V-League 2006: Những lỗ đen khó lấp đầy
V.League ngày càng chứng tỏ nó không trở thành một “thế giới phẳng” và luôn tạo ra những thái cực khiến người ta phải ngạc nhiên. Nếu như những vòng đấu cuối V.League 2005 có tới 6 đội thuộc nhóm “nguy cơ” phải xuống hạng, hoặc đi play-off thì V.League 2006.
Ngược lại, cho đến vòng đấu thứ 23, tức là trước khi V.League hạ màn có đến 6 đội có cửa “vô địch” là HAGL, Đà Nẵng, ĐT.LA, Bình Dương, Bình Định, Khánh Hòa và cả…Bình Định.
Trong khi đó Tiền Giang gần như cầm chắc vé xuống hạng và các đội nhóm cuối chen chúc nhau đào thoát khỏi suất đi play-off bao gồm HPHN, MH.Hải Phòng, TMN-CSG và cả P.SLNA.
Mùa giải 2006 cho đến nay vẫn được coi là “khá sạch”, một phần đó là thời điểm bóng đá Việt Nam vừa trải qua một cơn bão tiêu cực với hàng loạt các cầu thủ, trọng tài vướng vào vòng lao lý. Sự thận trọng đã lên tới đỉnh điểm nhưng những hố đen vẫn thấp thoáng như một điều “cần phải có” trong dòng chảy V.League.
Ai cứu Tiền Giang
Phải chờ đến vóng đấu cuối cùng, Tiền Giang mới chính thức rớt hạng dù số phận của họ từ đầu giải vẫn cứ “bồng bềnh” như nước sông Tiền. Thực tế thì Tiền Giang không “chết hẳn” cũng bởi họ đã có một số khúc cua mang lại hy vọng mong manh.
Khi nói đến những vòng đấu cuối ở V.League, Thể thao 24h đã điểm những “lỗ đen” tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử V.League và một trong các “lỗ đen” ấy chính là vòng 20 V.League 2006, trận đấu giữa HAGL và Tiền Giang.
Đó là vòng đấu mà trận thua của Gỗ được coi là rất bất thường. Có cảm tưởng như sau 2 mùa vô địch V.League, HAGL đã “hoàn thành xứ mệnh” của mình ở đấu trường V.League và họ tìm những mối quan hệ đằng sau bóng đá chứ không phải là nhăm nhăm tiến lên phía trước ngay cả khi có đầy đủ cơ hội.
Sau khi HAGL nằm “thẳng cẳng” trước Tiền Giang ban Chỉ đạo và BTC V-League 2006 đã phải họp khẩn. Một thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, việc báo chí đặt nghi vấn HAGL “nhường điểm” cho Tiền Giang không phải là không có cơ sở.
Bởi chỉ trong vòng 4 ngày, trước 2 đối thủ khác nhau một trời một vực, HAGL đã thể hiện 2 gương mặt hoàn toàn khác nhau: Thua đội chót bảng Tiền Giang; trong khi lại hừng hực khí thế và thắng oanh liệt đội nhì bảng GĐTLA.
Trận chung kết ngược giữa Hải Phòng và Tiền Giang
Sau trận thua 0-2 trước TP.TG, ban lãnh đạo HAGL một mực phủ nhận không có chuyện họ “buông” cho đội bóng sông Tiền. Thậm chí HLV Kiatisuk còn thề, nếu HAGL “buông”, anh sẽ lập tức trở về Thái vì không muốn phụ lòng bầu Đức!
Tuy nhiên, theo đánh giá của dư luận có khá nhiều biểu hiện không bình thường ở trận cầu này. Chính Kiatisuk nói rằng ở trận gặp Tiền Giang, nhiều cầu thủ HAGL đã chơi dưới phong độ vì mất tự tin???
Đã có người thống kể cả cái gọi là “lịch sử buông súng” của HAGL kể từ năm 2003 để chứng minh là “chẳng có gì lạ” trong việc HAGL buông cho Tiền Giang. Theo đó, mùa giải 2003, HAGL buông cho Nam Định vòng đấu cuối, mùa 2004 nhả cho Hải Phòng, mùa 2005 thương CSG ở vòng 15 tới mức Giám đốc kỹ thuật HAGL Nguyễn Văn Vinh cũng phải thừa nhận:
"Đúng là có một số cầu thủ đã thi đấu không tích cực trong trận này. Về nguyên nhân nào thì chúng tôi đang tìm hiểu, có thể bị tác động bởi bên ngoài, cũng không loại trừ sự lôi kéo của cựu cầu thủ HAGL đang chơi cho TMN-CSG. Nói chung là chúng tôi đã chơi không đúng sức, hiệp 1 coi như vứt đi".
Tuy nhiên, không phải chỉ có HAGL ra tay nghĩa hiệp cứu Tiền Giang, cùng giúp sức để nâng đội bóng sông Tiền còn có …Đà Nẵng. Vòng đấu áp chót, Đà Nẵng tiếp tục để lại dư luận không tốt khi để Tiền Giang thắng dễ 2-0. Dư luận lên tiếng, Công an vào cuộc nhưng cuối cùng kết luận là: không có gì.
Sau đó, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ có nói rằng “ Không ai dám nói rằng giải năm nay không có tiêu cực. Dù có tích cực loại trừ đến đâu thì chắc chắn cũng vẫn còn, không thể loại trừ hết được.
Riêng trận Đà Nẵng thua Tiền Giang, đến nay C14, công an Đà Nẵng, công an Tiền Giang vẫn đang điều tra tích cực chứ không bỏ ngỏ. Họ đã nhận được thông tin ngay từ trong trận đấu và bản thân tôi cũng thế. Lúc đầu tôi cũng nghĩ hay Đà Nẵng muốn thua vì sợ vô địch tốn tiền chăng?
Thực tế không phải như vậy... Kể cả ban lãnh đạo, ban huấn luyện hai đội cũng cảm thấy có chuyện không bình thường và đề nghị công an vào cuộc”.
Tiền Giang được hai đội đại gia cứu vớt ở những khúc cua quan trọng nhất, duy trì hy vọng trụ hạng cho tới vòng đấu cuối cùng nhưng chính họ lại không cứu được mình. Vòng đấu cuối cùng, trận chung kết ngược giữa Hải Phòng và Tiền Giang, kết quả hòa vừa đủ để Hải Phòng đi play-off và Tiền Giang xuống hạng và điều này xem ra cũng đúng logic khi Hải Phòng trước đó cũng là “cạ cứng” của cả HAGL lẫn Đà Nẵng.
Liên minh mờ ảo
Có một “liên minh tay ba” được nhắc đi nhắc lại năm 2006, đó là liên minh giữa HPHN- Bình Định- HN.ACB.
“Con đường điểm” của 3 đối tác này không phải là 3 đi- 3 về như vẫn thường thấy mà chính là tính chất “bắc cầu vồng” kiểu đội A thua đội B và được C trả lại điểm…
Sự kiện này chỉ được “nổi lên” khi Bình Định liên tiếp phải đá với HPHN và HN.ACB trên sân nhà.
Bình Định thua dễ HPHN 1-3 sau đó thắng dễ HN-ACB 4-1, đồng thời cứu HPHN khỏi cơn khốn khó và cũng đủ bám đuổi tốp đầu.
Cũng như các vụ việc khác, VFF dường như chỉ đưa ra một vài động thái để trấn an dư luận. Khi đặt vấn đề này lên bàn bộ phận an ninh của VFF thì ông Hoàng Chuyên Cần- phó trưởng ban an ninh của VFF nói rằng “Ngay sau khi có dư luận lên tiếng về “liên minh” giữa 3 đội bóng HP.HN, HN.ACB và Bình Định, BTC giải đã nhóm họp để tiến hành điều tra vụ việc này.
Về mặt chuyên môn, chúng tôi đã tiến hành xem xét, mổ xẻ một cách rất nghiêm túc tất cả các tài liệu như báo cáo, tường trình của Giám sát các trận đấu giữa 3 đội bóng, cũng “soi” băng ghi hình trận Bình Định-Hoà Phát và Bình Định-ACB.
Trên cơ sở những thao tác, đánh giá về mặt chuyên môn, thì ở thời điểm hiện nay, chúng tôi chưa phát hiện được dấu hiệu nào cho thấy việc bắt tay, liên minh giữa 3 đội bóng này. Ngay cả trung tá Doãn Công Huân, Trưởng Tiểu ban An ninh của BTC giải cũng chưa có kết luận gì cả.
Tất nhiên, khi dư luận lên tiếng thì chúng tôi phải vào cuộc. LĐBĐVN đang rất tích cực trong việc phòng chống tiêu cực, nhưng mọi việc đều phải được xem xét trên cơ sở kỹ lưỡng, chính xác, thận trọng mới có thể đi đến kết luận cuối cùng.
Chúng tôi không “im lặng” cho qua mà sẽ công khai kết luận chính thức của mình về vấn đề này. Nhưng ở thời điểm nào thì chưa thể xác định được bởi sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi cũng không đặt ra mốc thời gian để kết thúc sự việc mà chỉ cố gắng điều tra làm sáng tỏ trong thời gian nhanh nhất có thể”.
Cuối cùng thì V.League 2006 khép lại mà hầu như không có sự cố nào đáng kể (ngoại trừ vụ việc trọng tài Châu Đức Thành bị ném bể đầu sân Long An) và người ta cứ mường tượng rằng V.League đã “sạch sẽ”.
Nhưng không, nó chỉ có thể gọi là “kín đáo” hơn mà thôi để rồi V.League 2007 lại nổi nên những vụ việc đáng ngờ khác và một lần nữa ngoài tầm kiểm soát của VFF.
Báo thể thao 24h