Với tôi, đất Qui Nhơn không phải là nơi xa lạ. Hơn một lần, tôi lang thang chụp ảnh ở vùng quê Trung Bộ đầy nắng gió nhưng phì nhiêu tươi tốt, con người rất mực hiền lương này. Hơn một lần, tôi lặn lội đến Tây Sơn, đứng tần ngần trước chiếc giếng cổ bằng đá ong, tương truyền là của tổ phụ Tây Sơn tam kiệt. Hơn một lần, tôi loanh quanh ở bảo tàng Tây Sơn, thở dài nhìn những chiếu chỉ, thư tịch nguyên bản của Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Chúng nằm trong những lồng kính ố vàng, bụi bặm. Và bị bảo quản trong những điều kiện rất tồi tệ, không như người ta phải làm với các cổ vật vô giá: hút ẩm, cách nhiệt, hạn chế flash máy ảnh… Từ chiếu cầu hiền gởi cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, cho đến hịch đánh quân Thanh và rất nhiều thư tịch cổ khác, chúng vẫn sống sót một cách kỳ lạ, sau cuộc báo thù thảm khốc của Gia Long Nguyễn Phúc Ánh.
Lòng bồi hồi cảm động, khi được nhìn tận mắt nét chữ gân guốc, thô mộc năm xưa của vị anh hùng áo vải…
Dòng cảm xúc của tôi bị cắt ngang cái rụp vì cái vỗ vai bổ bã của một gã hồng hào, to béo, mặt còn đỏ ửng vì nắng gió miền Trung. Gã hí hửng chỉ cho tôi một văn bản (hình như là chiếu cầu hiền), mà theo gã, vua Quang Trung nhà ta đã viết sai chính tả. Ái chà, vốn tiếng Anh lẫn tiếng Hán của tôi thì chỉ đủ để hiểu lõm bõm những gì gã Tây ba lô, tiến sĩ Hán Nôm của Đại học Boston này nói. Hắn cho rằng chữ này chữ này phải viết theo bộ Qua, hay bộ Can chi chi đó, nhưng nhà vua thân mến của chúng ta đã viết theo bộ Mộc bộ Thổ. Và một tràng giảng giải về cách ký âm chữ Hán Nôm mà tôi đành “dựa cột mà nghe”, không dám hó hé.
Gặp “chiên da” thứ thiệt rồi, nó nói trật mình cũng hổng biết đường nào mà cãi (?). Mặc dù nghe nó nói, mình cũng hơi hơi nóng mặt. Bộ chả ăn cơm Tàu rồi bỏ tiền qua đây để kiếm cớ chê vua mình sao chớ, cái thằng Mỹ này? Tu một hơi hết nửa chai nước suối, hắn nghiêm giọng bảo: “Tao hổng có chê vua mày. Đối với tao, phát hiện này rất thú vị. Nó giúp tao hiểu được gốc gác low class, hổng phải royal, high educated của ổng”. Nheo mắt, đưa ngón tay cái làm dấu number one, hắn nói: “He fucked Chinese, that’s all!”
Vâng, “he fucked Chinese”, mặc dù bạn Quang Trung viết sai chính tả, mặc dù hịch đánh quân Thanh của bạn ấy chưa chắc đã văn hoa lá cành, thống thiết bằng thư cầu hàng của Lê Chiêu Thống. Hãy để cho các vị túc nho, am tường Hán tự bàn luận về việc này. Nhưng với tôi, gã lữ hành dừng chân trước di chỉ Quang Trung Nguyễn Huệ, thế là đủ. Bởi vì văn hoa, hay như đàn như sáo làm gì mà hèn hạ, mãi quốc cầu vinh như bạn họ Lê tên Thống? Cứ như vua ta hào sảng ngút trời thế này, thì dăm lỗi chính tả cũng có hề chi:
Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
…
Lầm lũi mò về địa giới Hầm Hô, viếng từ đường nữ tướng Bùi Thị Xuân. Chỉ băng qua một cánh đồng lúa ngát xanh, quanh co dăm ngõ hẹp, tôi đã đứng trong một căn nhà nhỏ, đơn sơ do con cháu bà hương khói. Nữ tướng Bùi thị Xuân đã sinh ra và lớn lên trên nền nhà này, cùng với bao người dân hiền hòa khác. Thật thú vị, hình họa Bà trên bàn thờ mộc mạc, lại không phải là một bức truyền thần quắc thước, uy nghiêm. Nó là bức vẽ một thiếu nữ trẻ cầm song kiếm, cưỡi voi xông pha giữa trận mạc *. Nó phảng phất nét vẽ của họa sĩ Vi Vi trên báo Thiếu Nhi của ông Khai Trí hồi trước. Vì sợ bất kính, tôi đành nhịn thèm, không dám đưa máy ảnh lên chụp bức chân dung rất mực đáng yêu này. Chỉ bồi hồi ngắm cánh đồng lúa xanh thật nhiều gió trước ngõ nhà Bà. Rất nhiều năm trước, chắc lúa cũng xanh, chắc gió cũng lồng lộng thế này như ngày tôi đến, dừng chân thắp nén hương cúi lạy Bà mà thấy cay cay trong mắt.
Chị Tư, cháu dâu tám đời của Bà, người trông coi từ đường lại nghiêm mặt bảo: “Bà mô có bị hành hình. Thua trận, Bà vô rừng rồi biệt tích trong đó. Làm chi có chuyện Bà bị giết tội nghiệp rứa hè?”. Kinh ngạc chưa, lòng tin dân gian hồn nhiên, ngây thơ và bất chấp mọi cứ liệu lịch sử về cuộc thảm sát các danh tướng của Tây Sơn Nguyễn Huệ. Trong tâm tưởng của con cháu, Bà không thể chết thảm dưới gót voi giày. Lòng yêu mến Bà thì phủ nhận sự ra đi oanh liệt nhưng thảm khốc của Bà, mà ao ước một happy ending khác, một cuộc đi vào lịch sử kiểu khác, nhẹ nhàng mà không đau đớn lòng hậu thế. Bằng lòng tin nặng chất folklore dân gian đó, hình ảnh Bà ngự trị trong lòng ngưỡng mộ và yêu mến của con cháu. Như những dòng chữ thô mộc mà sai chính tả của Quang Trung Nguyễn Huệ…
Chỉ vì “he fucked Chinese!”. Vinh dự thay người- viết- sai- chính- tả của đất Tây Sơn năm trước!
(VH tải từ CGĐL - Nguồn Dr. Nikonian)