Núi non

Mà Đông là biển cả.
Ba mặt Nam Tây Bắc là ba dãy non xanh nối nhau lại thành hình một chiếc ngai rồng vĩ đại.

Re: Núi non

Postby turbo on Fri Apr 20, 2007 4:20 am

Cách Hương Sơn chừng tám chín cây số, xiên xiên về hướng Đông Bắc, đột khởi lên giữa đồng một hòn thổ sơn thứ hai, có phần cao lớn hơn hòn Hương Sơn, và chạy dài theo hướng Tây Đông. Đó là hòn Trà Lan Sơn tục gọi là Chà Rang (160 thước), ở thôn Thuận Hạnh, quận Bình Khê.

Hòn Chà Rang cũng là một hòn núi đất sỏi, không cây lớn không đá to. Không có gì đặc sắc. Nhưng nhiều người biết danh vì Chà Là. Cây chà là mọc đầy cả núi. Trong hạt Bình Khê là hạt có tiếng nhiều chà là, không núi nào chà là nhiều và sai bằng Chà Rang.

Địa phương có câu:

Tu hú kêu chà là chín,
Tu hú nín chà là già.

Cho nên đến mùa tu hú kêu, người ta kéo đến Chà Rang như hội Đạp Thanh của mùa con én đưa thoi trong truyện Kiều. Kẻ gùi, người thúng. Quang cảnh khá nhộn nhịp tưng bừng. Định Phong có mấy câu khẩu chiếm trong lúc đi hái chà là cùng các bạn thân năm nọ:

Chà là đen nhánh trái ngon,
Đồng xanh lũ lượt lên hòn Chà Rang.
Chung vui tu hú rộn ràng.
Chút tình đất nước nắng vàng sanh hương.


Trước mặt hòn Chà Rang từ Thuận Truyền chạy ra đến Phù Cát, có ba gò cát trắng rộng thênh thang và nổi lên muôn nghìn ụ gò mối giống như những ngôi tháp của các nhà sư. Những ụ gò mối này trắng như quét vôi, và nắng mưa dẫu phũ phàng, lúc nào cũng thấy y như cũ.

Đứng trước cảnh, người giàu tưởng tượng bảo rằng đó là một đạo binh áo trắng đương dàn trận. Cảnh Thạch Trận ở La Hà tỉnh Quảng Nghĩa trông u ám vì sắc đá xám đen. Trận "Gò Mối" đây, trong lúc bầu trời vần vũ, nhờ ánh cát trắng, vẫn sáng như có hào quang. Tuy vậy, người không quen đường, hễ đi lạc vào, bất kỳ lúc trời tốt hay trời xấu cũng bị khốn như Lục Tổn vào Thạch trận của Khổng Minh.

Cảnh "trận Gò Mối" giúp cho núi Chà Rang bớt hiu quạnh trong những mùa không có tu hú kêu.

Ở giữa khoảng Chà Rang và Hương Sơn, cũng thuộc địa phận Bình Khê, còn một hòn thổ sơn thứ ba nữa. Đó là hòn Trà Sơn.

Hòn Trà Sơn cũng có tên nữa là Bảo Đước Sơn (113 thước). Núi nằm trọn trong địa phận thôn Trà Sơn và giáp thôn Thuận Truyền ở phía Tây. Hình núi giống một con cừu nằm quay đầu ra Bắc, xây lưng lên Tây, trở mông vào Nam, úp bụng xuống Đông. Dưới chân núi, phía Thuận Truyền, có một bàu nước, bề ngang chừng 200 thước dày, bề dài chừng 800 thước, và sâu chừng 4 thước, nằm ôm choàng lấy chân núi từ bắc chí nam. Bàu tục gọi là Bàu Thuốc hoặc Bàu Suốt. Có tên như thế vì nước bàu không bao giờ cạn, người địa phương thường dùng lá và trái bòn bon đập dập làm "thuốc" để suốt cá. Nước bàu lại chảy ra một lạch dài chừng 150 thước, chạy quanh theo chân núi, phía Nam. Nước lạch cũng không mấy khi cạn.

Núi bằng đất sỏi. Cây cối cằn cỗi. Chỉ nơi "mông cừu" có một lùm cây xanh ngó ngay xuống lạch. Trong lùm cây có ngôi chùa Phật rất cổ và rất thiêng. Ngày xưa những năm nắng hạn, nhân dân địa phương lên chùa cầu đảo. Cầu đảo xong, rước tượng Phật xuống tắm nơi lạch. Liền sau đó hoặc vài ba hôm sau, thì trời đổ mưa, không nhiều cũng ít. Hiện nay lạch đã bị lấp, và chùa dường như cũng hết thiêng.

Triền núi ở ba mặt Bắc Đông Nam thì lài, riêng mặt Tây lại dốc và có một dãy đá mọc lởm chởm như gươm. Dãy đá ngó thẳng xuống thôn Thuận Truyền. Người thôn này có lắm kẻ hoang tàn trộm cướp. Các thầy địa lý bảo là do "đá ngó vào làng". Cũng có thể tin lắm. Vì có nhiều nơi khác bị "đá ngó" mà dân sở tại sanh lung sanh hoang như Thuật Truyền. Ví dụ thôn Hòa Đại, Đại Khoan, ở Phù Cát, bị đá núi Chợ Gồm ngó vào, mà trước kia hễ nơi nào mất ngựa mất bò đều tới đó tìm manh mối. Ngày này khoa học đã phát đạt nhiều rồi, chắc "đá ngó" không còn giữ nguyên "tánh chất".

Tại hòn Hưng Long (Bình Khê), cách Trà Sơn chừng năm sáu cây số, về hướng Tây, còn có một hòn thổ sơn nữa hình thù vóc vạc in hệt Trà Sơn. Đó là hòn Khánh Long.

Cũng hình con cừu nằm quay đầu ra Bắc, lưng trở lên Tây, bụng úp xuống Đông…hòn Khánh Long đối với hòn Trà Sơn thật chẳng khác một đứa em sinh đôi. Hai bên chỉ khác nhau ở một điểm là Trà Sơn có đá mọc ở sườn phía Tây, còn hòn Khánh Long hoàn toàn bằng đất sỏi.

Truyền rằng xưa kia lúc mà ông Trời bà Đất hết khắng khít với nhau, ông bay lên cao, bà hạ xuống thấp, bỏ nước non mây ráng bơ vơ. Ông Khổng Lồ lo việc sắp đặt núi non cho có thứ tự. Sau khi sắp xếp xong các dãy núi ở Bình Định, Khổng Lồ lựa hai hòn núi cân đối, quảy nhỏng nhảnh đi chơi. Nhìn nước nhìn mây, cao hứng quên lửng gánh núi trên vai. Đòn gánh chích, đôi gióng nghiêng, đôi núi lăn cù xuống đất. Núi rớt thình lình, Khổng Lồ vừa giật mình, vừa mất thăng bằng suýt ngã. Để khỏi té, ông liền bấm chặt một chân xuống đất, một chân bước dãng ra trước mặt ra chống. Tuy khỏi bị té ngã, nhưng bị cụt hứng, ông tức mình, bỏ núi lại đó, gánh gióng không, đi đến nơi khác. Hai hòn núi bỏ lại đó là hòn Trà Sơn và hòn Khánh Long.

Còn chỗ ông ghì chân cho khỏi ngã thì thủng xuống thành hai bàu nước. Đó là Bàu Nhâm ở ranh giới thôn Phú Ân và thôn Trường Định, gần Hưng Long, và Bàu Năng ở ranh giới thôn Thuận Hòa và thôn Thuận Truyền gần Trà Sơn.

Cho nên câu chuyện "Khổng Lồ gánh núi đi chơi" là câu chuyện tuy nói không có sách, song mách vẫn có chứng, bằng chứng rất thực tế, thực tế như mộng như thơ. Bởi vậy khách ưa mộng có thơ rằng:

Khổng Lồ gánh núi đi chơi
Gánh nghiêng gióng đổ bỏ rơi hai hòn
Hóa thành một cặp cừu non,
Chờ ông trở lại mãi còn nằm đây…
Bâng khuâng nhìn nước nhìn mây,
Gió mưa dầu dãi vóc gầy đôi phân.
Cơ trời mở lối thanh vân,
Cừu non trở hóa kỳ lân vẫy vùng…


Dưới chân núi Khánh Long, về phía Đông, có một nổng gò rộng đến bốn năm mẫu, dáng lum lum như mai rùa, tục gọi là Lum Mậu.

Trước Lum Mậu lại có một dãy gò nữa, thấp hơn nhưng rộng hơn, gọi là Gò Tháp. Gọi như thế vì trên gò xưa kia có tháp - có lẽ là tháp Chàm - Hiện còn nhiều gạch lấp dưới đất, phiến phiến lớn gấp ba gạch thường, và vô cùng chắc chắn. Người địa phương thường đến đào đem về tán cột nhà và lót chân vách.

Phía Bắc hòn Khánh Long và Lum Mậu, Gò Tháp, có một dòng suối gọi là suối Cây Cơm chạy từ suối Đá Giàn trên Phú Lạc, chảy xuống suối Thuận Ninh. Phía Nam lại còn một suối nữa chảy từ sườn núi Khánh Long chảy quanh dưới chân Gò Tháp từ mặt Nam xuống mặt Đông, rồi chạy thẳng ra Bắc rót vào suối Thuận Ninh. Suối này gọi là suối Sang. Suối Sang và suối Cây Cơm, tuy nhỏ song ít khi cạn, và tô điểm cho núi gò thêm tinh thần khí sắc.

Vùng tả ngạn suối Sang, từ chân núi Khánh Long chạy vào Nam và chạy xuống Đông, vườn xoài nối tiếp nhau trông vút mắt. Đó là vườn xoài những thôn Hưng Long, Kiên Ngãi, Phú Hữu, Phú Ân. Xoài đủ thứ, nào xoài tượng, xoài sẻ, xoài mật, xoài tro…, nào cà lăm, thanh ca… Thứ nào cũng lớn trái, cũng sai và cũng ngọt. Đến mùa xoài chín, hầu hết các tay buôn xoài trong tỉnh đều tìm đến vùng này.

Nhưng xưa nay ai nấy đều đua nhau thưởng thức trái xoài, chớ ít ai là "tri kỷ" của hoa xoài.

Hoa xoài ngắm từng nhánh một không đẹp, ngắm cả cành cũng không đẹp, ngắm cả cây cũng chưa thấy đẹp, ngắm cả vườn cũng chưa lấy làm đẹp. Muốn thấy vẻ đẹp của hoa xoài phải ngắm cả rừng hoa. Và không đâu có thể thưởng thức được đầy đủ bằng lúc xoài ra hoa (tháng chạp, tháng giêng A.L.) lên đứng nơi hòn Khánh Long mà trông. Trước mặt chúng ta một màu vàng linh động liền với sắc trời xanh. Không có một màu nào khác (cho đến cả màu xanh của lá) lẫn lộn vào. Đó là đồng lúa chính của miền Lục Tỉnh trong Nam? Không, vì sắc lúa chín vàng đậm, còn màu hoa xoài vàng tươi. Đó là rừng hoa hòe nở hạ? Không, vì hoa hòe không có mùi hương? Đó là rừng huỳnh cúc rừng huỳnh mai? Có thể ví được. Chỉ khác là hương cúc lành lạnh đăng đắng, hương mai dìu dịu và chỉ thoảng qua. Còn hương hoa xoài thì mùi lờn lợt nhưng vị lại ngòn ngọt, bay vào mũi rồi thấm lần xuống cổ, khiến khi đứng ngắm hoa xoài, nhãn, tỷ, thiệt, ý… của chúng ta đều chung hưởng thú.

Hòn Khánh Long có phong cảnh đẹp, có sự tích vui, có hương vị thanh…như thế, mà xưa nay không nổi tiếng bằng hòn Trà Sơn. Duyên cớ bởi đâu? Chỉ vì Trà Sơn có chùa Phật linh thiêng, thường giúp Dân trong khi hạn hán.

Chẳng những thế, Trà Sơn còn nổi tiếng nhờ các thầy địa lý đi đó đi đây.

Dưới con mắt chúng ta thì Trà Sơn là một con cừu. Dưới con mắt các nhà thơ thì là một "con cừu sẽ thành kỳ lân". Nhưng theo các thầy Địa lý, những thầy có cặp linh nhãn, tục gọi là Thầy Địa Sáng thì đó là một con Kỳ Lân thật sự.

Núi Trà Sơn hợp cùng ba ngọn thổ sơn khác nằm ở phía Đông, thành một bộ tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng, rất cân xứng.

Con Lân là núi Trà Sơn.

Đứng tại Trà Sơn ngó về hướng Đông Bắc, cách chừng chín mười cây số, thấy một hòn núi xanh um hình như một chiếc thúng úp, lum lum, tròn tròn, nằm trong thôn Đại An, quận An Nhơn. Đó là con Linh Qui trong bộ Tứ Linh.

Đại An
Hòn Đại An tuy thấp, nhỏ, song không trơ trụi, vì núi bằng đất chớ không phải bằng sỏi, nên cây cối tươi sum.

Ở phía Bắc núi Đại An, cũng trong khoảng chín mười cây số, có núi Tân Nghi. Giữa nổi cao, hai bên lài lài, trông phảng phất con chim sè cánh. Đó là con Phi Phụng.

Theo các thầy địa lý thì các hòn thổ sơn này có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng vì long mạch đi chìm dưới đất nên cặp "nhục nhãn" tức là "mắt thịt" của chúng ta không thể thấy rõ. Nhưng từ núi Tân Nghi trở đi, mạch rồng nổi lên trên mặt đất thành những dãy gò lúp xúp như những đợt sóng biển lúc im trời, chạy xuống Lục Phú, quành vô Gò Quánh, thẳng vô Thiết Tràng, đột khởi thành hòn Kỳ Đồng (có tên nữa là Bà Lam cao không đầy 100 thước).

Cũng như núi Tân Nghi, hòn Kỳ Đồng đất sỏi, không có cây cao bóng cả, mà có những lùm những bụi um tùm. Hình núi dài và nếu kể cả những gò đống nối liền thì rõ là một con Khủng Long uốn khúc, trông thấy rõ ràng khi chúng ta đứng ngã Đại Bình, tức ở mặt phía Tây. Bởi vậy các thầy địa lý mới gọi là con Thanh Long.

Dưới chân Kỳ Đồng ở phía Tây có một bàu nước rộng chừng ba mẫu rất sâu. Dù nắng hạn bao nhiêu nước cũng không bao giờ cạn. Đó là Bàu Sấu.

Vì có Bàu Sấu ở dưới chân núi, nên Kỳ Đồng được danh hiệu là "Thanh Long Ẩm Thủy".

Bốn hòn "Tứ Linh" đều triều Tây, tức là quay đầu chầu Trưng Sơn trong dãy Tây Lãnh.

Và trong bốn hòn thổ sơn ấy, núi Kỳ Đồng còn ghi lại một sự kiện lịch sử vừa bi đát vừa oai hùng.

Nguyên cuối năm Bính Tuất (1886), Nghĩa quân Cần Vương bị quân Trần Bá Lộc đánh phá dữ dội, nhiều đạo binh trấn thủ các nơi yếu địa bị tiêu diệt lần. Liệu thế không thể kéo dài cuộc kháng chiến, Mai Nguyên soái quyết cùng địch quần một trận một mất một còn. Bèn dồn đại binh đến núi Kỳ Đồng dùng Bàu Sấu lập trận Thủy Bối. Quân ta và quân địch kịch chiến suốt hai ngày đêm. Địch tổn thất rất nhiều. Nhưng cuối cùng quân ta đại bại. Vì tinh thần chiến đấu cao đến đâu, mà binh khí phần nhiều là binh mác đao cung thì địch sao nổi với súng trường trọng pháo. Cho nên sau mấy trận chống chọi anh dũng – lớp này chết lớp kia xông ra – nghĩa quân hao mòn lần, đuối sức lần bị quân địch tiêu diệt. Mai Nguyên Soái bị thương nặng, máu xối ướt cả chiến bào, chết ngất trên mình ngựa. Con Hồng chở chủ vượt qua Bàu Sấu, chạy thẳng về nhà ở Phú Lạc. Sau khi cứu tỉnh, Nguyên Soái vào mật khu Linh Đỗng quyết chỉnh tu binh mã để phản công. Nhưng rồi Trần Bá Lộc hạ độc thủ, lớp thảm sát lương dân; sanh cầm Mai mẫu, lớp truyền lệnh cho lý hương các thôn ở Bình Khê nếu trong vòng một tháng không tìm được Nguyên Soái thì sẽ bị chôn sống hết. Để cứu nạn cho nhân dân và mẹ già, Nguyên Soái phải ra chịu chết. Những chiến lũy ở Kỳ Đồng và Bàu Sấu bị giặc phá tan hiện nay không còn thấy dấu. Tuy nhiên, hành nhân qua lại, ai ai cũng biết rằng nơi đây đã đổ biết bao nhiệt huyết để tưới thắm non sông và trong những trận gió rung cây dường phảng phất tiếng ngâm của Mai Nguyên Soái:

Không tính làm chi cuộc mất còn,
Nợ trai trả đặng ấy là khôn.
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước,
Đá tạc lòng trung núi mấy hòn.
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá,
Đỏ lòa bìa sách máu là son.
Rồi đây ngọc luật đưa xuân lại
Một gốc mai già nảy rậm non.


Núi Kỳ Đồng, ở phía Đông sát bên chân, có nhánh sông La Vỹ tức sông Quai Vạc. Núi dừng hẳn bên bờ sông phía Tây. Nhưng sơn mạch phục xuống đáy sông qua cánh đồng Thiết Trụ, rồi khởi lên thành dãy gò Thành Cũ (Thành Đồ Bàn), gò Vân Sơn và núi Long Cốt.

Gò Thành Cũ rộng thênh thang và nối liền với gò Vân Sơn cùng núi Long Cốt. Cả ba đều có hai nhánh sông Côn bao quanh bốn mặt, như hai cánh tay ôm choàng những quả bí ngô.

Trên gò Thành Cũ hiện còn dấu thành Đồ Bàn, có đền thờ Song Trung và Lăng Võ Tánh. Bên cạnh lăng có ngọn tháp Cánh Tiên. Ngoài ra chỉ có sỏi đỏ (mỏ đá ong), và cỏ áy, lau thưa.

Gò Vân Sơn cũng không có gì lạ. Gò chạy lúp xúp, dáng tròn tròn, cỏ mọc hoe hoe trên đất sỏi càn táo.

Chỉ có hòn Long Cốt là đáng để ý.

Núi không cao (43 thước) cũng không rộng, nằm trong địa phận thôn Nhạn Tháp.

Đó là một hòn núi đất sỏi trơ trụi. Trên đỉnh có ba ngọn núi đứng ngay hàng, hướng về Thành Cũ. Trên ba ngọn núi xưa kia có ba ngọn tháp Chàm và nhiều tượng đá. Do đó núi có tên nữa là Tam Tháp Cang. Dưới chân núi về phía Đông có chùa Nhạn Sơn ẩn hiện trong bóng xoài xanh, tươi mát.

Núi này trước kia làm tiền án cho thành Đồ Bàn và chính nơi núi này Nguyễn Huệ đã đặt súng bắn vào thành Hoàng Đế để uy hiếp Nguyễn Nhạc. Người đến viếng cảnh nghĩ chuyện ngày xưa, lòng không khỏi ít nhiều cảm khái.

Theo các nhà Phong Thủy, tức các thầy Địa, thì long mạch hòn Trưng Sơn chạy từ Tây xuống núi Kỳ Đồng, qua đồng bằng và các cụm núi nhỏ Hương Sơn, Trà Sơn…. rồi đến ba gò Thành Cũ, Vân Sơn, Long Cốt. Đến đây thì chìm xuống đất chạy đến núi Mò O thì hồi cố.

Hòn Mò O không cao (345 thước) và nằm giữa quận An Nhơn (phía Nam) và Phù Cát (phía Bắc).

Có nhiều thầy địa bảo rằng: Hòn Mò O tiếp cận đến hai sơn mạch. Một từ Kỳ Đồng xuống, một từ Chà Rang chạy xuống đến đầu thôn Phú Thành (Phù Cát) qua các gò Tân Nghi, Bỉnh Đức, Nghĩa Hòa… thì nhập với mạch Kỳ Đồng vào Mò O, thành "Lưỡng Long Nhập Thủ" nghĩa là hai con rồng vào một cái đầu. Và hòn Mò O là "Đình Tức Long" tức là con rồng dừng lại để thở, rồi chạy xuống bảy hòn núi đất ở Chánh Mẫn (Phù Cát) cách chừng ba cây số mới dừng lại.

Hòn Mò O, nửa đất sỏi nửa đá dăm, đứng sừng sững giữa cánh đồng rộng. Hình thủ cổ quái. Trên đỉnh có một lỗ thủng, ngoài tròn trong vuông, rộng chừng hai thước, sâu trên một thước. Dưới đất toàn cát trắng. Người địa phương gọi là Giếng Tiên. Do đó núi mệnh danh là Tiên Tỉnh Sơn.

Trên miệng giếng có hai tảng đá hình tam giác cao lớn đứng song song che miệng giếng ở mặt Đông và mặt Tây. Xa trông giống lỗ miệng hả toạc hoạc mà đôi môi nhọn hoắt như môi cô gái lăng loàn. Người Tây bảo "núi hả miệng mắng Trời". Vì vậy núi có tên nữa là Mạ Thiên Sơn.

Hình núi, đứng nơi chùa Thập Tháp ngó xuống thì thấy giống một lá buồm. Chùa lấy núi làm Tiền án. Và đối với địa cuộc của chùa, núi chịu triều phục, nên dáng trông hiền lành, lễ độ. Nhưng nếu đứng ngoài vùng Phù Cát ngó vô thì thật ngạo nghễ, hung tợn. Lưng chơm chởm đá dăm như lưng nhím, miệng mồm há hốc như con gấu heo toan vồ mồi. Nếu đứng hướng Đông nhìn lên thì là một ông Phật ngồi, hai đùi giãn, hai chân thòng, bụng phơi ra, mặt ngó thẳng xuống bảy hòn thổ sơn ở Chánh Mẫn (Phù Cát). Còn đứng lối Đập Đá trông ra, thì không hiền cũng không dữ, có thể ví với một con mãnh hổ nằm ngó mông.

Không ai hiểu vì sao núi lại mang tên là Mò O (Đại Nam Nhất Thống Chí chép là Mô ô (…) có lẽ phiên âm tiếng Mò O ra chữ Hán), vì trên núi và quanh vùng không hề có khóm mò o nào cả. Trái lại ở sườn phía Đông và phía Nam có một thứ chè gọi là chè Tóc Tiên, hương vị rất đượm. Và thứ đá dăm ở sườn phía Bắc là thứ đá hoa thạch anh, hình lục giác, bát giác… trông óng ánh nhiều màu. Người ta bảo rằng đá chịu gió Bấc lâu đời sẽ thành ngọc kim cương. Nên thỉnh thoảng có khách đeo chiếc cẩm nang không đáy, đi vào núi.

Đó là những hòn Thổ Sơn có tiếng ở vùng Bình Khê, An Nhơn. Còn nhiều hòn nữa nhưng không có gì đặc biệt đáng nêu.
User avatar
turbo
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1862
Joined: Fri Apr 02, 2004 2:09 am
Location: Bình Định
Blog: View Blog (3)
Top

Re: Núi non

Postby turbo on Fri Apr 20, 2007 4:25 am

Ở Tuy Phước có hòn Kỳ Sơn cũng là một thổ sơn được nhiều khách phương xa biết đến.

Hòn Kỳ Sơn chạy dài theo hướng bắc nam, bao quanh đến vài mươi dặm, bốn mặt đều có thôn cư: Phụng Sơn, Kỳ Sơn ở phía đông, Hoàng Mai ở phía nam và tây nam, Thọ Ngãi ở phía tây, Tình Giang và Xuân Mỹ ở phía bắc.

Hình núi không đều: Hai đầu nở rộng và cao, chính giữa hơi eo lại và thấp.

Ở đầu phía Bắc nổi lên hai đỉnh đứng song song. Một ngó xuống Phụng Sơn, dáng phưởng phất một con phi cầm, mệnh danh là hòn Phụng Sơn tức là núi Phụng (188 thước). Một ngó xuống thôn Xuân Mỹ, mệnh danh là Xuân Sơn (173 thước). Đầu phía nam, một ngọn thứ ba cao xích soát hai ngọn kia, đứng ngó mặt xuống thôn Hoàng Mai, và mệnh danh là Mai Sơn (181 thước). Khoảng giữa một phần lớn thuộc địa phận thôn Kỳ Sơn ở phía đông và Thọ Ngãi ở phía tây.

Nhưng vì kỳ Sơn có người đỗ đạt, nên núi mang danh là Kỳ Sơn. Tuy có nhiều ngọn và nhiều tên như thế, nhưng tất cả đều chung một gốc và nối liền nhau không đứt. Những tên Phụng Sơn, Xuân Sơn, Mai Sơn chỉ là "Tiểu tự". Tên chính thức ghi trong sách vở vẫn là Kỳ Sơn.

Dưới chân đỉnh Phụng Sơn nổi lên một dãy gò, cong cong hình bán nguyệt, mệnh danh là Phụng Cang tức là Gò Phụng.

Ở phía Đông có một trãng rộng chừng năm ba mẫu, một nửa nằm trên địa phận Phụng Sơn, một nửa trên địa phận Kỳ Sơn. Trên trãng đứng song song hai hòn đá to lớn, lấy cây gõ thì một hòn phát tiếng "bùm bùm" như tiếng trống, một hòn phát ra tiếng "cụm cụm" như tiếng mõ. Người ta gọi là Hòn Trống, Hòn Mõ. Vì mục đồng thường chơi nghịch gõ đá suốt ngày, làm ồn cả làng xóm, nên Chánh Quyền địa phương phải ra lệnh cấm "không ai được chạm vào".

Qua khỏi trãng, leo lên núi độ vài chục bước thì có một cái hầm rộng lớn, gọi là Qui Khanh, tức là Hầm Rùa. Không phải trong hầm có nhiều rùa, mà chính vì trước miệng hầm có một tảng đá hình giống con linh qui.

Hầm ăn sâu vào núi, rồi chạy thẳng lên triền phía Tây tại thôn Hoàng Mai. Lòng hang rộng hơn sải và cao ngó trật ót. Dài cũng đến ba bốn cây số. Nhưng không tối tăm, vì rải rác có những lỗ trống để ánh sáng trên đỉnh núi lọt vào. Thời Việt Nam chống Pháp (1945-1954), nhân dân địa phương thường vào hầm tránh nạn tàu bay khủng bố.

Dưới chân đỉnh Mai Sơn có một đường đèo chạy từ Kỳ Sơn sang Hoàng Mai, tục gọi là đèo Bà Oanh. Dưới chân đèo thuộc địa phận Hoàng Mai có cánh đồng lúa mênh mông và rất tốt, tục gọi là Đồng Đèo. Người ở ngả Phụng Sơn, Kỳ Sơn đến mùa lúa chín, kéo nhau từng đoàn sang gặt. Họ qua đèo từ lúc trời vừa hừng đông, xóm nào theo xóm nấy. Cho nên có câu ca dao:

Rủ nhau đi cắt Đồng Đèo,
Giở cơm cho sớm mà theo xóm mình.


Núi không có cây lớn, nhưng sắc núi luôn luôn xanh biếc. Phía nam lại có giống mai vàng mọc thành rừng, mỗi bận xuân về sườn núi như phơi áo ngự. Rừng mai vàng ở hẳn về hướng Nam. Do đó mà thôn sở tại lấy tên là Hoàng Mai và núi lấy tên là Mai Sơn.

Tại Mai Sơn có phần mộ nhà văn Đào Tấn, nằm trong rừng mai, đầu hướng lên tây nam. Khi tìm được nơi vừa ý để an nghỉ nghìn thu, Đào công có khẩu chiếm một tuyệt rằng:

Nhàn hướng Mai Sơn bốc thọ vôn
Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn.
Mai tăng tha nhật tàng mai cốt (*)
Ứng hữu mai ba tác mộng hồn.

(*) Mai Tăng là hiệu của Đào Công

Tạm dịch:

Non mai vườn thọ tìm xong,
Đá cao đứng tựa ung dung mỉm cười.
Mai Tăng ngày gởi xương mai,
Hồn mai cùng giấc mộng dài nở hương.


Mấy vần thơ thanh điệu cùng với hoa hoàng mai làm thơm danh núi. Rõ là "Thanh sơn hữu hạnh mai danh cốt". Những khách phương xa tìm đến viếng hòn Kỳ Sơn, trước hết đều nghĩ đến phần mộ của nhà văn lỗi lạc đất Bình Định. Và khi đến viếng mộ Đào Công lúc mai vàng nở thạnh, khách tao nhân sao cho khỏi mơ màng đến cốt cách phong nhã của người xưa và vẳng nghe tiếng ngâm trong mùi hương trộn gió:

Gió hương thổi lọt hoàng bào,
Kiều mai tuyết điểm động Đào giăng mây (*)

(*) Một câu hát trong tuồng Trầm Hương của Đào Công

Đứng tại Kỳ Sơn ngó thẳng xuống Đông, chúng ta thấy một hòn núi hình lăng kính, màu trắng xóa, như một bức bình phong quét vôi trắng.

Đó là hòn Ngư Cốt tục gọi là Xương Cá.

Hòn Xương Cá nằm trong địa phận thôn Lộc Hạ, làm tiền án cho hòn Kỳ Sơn. Đó là một hòn núi đá vôi, không cây không cỏ. Đá mọc lởm chởm, và tất cả, hòn lớn cũng như hòn nhỏ, đều có gai có ốc, trông giống hệt xương cá.

Núi đứng giữa đồng. Những buổi trưa nắng gắt, ở xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Còn những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương, thì đó là một núi kim cương long lanh lóng lánh. Ngôi thạch lăng của Hoàng hậu Mumtaz Mahal ở Ấn Độ tưởng không nhiều hào quang hơn.

Truyền rằng, sau khi gánh hòn Chóp Vung và hòn Kỳ Sơn để yên đâu đấy rồi, ông Khổng Lồ ngồi nghỉ chân. Nhân đầm Thị Nại gần kề, ông bèn tát nước bắt cá. Cá to con béo thịt, ông ngon miệng ăn hết con này đến con kia, ăn mãi, ăn hoài, đến nỗi xương bỏ thành núi. Có người thêm rằng: Khổng Lồ to lớn như núi, nên ăn chừng nấy cá mà vẫn chưa no. Bỗng có một con cá vượt dài hơn một sải nhảy vọt qua Giốc Ngựa để ra biển Đông. Khổng Lồ nhảy theo chụp không được, tức mình dậm chân, núi sụp thành vũng (bên vũng, đá còn lại thành một cái eo, tục gọi là Eo Vược ở trên bán đảo Phương Mai). Rồi bỏ đi mất. Lại có người bảo rằng: Khổng Lồ ngon miệng ăn nhiều quá bị trúng thực bỏ mạng dưới chân đống xương cá kia.

Không biết ai nói trúng. Cổ Bàn Nhân đi qua hòn Xương Cá, nghe chuyện Khổng Lồ, có mấy câu hí tác:

Khổng Lồ ăn cá bỏ xương,
Xương khô thấy đó nghĩ thương Khổng Lồ!
Chừ còn gánh núi phương mô,
Hay hòn Xương Cá là mồ chôn ông?
Chuyện đời tuy có mà không,
Tuy không mà có chuyện ông Khổng Lồ.
User avatar
turbo
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1862
Joined: Fri Apr 02, 2004 2:09 am
Location: Bình Định
Blog: View Blog (3)
Top

Re: Núi non

Postby turbo on Fri Apr 20, 2007 4:28 am

Phía Nam hòn Kỳ Sơn, tức Tây Nam hòn Xương Cá, có hòn Hàm Long cũng là một hòn núi có tiếng của Tuy Phước.

Núi không cao (92 thước) cũng không lớn, nằm trong địa phận thôn Thuận Nghi. Hình núi giống như đầu rồng, ngó ra đường Q.L số 1, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống Đông để ra đầm Thị Nại, tạo thành một cánh tay ôm lấy chân núi ở mặt Bắc và mặt Tây.

Núi còn có tên nữa là Úc Sơn tức núi Úc. Sông Hà Thanh chạy qua Q.L số 1, núi là Cần Sơn, còn Úc là cái vực ở sát núi phía Tây do con sông Vân Hội tạo nên, gọi là Cần Úc.

Trước núi, nơi "miệng rồng" có ngôi chùa thờ Phật gọi là Long Sơn Tự. Phong cảnh thanh u.

Núi tuy thấp bé, nhưng có thế dụng binh, nên đời Tây Sơn nơi đây có đắp đồn bảo để chống giặc.

Năm Kỷ Vị (1799), Nguyễn Ánh cử đại binh, ra đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh vào cửa Thị Nại, sai Nguyễn Văn Thành và Tôn Thất Hội lẻn qua Kỳ Sơn, đánh úp mặt sau, còn Võ Văn Lượng và Lê Văn Duyệt đánh mặt trước. Không phòng bị quân Tây Sơn bị thua. Kế đó thành Quy Nhơn bị Nguyễn Ánh đánh chiếm và đổi tên là Bình Định.

Trận Hàm Long là một trận đánh lớn trong những trận đánh lớn giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn trên đất Bình Định.

Cách 85 năm sau, một trận kịch chiến thứ hai đã xảy ra trong vùng Hàm Long.

Năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đổ bộ lên bãi Thị Nại, rồi kéo lên thành Bình Định. Nghĩa quân Cần Vương chận đánh tại chân núi Hàm Long. Quân giặc đã đông lại đầy đủ binh khí tân tạo. Còn nghĩa binh thì chỉ độ năm trăm người, với mấy khẩu súng đại bác cổ lổ và giáo sào trường kiếm, nên không chống nổi, phải lui lên giữ Cần Úc. Giặc đuổi theo bắn như mưa vãi. Nghĩa binh mượn thế bờ sông, giữ chặt lấy cầu. Giặc thôi bắn dùng lưỡi lê giáp chiến. Nghĩa quân đánh hăng quá, giặc bỏ chạy. Nhưng vừa qua khỏi núi Hàm Long thì quay trở lại bắn. Nghĩa quân đuổi theo không đề phòng chết quá nữa. Còn bao nhiêu thì tứ tán.

Đó là trận đầu giữa nghĩa quân Cần Vương và giặc Pháp.

Trận đó gọi là trận Cần Úc.

Bên Cần Úc có một nổng gò bằng phẳng, mỗi năm cứ mồng một Tết thì nhóm chợ, tục gọi là Chợ Gò. Người ở thành phố Quy Nhơn và người trong quận Tuy Phước đến mua bán và hưởng xuân, tưng bừng rộn rịp.

Và núi Hàm Long nằm ôm ngôi chùa Long Sơn Tự, đã trở thành một nơi u tĩnh thanh lương.

Mai chiều gió ngạt ngào hương
Ai hay rằng bãi chiến trường ngày xưa


Ở phía Tây Hàm Long, cách chừng ba bốn cây số, tại Diêu Trì cũng thuộc về Tuy Phước, có hòn Thù Lộ Sơn tục gọi là Ông Vồ.

Núi đứng giữa đồng ruộng, không cao (137 thước), nhưng rậm rạp. Trên núi có thứ đá xanh rất mịn và rất bền. Người địa phương dùng tiện cối đá bán khắp tỉnh.

Dưới chân núi, phía Đông Bắc có một vực nước, gọi là vực Ông Đô nước lưu thông với vực Thanh Huy ở phía Tây núi.

Trong thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhân dân địa phương đã đào một con mương chạy từ vực Ông Đô xuống Cần Úc để tưới ruộng. Vừa đánh giặc, vừa đào hàng bốn, năm cây số mương để tăng gia sản xuất. Xem đó đủ biết tiềm lực của người Việt Nam dồi dào biết bao.

Ba hòn núi kể trên (Kỳ Sơn, Hàm Long, Ông Vồ) tuy đứng rải rác giữa đồng ruộng, nhưng đều là dải dóc của dãy Nam San. Còn nhiều hòn khác song không có gì đặc sắc đáng lưu ý.

Trong vùng Phù Cát, Phù Mỹ cũng có nhiều hòn núi nhỏ được khách phương xa nhắc nhở hoặc tới lui. Như:

Hòn Se Sẻ nằm trên cánh đồng Phú Hội, giáp ranh Phù Cát và Phù Mỹ.

Đó là cụm núi còi, đá nổi lổm chổm, mày xam xám, xa trông như một bầy se sẻ đậu. Tên núi do đó mà ra.

Nhưng núi được lưu ý không phải vì "bầy se sẻ đá" mà chính vì ở quanh vùng nhân dân chuyên nghề đan những vật dụng bằng tre, như thúng, mủng, dừng, sàng, nong, nia… Sản xuất đã nhiều, lại khéo và chắc. Nhiều không nơi nào bì kịp, khéo chắc cũng không đâu bì kịp. Sản phẩm chẳng những bán khắp nơi trong tỉnh, mà còn "xuất cảng" ra Quảng Nghĩa, vào Phú Yên… Giá rất rẻ, nên bán rất chạy, chạy hơn cả tôm tươi.

Gần đó lại còn hai thứ tiểu công nghệ nữa là Đồ Gốm ở Chợ Gồm (trên Phú Hội) và Võng ở Cảnh An (trong Phú Hội). Đồ gốm Chợ Gồm có tiếng là nấu không nổ và không khét. Còn võng Cảnh An làm bằng thơm Tàu rất mỹ thuật. Ba món tiểu công nghệ đồ đan, đố gốm, võng đã quyến rũ khách phương xa thường lai vãng, và làm cho nơi sản xuất làm bạn với văn chương:

Chợ Gồm đồ gốm,
Phú Hội đồ đan,
Tiện đàng ghé lại Cảnh An,
Mua thêm chiếc võng cho nàng đưa con.


Ở Chợ Gồm xuống Đề Gi để thăm hòn Lang Sơn. Đây là một hòn núi đá nho nhỏ nằm xuống phía Đông cửa Đề Gi, trên bờ phía Đông đầm Đạm Thủy tục gọi là đầm Nước Ngọt. Núi nhỏ và không cao (169 thước), nhưng đứng ở giữa khoảng trời rộng biển khơi, cảnh trí thật vô cùng ngoạn mục.

Năm 1939, hai nhà thơ có danh ở Nam phần là Đông Hồ và Mộng Tuyết có đến viếng hòn Lang Sơn. Nhân cao hứng Mộng Tuyết ứng khẩu đọc mấy câu mà mãi nay người địa phương còn ca ngợi:

Đề Gi có ngọn Lang Sơn,
Có đầm Đạm Thủy sóng dờn dợn xanh.
Có thơ có rượu có tình,
Có trăng có gió có mình ở trong.

(Vì người nghe truyền miệng lại, nên sợ không đúng nguyên văn. Rất mong tác giả lượng thứ).

Đứng tại hòn Lang trông ra hướng Bắc, cách chừng chín, mười cây số có một ngọn núi nhỏ nữa cũng đứng sát mé bể, đối trĩ cùng hòn Lang, ở ngoài biển trông vào thật cân đối.

Đó là hòn Vi Rồng.

Núi nằm ở thôn Tân Phụng, sát biển. Dáng nhỏ và thấp (105 thước), toàn đá và bị xẻ làm đôi, một nửa ở trên cạn, một nửa ở dưới nước, trông giống chiếc bánh ít xẻ dọc.

Dưới chân nửa núi ở dưới nước, nằm ngổn ngang những tám đá mỏng, chỉ lớn bằng bàn tay sè, hình tròn tròn như vảy cá. Người địa phương gọi là "Đá Vảy Rồng".

Hòn Vi Rồng và hòn Lang liền nhau do một động cát rộng đến hai cây số và dài đến mười cây số. Động cát chạy từ thôn Tân Phụng dọc theo mé biển. Đến thôn Hưng Lạc thì chạy thọc ra biển cho tới thôn Vĩnh Lợi, dưới chân hòn Lang, làm bờ phía Đông cho đầm Nước Ngọt. Cát trong động mịn và trắng phau phau, rải rác có những viên son điểm xuyết. Giữa động, phía trong Hưng Lạc, cát nổi vun lên một vùng rộng có hơn vài mẫu ta, cao như một nổng đồi (43 thước) và lum lum như chiếc thúng úp. Trên nổng cát này có vô số đá son. Do đó nổng cát mệnh danh là Hòn Son.

Son ở đây rất đặc biệt. Chất cứng, ngoài mặt trong hơi đen đen, cầm không vấy tay, nhưng khi mài thì đỏ thắm như son Tàu. Ngày xưa học trò ở các nơi thường đến lượm về mài cho thầy học chấm vở.

Truyền rằng hòn Vi Rồng xưa kia nguyên một khối hình giống vi cá chép. Đời nhà Đường, Cao Biền sang nước ta, đi tìm những nơi thắng địa để ếm. Trông thấy hòn Vi Rồng có linh khí kết tụ, bèn chém đứt để trừ hậu họa cho Trung Hoa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ. Lâu ngày máu đọng lại thành son và vảy cứng lại thành đá. Đó là "Đá Vảy Rồng" và Son trên động cát, trên Hòn Son kia cũng vậy.

Trên hòn Xuân Kiển, trong dãy Lạc Phụng, giữa khoảng Công Trung và Trung Tường, có một dấu bàn chân lớn và dài độ hai gang tay, in sâu vào một tảng đá xanh rộng lớn, người ta bảo đó là dấu chân ông Cao Biền để lại lúc chạy theo chém con rồng tại Tân Phụng.

Sự liên lạc tưởng tượng của dấu chân nơi Lạc Phụng và dấu chém đứt hòn Vi Rồng cho chúng ta thấy rõ sự thật: Hòn Vi Rồng thuộc sơn lệ Lạc Phụng vậy.

Ngoài những núi kể trên, trong tỉnh còn nhiều nữa. Nhưng vì ở trong những nơi khuất tịch, tiếng tăm không được bay xa, nên ít người biết.

Núi Bình Định không lấy gì làm cao (không có ngọn nào cao đến 2.000 thước), nhưng hùng dũng, hiểm tuấn. Càng vào sâu càng thấy nhiều quái thạch kỳ nham và càng nhìn kỹ càng thấy đượm một phong khí thiêng liêng huyền bí.
User avatar
turbo
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1862
Joined: Fri Apr 02, 2004 2:09 am
Location: Bình Định
Blog: View Blog (3)
Top

Previous

Post a reply

Smilies
em22 em36 em26 em39 em29 em35 em31 em34 em32 :D :) ;) :( :o :shock: :? 8-) :lol: :x :P :oops: :cry: :evil: :twisted: :roll: :!: :?: :idea: :arrow: :| :mrgreen: :geek: :ugeek:
Quote Selected
 

Return to Nước non Bình Định (Quách Tấn)

Who is online

Users browsing this forum: Alexa [Bot] and 0 guests