- Ảnh hưởng Tây Sơn trong gia đình họ Quách. (Quách Tấn)
- Trích thư Nguyễn Hiến Lê về Nhà Tây Sơn.
- Cảm tưởng sau khi đọc Nhà Tây Sơn. (Nguyễn Ðồng)
- Trích thư của Giản Chi về Nhà Tây Sơn.
- Trích thư của Quách Tạo về Nhà Tây Sơn.
- Sách tham khảo
PHẬN MỆNH SÁCH VỞ
VIẾT VỀ NHÀ TÂY SƠN
VIẾT VỀ NHÀ TÂY SƠN
Bà thân tôi thuộc sử Tây Sơn như các nhà Nho thuộc sử Hán, Ðường. Ðó là nhờ trong Từ đường họ Quách có hai bộ sử chép tay về nhà Tây Sơn, Tây Sơn Dã sử và Tây Sơn Liệt truyện.
Hai bộ sách này là sách cấm. Lúc ông nội tôi còn sống thì ông giữ. Trừ ông thân bà thân và các bác tôi ra, không ai được mượn đọc. Ông nội tôi qua đời, sách vở đều dồn về Từ đường. Hai bộ sử ấy cũng được ông bác ở Từ đường là bác Quách Lý Ðạo cất giấu cẩn thận.
Khoảng đầu thập niên 1920, sợ sách để lâu ngày bị mối mọt, bác tôi đem tất cả sách treo trên các giá trong nhà lẫm ra phơi. Tình cờ một ông khách đến chơi. Ông khách là người quen tên Mạc Viên tục gọi là Xã Suyền ở thôn Kiên Mỹ. Từ đường họ Quách ở Thuận Nghĩa nằm về phía đông Kiên Mỹ, cho nên Xã Suyền cùng bác tôi thường qua lại với nhau. Thấy bác tôi đương trở sách, Xã Suyền bèn giúp tay. Trông thấy hai bộ sử Tây Sơn, Xã Suyền hỏi mượn. Bác tôi tìm lời thoái thác. Xã Suyền giận dữ nói:
- Ðồ hung của dữ đó quý báu gì mà làm bộ! Ðoạn bỏ ra về.
Mấy hôm sau viên tri huyện Bình Khê là Hoàng Yến cỡi ngựa xuống Từ đường họ Quách, 1 tên lính đánh trống cán đi trước, 1 tên lính nữa cầm hèo tua theo sau. Không biết việc gì mà quan đến nhà, bác tôi hết sức lo sợ. Quan vào nhà, đãi trà không uống, đãi rượu không uống, nghiêm nghị nói:
- Nhà ông có hai bộ sử Tây Sơn, tôi muốn mượn xem ít hôm có được chăng? Bác tôi rụng rời chân tay! Ðứng sững không mở miệng được! Quan thét:
- Sao không đáp? Vào lấy ra đây. Mau! Như một cái máy, bác tôi vào lấy hai bộ sách ra, hai tay dâng lên, cả mình run lẩy bẩy, áo ướt đầm mồ hôi. Hoàng Yến lấy sách, không nói không rằng, bước lên ngựa ra về, trống cán đi trước, hèo tua theo sau, thái độ hách dịch.
Lúc bấy giờ ông thân tôi làm việc ở hãng dệt Délignon ở Phú Phong. Bác tôi liền đến cầu cứu. Qua thái độ và hành động của viên tri huyện, ông thân tôi đoán biết rằng y viên chỉ muốn làm tiền chớ không cố ý làm hại. Sau khi thảo luận cùng bác tôi, nên lấy của che thân, bác tôi liền đi nhờ tay chuyên môn lo thu xếp công việc.
Quan đòi 2 cây bạc, tức 100 đồng bạc Ðông Dương.Bác tôi phải bán ruộng..., việc mới yên.
Năm 1947, tôi gặp ông Hoàng Yến trong một cuộc hội nghị Liên Hiệp Quốc Dân tại Bình Khê. Tôi có hỏi thăm về hai bộ sử ấy. Ông đáp:
Lâu quá ai nhớ được. Mà giữ làm gì những thứ sách ấy.Hoàng Yến là một người có học, bên chữ Hán đậu Phó Bảng, bên chữ Pháp đậu bằng Cao đẳng Tiểu học (Primaire supérieur), mà không biết quý sách, đối với tôi thật là một điều bất ngờ! Cũng may không phải là người Bình Ðịnh.
Trong thập niên 1960, sau ngày Ðền Tây Sơn được nhân dân Bình Khê xây cất xong, Hồ Hữu Tường ra dự lễ lạc thành, có tìm được một bộ Tây Sơn Dã Sử ở Cây Da Tuy Phước. Tôi nghe nói, muốn tìm họ Hồ để xem thử phải bộ sách của Từ đường họ Quách chăng, nhưng chưa có dịp. Không biết bộ sách ấy hiện nay có còn chăng và nằm vào tay ai. Ngoài hai bộ Tây Sơn Dã Sử, Tây Sơn Liệt Truyện, khuyết danh tác giả, Bình Ðịnh còn có:
- Cân Quắc Anh Hùng truyện của cụ Nguyễn Bá Huân.
- Tây Sơn Văn Thần truyện của cụ Nguyễn Bá Huân.
- Tây Sơn Lương Tướng truyện của cụ Nguyễn Trọng Trì.
- Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam truyện của cụ Nguyễn Trọng Trì.
- Ngụy Triều Chư Tướng truyện của cụ Nguyễn Khuê.
Các tác giả đều là người trong một nhà ở Vân Sơn huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Cụ Nguyễn Khuê đậu ba khoa tú tài thời Minh Mạng, Thiệu Trị, hay chữ nổi tiếng. Cụ Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì là con, đều học cụ mà thi đậu Cử nhân dưới triều Tự Ðức.
Cụ Tú Khuê soạn Ngụy Triều Chư Tướng truyện, cụ Nguyễn Trọng Trì (tục gọi là cụ Nghè Trì, vì cụ có làm việc ở nội các cuối triều Tự Ðức) bảo: Tây Sơn há phải là ngụy triều hay sao?. Bởi thế cụ mới soạn tập Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện, chép kỹ hành trạng các tướng tài đã giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp.
Còn Cân Quắc Anh Hùng Truyện và Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam của cụ Huân và cụ Trì ghi chép sự tích Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng. Hai tập ấy bổ khuyết tập Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện vì trong tập này không nói đến chiến công của ba tướng họ Bùi, họ Trần, họ Võ.
Những bộ sách nói trên, sau khi các tác giả qua đời, đều giao cho bà Tú Năm con gái cụ Nghè Nguyễn Trọng Trì, làm dâu nhà họ Ðào ở Phú Phong (Bình Khê) giữ. Nhưng thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ở Phú Phong thường bị tản cư vì giặc ở An Khê thường xuống phá rối, bà Tú bèn đem về Vân Sơn những bộ sử ấy và hơn 100 vở tuồng hát bội do cụ Nghè sưu tầm có, do cụ sáng tác có, giao lại cho người con trai cụ Nghè là ông Tám Chu (em ruột bà Tú) để tránh nạn binh hỏa. Ai ngờ...! Lúc bấy giờ đương lúc khan giấy hút thuốc, ông Tám Chu, người vô học, lần lượt xé quấn thuốc và bán cho người quấn thuốc sạch trơn! Tránh lửa binh gặp lửa thuốc! Lửa tàn bạo cũng như lửa ngu dốt đều là con cháu của lửa Tần.
Nhưng văn chương chưa đến nỗi vô mệnh: Gần đây có người tìm thấy tại nhà của võ sư Hồ Ngạnh - một tay vô địch về roi ở Bình Khê, sau khi họ Hồ tạ thế - một hòm sách chữ Hán, trong đó có một số sách của họ Nguyễn Vân Sơn, như Tây Sơn Văn Thần truyện, Tây Sơn Lương Tướng truyện... Song sách vừa bước chân đến Quy Nhơn liền gặp rủi, phải trở vào danh sơn để đợi người tri kỷ.
Hùng khí Tây Sơn vẫn còn.
Mùa hoa sen Ất Sửu (1985)
QUÁCH TẤN