Xem chương trình về văn hóa du lịch trên TV, thấy các khu du lịch tổ chức thưởng thức trà đầy công phu. Nào là hứng nước lá sen ban sớm, trà sao bao nhiều lần, cất giữ như thế nào đựng trong hộp gỗ lim, xúc ra bằng thìa gỗ, định lượng bao nhiêu....
Thưởng trà thì phải mấy phút, đưa lên mũi ngửi, nhấp ngụm đầu, nhấp ngụm sau. Đau hết cả đầu.
Nhìn qua là nhớ đến nghệ thuật pha trà ở Trung Quốc, hay xa hơn là trà đạo của Nhật Bản.
Trà đá.
Cái thú trà đá cũng éo le phức tạp.
Ấm trà được pha bằng ấm tích mua được ở bất cứ đâu ngoài đường. Có cái sứt vòi, có cái thay quai bằng cọng dây thép.
Trà cũng được chọn lựa cẩn thận từ những vùng chè nổi tiếng, được đóng trong bao bóng không nhãn, hoặc nhãn in bằng giấy mỏng như giấy "vệ sinh" hàn kín bằng công nghệ "hơ lửa".
Chè thì phải là loại chè tươi, được người chọn kỹ từ ngoài chợ, sàng lọc các loại lá độc (rất dễ lầm), gọi tắt là chè xanh. Đem về vò hơi nát, nhồi vào ấm.
Nước cũng phải chọn cẩn thận, thường là nước máy, hoặc thậm chí là nước múc ở chỗ nào đó gần thiên nhiên.
Ấm trà hay chè ngon phải pha vào ban sáng, ngâm ủ phức tạp. Phải dội một lượt nước sôi, cho lá trà nở bung nhẹ. Sau mới tiêm nước vào ủ (om).
Cốc uống trà đá rất đa dạng, thủy tinh có, nhựa có, nhưng tuyệt đối không được dùng các loại đắt tiền. Hình dạng thì có thể nói là gắn liền với nhiều giai đoạn của lịch sử design, như cổ điển, hiện đại, tân hiện đại, thậm chí từ thời tam quốc... Sứt có, mẻ có, méo mó vặn vẹo đủ cả.
Trà đá Nhà Hát Lớn
Cái chỗ ngồi là thứ quan trọng nhất của trà đá.
Phải ở chỗ đông người qua lại, hướng nhìn rộng, không có mái che, áp vào một căn nhà hay cửa hàng nào đó. Đôi khi nằm thu lu trong một con hẻm. Hay nhất là dưới gốc một cây cổ thụ, hay bóng cây sum suê.
Tuyệt hơn là ở gần một công trình mang tính biểu tượng hoặc gắn liền lâu dài với văn hóa bản địa.
Còn chỗ đặt cốc thì sao?!
Muôn hình muôn vẻ. Thường nhất là cái ghế con, 2 người ngồi thì thêm 1 cái để cốc, hạt dưa... Sang hơn thì cái bàn nhựa Song Long... hoặc sang nữa thì đặt lên quầy bán.
Trà đạo nhật tôn trọng sự thanh tịnh, sự suy tưởng về mặt triết học (theo mình biết thì nó gắn khá nhiều đến Phật giáo, chả biết có đúng không). Trà của người Trung Quốc thì găn với Đạo giáo...bla bla P:
Trà của người Việt thì gắn với gì!? Xin trích một số câu nói nổi tiếng ở các "lễ" trà.
"DM, chiều qua con 72 nó ...éo về..."
"Mông con bé kia to vl"
"Thằng Man mà có Zu-ni thì chắc chắn thắng..."
"DKM, Mĩ mà nó ném bom nguyên tử xuống cho thì bọn Iran chỉ có khóc ra tiếng Mán..."
"Thằng VNindex lại xuống ông ạ, mất toi gần trăm triệu bạc"
"- Mày bị con G nó đá hả???
- Nàm ...éo gì có chuyện đó, tao ...éo đá ló thì thôi, ló tuổi gì...!"
"Cái bọn hành chính cù cưa bỏ mẹ, giải quyết thì giải quyết mẹ đi cho dân đỡ khổ"
....
Vâng, còn nữa, nhưng dài quá viết không hết.
Đủ cả. Từ chính trị, đời sống xã hội, thể thao văn hóa đến những thứ không biết xếp nó vào cái gì cũng có.
Triết học trong trà đá bao hàm cả vũ trụ, từ những cái vĩ mô cỡ ngân hà đến những cái vi mô như tế bào đều được đưa ra đàm luận, tranh cãi.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi một cô gái đi qua hàng trà đá mà mái tóc tự nhiên rối tung như tổ quạ. Gió mà, gió to lắm. Gió từ cấp liu riu đến siêu bão.
Người Việt đã sống với trà đá mấy chục năm. Đã và đang hòa cùng cuộc sống như một phần tất yếu. Người lao động tìm quán trà đá như chỗ giải trí sau những giờ làm việc. Thanh niên tìm quán trà đá như chỗ tâm sự, bàn luận hay tếu táo. Công chức tìm trà đá khi chán những thứ đồ uống hạng sang trong những nhà hàng đắt tiền.
Trà đá không kén chọn, không chê bôi ai. Nó đón nhận mọi người và kết nối mọi người từ những điều nhỏ nhặt.
Nốt sau sự kiện sơn lại phố cổ, có lẽ việc làm thiết thực hơn là nộp đơn xin cấp chứng nhận không gian văn hóa phi vật thể cho trà đá.