do tiếng Phòng mãi mà ra, hay Phòng mãi do Phường mới mà ra, chưa ai rõ). Chức này bãi bỏ dưới triều Tự Đức một lần cùng Hà Ra.

Qua khỏi vũng Bầu đến cửa Đề Gi.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

bởi turbo » 20-04-2007, 15:07

Cửa Đề GiThông với đầm Nước Ngọt ở phía Tây. Hòn Lang sơn làm cánh cửa phía bắc, mũi đất Đề Gi làm cánh phía nam.Đây cũng là một hải tấn quan trọng, có Thương Chánh coi việc thu thuế ghe thuyền ra vào. Vùng Đề Gi nhờ có cửa ở phía Đông và chợ ở phía Tây, tục gọi là Chợ Gành. Cũng như cửa An Giũ, cửa Đề Gi còn ghi một vết nhục cho nhà Tây Sơn vào cuối đời Cảnh Thịnh: Năm Canh Thân (1800), Phó thống chế Tây Sơn tên là Thụy đem 150 thuyền lương từ Bắc Hà vào Quy Nhơn. Thuyền vào đậu ở cửa Đề Gi. Lúc bấy giờ quân nhà Nguyễn đã chiếm đóng thành Quy Nhơn, nhưng đương bị Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây đánh kịch liệt. Nguyễn Ánh được tin đem thủy binh ra cứu. Nhưng không vào được cửa Thị Nại. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Trương, nhân đi tuần ngoài biển, được tin thuyền lương của Tây Sơn vừa vào đậu ở cửa Đề Gi, liền kéo quân đánh úp. Không kịp day trở, Phó thống chế Thụy thua chạy, bỏ cả số lương có trên 30 ngàn vuông thóc.Cửa Đề Gi, cũng như cửa Kim Bồng, hẹp và không được sâu nên tàu lớn không vào được.Ngay trước cửa, cách chừng hai hải lý, có mấy hòn đảo nhỏ tục gọi là hòn Trâu, trong các bản đồ ghi là “He aux Buffles”. Không biết đó có phải là nhóm đảo “Trâu nằm” mà vị tiền bối Phù Mỹ là ông Kiều đã đề vịnh chăng? Vịnh rằng: Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng,Lúc ngúc ra nằm giữa biển đông.Sóng bạc lô nhô xao trước mặt,Rong xanh tấp tểnh đóng bên hông.Cán roi Nịnh Thích không sờn dạ,Ngọn lửa Điền Đan chẳng cháy lòng.Phải gặp ông Y mà hỏi thử:

Nội sằn lúc trước có cày không?

Ông Kiều còn có bài ca kể các nơi có tiếng ở dọc theo bờ biển từ Phú Xuân vào đến Gia Định. Nhân tiện xin trích một đoạn từ Tam Quan tới Đề Gi để bổ khuyết những nơi mà trên đây không đem vào vì thấy không cần thiết: Gát ra thấy mũi Sa Hoàng,Kìa kìa lố thấy Tam Quan nhiều dừa.Anh em thề thốt buổi xưa,Nam thanh nữ tú ắt vừa con ngươi.Gặp nhau chưa nói đã cười,Bước vô Từ Phú là nơi nhiều ghè.(1)Dông trên suối biếc đẹp ghê,Muốn cần nước củi ta về Lộ Giao. (2)Ngó ra thấy lò Khô Khao (3)Ta sẽ đem vào cửa lấp Hà Ra.Bàu Bàn Gành Mét bao xa, (4)Vi Rồng Phường Mới xinh đà quá xinh.Vũng Bầu Nước Ngọt lố gành,

Vũng Tô Suối Bún rất tình nên vui… (5)

(1) Từ Phú ở gần cửa An Giũ(2) Lộ Giao ở phía trong đèo Diêu Quan. Đã nói ở mục Núi(3) Khô Khao tức là hòn Khô (hòn Rùa) ở trước Hà Ra(4) Bàu Bàn tức đầm Trà Ô-Xem mục “đầm ao” ở sau(5) Xem mục cổ tích “Đá Vọng Phu”Vũng Tô Suối Bún ở phía trong Đề Gi.Từ Đề Gi trở vào đến Cách Thử, trong khoảng trên vài chục cây số, bờ biển thấp và cũng đầy vun cát trắng. Duy tại vùng Chánh Oai Thanh Hy và vùng Tân Lý, núi Bà chạy lài ra sát biển, tạo thành những gành đá gồ ghề. Giữa những gành ấy, ăn sâu vào mấy vũng nhỏ như: vũng Tô, vũng Bắc, vũng Nồm. Những vũng này không có ghe thuyền đậu, chỉ có lợi cho việc chài lưới.Qua khỏi Tân Lý vào đến Cách Thử thì bãi cát chạy dài theo biển.

Cách Thử

Cũng gọi là Kẻ Thử, xưa kia là một hải tấn, mệnh danh là Nha Phiên hải tấn, lưu thông cùng đầm Thị Nại ở phía nam.Năm Quí Sửu (1793) quân Nguyễn Ánh đã vào cửa Cách Thử rồi lên đánh đồn Càn Dương ở Núi Bà. Nhưng sau khi nhà Tây Sơn bị diệt thì cửa biển bị lấp. Tại sao gọi là Cách Thử?Truyền rằng thời xưa nơi cửa ghe thuyền ra vào tấp nập. Việc buôn bán rất thạnh. Chẳng những chỉ có thương gia bốn phương giao dịch với nhau, mà người cõi âm cũng đến mua hàng hóa. Người trần không biết, bán hàng lấy tiền, nhưng tiền thâu được khi đem về nhà mở ra đếm lại, thì thấy toàn giấy tiền vàng bạc. Để khỏi bị thiệt thòi người ta mới bày ra cách thử tiền: Lấy một chậu nước bỏ tiền vào, đồng nào chìm tức là tiền thiệt, đồng nào nổi là tiền giấy. Nhân cách thử tiền ấy mà cửa biển lấy tên là Cách Thử.Còn Kẻ Thử tức là vùng đất của kẻ thử tiền vậy.Khi cửa Cách Thử chưa bị lấp thì núi Triều Châu là một vùng hải đảo. Sau khi cửa bị lấp rồi thì Triều Châu trở thành một bán đảo, chạy từ Cách Thử đến Phương Mai. (Đã nói rõ ở mục địa lý phía trước)Bờ biển chạy dưới chân bán đảo, khi thì cát trắng mênh mông, khi thì gành cao mũi nhọn. Từ Cách Thử vào đến Hưng Lương, dài bảy, tám cây số, bờ biển thấp và cát vun từ mé cho tới đầu non. Đi ngoài khơi trông vào trắng phau như tuyết. Khoảng cát này gọi là Trường Châu hay Trường Chử, tức Bãi Dài.Từ Hưng Lương trở vào, thỉnh thoảng có đôi ngọn núi đá mọc lên sát mé biển, thành bờ biển có nhiều chỗ nổi cao, gập ghềnh khúc khuỷu. Từ Dốc Ngựa vào đến Phương Mai thì bờ biển toàn là gành đá, thỉnh thoảng mới có đôi dải cát viền chân non.Từ Bắc vào Nam, dọc theo bán đảo Triều Châu có nhiều vũng như vũng Nồm, vũng Bấc, vũng San hô.Vũng Nồm, vũng Bấc có nhiều cá. Còn vũng San hô thì có nhiều san hô. Trên bờ vũng có một làng cũng lấy tên là San hô. Dân cư thường lấy san hô ở vũng bán cho thợ hầm vôi.Ngoài khơi rải rác một ít cù lao nhỏ. Được người hàng hải để ý là hòn Cỏ và hòn Cân ở trước mặt núi Hưng Lương, cách chừng hơn một hải lý. Và tại vũng San hô có hòn Khô làm bình phong che cho làng San hô bớt gió.Ở Bình Định, mùa hè, gió Nam thổi rất mạnh, nhiều khi thổi trốc cả cây cối, nhà cửa. Vùng biển dọc theo triền phía đông bán đảo Triều Châu, ngọn gió thổi lại còn mạnh gấp bội nhất là tại Eo Vược. Người ta gọi là Nam Lò. Ghe thuyền đi qua gặp lúc Nam Lò thổi mạnh thì khó tránh khỏi tai nạn. Cho người đi biển có câu:

Cha chết không lo,
Hỏi thăm Nam Lò thổi dịu, hay săng.

Qua khỏi vũng San hô thì đến mũi Mác tức mũi Yến, một mũi đá nhọn hoắc đâm thẳng vào Nam. Mũi Mác là điểm cuối của dãy Triều Châu. Từ mũi Mác chạy lên tây, qua hòn Mai, đến Gành Hổ tức Hổ Ky, thì bờ biển là chân núi, sóng vỗ gành cao, bãi cát chỉ bày ra khi nước xuống.Hổ Ky trở mũi lên thành phố Quy Nhơn. Lưỡi cát Quy Nhơn lại chạy dài xuống Phương Mai. Đầu lưỡi dài và thỏn trông như cổ con rùa nằm sát đất và ngó nghiêng vào nam, tục gọi là mũi Cổ Rùa, sách gọi là qui Cảnh Chủy. Mũi Cổ Rùa và gành Hổ giao lại với nhau như hai chiếc răng nanh, làm hai cánh cửa cho đầm Thị Nại. Theo các thầy địa lý, cuộc đất có hình thế “Thủy khẩu giao nha” như thế rất tốt.Từ Cách Thử đến Phương Mai, bài ca của ông Kiều tiếp rằng: Thương cha nhớ mẹ ngùi ngùi,Hòn núi Cách Thử có người bồng con.Nhớ người hẹn nước thề non,Lòng ghi dạ tạc bồng con để đời.Vũng Nồm vũng Bấc xem chơi,Trong vịnh ngoài vời thấy hòn Cỏ, Cân.Nam lò Eo Vược rần rần,San hô, mũi Mác ăn lần hòn Mai…

Cửa Giã có hòn án ngoài…

Cửa Giã nói trong bài ca là cửa Thị Nại.

Cửa Thị Nại

Cửa Thị Nại thường gọi là cửa Quy Nhơn, là một cửa biển quan trọng nhất của Bình Định.Từ đời Chiêm Thành cho đến đời Tây Sơn, đời nhà Nguyễn, Thị Nại luôn luôn có quân đóng để phòng ngự. Ở hai bên cửa có đồn lũy kiên cố, hiện còn sót lại đôi dấu tích ở Phương Mai.Thị Nại hiện nay là một thương cảng, xưa kia là một hải tấn, có quan Tấn thủ coi giữ. Nơi quan Tấn thủ đóng lỵ sở ngày trước, nay gọi là xóm Tấn và chiếc cầu nơi mũi Cổ Rùa gọi là Cầu Tấn. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt.Đó là lai lịch xóm Tấn và cầu Tấn.- Còn vì sao gọi là cửa Giã?- Giã là làm cá. Trước kia nơi lưỡi cát Quy Nhơn chỉ có người chài lưới ở để làm nghề mà thôi, và cửa Quy Nhơn, thời bình, chỉ có ghe thuyền đánh cá ra vào hàng ngày, cho nên mới gọi là cửa Giã.- Còn tên Thị Nại do đâu mà ra?- Các nhà khảo cổ Tây phương cho biết rằng do tiếng Chiêm Thành Thi Lị Bị Nại sau gọi tắt là Thị Nại.

Tên Thị Nại chẳng những dùng để chỉ cửa biển, mà còn dùng gọi luôn đầm nước ở phía Bắc, vùng biển ở phía Nam và lưỡi cát chạy ở giữa đầm và biển. Sau khi đặt nền đô hộ lên đất nước Việt Nam, Pháp mới đổi tên đất và tên biển ra Quy Nhơn. Tiếng Thị Nại từ ấy chỉ còn dùng để gọi tên đầm.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

bởi turbo » 20-04-2007, 15:11

Quy NhơnBờ biển Quy Nhơn hình lưỡi liềm, mà mũi là Cầu Tấn và cán là Gành Ráng. Lưỡi liềm “bằng bạc” sáng ánh, dài trên năm cây số, luôn được sóng biển cọ mài cho thêm bén thêm xinh. Người địa phương có câu: Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát,Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi…Phương Mai Gành Ráng tương tri,

Ngâm câu “thủy tú sơn kỳ…” thảnh thơi…

Qua khỏi 5 cây số “cát mịn dễ đi”, đến Gành Ráng thì dãy Nam Sơn chạy xuống sát biển, nên bờ biển nổi cao. Nơi đây gò đống nổi cao, hang hốc hê hủng, gành cao sóng vỗ, khí thế thật là hùng hiểm, khôi kỳ.Gành Ráng tên chữ là Nhạn Châu, ở phía Tây Nam, cùng với núi Phương Mai ở phía đông bắc, làm hai cánh cửa ngoài che cửa biển Quy Nhơn.Qua khỏi Gành Ráng đến Quy Hòa, thì núi lại rút lên phía tây để tiếp tới núi Cù Mông, nên bỏ trống một vùng đất bằng rộng độ vài trăm mẫu. Do đó bờ biển hạ thấp xuống, và chạy độ vài ba cây số thì đến chân núi Cù Mông chạy sát biển, sóng bạc gành đen…Đến đây là cuối tỉnh Bình Định.Nhưng cách Cù Mông chừng hai hải lý về phía đông nam và cách thành phố Quy Nhơn chừng ba hải lý về phía nam, có một cù lao to lớn, tên chữ là Thanh Châu Dự, tục gọi là Cù Lao Xanh. Trên đảo có đài hải đăng.Từ Gia Long trở về trước, đảo này thuộc về Phú Yên. Đến triều Minh Mạng mới cải thuộc Bình Định. Đó là bức bình phong che gió cho cửa Quy Nhơn.Trong bài ca của ông Kiều, có câu:

Cửa giã có hòn án ngoài,
Các lái chạy ngoài gọi hòn Lao Xanh.

Từ trước đến nay cửa Thị Nại tức cửa Quy Nhơn, đã chứng kiến bao cuộc hưng vong và các trận đánh mà sự kiện vẫn còn ghi trong sử sách.Đời nhà Lý (1010-1225) ở nước Chiêm Thành, các bộ lạc làm phản. Vua Chiêm sai sứ ra cầu cứu vua nhà Lý. Lý Thánh Tông (1054-1072) sai người con thứ tám là Oai Minh Vương đem thủy binh vào giúp. Oai Minh Vương vào cửa Thị Nại, đóng binh dưới núi Phương Mai, được vua Chiêm Thành ngự giá nghênh kiến. Các bộ lạc nghe đức của Oai Minh Vương, rủ nhau kéo đến quân môn, lạy lục xin tuân theo mệnh vua Chiêm Thành, không dám đem lòng phản trắc nữa. Sứ mệnh xong, Oai Minh Vương kéo quân về nước. Vua Chiêm Thành nhớ công đức lập đền tại Phương Mai phụng tự. Đời nhà Trần, năm Giáp Thân (1284), vua nhà Nguyên sai con là Thoát Hoan cùng các tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân, giả tiếng, mượn đường Việt Nam, sang đánh Chiêm Thành. Thoát Hoan chia binh làm hai đạo. Một đạo đi đường bộ qua ải Nam Quan. Một đạo đi đường thủy kéo thẳng vào cửa Thị Nại, do Toa Đô chỉ huy. Quân Chiêm Thành để cho quân Toa Đô vào cửa, nhưng giữ các đường hiểm yếu không cho tiến, Toa Đô đánh mãi không được, phải bỏ Thị Nại theo đường bộ ra Nghệ An. Đến đây bị quân ta đánh phải chạy ra bắc, và sau mấy trận kịch chiến, Toa Đô bị quân ta giết chết tại trận Tây Kết.Năm Bình Thìn (1376), vua Trần Duệ Tông cử 12 vạn quân vào đánh Chiêm Thành. Tháng giêng năm Đinh Tỵ (1377) tiến vào cửa Thị Nại. Quân Chiêm Thành không chống cự. Quân Trần Duệ Tông chiếm cứ đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang (tức vùng Quy Hòa, Gành Ráng và động cát ở chân núi Xuân Quang). Đắc thắng quân nhà Trần kéo lên đánh thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga lập mưu và đánh thắng tiêu diệt gần hết tướng sỹ.Sang đời nhà Hồ, năm Quí Mùi (1403), quân Hồ Hán Thương lại vào Thị Nại để đánh Đồ Bàn một lần nữa, nhưng hao bao nhiêu xương máu rốt cuộc không thắng.Nhưng đến đời Lê (1428-1527), vận mệnh nước Chiêm Thành lần lần xuống… Năm Canh Thìn (1470) là năm Hồng Đức nguyên niên, vua Lê Thánh Tông cử hơn 20 vạn tinh binh vào đánh Thị Nại. Quân Chiêm Thành chống giữ kịch liệt, nhưng khí thế quân vua Lê quá mạnh, vua Chiêm Thành là Trà Toàn phải bỏ Thị Nại, rút quân về giữ thành Đồ Bàn. Từ thời Lê Thánh Tông đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, gần 300 năm (1470-1744), biển Thị Nại được gió yên sóng lặng, chất nước đã trở nên trong. Đến cuối thế kỷ 19 trở về sau, đầm Thị Nại chứng kiến các trận đánh giữa hai nhà Nguyễn. Trận đánh đầu tiên của hai họ Nguyễn trên biển Thị Nại là trận năm Nhâm Tí (1792). Trận này có tướng Pháp là Dayot và Vannier, tục gọi là Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Chấn giúp sức. Chỉ huy thủy quân của Tây Sơn là đô đốc Nguyễn Thành. Lúc bấy giờ gió nam thổi mạnh. Quân Nguyễn Ánh dùng hỏa công đốt cháy thủy trại Tây Sơn. Đô đốc Thành chống giữ không nổi, phải chạy lên thành Quy Nhơn (tức thành Đồ Bàn cũ). Nguyễn Ánh đổ bộ, song liền đó bị đại binh ở thành Quy Nhơn kéo xuống đánh lui.Qua năm sau, thủy quân Nguyễn Ánh lại ra đánh Thị Nại lần thứ hai. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc sai thái tử là Nguyễn Bảo cầm quân chống giữ. Nguyễn Bảo bị thua, thành Quy Nhơn bị khổn. Vua Thái Đức phải cầu cứu Phú Xuân. Quân cứu viện vừa đến, Nguyễn Ánh liệu không chống nổi liền rút binh về. Quân Tây Sơn trọn thắng, nhưng thắng ở mặt ngoài mà nội bộ trở thành mâu thuẫn: Cháu giết bác để cướp đất đai. Nhà Tây Sơn lần xuống.Năm Kỷ Vị (1799) Nguyễn Ánh cử đại binh ra đánh Quy Nhơn. Thủy quân vào cửa Thị Nại vào giữa mùa hạ, đồng thời lục quân từ Diên Khánh kéo ra, bị đánh hai mặt, quân Tây Sơn đại bại. Thành Quy Nhơn và thành Thị Nại vào tay Nguyễn Ánh.Nhưng qua năm sau, tức năm Canh Thân, quân Phú Xuân do Trần Quang Diệu chỉ huy vào đánh lấy Thị Nại giao cho Võ Văn Dũng trấn giữ, rồi kéo quân lên vây đánh thành Quy Nhơn (lúc bấy giờ Nguyễn Ánh đã đổi tên là Bình Định). Nguyễn Ánh được tin Quy Nhơn bị khổn, bèn cử đại binh ra cứu viện. Võ Văn Dũng dùng ba chiếc đại thuyền định quốc và hơn trăm chiếc thuyền chặn ngang cửa biển, lại sai đắp đồn bảo ở Gành Ráng và Phương Mai, đặt súng lớn bắn xuống. Quân Nguyễn Ánh không thể tiến phải rút lui.Qua năm sau, tức năm Tân Dậu (1801) đợi mùa gió nam thổi, Nguyễn Ánh khiến chế tạo chiến cụ hỏa công, rồi sai Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương đem đại binh ra đánh Thị Nại. Mặc dù cố gắng tả xông hữu đục, hải thuyền của nhà Nguyễn vẫn không thể vào nổi. Biết không thể dùng sức, tướng nhà Nguyễn bèn dùng mưu. Nguyễn Văn Trương cho gián điệp trà trộn vào quân Tây Sơn lấy khẩu hiệu, rồi đang đêm cởi thuyền nhỏ lẻn vào Hổ Ky, nổi lửa đốt thủy trại. Võ Văn Dũng đương chỉ huy trận tiền thấy lửa cháy ở hậu cứ, thất kinh chia binh trở vào cứu. Võ Di Nguy thừa cơ cởi hải đạo thuyền lướt vào lòng địch. Súng trên đồn bắn xuống, Võ Di Nguy bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo, liều chết vượt khỏi tầm súng. Quân Tây Sơn vẫn giữ đồn bảo cự chiến. Tiếng súng vang trời. Thấy thuyền nhà Nguyễn xông vào, thuyền Tây Sơn chận đánh. Khi hai bên giáp chiến, Lê Văn Duyệt thừa ngọn gió nam thổi mạnh nổi hỏa công. Lửa cháy rần rật và theo gió tạt vào đoàn thuyền Tây Sơn. Gió thổi càng mạnh, lửa cất càng cao. Ánh sáng rực cả mặt thuyền, ngất cả tầng mây và tiếng súng nổ tiếng quân hò reo rầm trời dậy đất. Quân nhà Nguyễn bị chết rất nhiều, nhưng thuyền Tây Sơn bị đốt gần hết. Võ Văn Dũng không chống nổi, phải bỏ Thị Nại kéo quân lên hợp cùng Trần Quang Diệu giữ những nơi hiểm yếu khác.Trận này là trận lớn nhất giữa hai nhà Nguyễn ở trên biển Thị Nại và cũng là trận sau cùng.Từ ấy quân nhà Nguyễn giữ vững Thị Nại.Khi Gia Long lên ngôi rồi vẫn đóng thủy trại ở Thị Nại để canh phòng.Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cho xây lại Thượng Lộc (tức Cẩm Thượng) một thành đất chu vi 48 trượng bốn thước, cao sáu thước, mở một cửa. Phía đông cửa tại Hổ Ky lại xây một kỳ đài và 12 pháo mô. Đồng thời đặt chức Thủ ngự và Hiệp thủ đến coi việc canh phòng. Phủ sở đóng tại Thượng Lộc. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) làm thêm một kho ngói, hàng năm trữ 30 ngàn hộc lúa, để tải đi các nơi.Năm Tự Đức thứ 18 (1865) đặt sở Hải Phòng tại Thị Nại, phía sau Hổ Ky đắp một lũy dài ba trượng có bốn pháo mô, gọi là lũy Thuyền Úc, tức Vũng Tàu và mộ dài ba trượng có năm pháo mô, gọi là lũy Quỳnh Đế. Việc canh phòng rất nghiêm ngặt.Nhưng năm Ất Dậu, lấy xong kinh đô Huế, quân Pháp đổ bộ lên Thị Nại, xả súng bắn vào các thành lũy đồn bảo. Quân ta không chống cự nổi phải đầu hàng. Pháp chiếm đóng Thị Nại dùng làm căn cứ quân sự đến khi đã dẹp yên phong trào Cần Vương đặt vững nền đô hộ lên đất nước Việt Nam. Chánh quyền thực dân dùng Thị Nại làm lỵ sở và đổi tên là Quy Nhơn, mượn tên cũ thời vua Lê chúa Nguyễn để ngụ ý rằng nơi đây là nơi quy tụ nhân nghĩa, chớ không phải nơi bị giặc Tây di đánh cướp như lời các sỹ phu đương thời đã bảo.Những cơ sở quân sự của ta ở Thị Nại từ khi Pháp làm chủ lãnh thổ đều bỏ hoang. Nhưng mãi đến triều Thành Thái (1889-1907) mới triệt hạ.Như thế, cửa biển Quy Nhơn, tức Thị Nại ngày nay là một thương cảng phồn thịnh, nhưng xưa kia là vũng chiến trường. Cho nên thời Pháp thuộc, Trường Xuyên có bài thơ hoài cổ rằng: Thị Nại xưa kia vũng chiến trường,Nổi chìm thế sự mấy triều Vương…Non mây nghi ngút nơi binh dữ,Biển ráng chưa tan bọt máu hường.Nhạn lãnh sóng vờn gương đế bá Phương Mai rừng đắp vết tang thương.Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại

Lớp lớp xe ai rộn phố phường!

(Vùng núi tại Gành Ráng tên là Nhạn Châu lãnh. Tại nơi gành phía đông, thời Pháp thuộc có xây biệt thự để vua Bảo Đại nghỉ mát, tục gọi là lầu Bảo Đại. Lầu đã bị phá hủy năm 1949. Và gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng…)

Bờ biển Bình Định qua khỏi Qui Hòa là dừng, để cho Cù Mông chạy tiếp vào Phú Yên với ghềnh với vũng… khiến đất tuy chia ranh giới hẳn hoi, nhưng tình hình đất nước từ bắc vào nam không bao giờ gián đoạn.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

bởi turbo » 20-04-2007, 15:14

Đầm aoBình Định có ba đầm lớn, kể từ Bắc vào Nam:- Đầm Trà Ô- Đầm Đạm Thủy- Đầm Thị NạiCả ba đều nằm dọc theo bờ biển, nước xà hai.

Đầm Trà Ô

Tục gọi là Bàu Bàn, nằm trong cánh đồng Phù Mỹ, cách biển chừng ba cây số về phía tây. Ba mặt bắc tây nam đều là núi, hợp thành một tòa “nhà chữ môn” vĩ đại, mà đầm Trà Ô là khoảnh hồ ở trước sân. Đầm rộng chừng 13, 14 cây số vuông. Bề ngang từ tây xuống đông, chỗ hẹp trên dưới một cây số, chỗ rộng cũng đến ba cây số. Các khe suối ở các núi ở ba mặt đều chảy vào đầm. Có hai con suối được khách phương xa biết tên nhiều nhất là suối Đập Đãng ở Phú Nhiêu chảy ra và suối Đập Khê ở phía tây chảy xuống. Ngày xưa đầm và biển tiếp xúc với nhau luôn luôn nhưng từ khi cửa Hà Ra bị lấp thì chỉ mùa nước lụt mới lưu thông. Nhờ các khe suối và nhờ không ảnh hưởng thủy triều biển cả, nên đầm Trà Ô luôn luôn đầy, nước đầm không mặn lắm.Trong đầm, gần bờ phía tây, nổi lên một cù lao nhỏ, cây cối sum sê. Truyền rằng trong rừng cây có quỷ thần ở nên người địa phương rất tôn kính, không ai dám xúc phạm. Phía nam cù lao nước đầm sâu, làm chỗ nuôi cá. Phía bắc nước cạn, làm nghề trúc đăng. Từ trước đến nay, hai thôn Châu Giang và Trúc Võng trưng thuế đánh cá trong đầm.Cá tôm trong đầm rất nhiều. Có tiếng nhất là chính và tép. Chình có chình mun và chình bông, thịt ngon và bổ. Còn tép thì bán tươi không hết phải phơi khô để chở đi bán ở các nơi xa. Ca dao có câu:

Rủ nhau mua tép Trà Ô,
Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về.

Phía đông Trà Ô, có hai đầm nhỏ. Một nằm ở hướng bắc tại An Bình, gọi là Bình Hồ Hải Đông Đàm, gọi tắt là Bình Hồ. Một ở phía nam tại Thanh Thủy, gọi là Thúy Ky Đàm.Bình Hồ hình giống bàn tay trái nắm và chỉ vào nam, chung quanh có một dòng suối bao bọc, nhưng nước đàm và nước suối thường không liên lạc với nhau.Trông thật ngộ nghĩnh.Còn Thúy Ky thì hình thoi, đầu phía nam đón nước suối từ núi Lạc Phụng chảy ra, đầu ngoài lưu thông với Trà Ô do một con nước hẹp và dài chừng một cây số chảy ra bắc dọc theo bờ Trà Ô rồi chuyển lên tây giáp đầm.Có thể ví đầm Trà Ô là con gà mẹ, và đầm Bình Hồ, đầm Thúy Ky là cặp gà con. Phong cảnh khá ngoạn mục. Phải chi có thêm hai hồ nữa thì chúng ta có thể thực hiện được trong phạm vi nhỏ hẹp, thú “huề Tây Thi du Ngũ Hồ” của Phạm Lãi.

Đầm Đạm Thủy

Tục gọi là đầm nước ngọt, nằm một nửa ở Phù Mỹ, một nửa ở Phù Cát, có hình chữ nhật cạnh hơi đều. Bề ngang từ tây xuống đông trên dưới ba cây số. Bề dài từ bắc vào nam chừng sáu cây số.Núi Lạc Phụng của Phù Mỹ làm cánh cửa phía bắc. Núi Bô Chinh tức núi Bà của Phù Cát làm cánh phía nam. Tây là lưu vực sông La Tinh và các con sông nhỏ. Phía đông là động Bạch Sa từ Tân Phụng đến Vĩnh Lợi.Đầm đón nước sông La Tinh và các khe suối ở Lạc Phụng Bô Chinh chảy vào, rồi chảy ra biển qua cửa Đề Gi. Gọi là đầm nước ngọt, nhưng nước đầm không được như vậy. Bằng chứng cụ thể là ở quanh đầm, ba mặt bắc tây nam có bảy thôn lấy nước đầm làm muối, kể từ nam ra bắc là: Thạch An, Đức Phổ, An Xuyên, An Hoan, Hưng Lạc và Xuân Cảnh. Danh thực thật khác nhau xa.Nhưng chẳng phải riêng gì đầm mới có sự trái ngược. Ở Hoài Nhơn có con suối chạy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan. Trên suối, cách Q.L số 1 chừng 300 thước về phía tây có một cái cầu. Nước dưới cầu vẫn là nước ngọt. Nhưng cầu lại mang tên là cầu nước mặn. Dựa vào chỗ danh không đi đôi với thực, nên bạn gái thường hát đố bạn trai: Tiếng đồn chàng hay chữ, Tài ngang tú cử,Lại đây em hỏi thử đôi câu:Ngọt ngay nước chảy dưới cầu,

Gọi “cầu nước mặn” cớ bởi đâu hỡi chàng?

Lâm thế bí, bên trai bèn mượn đầm nước ngọt mà gỡ: Thật thà là thói hồng nhan,Ăn xuôi nói ngược thá gian lạ gì!Mặn chằng nước vũng Đề Gi,

Gọi đầm nước ngọt lẽ gì hỡi em?

Chàng không đáp được, nàng cũng không đáp được, thành huề cả làng.Có người cho biết rằng:Xưa kia nước biển lên đến vùng Phụng Du, theo sông Tam Quan những khi thủy triều lớn. Sau cửa sông và lòng sông bị bồi cạn, nước mặn không lên được nữa, lớp đất trên trôi hết muối, không còn ảnh hưởng đến nước nguồn, nhưng nếu đào nơi vùng cầu, sâu xuống chừng vài sải thì có mặn ngay.Có người lại bảo:Gần đó có mỏ calcium hay sodium nên nước chịu ảnh hưởng, chớ không phải do nước biển ngày xưa còn đọng ở dưới lớp đất sâu.Chưa biết bên nào phải, vì chưa ai thí nghiệm.Còn về đầm nước ngọt thì nghe truyền rằng:Năm Giáp Ngọ (1774) chúa Nguyễn là Định Vương bị họ Trịnh ở mặt bắc, nhà Tây Sơn ở mặt nam, đánh mạnh, liệu không chống nổi, bèn cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định. Vội vã không kịp trữ nước uống. Nửa đường Định Vương cùng đoàn tùy tùng đều bị khát. Thuyền ghé vào động Bạch Sa, nhưng tư bề đều nước mặn. Vào xóm sợ quân của Tây Sơn bắt gặp, Nguyễn Ánh bèn ngửa mặt lên trời khấn: “Nếu Hoàng Thiên chưa dứt nhà Nguyễn thì xin ban cho nước ngọt”. Đoạn truyền đào cát thành lỗ: ai nấy đều hết sức vui mừng vì toàn là nước ngọt (Ở Bình Định thì truyền như thế. Còn ở các nơi thì truyền rằng Nguyễn Ánh được nước ngọt ở giữa biển. Không có gì lạ nếu biết rằng dưới biển vẫn có dòng nước ngọt chảy. Nơi mà Nguyễn Ánh đào giếng hiện còn dấu, tục gọi là giếng Bẹn ở dưới chân Hòn Lang). Do đó, đầm mới lấy tên là nước ngọt.Nếu chuyện có thật, thì cũng không có gì là huyền bí linh thiêng cả. Hiện giờ nếu chúng ta đào quanh đầm, cách mé nước chừng vài thước thì vẫn có nước uống được chớ không đợi phải cầu trời xanh trời vàng, mà chẳng phải chỉ bờ đầm nước ngọt mới có đặc điểm ấy. Ở Quy Nhơn, Phương Mai… người chài lưới cũng thường đào giếng nơi bãi cát ở mé biển để lấy nước ngọt.Đầm nước ngọt có rất nhiều cá, nhiều hơn tất cả các đầm. Cá cũng ngon hơn cá các đầm và ngon nhất là cá làm gỏi. Có người bạn “Dân Thiên trị vì” đã nói: Đến Đề Gi mà không ăn gỏi thì cũng như đến Thủ Đức mà không ăn nem, vào Nha Trang không ăn hải sản cước cá.

Đó là hương vị đặc biệt của đầm nước ngọt mà Đề Gi đã có công quảng cáo, cho nên đầm nước ngọt cũng gọi là vũng Đề Gi.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

bởi turbo » 20-04-2007, 15:18

Đầm Thị NạiTên thật là Hải Hạc Đàm, nhưng tên này đã bị tên Thị Nại làm lu mờ từ khi Pháp đã thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ trong học đường và trong các cơ quan hành chính. Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định.Đầm rộng trên ba nghìn mẫu tây. Bề dài từ bắc vào nam có đến 12, 13 cây số. Bề ngang từ tây xuống đông phỏng chừng 3, 4 cây số.Các chi phái sông Côn và sông Hà Thanh đều chảy xuống đầm chia bờ phía bắc và bờ phía tây thành nhiều cửa, nhiều lạch, nhiều bãi, nhiều doi… Thành phố Quy Nhơn làm bờ phía nam, dãy Triều Châu chạy từ Cách Thử đến Phương Mai làm bờ phía đông, phía ngoài cát vun trắng, phía trong non chồng xanh hô hê hóc hiểm.Nước đầm chảy ra biển Quy Nhơn, qua hai “răng nanh giao mũi” là Gành Hổ và mũi Cổ Rùa.Nước đầm theo thủy triều mà lên xuống. Khi lên thì lênh láng, ghe thuyền trọng tải lên xuống dễ dàng, những khi có gió thì sóng dậy như biển. Còn khi nước xuống thì ven bờ đầm bị lộ, bùn lầy lênh láng.Trong đầm ở phía tây, gần phía Quy Nhơn nổi lên một cụm đá rộng, chừng một vài sào và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói. Không hiểu tại sao gọi thế. Có người bảo rằng:Xưa kia có một bốc sư bói hay như thần, xây một tòa tháp nơi đó. Ai muốn bói thì phải chịu khó đi thuyền ra. Sau khi bốc sư qua đời, không có người coi ngó bị sóng gió phá hoại.Lại có người bảo:Thầy Bói đây không phải là bốc sư, mà là tên của một giống chim ăn cá, lớn bằng bắp tay, lông xanh, ức đỏ, mỏ dài, tương tợ chim sa sả. Các nơi gọi là chim bói cá. Người Bình Định gọi là chim thầy bói. Giống chim này thường tụ nơi khóm đá để bắt mồi. Khóm đá dáng tròn tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.Thuyết sau có lẽ đúng hơn bởi vì ở phía bắc tháp Thầy Bói tại bờ phía tây của Thị Nại, nơi Gành Đăng (cửa sông Làng Sông) có một bãi cát rộng tên là Nhạn Chủ, tức bãi Nhạn. Nhạn là giống chim ăn cá như thầy bói, lớn bằng cổ vế, lông trắng cánh dài, giống này thường tụ tập nơi bãi hàng ngàn hàng vạn để nghỉ ngơi sau khi mồi no cánh mỏi.Chim thầy bói thì chiếm tháp; chim nhạn thì chiếm bãi; nên có tên tháp Thầy Bói và bãi Nhạn.Trước kia đi thuyền ngang qua tháp Thầy Bói và bãi Nhạn, chúng ta được thưởng thức cảnh:

Nước biếc dờn thu hồng thúy điểm,
Cát vàng trải nắng phấn ngân phơi.

Cách Bãi Nhạn chừng bảy cây số về phía bắc có một làng từ đời Gia Long đến đời Bảo Đại, dân làng được miễn sưu miễn thuế. Đó là làng Dương Thiện, thuộc huyện Tuy Phước.Vì sao lại được đặc ân ấy?Truyền rằng:Lúc Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định đến cửa Cách Thử thì dây chèo bỗng đứt. Trời lại tối, gió bấc thổi mạnh, sóng bạc trùng trùng. Thuyền Nguyễn Vương dạt vào cửa rồi trôi thẳng vào đầm Thị Nại (Cửa Cách Thử lúc bấy giờ chưa bị lấp, và thông lưu cùng đầm Thị Nại). Mịt mờ bốn mặt, không biết nên vào núp nơi đâu. Đương lo sợ phân vân thì chợt nghe tiếng “khịt khịt” ở trước mũi thuyền. Nhìn xem thì thấy một con rái cá to lớn nổi lên mặt nước, lưng óng ánh màu ngân. Rái vừa bơi vừa kêu, như mời như rủ. Nguyễn Vương liền truyền bơi thuyền theo. Rái trước thuyền sau. Đi được một chặng đường thì rái nhảy lên bờ, thuyền theo rái mà cập bến.Nơi thuyền gặp rái thuộc địa phận làng Vinh Quang. Nơi rái đưa thuyền vào bờ thuộc địa phận làng Dương Thiện. Nguyễn Vương cùng đoàn tùy tùng được tiếp đãi trọng hậu. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ ơn cứu nạn, phong cho rái chức Đại Tướng Quân, lập đền thờ tại lăng Vinh Quang và xuống chiếu miễn sưu thuế đời đời cho toàn dân làng Dương Thiện. Bởi vậy trong thời phong kiến, ai cũng muốn tịch vào Dương Thiện. Và vì được vua phong làm Đại Tướng, Rái trở thành một vật linh thiêng. Người trong vùng đều gọi bằng “Ông” (Ông Rái) và không ai dám sát hại. Nếu bị phá lưới phá đăng để ăn trộm cá, thì đành vái “Ngài đoái thương”. Do đó những kẻ không tài không đức mà có chút ít công lao cùng kẻ có quyền thế rồi được lên một địa vụ cao sang, người Bình Định thường gọi là “Tướng Rái”.Ở mé đông bắc đầm, dưới chân dãy Triều Sơn tại thôn Huỳnh Giản (Tuy Phước) có đền thờ bà Cố Hỷ.Bà Cố Hỷ sống vào thời đại nào không được rõ, có lẽ đã lâu đời lắm nên có nói những việc quá cũ kỹ, người Bình Định thường nói “Từ đời bà Cố Hỷ Cố Lai”. Bà nuôi trâu rất nhiều. Sau khi bà qua đời, trâu không người chăn, phá chuồng lên núi, lâu ngày thành trâu hoang. Trước đây trên dãy núi Triều Sơn có nhiều trâu rừng, người ta bảo đó là trâu bà Cố Hỷ.Đền thờ bà Cố Hỷ do nhân dân sở tại lập, đền ngó xuống sông. Mỗi năm vào tiết xuân thiên, nhân dân trong thôn kết thuyền ở trước đền làm sân khấu, rước bạn hát bội đến hát để cầu bà phù hộ cho biển lặng sóng êm, chài lưới được nhiều cá.Cuối thôn Huỳnh Giản, về phía nam, sát mé đầm có một rừng rậm, bùn lầy sập sình và mọc toàn cây chại. Trong rừng có nhiều trăn, ít người dám tới. Vùng ở quanh rừng gọi là bến Trảy.Nơi bến Trảy có một cái khe gọi là khe đá. Hai bên khe nổi lên hai ngọn núi đất đen, cao chừng 59 thước, mọc toàn cây tràm.Truyền rằng ở dưới khe có con cù to lớn, đầu quay ra Hòn Bà, đuôi trở vào Phương Mai, thỉnh thoảng cựa mình làm cho cát bồi đất sụp. Khe đá và núi đất đen tại bến Trảy do con cù mà ra. Từ khi ông Núi đến cất chùa tại núi Phương Phi, thuộc hòn Bà, thì cù không cựa quậy được nữa. Nhân dân trong vùng được bình yên. Tại Huỳnh Giản lại có một bến đò đưa “nậu rổi” ở vùng Triều Châu sang Tân Giản để đi chợ Gò Bồi (phía tây đầm). Nậu rổi toàn là đàn bà con gái, sáng sớm đi chợ bán tôm cá, trưa về Tân Giản nghỉ ngơi, đợi xế chiều đò Huỳnh Giản sang đưa về nhà. Lúc nghỉ ngơi, trai gái thường giao duyên gặp vui xa nhớ. Nên ca dao có câu:

Vui thời một chút ngọt bùi,
Bước qua thân dậu ngậm ngùi nhớ thương.

Kể cũng tình tứ lắm! Cá ở Triều Chân đem sang các chợ bán là cá biển. Cá đầm Thị Nại cũng rất nhiều, ăn không hết, bán không hết. Người ở quanh đầm dùng làm nước mắm và phơi khô đem bán cho người dân tộc thiểu số vùng cao nguyên.Cá Thị Nại, Triều Châu ngon không thua cá nước ngọt. Có tiếng ngon nhất là cá nục. Giống cá này có nhiều thứ, được ưa chuộng nhất là cá nục vọng, bị “hất hủi” là cá nục gai. Vì vậy, để bênh vực cá nục gai các chị bán cá vừa bán vừa hát: Cá nục gai bằng hai cá nục vọng,Vợ chồng nghĩa trọng,Nhơn ngãi tình thâmXa nhau muôn dặm cũng tầm

Gặp nhau hớn hở tay cầm lời trao.

Cũng ý vị lắm. Dù cá không ngon, chỉ nghe cũng đủ thấy ngon rồi vậy, huống hồ “cá nục Thị Nại ăn mãi không nhàm”, cho nên khách phương xa có đến Gò Bồi và Quy Nhơn không nên quên nếm thử cá nục.Nguồn lợi của đầm Thị Nại chẳng phải chỉ có tôm và cá. Tại bờ phía tây, từ Hưng Thạnh ra tới Bình Thới, ruộng muối thênh thang.Thành phố Quy Nhơn phồn thịnh, một phần nhờ đầm Thị Nại. Chẳng những nhờ về sản phẩm mà còn nhờ mặt “phong thủy”. Theo các thầy địa lý thì mũi Cổ Rùa và Gành Hổ là hai cái răng làm cho đầm Thị Nại trở nên cuộc đất “thủy khẩu giao nha” rất tốt vì nước tích trữ dồn tài lộc cho các miền xung quanh. Nghĩa là về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần, Quy Nhơn chịu ảnh hưởng của đầm Thị Nại không ít. Trái lại, đầm Thị Nại cũng chịu ảnh hưởng của Quy Nhơn rất nhiều vì có Quy Nhơn đầm mới mở mang về mặt thương mại, mới rộn rịp về mặt giao thông. Và từ trước đến nay, Thị Nại đã cùng Quy Nhơn chung vui chung chịu biết bao thăng trầm, suy thịnh.Nhưng:

Quản bao thế sự thăng trầm,
Nghĩa non đá vững, tình đầm nước sâu.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

bởi turbo » 20-04-2007, 15:20

Ngoài ba đầm đá vững, Bình Định còn nhiều ao, bàu. Đáng kể là:

Giao Trì

Tục gọi là ao cá sấu, ở làng Tài Lương, hội tỉnh, quận Hoài Nhơn.Trước kia tên là Ngạc Ngư Trì, tức là ao cá sấu.Năm Minh Mạng thứ 13 mới đổi là Giao Trì tức là ao cá nhám.Chưa gặp người hiểu biết để hỏi rõ vì sao lại có tên là ao cá sấu và cớ gì lại đổi làm ao cá nhám.Có hai ao nhỏ ở cạnh nhau, một ở phía bắc hình bầu dục, một ở phía nam hình giằng xay. Cả hai hợp lại thành hình chữ Sơn viết thảo.

Ngạc Đàm

Tục gọi là bàu Sấu ở dưới chân phía tây núi Kỳ Đồng, ở giữa thôn Đại Bình ở phía tây và thôn Triết Tràng ở phía đông (núi Kỳ Đồng nằm trong thôn Thiết Tràng) thuộc huyện An Nhơn.Gọi là bàu Sấu vì xưa kia có một con cá sấu ở nơi bàu, sau bị lụt trôi đi mất.Bàu chỉ lớn độ vài ba mẫu, nước sâu, nắng mấy cũng không cạn. Nước bàu do con suối ở vùng núi phía bắc chảy vào, rồi chảy ra bắc phái sông Côn, qua lại Đại Bình và Thiết Tràng, quanh năm phải đi đò chớ không bao giờ lội được.Bàu rất nhiều cá, nhiều nhất là cá chép. Nhiều con lớn hàng ba bốn búng tay và dài hàng nửa sải, vảy sáng ánh như đồng, mắt đỏ ngời như lửa. Cá sông Côn đều do bàu Sấu mà ra.Năm Đinh Hợi (1887) bàu Sấu đã chứng kiến một cuộc tranh đấu vừa anh dũng giữa nghĩa quân Cần Vương và giặc Pháp. Mai anh hùng đã dùng bàu Sấu để lập trận thủy bối đánh quân Trần Bá Lộc, tên Việt gian tay sai của thực dân. Sau trận này, nghĩa quân bị tan rã.Trong bài văn tế Mai anh hùng có câu:”Đuối tay kinh tế, hàng căn thân đóng khép Đồng Hưu;””Kết trận thư hùng, đoàn nghĩa sỹ máu trôi Bàu Sấu”Ở Tuy Phước có:Chằm Kim Ngân ở Dương Hội, chằm Thanh Huy ở thôn Thanh Huy. Hai chằm này, nước thông nhau, một nằm ở phía đông, một nằm ở phía tây. Đầm Thanh Huy ở phía đông lại thông với vực ông Đô ở phía đông bắc. Ba chằm này nằm phía tây bắc ga Diêu Trì, dưới chân núi ông Vồ.Ở dưới chân hòn Sơn Chà, có Bàu Cả ở giữa thôn Long Vân (phía bắc), Phú Tài (phía nam), và Ngọc Châu (phía đông) và đường Q.L ở phía tây. Gối đầu lên hai ngọn núi Sơn Chà, ngó mặt xuống hai ngọn núi Vân Quang.Bình Khê và Phù Cát, không có bàu ao nào to lớn. Duy ở Đồng Tre thuộc thôn Tả Giang (Bình Khê) có một cái bàu không lớn mấy, nhưng có tiếng:

Bàu Đồn

Bàu nằm dưới một dốc cao gọi là dốc ông Mai.Nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng đã lập một cứ điểm quân sự (đồn bảo) để chống Pháp tại nơi bờ bàu dưới chân dốc. Bởi vậy bàu dốc mới mệnh danh là bàu Đồn và dốc ông Mai.Đó là một di tích lịch sử nên được nhiều người lưu ý.Các bàu ao thượng dẫn đều có nhiều cá và nước ít khi bị khô, cho nên đồng bào ở thôn quê rất quí. Nhiều nơi có thể lấp bằng để làm ruộng, những người thấy xa không bao giờ tham chút lợi trước mắt.

Ao bàu giúp cho nhà nông “bát cơm dày, khúc cá ngon”, cho nên quí là phải.


turbo Đội phó
  Bài viết: 1978 Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09 Đến từ: Bình Định Đã cảm ơn: 2 lần Được cảm ơn: 10 lần Blog: Xem blog (3)

Quay về Nước non Bình Định (Quách Tấn)

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 1 khách

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ