Cùng Hội cổ động viên Bóng đá Quốc gia Việt Nam ký tên phản đối sự độc quyền phát sóng của kênh truyền hình K+! Tại BinhDinhFFC hoặc tại vff-fan

Hình đại diện của thành viên
bundooroo
Giám sát
 
Bài viết: 5837
Ngày tham gia: 13-04-2008, 17:06
CĐV của: Binh Dinh, MU, Barca, Inter!
Blog: Xem blog (27)
Lưu trữ
- Tháng năm 2009
+ Tháng mười một 2008
+ Tháng mười 2008
+ Tháng chín 2008
Tìm kiếm blog

Footy - Bóng đá kiểu Úc

Liên kết thường xuyênbởi bundooroo 24-10-2008, 21:37

Bóng đá kiểu Úc

Đối với hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới, từ “bóng đá” được sử dụng như nhau giữa hai từ football và soccer. Trên thực tế, football được sử dụng phổ biến hơn để chỉ một môn thể thao “vua” và Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA sử dụng từ football thay cho soccer (Fédération Internationale de Football Association theo tiếng Pháp). Nhưng ở Úc, football và soccer phải được sử dụng khác nhau vì nó chỉ cho hai loại hình thể thao khác nhau ở Úc, trong đó soccer là bóng đá theo như chúng ta thường hiểu còn football hay footy chính là môn thể thao được ưa chuộng bậc nhất ở Úc.

Vài nét về luật chơi

Về cơ bản, footy (Australian football) rất giống như môn Rugby, môn thể thao rất được hâm mộ ở Mỹ và cả Úc nữa. Trước tiên là trái bóng có hình bầu dục và nhìn vào trận đấu thì có thể thấy hai đội có rất đông cầu thủ tranh giành quả bóng đó bên cạnh mức độ va chạm cao, tính bạo lực, tốc độ di chuyển của các cầu thủ và tỷ số cao ngất ngưởng. Nhưng thực tế bóng đá Úc có luật riêng của nó.

Quả bóng
Hình ảnh

Trong trận đấu mỗi đội sẽ có tới 18 cầu thủ và cũng có những vị trí gần giống như một đội bóng đá (soccer team) thông thường như hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Trận đấu được thi đấu trên 1 cái sân cỏ khá lớn hình oval (chính vì thế mà từ Oval còn được sử dụng ở Úc để chỉ một sân bóng đá. Ở mỗi bên sẽ có 4 cọc (post) thẳng đứng để chia phần sân của mỗi bên ra thành 3 ô, tạm gọi là khung thành.

Mỗi trận đấu footy kéo dài đến 4 hiệp (quarter) mỗi hiệp có 25 phút, tuy nhiên đồng hồ đếm giờ sẽ dừng lại mỗi khi bóng ra ngoài sân nên thực thế một hiệp dao động vào khoảng 27-31 phút. Chính vì thế mà một trận đấu footy có thể kéo dài khoảng gần 3 tiếng đồng hồ (tính cả thời gian nghỉ giữa các hiệp. Đội thắng sẽ là đội có số điểm cao nhất sau 4 hiệp đấu đó, vì cách tính điểm và tốc độ của trận đấu mà rất hiếm khi trận đấu kết thúc có tỷ số hòa.

Sân bóng đá Úc
Hình ảnh

Luật bóng đá của Úc có nét giống môn bóng bầu dục (rugby) ở Mỹ vừa có những nét giống như bóng đá thông thường (soccer). Đó là bóng được chuyền bằng tay và đá bằng chân. Đặc biệt cầu thủ ghi điểm có thể dung chân ghi bàn như soccer. Cụ thể, trái bóng được chuyền bằng tay, cầu thủ chuyền bóng phải dùng bàn tay nắm lại để thúc quả bóng (như kiểu serve bóng chuyền) cho đồng đội hoặc có thể dùng hai bàn tay ôm quả bóng và tung cho đồng đội. Bên cạnh đó, chuyền bóng dài đường đá bằng chân như kiểu bóng đá, trong những pha phản công nhanh, chuyền bóng kiểu này có thể giúp cầu thủ nhanh chóng tiếp cận khung thành đối phương. Để cản đường chuyền bóng của đối phương hoặc đoạt bóng, các cầu thủ có thể dùng cơ thể để cản người đối phương (bump) hoặc ôm vật đối phương (tackle) cũng như nhảy cao để đoạt bóng. Những kỹ thuật trên gần giống như môn rugby tuy nhiên có vẻ như ít bạo lực hơn và các pha tranh đoạt bóng cũng hấp dẫn hơn nhiều. Khác với soccer, môn footy không có luật việt vị nên các cầu thủ có thể tranh chấp từ mọi hướng

Một pha tranh chấp
Hình ảnh
Hình ảnh

Bàn thắng được tính khi trái bóng được đá hoặc được đưa qua giữa các cọc đó (goal posts), tuy nhiên cách tính điểm cũng khác nhau, nếu quả bóng được đưa qua ô chính giữa (middle) thì bên thắng được 6 điểm, còn nếu chỉ đưa qua 2 ô ở hai bên thì bên ghi bàn chỉ ghi được 1 điểm.

Cầu môn
Hình ảnh

Giải vô địch chuyên nghiệp của Úc (AFL - Australian Football League) thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 3 cho đến đầu tháng 9 và kết thúc bằng một trận Grand Final, kiểu như trận chung kết của môn bóng đá, giữa hai đội hay nhất giải. Tôi đã chứng kiến 3 lần Grand Final và chỉ có thể nói rằng, ngày Grand Final là một ngày hội bóng đá thực sự. Thường thì các trận Grand Final diễn ra giữa hai đội của Melbourne hoặc ít nhất cũng có 1 đội thuộc Melbourne nên các trận Grand Final đều diễn ra ở Melbourne. Bạn hãy tưởng tượng hàng chục vạn người đổ về sân bóng đá và nhiều chục vạn người khác đón xem trận chung kết tại nhà, qua màn hình lớn ở quảng trường trung tâm…Hôm đó là ngày của lễ hội, của bia rượu, của hát hò và ngày hội lớn của đội chiến thắng.

Trận chung kết
Hình ảnh

Đội chiến thắng trận Grand Final 2008 Hawthorn
Hình ảnh

Dân Úc gọi Melbourne (thủ phủ bang Victoria) là đất của footy (home of footy). Nói thế cũng không ngoa bởi lẽ giải vô địch bóng đá Úc có 16 đội thì đã có 10 đội ở Melbourne, 1 đội ở Sydney, 1 đội ở Queensland và 2 đội ở Adelaide và 2 đội ở Western Australia. Ngay ở Melbourne có hai sân vận động lớn là Telstra Dome và MCG với sức chứa trên 80 ngàn người. Các đội bóng đá thường lấy những con vật làm biểu tượng cho mình. Chẳng hạn như đội vô địch năm 2005 (Sydney Swans) lấy biểu tượng là con thiên nga (swan), đội vô địch năm 2007 là Geelong chọn con mèo (cat) còn đội vô địch năm nay (2008) là Hawthorn thì biểu tượng là con diều hâu (hawk)… Thông thường dân Úc gọi tên đội bóng của mình theo con vật đó hoặc có thể là màu áo, ví dụ như nói tôi thích những con diều hâu thì ám chỉ đội Hawthorn, còn nếu nói tôi yêu màu xanh blue thì đội của bạn chắc chắn là Carton.

Sân vận động Melbourne MCG (Melbourne Cricket Ground) có sức chứa 100.000 chỗ ngồi


Sự đam mê footy của người dân Úc

Giống như những tín đồ túc cầu giáo ở Brazil, châu Âu hay bất kỳ phần còn lại nào của thế giới, người dân xứ sở kangaroo có niềm đam mê mãnh liệt đối với footy và tôi dám chắc rằng nó không hề thua kém. Chính vì thế mà môn bóng đá (soccer) không mấy phát triển ở xứ sở này, dù rằng đội tuyển Socceroos (cách của người Úc gọi đội tuyển bóng đá quốc gia của họ) cũng đã có màn trình diễn ấn tượng tại World Cup 2006 và soccer cũng có số lượng người hâm mộ nhất định.

Các trận đấu footy thường được tổ chức vào các ngày cuối tuần. Cũng phải nói thêm một chút, những ngày cuối tuần (weekend) đối với người dân Úc đặc biệt có ý nghĩa. Phần lớn người dân làm việc rất vất vả vào những ngày weekdays và weekend chính là dịp mà họ thư giãn, xả stress, nạp năng lượng cho tuần làm việc mới. Những ngày weekend có footy, không khí bóng đá, không khí lễ hội sôi động hơn bao giờ hết. Những ngày ấy, khu vực quanh sân vận động đông nghẹt người và các hãng xe bus, tàu điện và xe lửa thường tăng chuyến để đáp ứng dòng người dồn dập đổ về sân. Những ngày cuối tuần, có những nơi mà quán xá, nhà hàng, café vắng như chùa bà Đanh và tất cả đều có chung một giải thích, “đi xem bóng đá hết rồi”!.

Một trận đấu footy
Hình ảnh

Đầu tiên phải nói một chút về cổ động viên. Hầu như mỗi người, từ thanh thiếu niên đến người già, bao gồm cả những thiếu nữ và những bà lão đều chọn cho mình một đội bóng, và hễ họ đã chọn câu lạc bộ của mình thì họ cổ vũ hết mình, theo dõi và đi cùng những trận đấu của đội mà mình yêu thích, nghĩa là sống chết cùng đội bóng, hầu như không có sự thay đổi. Có lần tôi đã được một cặp vợ chồng già giải thích rằng, trở thành một fan hâm mộ của một câu lạc bộ nào đó là một vinh dự, một niềm tự hào và trở thành truyền thống trong gia đình. Chính vì thế mà có thể bắt gặp hình ảnh cuối tuần trên những chuyến tàu, xe điện, xe bus vào trung tâm thành phố những đại gia đình đi cổ động bóng đá, từ ông, bà, cha me, cô cậu, chú bác, cháu chắt… Một anh bạn khác còn nói rằng, để trở thành membership của những câu lạc bộ danh tiếng không phải dễ dàng, nhiều khi phải đăng ký và trải qua việc xét chọn, thậm chí những đứa trẻ mới chào đời muốn đăng ký cổ động viên thì cha mẹ của đứa trẻ phải đang là cổ động viên của câu lạc bộ ấy. Cổ động viên cũng có nhiều loại, loại VIP được hưởng những đặc quyền theo đúng nghĩa của từ VIP từ chỗ ngồi đẹp đến những đặc quyền khác như mua vé giảm giá, có nước uống giải khát, bia rượu và món ăn nhẹ…Những cổ động viên bình thường cũng có những quyền lợi khác, dĩ nhiên không phải giống như VIP.

Hình ảnh

Hoàn toàn giống như các cổ động viên bóng đá ở châu Âu, các cổ động viên đến sân với áo, quần, mũ nón, khăn quàng cổ, banner cổ động, huy hiệu, thậm chí những món đồ trang sức cũng cho thấy họ là cổ động viên của đội nào. Vui nhất là những chuyến tàu hàng trăm người là cổ động viên của một đội bóng sẽ thi đấu, tất cả cùng một màu áo và mọi thứ giống như nhau, suốt dọc đường họ hát vang những bài hát truyền thống của câu lạc bộ mình. Trong không khí ấy, bạn có thể không biết gì về footy cũng nên phải theo một đội nào đó. Lúc mới sang tôi cũng chẳng biết gì về bóng đá, nhưng nhủ thầm cũng phải theo 1 đội nào đó để có gì còn có chuyện mà nói khi ra đường vì nếu đã nói đến thể thao thì câu hỏi thường gặp là “anh theo đội nào?” (which club are you?). Tôi thích màu xanh blue nên chọn đội có màu đó, một đội có tên là Carton với màu áo được đặt tên là Navy Blue. Cũng giống như bóng đá ở châu Âu, dân Úc xem và cổ động footy rất nhiệt tình, có ở trên sân thì mới thấy và hiểu được cái không khí cuồng nhiệt trên các sân Maracana, Nou Camp, Bernabeu, Old Trafford, Olimpico như thế nào, ồn àom, náo nhiệt, hò reo, nhảy lên vì sung sướng và chùng xuống khi đội nhà thua trận. Có điều, dù thắng hay thua thì các cổ động viên vẫn cổ động hết mình, và trên những chuyến tàu, xe bus rời khỏi trung tâm thành phố, cổ động viên vẫn vui vẻ hát hò, tự hào nói về những người hùng của mình.

Cổ động viên
Hình ảnh

Có lần tôi hỏi vì sao dân Úc mê footy, trong khi tổ tiên của họ là dân châu Âu và nước Anh thì mê bóng đá (soccer) và chính nước Anh được coi là quê hương của môn bóng đá. Có một số giải thích nhưng tựu trung lại là môn footy là một môn thể thao đồng đội và đậm chất thể lực, theo dõi suốt trận đấu là những pha tranh đoạt bóng, chuyền, chạy chỗ và ghi điểm, có thể nói các cầu thủ là những người có thể lực rất tốt và cũng phải có thể lực tốt mới có thể đủ sức chạy và làm việc trong suốt chừng ấy thời gian, hầu hết các cầu thủ đều phải chạy rất nhiều. Có lẽ vì vậy mà những cầu thủ (footy player) thường bao giờ cũng là những thần tượng của các cô gái trẻ. Về phía khán giả, xem một trận footy thì hầu như không có khái niệm nhàm chán, lúc nào cũng thấy chạy và chạy. Cái nữa là tỷ số thay đổi liên tục làm người xem rất hứng thú, thậm chí sự kịch tính của nó cho phép một đội đã bị dẫn điểm rất xa vẫn chưa hết hy vọng vì chỉ cần vài ba pha ghi bàn 6 điểm đã có thể lật ngược lại thế cờ. Điều này footy rất giống với môn bóng rổ. Bàn về soccer, dân Úc cho rằng đó mới chính là môn thể thao nhàm chán, chuyền bóng qua lại mà mãi mới có bàn thắng, nhiều khi các bên chơi chiến thuật quá làm cho trận đấu nhàm chán đi, hơn nữa nếu đội nào đã bị dẫn đến 2 trái thì coi như là hopeless (vô vọng).

Trước trận đấu
Hình ảnh

Sau trận đấu
Hình ảnh

Tuy vậy, cái thứ thứ bóng đá chân thực, môn thể thao mà hàng tỷ người trên thế giới chết mê chết mệt đã ngấm sâu vào trong máu của tôi rồi nên cho dù vẫn hào hứng khi theo dõi những trận đấu footy và có thể bàn luận đôi chút về nó, tôi vẫn yêu môn bóng đá hơn. Mấy năm gần đây, môn soccer đã thu hút nhiều sự quan tâm hơn của dân Úc, nhất là những cộng đồng gốc châu Âu như Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia… và những tiểu bang miền bắc nước Úc, tuy nhiên với người Úc, footy luôn là niềm đam mê số một. Nếu nói rằng người dân Việt Nam đam mê bóng đá nhất thì cũng không hẳn bởi vì xét về sự chuyên nghiệp, mức độ đam mê và không khí cổ động của mình còn chưa thể sánh bằng với các nước. Đối với tôi, mượn không khí đó để mơ về một ngày cổ động viên của chúng ta cũng sẽ cuồng nhiệt và đam mê như thế, và mượn không khí đó để liên tưởng đến cái không khí bóng đá – lễ hội ở châu Âu.

bundooroo, 10/2008
Sửa lần cuối bởi bundooroo vào ngày 24-10-2008, 23:29 với 4 lần sửa trong tổng số.

BÌNH ĐỊNH - LÀM LẠI TỪ HẠNG NHẤT!
0 lời bình Đã xem 1590 lần

Ai đang online?

Các thành viên đang online: Google [Bot], MSN [Bot], xiah1488, Yahoo [Bot]