CÂY TRE
Người Mỹ Cát
Trong dải đất hình cong như chữ S bên bờ Thái Bình Dương lộng gió. Dải đất màu xanh của ruộng đồng, những dòng sông ngoằn ngoèo xuôi chảy về Biển Đông. Trên những ruộng đồng và hai bên bờ tả ngạn, hữu ngạn của những dòng sông Côn , Hà Thanh, Lại Giang là những hàng tre vút thẳng, chắn gió giữ bờ trước bão lũ hàng năm. Có thể nói cây tre là hình ảnh thân thương nhất, gần gũi nhất. Gần gũi đến mức một con người từ lúc lọt lòng cho đến khi trở về với cát bụi nghìn trùng, không thể nào không gắn bó với cây tre và những vật dụng được làm ra bằng tre.
Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc Việt Nam. Câu chuyện về Thánh Gióng nhổ cả bụi tre đánh giặc rồi về Trời.
Cái giường tre là nơi mỗi người được sinh ra. Lớn lên đi học, tôi cứ thấy cái giường tre nhẵn bóng của nhà mình được vác đi cho cả làng. Có khi một năm sau nó mới trở về với chủ. Hỏi các cụ trong làng mới hiểu là người dân của quê mình khá “ mê tín”. Mẹ tôi sinh ra tôi là người con thứ 8. Tất cả anh em tôi đều khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật gì, cứ thả lăn thả lóc mà lớn lên như thổi. Mọi người trong làng tin rằng cô gái nào sinh con trên chiếc giường đó dứt khoát sẽ “ mẹ tròn con vuông”.
Ngày đầu tiên đến trường, chân rảo bước trên con đường đê dọc sông La Tinh. Con đê rợp trong bóng mát của hai hàng tre bên đường. Hình ảnh những chiếc lá xanh xào xạc đong đưa theo gió lúc vầng trăng đang treo lơ lửng trên những ngọn tre. Mắt người con gái sáng rực nhìn bầu trời khen trăng đêm nay sao đẹp thế. Người con trai giả vờ như không biết xích lại gần để nhìn theo tay của người con gái. Thời cơ nào tiện hơn cho nụ hôn của tình đầu…Ngây ngất men tình nồng dưới trăng giữa bốn bề tiếng lá tre xào xạc…
Ngày còn nhỏ cứ đến phiên chợ An Lương – Mỹ Chánh, là đứa con trai út trong gia đình tôi thường được cha cõng đi chợ. Ngay từ đầu chợ có một khu vực bán tre và những đồ làm bằng tre như: thúng, nia, sàn, dừng, rế nối cơm. Gàu sòng, đòn gánh…Thỉnh thoảng thấy mấy cụ già một tay chống gậy còn tay kia cầm vài cái rổ, rá đến phiên chợ. Bán xong các Cụ tụ tập ngay quán nhà Tổng làm xị đế và vài cuốn nem bánh tráng rau sống. Cả đời các cụ đã quen với hình ảnh chợ phiên. Đi cho đỡ nhớ và gặp bạn bè làm ly rượu nồng.
Từ chợ An Lương, những cây tre tỏa đi khắp các vùng xung quanh. Tre được vác trên vai kĩu kịt nhún lên nhún xuống ở ngọn. Tre ngược ra hướng Bắc về Mỹ Thành, Mỹ Thọ. Tre xuôi hướng Đông về An Mỹ - Mỹ Cát, qua cả Đức Phổ - Cát Minh
Cũng không ai để ý là tại sao những cây tre luôn suông thẳng và không có gai hay nhánh. Đơn giản vì đã bị chặt khi tre còn nhỏ. Những nhánh tre có thể làm củi hay bện hàng rào quanh nhà. Còn một điều nữa cũng khá hay là chính những cái nhánh tre đầy gai xương xẩu đó mà cũng có tiền. Mùa đắp đập sau lụt, những nhánh tre đó bó thành bó gọi là bẩu được dùng để chăn nước trong khi đắp đập. Tôi còn nhớ có một năm cha tôi chặt đâu được mấy chục bó bẩu, tiền bán số bẩu đó đủ để đóng tiền niên liễm cho tôi trong một năm học.
Lần đầu tiên trong đời tôi thật sự có cảm xúc mạnh về lũy tre làng. Sau 7 năm sống xa Tổ Quốc, tôi bước xuống xe ngay ngã ba chợ An Lương Mỹ Chánh. Hàng tre nhà Pháo để về An Xuyên không phải là hàng tre bình thường như bao hàng tre khác. Cũng hàng tre đó nhưng là Tổ Quốc của những người lính, là Đất Mẹ trong tâm tưởng của những tháng ngày. Chân tôi bước đi không nổi, dừng lại, đặt ba lô dưới hàng tre ngã rạp hai bên đường. Xa xa …màu xanh của hàng tre đầu cầu An Mỹ đang chờ đón những người con trở về. Tôi đã sinh ra từ nơi ấy – để muôn đời tôi gọi hai tiếng “ Quê hương”.
ĐÔI ĐŨA.
Một vật dụng bằng tre mà phải là tre gốc và già tuổi làm bạn cùng ta ngày hai lần đó là đôi đũa. Ngày xưa cha tôi thường ngồi vót đũa ngay trước nhà. Mỗi lần như thế tôi lại lân la đến để quậy phá. Đũa làm bằng tre nếu dùng trong bữa cơm thì biết bao giờ mới hư. Nhưng thỉnh thoảng lại thấy cha cứ vót đũa hoài. Trẻ con đâu có biết chính mình là thủ phạm của việc ống đũa ngày càng vơi dần đi. Cứ lấy đũa ra để đi chọt bắt con còng ngoài bãi. Đang ăn cơm thấy mẹ đi chợ về mừng quá bỏ cả chén đũa chạy ra đón mẹ.
Thời gian cứ trôi và đôi đũa là vật không thể thiếu trong bữa ăn. Không ai nghĩ rằng đôi đũa có từ bao giờ và ý nghĩa cũng như chiều sâu ẩn trong một vật đơn giản nhất của người dân từ thành thị đến nông thôn.
Trên giảng đường Đại học khối Xã hội Nhân văn.
Đôi đũa đã được các Thầy trả về đúng với giá trị của nó. Biết bao điều hay mà chưa một lần khám phá. Chỉ biết đũa để dùng gắp thức ăn.
Một học giả phương tây đã đưa ra sự so sánh khá hay và vô cùng thú vị.
+ Việt Nam với nền văn minh lúa nước ( ăn ít thịt + nhiều rau + cất nhà bằng tre gỗ ). Những mái nhà xưa to như thế chứ có ai tìm ra chiếc đinh nào.
+ Nền văn minh lúa mì ( ăn nhiều thịt + ít rau + làm nhà dùng nhiều kim khí )
Một Thầy lại nói rằng chính con Cò đã dạy cho người nông dân ViệtNamdúng tre làm đũa gắp mồi như các mỏ của Cò. Người phương Tây thì dủng nĩa thìa để xé thịt. Một cảnh tàn sát ghê rợn ngay trên bàn ăn.
Nguồn gốc của đôi đũa chăng?
Tính nhân văn của đôi đũa trong quan hệ cộng đồng
Văn minh ?
CÁI THÚNG
Trong tất cả các vật dụng đan bằng tre theo tôi không cái gì được sử dụng bằng cái thúng. Cái thúng là một danh từ mà chứa đựng rất nhiều từ “đựng”. Mẹ đi chợ phiên cũng mang cái thúng để mua hàng bỏ vào đó mang về. nếu nặng thì đội ở trên đầu. Một tay giữ cái thúng còn một tay đánh xàng xa. Bánh trái ngày giỗ, ngày tết cũng đựng trong thúng để ở nhà bếp.
“ Bánh tết mẹ để ở đâu hở mẹ ?”
“ Ở trong thúng dưới bếp đó con!”
Và còn nhiều câu đại loại như thế trong ngôn ngữ giao tiếp của gia đình.
Hình ảnh hằn in trong tâm trí tôi không thể xóa nhòa là hình ảnh mẹ mang cái thúng đi mượn gạo về nấu cho đàn con.
Năm 1965 quê tôi chiến tranh tàn phá, gia đình tôi phải tản cư lên Mỹ Quang để ở. Nhà tôi ở trọ là nhà chú Điểm ( sau này là lò gạch Nguyễn Điểm ở đầu cầu Bình Trị ). Chân ướt chân ráo đền miền đất mới chưa có gì để làm nên tình trạng đói cơm lạt mắm là lẽ thường. Cả ngày mấy anh em bị đói không có gì để ăn nên mẹ tôi nhốt mấy anh em tôi ở mái hiên nhà chú Điểm và cắp cái thúng ra đi. Phải đến trưa mẹ tôi mới về, thấy từ xa mẹ đội cái thúng trên đầu là mấy anh em đã biết mẹ đã có cái gì mang về. Mấy anh em nhảy lưng tưng mừng mẹ về. Trong cái thúng mẹ mang về có một ít gạo và một ít mì lát khô. Có cả mấy trái thị thơm và mấy trái chuối non nữa. Thì ra mẹ tôi mang thúng đi không phải để mượn gạo như mẹ nói mà bà đi làm gì đó. Nghe người chị nói lại là mẹ tôi đi gánh phân đổ ruộng cho một gia đình ở cách đó không xa và người ta trả công là những thứ mà mẹ bỏ trong thúng mang về.
Qua cảnh đời như thế mà mẹ tôi luôn dạy dỗ con cái một chân lý bất di bất dịch “ Cái này ăn trong miệng thì không được chê khen. Ngon ăn nhiều, dở ăn ít. Không được chê này chê nọ”.
Cái thúng
Thời cuộc đổi thay.
Hàng đan bằng tre đã bị hàng nhựa đáng bạt khỏi thị trường. các loại rổ rá bằng nhựa tràn ngập ngoài chợ với nhiều màu sắc sặc sỡ. Cây đũa “ bíp” khi xới nồi cơm cũng không còn thấy trong các gia đình.
Những hàng tre dọc sông La Tinh, sông Lu Xiêm Giang nay đã phá bỏ để làm bờ kè bằng bê tông.
Đàn có trắng chiều chiều bay về tan tác kêu vang trời thảm thiết vì không còn nơi để đậu.
Nhiều khi viết lên đấy những điều đã xa xưa. Thế hệ trẻ nhiều người không cảm nhận được. Cũng không trách gì ai chỉ vì những điều đó đã mất và sự mất mát này dễ gì lấy lại được.
Người Mẹ vẫn dùng cái thúng để đong đầy chữ cho con trên đường đời
Trở lại quê hương điều dễ nhận ra trước tiên là cái hồn của làng quê xưa đã mất vĩnh viễn, chỉ còn lại trong ký ức của mỗi người.