BƯỚC CHÂN MẸ ĐI QUA ĐỜI CON
quynhoner
Thế là mẹ đã đi xa 14 năm chẵn. Đây là lấn thứ 2 chúng con trở lại mảnh đất đã sinh ra mẹ để cùng với dòng họ Hồ giỗ tộc.
Lần trước kỷ niệm 10 năm, chúng con về An Mỹ để tổ chức. Đó là công việc sau cùng mà chúng con phải làm với quê hương. Sinh ra từ mảnh đất “ cày lên sỏi đá” ven chân núi Hội Thuận rồi lớn lên nơi sông lạch An Mỹ, lấy chồng rồi sinh 10 đứa con nơi bãi cát rì rào sóng vỗ của con lớn nước ròng Đề Gi mặn mòi vị muối. An Mỹ là nơi mẹ đã làm tròn thiên chức trời phú của người phụ nữ, và trở thành một” công dân” thứ thiệt từ lúc nào mẹ cũng chẳng biết. Làng trên xóm dưới hỏi về mẹ thì ai cũng biết. Mẹ thanh thản ra đi nhưng còn nhiều điều còn vướng lại của kiếp nhân sinh. Tại nhà họ An Mỹ, chúng con đã đứng trước mọi người xin lượng thứ mọi điều thiếu sót của mẹ. Chúng con cũng thay mặt mẹ bỏ qua những điều gì không phải của người khác với mẹ “Ngày ra đi mẹ chúng con không mang theo gì, khi trở về với cát bụi thiên thu. Hãy còn đó ở trần gian và hôm nay 10đứa con Nhận - Cho số kiếp đời người thế tục. Nơi cửu tuyền, một dòng nước mát chảy ra xóa hết bụi trần”.
Lời kết thúc của chúng con chỉ ngắn gọn như thế. Mọi người trong làng ai cũng vui vẻ đón nhận tình cảm của chúng con.
Năm nay chúng con lại có dịp về bên mẹ.
Trên con đường về quê ngoại, lần đầu tiên con có cảm thức về nơi đã sinh ra mẹ. Con đi qua những con đường ngày xưa mà con lẽo đẽo theo mẹ. Những con đường đó nay đã khác xưa nhưng hãy còn đó dấu chân của mẹ trong tâm trí con.
“Mẹ cõng con rảo từng bước chân trên con đường làng dài và hẹp ẩn khuất dưới hàng tre xanh cao vút kẽo kẹt. Hàng dừa trĩu quả tỏa bóng xuống ruộng đồng quanh năm xanh ngắt. Con như đã tìm thấy tuổi thơ của mình. Thời đó chiến tranh ác liệt Mẹ chưa bao giờ dẫn con về quê ngoại qua ngả chợ An Lương vì dễ bị vạ lây súng đạn. Hàng ngày lính Sài Gòn thường xuyên qua lại con đường nối từ Nhà Đá – Mỹ Hiệp đến Mỹ Chánh. Nhưng có lẽ con đương từ quê mẹ Hội Thuận qua Chánh Hội,Trinh Long Khánh để về đến quê cha An Mỹ còn có những điều quan trọng hơn. Cầu Đậu Long nơi mà hai bên đường rất nhiều ổi núi. Những chùm ổi lắc lư trong gió, trái to nhất chỉ bằng quả trứng gà so, trĩu nặng cành cây. Mẹ chỉ hái những trái nào da nó láng láng màu trắng vì nó là ổi chua (có nghĩa là ổi ăn vừa chua vừa ngọt không còn chát nữa) Trái nào da màu vàng lốm đốm những chấm đen là ổi đã chín. Ổi chín ruột màu đỏ trông ham lắm. Nhiều quả còn cả dấu mỏ chim chóp mào đã ăn một phần nữa. mẹ vẫn hái và còn nói “ Chim ăn được là mình ăn được”. Trẻ con trong xóm bằng tuổi con rất thích mẹ vì mỗi khi mẹ từ quê ngoại về thường hay cho bọn nó vài quả ổi, hay chùm chim chim hay dú dẻ. Một phần nào đó thiên nhiên đã chiều theo lòng người, đã tạo ra những sắc màu phù hợp với lứa tuổi và giới tính. Đám con gái thì thích chùm chim chim. Một chùm chim chim thì nhiều ăn lâu hết. Con trai thì thich dú dẻ với màu vàng tươi sáng. Một chùm dú dẻ chừng 3-4 trái. Có nhiều thằng cà chớn còn tính đến chuyện ăn hết phần của mình còn giựt của mấy đứa con gái. Vòng theo dòng chảy của dòng La Tinh mùa gió nam hai bên bờ keo chín đỏ rực một vùng. Lũ chim chóp mào mỗi lần thấy người bay lên từng bầy.Không hiểu sao từ cầu Đậu Long trờ xuống thì phía bên hữu ngạn keo mọc nhiều hơn bên tả ngạn. Trái keo khi đã chín nứt đôi lộ rõ bên trong những múi keo màu trắng hạt đen. Bên ngoài vỏ là sự hòa quyện giữa màu trắng và màu hồng phấn. Đi ngang qua mùa keo chín không ai nỡ cầm lòng không dừng lại. Xã Mỹ Cát là xã ít ruộng. Trong 4 thôn chỉ có 2 thôn là thuần nông là Trinh Long Khánh và Chánh Hội. Thôn An Mỹ nửa ruộng diêm ( ruộng muối) và nửa ruộng ngọt. Thôn Hội Thuận là đất soi gần chân núi, ruộng ít, chỉ trồng các loại cây nông sản nhưng cũng không có nhiều. Có lẽ vì phân bố địa lý mà thôn Trinh long Khánh có rất nhiều nhà giàu. Những cái tên của 3 anh em nhà Xã Kiệu, Xã Khẩn, xã Khảm, rồi Xã Bộ, Xã Xe…nổi danh một thời xa xưa. Con không biết ý nghĩa của hai câu hát : Anh về dứ dạn hồi hôm. Gánh phân vãi ruộng gió Nồm bay lên ( Anh về dưới vạn hồi hôm. Gánh phân vãi ruộng gió Nồm bay lên)nhưng chỉ biết đó là hai câu hát ru con, dỗ con của vùng đất này.
Đất Trinh Long Khánh và Chánh Hội trù phú màu mỡ. Ruộng nhiều, dừa nhiều, rau quả nhiều. Chính vì lẽ đó mà khi đi làm mẹ tường gánh con đi cùng. Một đôi rổ dâyvà đứa con là “ vật dụng” của người dân An Mỹ lên đây làm thuê. Người Mẹ làm công việc của mình ngoài đồng. Đứa con ngồi ở bờ ruộng mát rượi bởi những hàng tre và chòm dừa. Thỉnh thoảng chủ đất chặt cho lóng mía Thanh diệu màu tím hay vài khúc củ mì trộn với dừa và đậu phộng. Ngày nào trúng mánh thì được ăn xôi hay cái bánh ít của chủ cúng giỗ ngày hôm trước. Ngon lắm, thèm những thứ đơn sơ như thế lắm nên không dễ gì mà không đòi theo mẹ. Thích nhất là bữa ăn trưa,chủ ruộng nấu cơm bằng lúa thơm hay lúa ba trăng. Mở nồi cơm ra mùi thơm ngào ngạt bốc lên sưng cả mũi. Mẹ thường mang theo một ít cá bống mủn đi rúc được,hái mấy nụ bí đỏ không đậu thành trái nấu chung. Cái món ăn dân dã này có lẽ là thứ đặc sản mà chỉ có thể quên đi khi không còn hơi thở. Rồi một khúc cá nấu với môn muối dưa vừa chua vừa ngọt…
Một thời tuổi trẻ của mẹ đã gắn bó với từng miếng ruộng, bờ tre của mảnh đất này.
Có lẽ cả đời con không bao giờ diễn tả cho trọn vẹn từ “ gánh” của mẹ. Gánh phân vãi ruộng, gánh đất đổ nền nhà, gánh đất nâng ruộng. Gánh vừa là danh từ là động từ và dù có thuộc loại từ nào cũng là “ cái gánh” trên vai của mẹ.
Con nhớ mãi ngày con vào Quy Nhơn học Trung học. Mẹ đưa con 1200 đồng để đóng tiền niên liễm cho nhà trường suốt năm học. Tiền đó mẹ mới nhận từ 3 ngày công gánh đất cho chú Thuận ở Trinh Long Khánh. Những gì con nhận được từ trên ghế nhà trường được quy đổi trên những thành quả của từ ‘gánh’. ”
Hàng loạt bức ảnh của một người bạn về đất Trinh Long Khánh như thổi hồn quê hương vào con. Anh ta cũng có những thao thức về quê hương gắn liền với nỗi nhớ về người mẹ
‘Hồi nhỏ, em nhớ những buổi trưa hè nằm trên võng đu đưa nghe bài hát này thấy thương mẹ em lắm, nhớ những buổi trưa mẹ đạp xe đạp về trong cái nắng miền trung gay gắt trong niềm vui của đứa con ngóng mẹ đi làm về có chút quà vặt đem về cho con...’ ( Bundooroo)
Con không thể làm ngơ về Đất – Người của miền quê này. Chỉ là những con chữ vụn vặt nhảy lưng tưng trên màn hình của chiếc máy vi tính. Nó nhảy cùng một nhịp với trái tim con đang đập.
Con sông La Tinh ngày nay đã khác xưa thời của mẹ còn con gái. Hai bên bờ người ta đã làm bờ kè bằng đá chẻ kiên cố. Con đê bây giờ là một con đường rộng xe chạy được, chứ không như xưa là con đường mòn rợp bóng tre và dừa. Không còn keo,chim chim, dú dẻ nữa. Lâu lắm mới nghe tiếng con cu cườm… cúc… cù… cu… cái đầu nó gật gật trên những rặng tre. Tiếng chim chóp mào đã thưa vắng không còn rộ lên như để phản đối con người giành ăn với nó.
La Tinh như là một sự tương giao. Dòng sông nào cũng được sinh ra để mang lại sự sống trước khi về với biển. Nhìn dòng chảy từ cầu Đậu Long ngoằn ngoèo như người mẹ ôm lấy những đứa con là những xóm làng trù phú. Qua cầu An Mỹ mới thấy sức sống của dòng sông. Chiều chiều, những diêm dân của An Mỹ, An Xuyên “nhào”xuống dòng sông như được trở về với sự sống.
Sông La Tinh không mang màu đỏ quạnh hung dữ,nếu có thì cũng chỉ vài tháng mùa lụt. Quanh năm vẫn trong xanh trôi chảy lững lờ trầm lắng nhưng sâu nặng. Khúc sông trên mẹ gom từng hạt nắng, ở cuối dòng cha nhặt từng giọt mặn mồ hôi. Dòng sông cạn mãi chảy miệt mài như sự cần mẫn tha thiết vỗ về của người mẹ, dõi theo nâng những bước chân con cái đi xa và trở về.
Con sông đó chỉ đẹp và thơ mộng khi vào Hạ và sang Thu. Hạ mang về những cơn mưa rào nhẹ. Thu mang về cái nắng hanh hanh cho hoa ổ tàu tỏa sắc ven sông.