BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Thắng cảnh cổ tích

Thành Bình ĐịnhNhư trên đã nói, từ đời Lê đến đời Tây Sơn, lỵ sở của cấp chỉ huy tối cao ở địa phương đều đóng tại thành Đồ Bàn cũ. Đến năm Gia Long thứ 12 (1814) lỵ sở mới dời vào phía nam và thành Đồ Bàn bị triệt hạ để lấy vật liệu xây thành mới. Thành tuy mới nhưng vẫn mang tên cũ đã đặt cho thành Quy Nhơn, tức thành Đồ Bàn cũ, từ năm Kỷ Mùi (1799) lúc Nguyễn Ánh chưa thống nhất lãnh thổ: Bình Định.Thành Bình Định nằm trên hai thôn An Ngãi và Liêm Thực thuộc quận An Nhơn.Địa cuộc của thành rất tốt: Dựa lưng vào núi Mò O ở mặt bắc, và lấy dãy Triều Sơn làm tiền án ở mặt nam. Thành xây trên một dãy gò thấp, nhưng đứng nơi thành ngó vào dãy Triều Sơn thì thấy núi hạ thấp xuống như đàn voi phủ phục trước người quản tượng. Hai nhánh nam phái và trung phái của sông Côn cùng các nhánh sông khác lại còn tạo thêm cho thành cái thể “tứ thủy triều qui” tức là bốn mặt nước về chầu. Cảnh trí thật đẹp, có thể gọi là đắc địa.Vách thành xây toàn đá ong lấy ở thành cũ. Chu vi trên ba cây số, cao ba thước rưỡi tây và dày gần một thước trên đầu thành – còn dưới chân thành, phía trong đắp đất dày đến mươi thước và chạy lài lài lên đến đầu thành. Trông thật hoành tráng bốn mặt thành trổ bốn cửa, xây cổ lầu đồ sộ, kiên cố. Ngoài thành có hào sâu bao bọc. Để vô ra, trước cửa thành có xây cổng bằng đá, hình cầu vồng. Trong thành dựng hành cung, là nơi nhà vua nghỉ ngơi những khi hành du và các quan cùng những người có phẩm hàm từ cửu phẩm trở lên đến bái mạng trong những ngày khánh tiết; những dinh thự của các quan tỉnh tòa ngang dãy dọc, tráng lệ nguy nga.Chung quanh các cung thự đều trồng xoài, bóng mát, trái ngọt. Quang cảnh thành có vẻ sầm tịch u nhàn.Nhưng dưới bầu không khí yên tĩnh, hiền hậu, thành Bình Định đã chứng kiến nhiều sự kiện hùng tráng có, bi đát có, hài hước có:Năm Ất Dậu (1885) nước mất, vua chạy, các sĩ phu trong nước hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, thành Bình Định đã anh dũng chống cự cùng quân xâm lăng mấy trận. Sau vì viên Tổng đốc là Lê Bá Thận phản bội, bắt bỏ ngục người cộng tác là chí sĩ Nguyễn Cung (án sát) rồi mở cửa thành đầu giặc. Nguyễn Cung xé vạt áo trắng, cắn tay lấy máu viết tâm thư gởi đến nghĩa quân ở An Khê, rồi tuẫn tiết ở trong ngục. Quân Pháp lấy được Bình Định rồi thì giao thành cho quan nam triều đóng cơ quan hành chánh tỉnh, còn chánh quyền thực dân thì đóng tại Quy Nhơn.Năm Mậu Thân (1908), hưởng ứng phong trào “khất sưu” nam nghĩa, đồng bào Bình Định kéo nhau đến tỉnh kêu xin hai quan chánh phủ Pháp, Nam giảm bớt gánh nặng cho dân. Quan tỉnh đóng cửa thành không cho vào. Đồng bào phải tụ tập ở ngoài thành, bắt ống loa kêu gọi. Vâng lệnh quan trên, lính tỉnh ở trên mặt thành bắn vãi vào đám lương dân, lớp bị thương, lớp thiệt mạng.Dưới triều Thành Thái (1889-1907), Nguyễn Thân ngồi ghế Tổng đốc Bình Định, máu người Bình Định đã chảy một cách oan uổng, không biết bao nhiêu lần. Có một chuyện ở Bình Định, ai ai cũng biết, là chuyện Nguyễn Thân giết Bá hộ Huệ.Bá hộ Huệ tên Trịnh Đình Huệ, thôn Bá Canh, quận An Nhơn, là một nhà cự phú tỉnh Bình Định thời bấy giờ, người hào hiệp khí khái. Nguyễn Thân đến lỵ Bình Định, Bá hộ Huệ đến mừng một tấm biển cẩn xà cừ bốn chữ “Thiên Lý Nhân Lương” nghĩa là người hiền tiếng bay xa nghìn dặm. Quan Tổng đốc rất lấy làm vừa lòng, đem treo ngay giữa dinh. Một hôm, một nhà nho địa phương đem lễ vật đến mừng nữa. Quan Tổng đốc khoe tấm biển, nhà nho mỉm cười, quan hỏi không nói. Gạn hỏi năm ba phen, nhà nho khúm núm bẩm:- Nói ra sợ cụ lớn bắt tội.Nguyễn Thân nài ép mãi. Nhà nho ung dung thưa:- Đây là một cách chơi chữ. Chữ Thiên chữ Lý ghép lại thành chữ Trọng. Chữ Lương và chữ Nhân ghép lại thành chữ Thực. Kẻ đi bức hoành này muốn chửi cụ lớn là vị quan “Trọng Thực”, tức ham ăn.Nguyễn Thân căm giận, cho trát đòi Bá hộ Huệ phải đến tỉnh hầu vào buổi chiều hôm sau.Trời vừa chiều, thầy Bá đã đến dinh quan Tổng đốc, nhưng mãi đến nhá nhem tối, quan mới mời vào, và quở:- Sao tới giờ này mới đến?Thầy Bá nói lớn:- Tôi chờ cụ Lớn, “đầu thân mút dậu”, chớ đâu phải mới tới bây giờ.Câu “đầu thân mút dậu” có hai nghĩa. Nghĩa đen là từ đầu giờ Thân, tức là vào khoảng ba bốn giờ chiều, đến cuối giờ Dậu, tức vào khoảng bảy giờ tối. Nghĩa bóng chửi cụ Lớn “Thân mút Dậu”. Bởi vậy, Nguyễn Thân đã căm hờn lại căm thù thêm và quyết rửa hận cho kỳ được.Nguyễn Thân bèn truyền hạ ngục Bá hộ Huệ. Mấy hôm sau mật sai người giữ ngục nửa đêm lén thả những phạm nhân trọng tội ra và xúi giục đi trốn, rồi chận bắt trở lại bảo khai rằng Bá hộ Huệ âm mưu… Trăm miệng một lời, Bá hộ Huệ bị xử tử. Hồn oan theo Nguyễn Thân đòi thường mạng suốt mấy mươi năm… và ở Bình Định hễ nhắc đến Nguyễn Thân thì nhắc đến chuyện giết Bá hộ Huệ.Dưới triều Bảo Đại có một lúc quan Tổng đốc và quan Bố chánh đã làm cho nơi công đường nghiêm trang trở thành một nơi hý trường giúp vui cho thiên hạ. Đó là thời cụ Vương Tử Đại ngồi ghế Tổng đốc và cụ Nguyễn Bá Trác ngồi ghế Bố chánh. Cụ Thượng vốn là thông ngôn tòa sứ xuất thân, giỏi Pháp văn, thông tây học. Cụ Bố là một tay khoa bảng đã từng cùng các nhà chí sĩ đông du, sau về đầu đầu thú được miễn tội, ra giúp tạp chí Nam Phong, rồi được bổ đi làm quan lớn. Hai bên ghét nhau ra mặt. Cụ Bố thường lấy thơ văn làm binh khí để công kích cụ Thượng. Những tật xấu, việc xấu của cụ Thượng đều bị cụ Bố truyền làm thơ. Có mười bài tứ tuyệt gọi là Bình Thành thập thủ, được phổ biến tận đến hương thôn. Có hai bài được truyền tụng nhất là “Khán hổ bì” và “Ký cốc xa”.Khán hổ bì là xem da cọp.Nguyên có một thiếu phụ tên Võ Thị Cú ở Phù Mỹ chê chồng, kiện xin ly dị. Người chồng không chịu. Vụ kiện kéo dài. Để cho được kiện, Võ Thị Cú lén vào dinh quan Tổng đốc để lo lót. Mong che mắt thế gian, Thị chờ đến đêm mới vào. Chẳng may quan Bố biết được, liền thẳng đến dinh Tổng đốc. Thấy bóng dáng quan Bố, Võ Thị Cú lật đật đứng dậy nép vào vách. Quan Bố bước vào chỉ mặt Võ Thị Cú thét mắng:- Mi là con đàn bà kiện để chồng, sao đang đêm dám vào dinh cụ Lớn?Đoạn thét lính bắt trói.Quan Tổng đốc lính quýnh, không biết gỡ gạc thế nào. Nhân trên vách nơi Võ Thị đứng có treo tấm da cọp làm đồ trang trí, quan Tổng đốc liền nói:- Con nhỏ dại quá. Nó vào thấy tấm da cọp, tò mò đứng xem. Xin quan lớn hỉ xả.Quan Bố ra về làm bài thơ Khán hổ bì để ngạo quan Tổng đốc, rằng: Bạc hạnh lang quân thiếp tảo tri.Lang quân tư thiếp, thiếp tư ly.Nhi kim dục ngoài ly lang kế,

Dạ nhập dinh môn khán hổ bì.

Nghĩa là: Sớm hay chàng vốn bạc tình,Chàng dù thương thiếp, thiếp đành phân ly.Cung loan mong đứt giây tỳ,

Đang đêm vào “khán hổ bì” dinh quan!

Vương Tử Đại một khi đến Bình Định liền niêm yết cấm việc hối lộ. Một hôm quan cải trang làm thường dân mướn xe kéo đi chơi quanh ngoài thành, để dò xét dân tình. Quan hỏi người phu xe:- Nghe đồn quan Tổng đốc đương kim thanh liêm chánh trực lắm phải không chú?Không biết rằng người ngồi xe là quan Tổng đốc, người phu xe thật tình đáp:- Dạ, phải, thanh liêm chánh trực. Nhưng ai muốn được việc thì đừng đi ngõ lớn mắc bảng cấm hối lộ, mà phải đi ngõ sau, tìm bà lớn là “hảo tai”.Quan liền ghi số xe, về dinh truyền bắt người phu xe tống ngục.Trước vụ người phu xe, lại có chuyện dân làng Đông Lương huyện Phù Cát cũng vì chỉ trích quan tỉnh nên bị bắt giam cả làng. Vợ con đến khóc xin đêm ngày mà vẫn chưa được thả. Nhân hai vụ đó, quan Bố làm bài “Ký Cốc Xa” (xe kéo tay, chạy kêu cọt kẹt) rằng: Sanh nhai ký cốc nhất xa hành.Hưu huyết quan gia lãng phẩm bình.Bất ký Đông Lương đương nhật sự,

Thê hiền nhi khốc đáo tàn canh.

Nghĩa là: Làm ăn cút kít tay xe,Miệng mồm khuyên hãy kiêng dè việc quan.Đông Lương mang vạ cả làng,

Vợ con kêu khóc ngày tàn lại đêm.

Không rải truyền đơn, không đăng báo chí, thế mà mỗi khi thơ quan Bố vừa làm ra thì tất cả nhân viên ty, tào đều biết, rồi không mấy chốc bay khắp ra cả thành thị thôn quê. Quan Tổng đốc rất căm và để trả thù, quan làm một câu đối Nôm, cho người gởi đến quan Bố, rằng:”Sóng Âu hải tràn ngang, tràn Hương Cảng, tràn Hoành tân, tràn Mã Lịp Nhĩ Sơn, coi như tuồng dạ sắt gan đồng, một mực giữ gìn dân với nước;Gió Nam Phong thổi ngược, thổi hường lô, thổi binh bộ, thổi Bàn thành cụ Bố, quen những thói vào luồn ra cúi, đôi đường chen chúc lợi và danh”.Thật là “ăn miếng trả miếng”. Miếng nào cũng cay.Không phải thành Bình Định đều đón tiếp những vị quan như hai họ Nguyễn họ Vương.Trước đó, vào khoảng 1925, 1926, thành Bình Định có quan Tổng đốc rất khí khái. Đó là tiến sĩ Nguyễn Đình Hiến.Lúc bấy giờ chí sĩ Đồng Sỹ Bình bị bắt giam tại thành Bình Định. Quan Tổng đốc đối xử hết sức tử tế, cơm nước đều do người nhà của quan nấu dọn. Những lúc rỗi rảnh, ngoài giờ làm việc, quan thường đến nơi giam cầm hoặc vời chí sĩ lên tư dinh bàn luận văn chương và thế sự. Quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến phục chí sĩ Đồng Sỹ Bình chẳng những vì khí tiết mà còn vì văn chương, vì chí sĩ chẳng những giỏi bên Pháp văn (vì là một thư ký tòa sứ) mà lại rất giỏi bên Hán tự. Những tờ khai của chí sĩ toàn bằng Hán văn, mà hễ đặt bút là viết thao thao bất tuyệt. Quan Tổng đốc mỗi lần đọc lời khai là vỗ vế khen “hay!hay!” và có lần cao hứng cầm bút son khuyên đỏ cả tờ khai. Đến khi cơn hứng tàn, phải năn nỉ Đồng Sỹ Bình chép lại. Viên Công sứ Quy Nhơn biết được thái độ Nguyễn Đình Hiến đối với Đồng Sỹ Bình liền khởi mật thư khiển trách, song cụ Hiến coi như không. Sau Công sứ Pháp sợ quan Tổng đốc tìm cách tha nhà chí sĩ, bèn xin triều đình Huế rút cụ về kinh…Đối với dân, cụ Nguyễn Đình Hiến cũng rất chiếu cố, những việc kiện cáo đều được xét xử công minh, việc an ninh trật tự đều được lưu ý. Cho nên cụ đi rồi, mà phần đông nhân sĩ Bình Định vẫn luôn luôn nhắc nhở.Rồi, trước khi chiến tranh bùng nổ trên đất nước Việt Nam mấy năm, cơ quan hành chánh tỉnh dời xuống Quy Nhơn, giao thành Bình Định cho phủ lỵ An Nhơn đóng lỵ sở.Cơ quan tỉnh dời xuống Quy Nhơn trong thời kỳ ông Nguyễn Hy, con ông Nguyễn Thân làm Tổng đốc Bình Định (khoảng Giáp Tuất-Ất Hợi, tức 1934, 1935).Nghe đồn rằng: Khi ông Nguyễn Hy vừa đến nhậm sở thì liền mấy đêm nằm thấy một chiếc xe chở một đùm ruột lòng thòng đi qua lại trước mặt. Tỉnh dậy thì dường nghe tiếng kêu khóc ở quanh dinh, liền mời thầy bàn đến bàn. Thầy bàn giật mình, bẩm:- Đây là hồn Bá hộ Huệ hiện về.Đoạn kể lại câu chuyện Nguyễn Thân giết Bá hộ Huệ, và nói:- Xe chở đùm ruột là chữ xa và chữ tâm. Hai chữ này ghép lại thành chữ Huệ. Như thế là Bá hộ Huệ hiện hồn về chực báo oán.Nguyễn Hy sợ hãi không dám ở nơi lỵ sở, chiều chiều làm việc xong xuống ngủ ở Quy Nhơn, rồi nhân khí hậu ở thành Bình Định không tốt, thường sanh bệnh sốt rét, bèn mượn cớ xin triều đình Huế cho dời cơ quan xuống Quy Nhơn. Nghĩ rằng tòa sứ và tỉnh ở cạnh bên, thuận tiện cho công việc cai trị, nên triều đình Huế chấp thuận. Từ ấy thành Bình Định trở thành phủ lỵ An Nhơn.Và những khi khách du quan đi ngang qua phạm vi thành Bình Định, nhìn thấy lầu cửa đông cũ kỹ, không khỏi nhớ đến hai nhà thơ sanh trưởng ở Bình Định và đã dùng tòa lầu cửa đông làm lầu thơ: Chế Lan Viên và Yến Lan.Chế Lan Viên với tập Điêu tàn làm lúc mới 17 tuổi (1937) và tập Vàng Sao xuất bản năm 1942, đã làm cho làng văn thơ Việt Nam lưu tâm đến Bình Định.Và Yến Lan, một đợt sóng thứ hai làm vang dội tên Bình Định bằng bài thơ Bình Định sau đây: Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!Tịch dương liễu không biết mình đang biếcTương tư trời, tương tư nhạc triền miên…Mây nổi đó nhưng hồn chừng viễn xứ,Nguyệt cô liêu trắng mộng hồ xa nao?Xe lỗi hẹn với người trong lữ thứ,Trường hận thuyền muôn dặm cũng hư hao.Ôi Bình Định hương phong chừng cách biệt,Nhưng bâng khuâng trong bất hạnh sương hoa,Nhà ngơ ngẩn những tường vôi keo kiết,Nam quách sầu, đông phố quạnh, tây môn xa…!Cây lặng lẽ vui làm bầy hải đảo,Thuyền bồ câu nghiêm buồm trắng trôi ven.Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước đạo,Rượu ân tình Bình Định xứ lên men.Ôi Bình Định tự thành cao trao gửi,Buổi xế tà qua mấy cửa song xanh:Nơi đã đọng những vũng đàn lạnh đợiCủa trăng gầy, gió lụy xuống mong manh.Nhà thiêm thiếp khổ trong quầng nắng nhạtNhớ thương từ vườn chuối nuối vương đưaGiấc Trang Tử đêm vầy theo hội hát,Cuối đôi làng xam xám dệt tơ mưa.Đây tôi sống trong thanh nghiêm thánh thất:Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy.Lan can đỏ xuống lần từng bậc bậc,Lòng cuộn dần bậc bậc khói hương xây.Hồn tôi loãng trên bệ vàng thếp chảy,Cùng hồn trưa quấn quít lấy giao lân.Tám phương bạn chợp hàng mi mộng thấyThái bình trang vàng rộn lá thu phân.Kiếp tòng bá có xanh vì xứ sở,Chớ quăng mình thêm nức nở hồn tôi.Không được sống xin cho cùng được thởVạn lý tình trong gió ngọt xa xôi.Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc?Em nằm thương xanh biếc của trời buồn!Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.Hoa tư tưởng phân thân chiều gió trải,Trời Giang Nam hồ hải nói trong tâm.Ôi Bình Định ngươi nằm trong mãi mãi…

Đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm…

Với những áng văn thơ bất hủ, thành Bình Định tuy mất, nhưng hình ảnh và tiếng tăm vẫn còn trong mãi mãi của thời gian.

Bài viết mới nhất

BinhDinhFFC • Xem chủ đề – QUÁN ĂN BÌNH ĐỊNH Ở TPHCM SẮP KHAI TRƯƠNG
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chuyên mục – Lễ hội – Du lịch – Ẩm thực
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản nem chợ Huyện tại TP HCM
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Dấu tích vương triều Tây Sơn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Đặc sản bình định tại HCM:rượu bầu đá, mực ngào, chả nem…
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Nơi bán bánh tráng tại Sài Gòn
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Ảnh khỏa thân “chụp” ở festival Tây Sơn – Bình Định!
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Bánh hỏi Bình Định
BinhDinhFFC • Xem chủ đề – Trải nghiệm miền Đất Võ