Casanova wrote:Sáng nay trên báo Bóng Đá có một bài viết (chính xác là 1 trang báo) viết về PISICO BÌNH ĐỊNH & Bruno. Ko biết mấy ông bên Sở hay Pisico có trả xu nào cho 2 tác giả Nam Phương & Đức Phong để lăng xê ko nữa ?
Bây giờ em vội đi công chuyện nên ko post được, anh nào rãnh copy lên cho mọi người xem.
Không còn là "Ngựa Ô" 29/08/2007
Khi người ta đã mặc nhiên công nhận Bình Dương, HAGL, ĐT.LA, Đà Nẵng là những đại gia; khi người ta luôn phải e dè cái chất quái của các cầu thủ Sông Lam và Nam Định thì P.Bình Định vẫn bị gán với cụm từ “an phận thủ thường”…
Nếu xem kỹ P.BĐ thi đấu ở mùa giải năm nay thì e rằng, đó là một nhận định khiên cưỡng. Như trận đấu gần đây nhất, nói một cách công bằng, người Bình Dương sung sướng khi nhận ngôi vô địch một phần cũng vì đội khách “khó chơi” đã làm tăng thêm nhiều kịch tích.
Bình Dương vốn từng được xem là khắc tinh của P.BĐ, thế nhưng 2 mùa giải gần đây, mọi thứ không đơn giản như vậy. Mùa giải năm ngoái, P.BĐ thắng Bình Dương 3-0 nhưng lượt về thua lại sát nút 0-1. Còn lượt đi năm nay, 2 đội hoà 0-0.
Tất nhiên, nói về P.BĐ, người ta không thể không phân vân giữa 2 luồng tư tưởng. Một mặt, P.BĐ là một đội bóng cực kỳ khó chịu với các đội bóng “đại gia” bởi đã đả bại ĐT.LA trên sân Quy Nhơn hay hạ Đà Nẵng 2 bàn không gỡ trên sân Chi Lăng. Nhưng mặt khác, P.BĐ cũng là đội bóng có thể bất ngờ sảy chân trước kẻ yếu như Huda.Huế ở vòng 19. Mà ai cũng biết, trong bóng đá Việt Nam, lối chới thất thường luôn được xem là điểm yếu và thường bị đặt nghi vấn tiêu cực.
Đặt ngoài những chuyện đó, nhìn vào thực lực của P.BĐ, có thể thấy rõ rằng, những thành công và thất bại của P.BĐ đan xen nhau là bởi P.BĐ chưa vươn tới “đỉnh” như Bình Dương, HAGL, ĐTLA… nhưng không hoàn toàn ở “tầng trệt” như những đối thủ Đồng Tháp, Huda.Huế.
Thực lực, lối chơi của P.BĐ đã phơi bày sau 6 mùa ở V.League (lên cùng Đà Nẵng năm 2001). P.BĐ đã là một đội bóng có độ tuổi trung bình thuộc loại cao ở V.League. Họ là một đội bóng có sự ăn ý nhất định sau vài năm chơi V.League cùng nhau dưới sự dẫn dắt của HLV Dương Ngọc Hùng.
Cho dù xen kẽ trong những lần cầm quân của ông Hùng còn có khoảng thời gian 1 năm, đội được đặt dưới quyền chỉ huy của ông Somggamsak. Song, thực tế đã cho thấy, ông Hùng với những kiến thức tích luỹ qua rất nhiều đời thày ngoại ở tầm đội tuyển đủ sức cáng đáng trọng trách ở Bình Định.
Có vẻ như “Bụt chùa nhà không thiêng”, nên ở mùa giải năm nay, khán giả Bình Định không còn mặn mà với đội bóng quê nhà. Trước đây, trong các trận đấu trên sân khách, P.BĐ luôn được Hội CĐV Bình Định đi theo cổ vũ với những khẩu hiệu và màu áo hoành tráng, thì nay chỉ “teo tóp” một nhóm nhỏ.
Khán giả ít, có lẽ do bóng đá Bình Định thiếu ngôi sao, thiếu sự đầu tư về chiều sâu, chứ nhất quyết không phải vì thành tích hiện tại của đội.
Với 1 đội hình như vậy, để trụ hạng đã khó, huống hồ P.Bình Định mấy mùa vừa qua luôn đạt được những thành tích khả quan (2 Cúp QG 2004, 2005, hạng Ba V.League năm 2006, 2 lần hạng Tư năm 2002 và 2003).
Trận đấu quyết liệt và sòng phẳng với B.Bình Dương đã cho thấy rất rõ một điều: P.BĐ muốn cạnh tranh vị trí thứ Ba. Họ còn 1 trận gặp H.Thanh Hóa trên sân nhà để tạo cơ hội bám đuổi theo HAGL, ĐT.LA và Đà Nẵng.
Cách biệt không đáng kể và chỉ cần đội nào thiếu khát vọng là P.BĐ có quyền giành phần lợi thế về mình như đã từng làm được ở mùa giải năm ngoái.
Không có nhiều ngôi sao xuất sắc trong đội hình, thế nhưng, dứt khoát P.BĐ không phải loại “an phận” và cũng không thể xếp vào loại “ngựa ô” nữa. Họ là một đội bóng sẵn sàng rình rập sơ hở và sai lầm của đối thủ để giành lấy huy chương.
(Báo Bóng Đá)