Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn mới
Phải thành lập công ty bóng đá
15/09/2008 16:43

ĐT.LA (phải) và HA.GL giờ đã là những thương hiệu của bóng đá Việt Nam - Ảnh: Bạch Dương
“Bắt đầu từ mùa bóng 2009, tất cả các đội bóng muốn tham dự V-League phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc hoạt động dưới mô hình một CLB bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN), tổ chức nghề nghiệp xã hội, công ty thể thao... Đã có nhiều CLB tham dự V-League mùa tới đã đồng ý”, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ tiết lộ.
Ngày 17-9 sẽ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành thể thao VN nói chung, bóng đá nói riêng. Đó là thời điểm mà VFF chính thức công bố thông tin trên với giới truyền thông. Đây sẽ là bước chuyển mới của BĐCN VN. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: Phó TTK Dương Nghiệp Khôi đã đến từng CLB, thảo luận, ghi nhận ý kiến của họ về quyết tâm chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp đích thực. Một năm gặp gỡ, ba năm chuẩn bị, giờ đây đã đến thời điểm chín muồi.
“CLB phải có sân riêng, hoặc thuê dài hạn. Mỗi đội bóng phải có tối thiểu 16 cầu thủ ký hợp đồng chuyên nghiệp. Các CLB phải có hệ thống đào tạo các tuyến kế cận theo đúng tiêu chuẩn. Hội CĐV phải đăng ký theo đội bóng, có danh sách hội viên chính thức, BTC sân và CLB phải là một... Những vướng mắc, phát sinh mà VFF ghi nhận trong những năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp vừa qua đã được ghi nhận. Đó là cơ sở để chúng tôi đưa ra những quy định sao cho phù hợp với thực tế của bóng đá VN nhất”, ông Hỷ nói.
Đây cũng là một phần trong lộ trình làm BĐCN mà VFF phải thực hiện, phù hợp với các quy định và tinh thần của Luật Thể thao và luật của FIFA và AFC. Theo đó, VFF sẽ phải báo cáo kết quả xây dựng bóng đá chuyên nghiệp với AFC, lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế từ nay đến năm 2010... Nếu không, đội tuyển VN có thể bị cấm tham dự các giải đấu quốc tế; bóng đá VN mất đi sự ủng hộ về tinh thần và tài chính đối với các dự án phát triển bóng đá, đặc biệt là dự án Goal giai đoạn 2 mà đích thân Chủ tịch FIFA và Chủ tịch AFC khi sang VN cam kết ủng hộ.
“Theo đề án, BĐCN ở VN bước sang giai đoạn cuối từ năm 2008. Trong giai đoạn này, các CLB sẽ trở thành những công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Giá trị của mỗi công ty này được định tính trên thị trường giao dịch như mô hình công ty cổ phần”, ông Phạm Ngọc Viễn, người xây dựng đề án bóng đá chuyên nghiệp cho biết.
Mùa giải 2000 – 2001, mô hình BĐCN được đưa vào hệ thống thi đấu đỉnh cao của VFF. Những người đi tiên phong như Đoàn Thành Lâm và Phạm Ngọc Viễn giờ đều không còn ở VFF. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, lộ trình phát triển BĐCN VN vẫn đang đi đúng theo hướng mà những người đặt viên gạch đầu tiên hình dung: nâng tầm trình độ quản lý của VFF, các CLB, giá trị của các cầu thủ, khai thác thương quyền từ truyền hình, tài trợ... Dù rằng, những yếu tố như ý thức nghề nghiệp của cầu thủ, chất lượng giải đấu, lượng khán giả... vẫn còn nhiều tồn tại không thể giải quyết một sớm một chiều.
Gần 10 năm, những thương hiệu như Hoàng Anh- Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Đông Á, Sông Đà, Thép Việt- Úc, Thép Miền Nam, Xi măng Hải Phòng, Xi măng Công Thanh, Bia Huda, Bia Halida, Pisico, Pjico, Tài chính Dầu khí... và các nhà tài trợ như Strata, Kinh Đô, Sting, Number One, Euro Window Petro Viet Nam Gas... lần lượt xuất hiện và rõ ràng có những đóng góp không nhỏ cho bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Đó là tiền đề để VFF cùng các đối tác hoàn thiện ý tưởng đưa V-League “xuất ngoại” trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Ý kiến người trong cuộc
Nguyễn Thanh Xuân Giám đốc Sở TDTT Nam Định

“Chúng tôi chưa có buổi làm việc chính thức nào với Liên đoàn về việc đội bóng thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp. Nhà nước đầu tư vào đội bóng theo tỉ lệ 50- 50 thì rõ ràng là cần có người của Nhà nước quản lý nguồn vốn đó hoạt động sao cho hiệu quả. Mối liên hệ ràng buộc nhau rất rõ ràng và chặt chẽ. Giờ chuyển sang cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp nào quản lý, doanh nghiệp nào làm bóng đá? Hiện nay, các đội bóng vẫn có nguồn thu từ việc bán vé, tài trợ và ngân sách đầu tư của tỉnh, thành phố. Nếu chuyển hoàn toàn cho doanh nghiệp, vậy là đội bóng mất đi nguồn đầu tư từ nhà nước. Có doanh nghiệp nào gánh được không? Và trong trường hợp, nếu đội bóng không tìm được doanh nghiệp để “gả bán”, chẳng lẽ đội bóng không được tham dự giải?”.
Vũ Quang Bảo HLV QK4

“Thể Công hiện nay không phải là đội bóng của Viettel. Trước đây, Viettel từng gắn tên với Thể Công, nhưng sau đó cũng phải dỡ bỏ thương hiệu. Chúng tôi là một đội bóng đá quân đội, có những đặc thù riêng. Nói chúng tôi ký hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ, nhưng bản thân các cầu thủ đã là các sĩ quan chuyên nghiệp. Với chúng tôi, họ là những sĩ quan chuyên nghiệp đá bóng, thực hiện nhiệm vụ chính trị- xã hội theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Sân vận động chúng tôi sẽ xây. Yêu cầu lắp đèn, chúng tôi sẽ lắp đèn. Nhưng nói chuyển giao hay phát triển theo mô hình doanh nghiệp thì quả thực quá nhạy cảm. Quân đội đã đầu tư, đào tạo cho các cầu thủ để họ đá bóng. Bây giờ theo quan điểm của VFF, chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ, và chờ chỉ đạo chính thức, rồi sẽ trả lời với Liên đoàn”.
Nguyễn Văn Vinh GĐ ĐH HA.GL

“HA.GL từng bỏ rất nhiều tiền để chiêu mộ các cầu thủ giỏi, danh tiếng về thi đấu. Ích lợi cũng có, thiệt hại cũng có. Vì vậy, chúng tôi xác định là muốn làm BĐCN thì cần phải xây dựng vững chắc nền tảng, có cơ sở, nền móng và theo từng tuyến. Chúng ta phải xác định là khi bước vào sân chơi BĐCN thì phải tuân theo các nguyên tắc, quy định, thậm chí là luật của sân chơi đó. Cách làm hiện nay ở cấp CLB đối với một số nơi chưa kịp thích ứng với quy định của Liên đoàn, thì cần chỉnh sửa, nhưng Liên đoàn cũng cần cho họ lộ trình. Ngược lại, phía đội bóng cũng cần phải có cam kết thực hiện. Đến thời điểm đó không thực hiện được, , Liên đoàn có quyền dùng chế tài để xử lý. Như thế mới là BĐCN”.
Phạm Phú Hòa GĐ ĐH ĐT.LA

“Nhiều đội bóng dự V-League hiện tại đã thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp, và họ hoạt động bình thường. Các đội bóng ít nhiều còn ‘quan hệ’ với các Sở TDTT, điều quan trọng là có một mô hình nào đó đủ tư cách pháp nhân, rõ ràng, phù hợp với quy định của luật pháp, để điều hành CLB. Vậy là đủ!”
Triệu Quang Hà HLV T&T.HN
“VFF nên lưu ý về việc, trước đây, có đội bóng thay đổi phiên hiệu liên tục qua từng mùa vì liên quan tới các nhà tài trợ khác nhau. Vậy nếu một đội bóng thuộc doanh nghiệp này, sang năm thuộc về doanh nghiệp khác, hoặc doanh nghiệp bóng đá đó không đủ khả năng tài chính, phá sản, thì khi đó hướng giải quyết sẽ như thế nào?”.
Lê thành (ghi)
Thành Lương -Thanh Niên Online