BẮC BÌNH VƯƠNG ÐỐI PHÓ MẶT BẮC

Và tiếng Anh hùng áo vải, Anh hùng dân tộc mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc.

BẮC BÌNH VƯƠNG ÐỐI PHÓ MẶT BẮC

Gửi bàibởi turbo » 02-11-2007, 14:23

Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An tụ dũng sĩ, mưu đồ chiếm cứ Nghệ An. Ðồng thời ở Hà Bắc, Trịnh Bồng được tôn lên làm chúa. Vua Lê Chiêu Thống bị nhà chúa ức hiếp bèn gọi Nguyễn Hữu Chỉnh về. Nguyễn Hữu Chỉnh về đuổi được Trịnh Bồng. Vua Chiêu Thống phong Chỉnh làm Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ðại Tư Ðồ, lại gia tăng tước Bằng Quận Công. Nắm trọn quyền bính trong tay, Chỉnh tự ý hoành hành. Muốn mở rộng ảnh hưởng vào Nam, Chỉnh lại thông đồng với Nguyễn Duệ chiếm đất nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn, lấy Linh Giang làm giới hạn với Thuận Hóa, y như tiên triều.
Nguyễn Duệ bằng lòng. Chẳng ngờ bị lậu sự. Võ Văn Nhậm hay được, gởi thư cáo biến với Bắc Bình Vương. Vương sai Nhậm ra bắt Duệ. Duệ biết trước cùng Nguyễn Huỳnh Ðức bỏ trốn. Duệ về Quy Nhơn, Ðức vào Gia Ðịnh. Vương không cho đuổi theo, chỉ sai Nhậm trấn thủ Nghệ An để coi chừng mặt Bắc.
Sẩy kế này bày kế khác, Nguyễn Hữu Chỉnh bày Vua Chiêu Thống đòi lại đất Nghệ An.
Tháng tư năm Ðinh Mùi (1787), Lê Chiêu Thống khiến hoàng thân Lê Duy Anh cùng Trần Công Sán và Ngô Nho mang phẩm vật và quốc thư vào Phú Xuân, Bắc Bình Vương biết là mưu mô Nguyễn Hữu Chỉnh, bảo cho Trần Công Sán biết rằng sẽ cho tướng đem binh ra Thăng Long lấy đầu kẻ sinh sự.
Biết Trần Công Sán là người hiền tài, muốn trọng dụng, nhưg không thuyết phục được, Vương bèn sai đưa phái đoàn theo đường biển về Thăng Long. Giữa vời, ngầm đục thuyền. Sán cùng phái đoàn đều bị chết đuối. Có người hỏi bà Trần Mỹ Tuyết:
- Sao không dùng tài năng để thuyết phục Trần Công Sán như đã thuyết phục Nguyễn Huỳnh Ðức? Bà đáp:
- Huỳnh Ðức là một võ tướng chỉ có lòng trung nghĩa. Còn Công Sán là kẻ sĩ học rộng hiểu sâu. Một lưỡi dao con là ta, làm sao đốn nổi cây tùng trăm tuổi thọ? Lại hỏi:
- Cũng thì nhân tài mà sao đối với Nguyễn Huỳnh Ðức nhà vua lại khoan hồng hơn đối với Trần Công Sán.
Ðáp:
- Tài của Huỳnh Ðức chỉ có thể lấy được thành. Tài của Trần Công Sán có thể chiếm trọn cả nước, nếu biết thiện dụng, tận dụng. Chữ Nhân phải đi song song với chữ Trí mới tránh khỏi chữ Ngu. Kẻ đại trượng phu không thích mang tiếng ngu với đời.
Không thể để yên Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành ở Bắc Hà, tháng 12 năm Ðinh Mùi, Bắc Bình Vương sai Võ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân kéo binh ra Thăng Long đánh Chỉnh.
Binh Võ Văn Nhậm kéo ra Bắc Hà, đánh đâu thắng đó. Nguyễn Hữu Chỉnh nghe cáo cấp, sai con là Hữu Du đem quân đi trước. Ðến sông Thanh Quyết, Du đắp lũy cố thủ. Lúc bấy giờ khí trời quá lạnh, quân sĩ không chịu nổi phải nhúm lửa, nhóm nhau ngồi sưởi. Nhậm sai lính xoi lũy, kê súng nhằm những chỗ có lửa bắn vào. Quân của Du kinh hãi vỡ chạy. Chỉnh ở Bình Vọng được tin quân của Du bị tan vỡ, đương đêm dẫn quân trở về thành Thăng Long, đem vợ con chạy về Kinh Bắc.
Lê Chiêu Thống sảng sốt, không biết làm thế nào, cùng dắt cung quyến chạy theo. Ðến Kinh Bắc Vua sai Lê Quýnh cùng hơn 30 người tôn thất đưa Hoàng Thái Hậu, Hoàng Phi và Hoàng Tử lên Cao Bằng. Còn mình cùng Nguyễn Hữu Chỉnh về đóng ở núi Mục Sơn, đất Yên Thế.
Binh Tây Sơn đuổi đánh, Hữu Du bị tử trận. Hữu Chỉnh bị bắt giải về Thăng Long, còn Lê Chiêu Thống trốn thoát, chạy vào núi Bảo Lộc ẩn núp.
Võ Văn Nhậm kéo quân vào Thăng Long, kể tội Chỉnh rồi đem giết. Nhậm cho tìm Vua Chiêu Thống không được. Các triều thần chỉ còn lưa thưa mấy người. Còn ở Kinh Bắc thì có Trần Quang Châu, Sơn Nam thì có Nguyễn Việt Tân, Hải Dương thì có Ðinh Tích Nhưỡng... đều ứng binh hùng cứ. Nhậm có ý sợ, nhưng chưa biết tính sao thì có người ở Gia Lâm, tên là Trần Ðình Khôi, tự xưng là quan thiệm sự của nhà Lê, tới nói rằng:
Bắc Hà oán Chỉnh tuy thâm mà lòng nhớ Lê chưa nhạt. Tự quân chạy trốn, không biết lúc nào về. Nay có Sùng Nhượng công là Lê Duy Cẩn, trong lúc Tiên Ðế hãy còn đã phong làm Ðông Cung, từ gặp biến năm Nhâm Dần, bị kiêu binh phế truất. Nếu tướng công rước Duy Cẩn về lập lại, chỉ dán một tờ giấy tại cửa Ðại Hưng, thì nội trong một ngày, văn võ bá quan nhóm lại, đại sự của tướng công thành tựu dễ như trở bàn tay.
Nhậm theo lời, tôn Duy Cẩn làm Giám Quốc để ở phía tả điện Cần Chánh.
Cựu thần nhà Lê không người nào theo. Duy Cẩn ở trong điện với vài người hoàng thân và vài viên võ tướng, suốt ngày không thấy ai tâu hỏi việc gì.
Ngô Văn Sở bảo cùng Nhậm:
- Tôi xem tướng Sùng Nhượng công không sao khu sách được người. Vả chăng từ xưa đến nay, thiên hạ không phải tư vật của ai. Như nên lấy thì lấy hẳn đi, sao lại để người như thế làm Giám Quốc? Chúng ta đã lâu ngày chịu khổ với thành này, bây giờ trở lại làm người khách ngụ của pho tượng gỗ này hay sao?
Nhậm khinh khỉnh nói:
- Lòng người Bắc Hà còn nhớ Lê lắm, không thể không theo chúng vọng được. Bọn ngươi chỉ biết mạnh đánh mà thôi. Việc an dân đã có ta làm chủ.
Ngô Văn Sở làm thinh, trở ra nói cùng Phan Văn Lân:
- Tiết Chế khinh người thái thậm! Tài đức gì mà dám đãi chúng ta như đám sĩ tốt, việc lớn đều tự chuyên?
Bèn làm sớ mật tấu cùng Bắc Bình Vương.
Ðược tin, Bắc Bình Vương cười:
- Bạn tâm đã có từ lâu, bạn trạng mãi nay mới hình hiện.
Lập tức truyền lệnh xuất sư. Ði suốt ngày đêm. Hơn 10 hôm đến Thăng Long. Nhậm không kịp trở tay, bị bắt. Hỏi:
- Tội gì?
Ðáp:
- Ông tự biết lấy.
Ðoạn truyền đem ra giết.
Rồi hiệu triệu các cựu thần nhà Lê về chung lo việc nước. Vương vẫn để Sùng Nhượng công Lê Duy Cẩn làm Giám Quốc lo việc tế tự. Còn thực quyền thì giao cho Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở, có Nội Hầu Phan Văn Lân, Ðô Ðốc Nguyễn Văn Tuyết, Chương Phủ Nguyễn Văn Dụng. Hộ bộ Thị Lang Trần Thuật Ngôn và Lại bộ Tả Thị Lang Ngô Thời Nhậm... phụ tá. Vương lại cắt Ðô Ðốc Hòa Nghĩa hầu trấn thủ Kinh Bắc, Hô Hổ hầu trấn thủ Hải Dương, Giác Hầu hòa giữ bộ lại. Ước Lê hầu giữ bộ Lễ, Lộc Tài hầu giữ bộ Hình.
Sắp đặt xong xuôi, vào khoảng cuối tháng 5 năm Mậu Thân (1788), Vương trở về Phú Xuân, đem theo Phan Huy Ích.
Trừ Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết[57] là người cũ của Tây Sơn, tất cả những người tham gia quốc sự đều là cựu thần nhà Lê.
Trong số văn thần, Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích là hai danh sĩ Bắc Hà.
+ Ngô Thời Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu là Ðạt Hiên, con trai của Ngô Thời Sĩ, sinh năm Bính Dần (1746) tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cách Thăng Long hơn mười cây số. Ðậu Tấn Sĩ năm Ất Mùi (1775). Làm quan nhà Lê đến chức Công bộ Hữu Thị Lang. Năm 1782, kiêu binh nổi loạn, chạy trốn về quê vợ ở Sơn Nam.
Năm 1788, theo lời hiệu triệu của Bắc Bình Vương, Ngô Thời Nhậm là người đầu tiên hưởng ứng. Ngô đến chờ ở bộ Lễ. Viên lễ quan Võ Văn Ước tưởng lầm Ngô là Sùng Nhượng công, nên mời cùng ngồi với mình. Kế đó các quan lại cũ nhà Lê lục tục đến làm lễ dưới sân. Ngô áy náy vội đứng dậy đi ra. Lúc ấy Ước mới biết mình lầm, cho Ngô là vô lễ, cả giận, sai người đi bắt. Tối hôm đó, Ngô đến dinh Trần Văn Kỷ, một danh sĩ đất Thuận Hóa đang được Nguyễn Huệ trọng dụng, và có quen với Ngô khi Kỷ ra Thăng Long thi Hội năm Mậu Tuất (1778). Ngô nói rõ việc ban sáng. Trần rất mừng nói[58]:
- Cố nhân đến đúng lúc. Bắc Bình Vương mến mộ tài cố nhân, sai tôi đi tìm. Bỗng không hẹn mà gặp.
Sáng hôm sau liền đưa Ngô vào yết kiến Bắc Bình Vương. Vương nói:
- Ngày trước, vì chúa Trịnh không dùng, người phải bỏ nước ra đi. Nếu ta không đến đây, người làm sao được thấy bóng mặt trời? Có lẽ đó là ý trời muốn để dành người tài cho dùng. Vậy ngươi hãy cố gắng mà lo việc báo đáp.
Ðoạn truyền Trần Văn Kỷ thảo ngay tờ chế phong Ngô làm Tả Thị Lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu, cùng với Võ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ nhà Lê[59].
+ Phan Huy Ích là em rễ Ngô Thời Nhậm. Ông là con Phan Huy Cẩn, người làng Thu Hoạch huyện Thiên Lộc đất Nghệ Tĩnh, sau dời đến làng Thụy Khê, huyện Thạch Thất thuộc Sơn Tây, rồi nối đời ở đó. Ðỗ Ðình Nguyên khoa Ất Mùi (1775) đỗ tiếp khoa Ứng chế năm Bính Thân (1776). Làm quan với Vua Lê chúa Trịnh cho đến năm Ðinh Mùi (1787), Lê Chiêu Thống bị Võ Văn Nhậm đuổi đánh, ông chạy về Sài Sơn ẩn lánh.
Ngô Thời Nhậm tiến cử họ Phan, Bắc Bình Vương phong là Thi Trung Ngự Sử và đem theo về Phú Xuân[60]. Trước khi lên đường về Phú Xuân, Bắc Bình Vương mở tiệc đãi các quan Văn Võ. Trong bữa tiệc, vương nói:
- Sở, Lân là nha trảo của ta. Dụng, Ngôn là tâm phúc của ta, còn Nhậm là tân thần. Nay ta giao việc quân quốc mười một trấn ở Bắc Hà cho các khanh, cho phép các khanh được tiện nghi hành sự. Nhưng phải hội đồng thương nghị với nhau, đừng lấy lẽ mới cũ mà chống đối. Ấy là chỗ hậu vọng của ta.
Lại nói:
- Còn Lê Tự Hoàng là do ta lập nên. Tánh tình ám muội, nên rước lấy bại vong. Nay để cho Sùng Nhượng công giám quốc, e tương lai Tự quân lại cùng Sùng Nhượng tương tranh, nên bất đắc dĩ ta phải để Tư Ðồ Ngô Văn Sở ở lại giúp đỡ Sùng Nhượng. Chờ lúc nào bốn phương yên tĩnh, thì ta lập tức triệu Tư Ðồ về. Thật lòng ta không phải lấy đất Bắc Hà này đâu.
Rồi cùng tướng sĩ lên đường.
Bắc Bình Vương ra Thăng Long tháng 4 và trở về Phú Xuân tháng 5 ăm Mậu Thân (1788), đi về trong ngoài một tháng.
Nhân sĩ Bắc Hà, một số ra cộng tác cùng nhà Tây Sơn, một số cố giữ lòng trung với tiền triều, ẩn lánh nơi sơn lâm, hoặc nổi dậy chống lại nhà Tây Sơn một cách quyết liệt. Trong số chống đối có nhiều danh sĩ, như Trần Danh Án, Bùi Huy Kích, Phạm Quý Thích, Phạm Thái... Cũng có đôi ba võ tướng mộ quân khởi nghĩa nhưng đều bị dẹp tan.
Ngô Thời Nhậm, theo chính sách đoàn kết rộng rãi dùng người không phân biệt mới cũ và tấm lòng yêu tiếc nhân tài không lúc nào nguôi của Bắc Bình Vương, đã góp phần lớn lao vào việc củng cố an ninh và chính trị ở Bắc Hà.

---------
[57] Nguyễn Văn Tuyết ở Phú Xuân ra Thăng Long với Bắc Bình Vương.
[58] Trần Văn Kỷ quy thuận nhà Tây Sơn lúc Bắc Bình Vương ra Phú Xuân và theo Vương ra Thăng Long để trừ Võ Văn Nhậm.
[59] Có nhiều tác phẩm bằng chữ Hán truyền thế.
[60] Có nhiều tác phẩm bằng chữ Hán truyền thế.
Hình đại diện của thành viên
turbo
Đội phó
Đội phó
 
Bài viết: 1978
Ngày tham gia: 02-04-2004, 09:09
Đến từ: Bình Định
Đã cảm ơn: 2 lần
Được cảm ơn: 10 lần
Blog: Xem blog (3)
  • Website
  • Tài khoản Yahoo

Quay về Nhà Tây Sơn (Quách Tấn, Quách Giao)

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 1 khách