Thắng cảnh du lịch

Dấu ấn của một Bình Định giàu tiềm năng và truyền thống văn hóa

Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 14:55

Du lịch biển Quy Nhơn:
Không chỉ có Ghềnh Ráng-Tiên Sa

Hình ảnh
Khu du lịch Bãi Bầu nằm ven đường Quy Nhơn-Sông Cầu

Thành phố Quy Nhơn từng nổi tiếng với hai điểm du lịch biển kỳ thú là Ghềnh Ráng-Tiên Sa và bãi Quy Hòa, chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng hai đến ba km. Thắng cảnh Ghềnh Ráng-Tiên Sa cuốn hút du khách vì có ngôi mộ cổ của nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử và bãi tắm Hoàng Hậu.

Mộ Hàn Mặc Tử nằm trên sườn đồi Xuân Vân thơ mộng nhìn xuống phía biển Đông quanh năm lộng gió. Con dốc đá dẫn lên ngôi mộ Hàn Mặc Tử được gọi là dốc Mộng Cầm bây giờ đã được tráng nhựa phẳng phiu, sạch sẽ. Ở phía sau mộ là gian phòng tưởng niệm, lưu giữ được nhiều di ảnh Hàn Mặc Tử và những người thân của ông.

Bãi tắm Hoàng Hậu (tương truyền là bãi tắm của Hoàng hậu Nam Phương trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền trung) đặc biệt thu hút du khách bởi những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim đại bàng nằm chồng xếp lên nhau. Cảm giác tuyệt vời của du khách khi đến đây là có thể thả một chân xuống sóng và chân kia bám vào vách núi. Với bãi Quy Hòa, cảm nhận du khách lại là sự bình yên của thiên nhiên tuyệt đẹp; có thể lắng nghe tiếng vi vút của rừng dương hòa trong tiếng chim hót, tiếng sóng biển êm đềm.

Con đường Quy Nhơn-Sông Cầu mở ra đã tạo cơ hội cho những khu du lịch mới của tư nhân. Đáng kể nhất là các khu du lịch bãi Dài, bãi Dại, bãi Xếp, bãi Bàng và bãi Bầu. Tất cả còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ của biển và núi. Khách du lịch đến đây có thể cảm nhận toàn vẹn sự trong lành của thiên nhiên hoang dã. Họ có thể leo núi, đá bóng, rượt đuổi nhau chân trần trên cát, phơi nắng... rồi ào xuống bơi trên dòng nước trong xanh nhìn thấu đáy. Những ghềnh đá, hang động với đủ các hình thù kỳ dị cũng làm nên những phông ảnh tuyệt đẹp cho người thích chơi hình. Song khoái nhất có lẽ là những cuộc lặn bắt nhum (cầu gai) nằm trong các kẹt đá. Những con nhum mình tròn tua tủa những gai cứng và nhọn không bao giờ là đồ chơi của kẻ yếu bóng vía nhưng nó lại là thức ăn tuyệt ngon. Nhịt nhum lỏng và có mầu như lòng trứng. Nhum đem nấu cháo thì tuyệt.

Khi thấm mệt, du khách có thể lên bờ gọi đĩa ghẹ hay mực hấp, tất cả đều tươi nguyên do vừa mang ở biển vào rồi bưng bát cháo nhum sực mùi hành tiêu húp xì xụp, mọi thứ mệt mỏi đều tiêu tán.

Bắt đầu các dự án du lịch

Giữa năm 2002, công ty liên doanh khu du lịch Bãi Dài do Công ty du lịch Bình Định liên doanh cùng một công ty Áo đã khởi công xây dựng khu nghỉ mát Bãi Dài. Nơi đây sẽ có trung tâm dịch vụ ăn uống, giải trí phong phú và sang trọng với hồ bơi, quán rượu, khu thể thao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch thám hiểm và khu vật lý trị liệu; các bungalo đều đạt tiêu chuẩn bốn sao... Và trong tháng 9 vừa qua, tỉnh Bình Định cũng đã giao đất cho Công ty Hoàng Anh (Gia Lai) để chuẩn bị xây dựng một khu nghỉ mát khác nằm ngay đoạn phía nam bãi biển Quy Nhơn tiếp giáp với đồi Ghềnh Ráng.

Riêng khu Ghềnh Ráng-Tiên Sa được giao cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn đầu tư. Nơi đây, lầu Ông Hoàng, nơi nghỉ mát của cựu hoàng Bảo Đại xưa kia, sụp đổ trong chiến tranh sẽ được tôn tạo lại. Theo dự án của Tổng công ty du lịch Sài Gòn, khu di tích Ghềnh Ráng sẽ được trồng cây tái tạo cảnh quan, nuôi thả động vật hoang dã. Ven khu di tích này, cũng sẽ xây dựng các khu dịch vụ tắm biển.. Du lịch biển Quy Nhơn, theo cam kết của Tổng công ty du lịch Sài Gòn, sẽ được bổ sung vào bản đồ du lịch quốc gia. Du lịch biển Quy Nhơn kết nối với tuyến du lịch ven đường Quy Nhơn-Sông Cầu đang được đánh thức, đầy hứa hẹn.

Nguồn tin: SGTT
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 14:58

Đặc sắc tượng tre

Hình ảnh
Tượng tre

Làm tượng tre là một nghề mới phát triển ở một số làng nghề truyền thống. Từ những rễ tre vô hồn, người làm tượng đã chế tác thành những bức tượng sinh động.

Thợ trẻ - nghề mới
Một số nghệ nhân ở tỉnh Bình Định bảo: Nghề mới này là do chúng tôi nghĩ ra; một số nghệ nhân khác ở Đồng Kỵ - Bắc Ninh cũng bảo "Nghề này, khởi xướng từ đây chứ còn ở đâu!"; còn mấy "ông" thợ trẻ măng, mới mười tám đôi mươi ở xã Thiết Úng - Đông Anh Hà Nội cũng lại bảo: "Chúng em nghĩ ra chứ còn ai nữa"!

Tôi đã đến Thiết Úng: Cả làng làm tượng gỗ truyền thống. Một vài nhà có thanh niên trẻ khỏe, táo bạo đầu tư sang nghề mới này. Anh Đỗ Đức Thuận ở làng này là một trong số những người như thế, anh kể cho tôi nghe về cái nghề độc đáo này:

Làm tượng tre với số lượng ít thì chẳng có gì đáng nói; làm số lượng lớn để bán thì phải tổ chức đổ đi nhiều nơi để thu mua gốc tre. Tuy vậy, không phải cứ chỗ nào có tre là cũng có thể "xông" vào hỏi mua được đâu. Nếu cứ vào như vậy thì phải chấp nhận mua với giá "cắt cổ", có khi tính ra mỗi một gốc đem về nhà, mất già nửa tiền một tượng tre hoàn chỉnh. Vì vậy mình phải thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin chỗ này nay mở đường, chỗ kia mai mở ngõ..., người ta phá tre đi, mình có thể đến thu mua được hàng nghìn cụm - giá rẻ mà mất ít công đào. Có những chỗ ủi đến xin là được.

Đưa về, cẩn thận tỉ mẩn bới đất ra giữa các gốc. Cách gỡ đất là phải dùng máy phụt nước loại thật mạnh để luồn vào từng ngõ ngách - lấy đất ra, không được dùng vật cứng làm đứt đi từng chiếc rễ, hốc mắt của gốc... vì có khi sau này đưa vào chế tác, chính cái rễ đánh đứt lại vào cụm râu nhân vật hay lại rơi vào chỗ "mày phải", "mày trái" thì... xót lắm? Sau khi đã rửa sạch sẽ, gác lên cho khô. Lúc nào thư thái như ăn cơm xong, đến vần lên vần xuống cả cụm, ngồi xỉa răng, tính: gốc này to, dài, có nhiều rễ để làm ông "Quan Vân Trường" gốc kia, mập, nhẵn, có bướu trên trán làm "ông Thọ", "ông Tiên"; còn đây để làm ông "Di Lặc"... Nếu không biết lựa chọn có khi phải chắp chắp vá vá, gọt tỉa cả ngày... không xong. Ví như chọn gốc ít rễ làm "Quan Vân Trường", hay nhiều rễ lại chọn làm "ông Thọ'... thì phí lắm.

Tượng tre với Sea Games
Nói về khách mua - kén chọn tượng, Thuận bảo: Khách nước ngoài khó tính lắm, nhất là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... pho tượng tre không may chỉ bị một vết dập nứt (khi đánh gốc) dù rất nhỏ, có bán rẻ mấy họ cũng lắc đầu. Hay tượng ông "Quan Vân Trường", cũng vẫn lông mày đậm - nhưng mắt không xếch, họ cũng lắc đầu. Khách ta thì dễ tính hơn, tượng do các cháu học việc làm, sơ ý cắt mất râu chỗ nọ lại để thò chỗ kia - đôi lúc họ cũng đồng ý mua...

Tựu trung, nghề làm tượng tre này cơ bản là phải biết phát huy ưu thế đặc biệt của bộ rễ, vì khách mua chơi cũng chính nhờ sự thán phục người thợ tài hoa biết biến những cái rễ tre từ vô hồn trở nên sống động gần gũi.

Về giá tượng, Thuận bảo, tượng nào đẹp nhất em cũng chỉ bán được với giá 200.000 đồng/tượng (còn lại trung bình 50.000 đồng). Mỗi ngày Thuận và mấy công nhân giúp việc cũng hoàn thành được vài ba pho tượng. Làm ra đến đâu các thương lái khu vực phố cổ sang mua hết đến đó, về bán lại cho khách du lịch. Thuận cho biết thêm:

"Bắt đầu từ tháng sau, em sẽ tuyển thêm học trò để tập trung làm tượng đẹp dự trữ phục vụ khách nước ngoài đến Việt Nam vào dịp Sea Games".

Nguồn tin: báo Nhân Dân (Nguồn webdulich.com)
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 15:00

Núi Kỳ Đồng và Bàu Sấu


Mạch đất An Nhơn về phía đông xã Nhơn Mỹ uốn lượn gồ ghề rồi cất lên thành một quả núi cao chừng trăm thước án ngữ ba thôn Ðại An, Thiết Tràng, Tân Ðức. Núi như một con rồng chạy đến giáp sông La Vĩ thì ngoảnh về phía tây, mê mẩn trước một bàu nước xanh thơ mộng.

Núi ấy gọi là núi Kỳ Ðồng, bàu kia gọi là bàu Sấu, vì rằng từng có cá sấu ở. Ngắm núi Kỳ Ðồng từ điểm khởi sơn về nơi tọa lạc, gò đống nối dài hợp với sườn núi khoan thai thoải xuống mặt bàu tựa như một con rồng xanh đang mải mê uống nước, chả trách người xưa bảo núi tượng hình thanh long ẩm thủy.

Sau khi Ðào Doãn Ðịch, thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Cần Vương ở Bình Ðịnh qua đời, Mai Xuân Thưởng đã cho xây dựng rất nhiều căn cứ kháng chiến. Một trong số đó là căn cứ núi Kỳ Ðồng. Song Mai Xuân Thưởng chọn nơi đây làm căn cứ không phải vì cảnh đẹp, mà vì thế núi rất thuận lợi cho việc trú quân lẫn dụng binh. Trong núi rừng có hang, không hay lớn nhỏ thế nào, chỉ biết tại mặt nam núi đến nay hãy còn dấu tích một miệng hang chừng 2m2, cây dại mọc đầy. Dẫn từ hang ra bàu Sấu là một con đường đất nhỏ, hoang phế đã lâu ngày. Bàu Sấu rộng ngót ba mẫu, nước sâu thăm thẳm, thông với sông Côn. Từ núi Kỳ Ðồng, có thể theo đường thủy lẫn đường bộ tới các căn cứ khác của nghĩa quân thuộc huyện Tây Sơn. Mặt khác quãng chân núi phía đông giáp sông La Vĩ mở ra một lối thủy lưu quan trọng sang thành Ðồ Bàn, tỏa về một vùng dân cư ven thị đông đúc, rất thuận lợi cho việc thu thập thông tin và tiếp tế lương thực, vũ khí.

Năm 1887, quân Pháp và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy đã tấn công với quy mô lớn vào các căn cứ cần vương ở Bình Ðịnh. Quân địch quá đông. Nghĩa quân quá ít. Ðịch trang bị súng ống đạn dược. Nghĩa quân vũ khí chủ yếu là giáo mác thô sơ. Lần lượt các căn cứ Kho Lương, Thứ Hương Sơn, Bắc Trại, Nam Trại bị giặc chiếm. Nghĩa quân bị tổn thất lớn, chỉ còn vài trăm người. Mai Xuân Thưởng quyết định chọn Bàu Sấu làm nơi bày trận sống mái với quân thù.

Suốt hai ngày đêm, dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã chiến đấu rất kiên cường. Ban đầu, dựa lưng vào thế núi, nghĩa quân đã tiêu diệt được hàng trăm tên giặc. Nhưng Trần Bá Lộc cậy thế quân đông cứ xua binh tràn lên hết đợt này đến đợt khác, nghĩa quân trúng đạn hy sinh rất nhiều, máu trôi đỏ nước bàu và loang dài một khúc sông. Mai Xuân Thưởng bị thương nặng. Những nghĩa quân sống sót bèn mở đường máu đưa nguyên soái về mật khu Linh Ðỗng. Tìm không ra Mai, Trần Bá Lộc thẳng tay đàn áp nhân dân của ba thôn quanh núi Kỳ Ðồng. Chúng báo lên Nguyễn Thân. Tên gian thần này liền ra lệnh bắt giam dân chúng hai làng Phú Lạc, Phú Phong, trong đó có người mẹ già yếu Mai Nguyên Soái. Giặc bắn tin rằng nếu ông không ra hàng, chúng sẽ giết cụ bà và làm cỏ hai làng Phú Lạc, Phú Phong. Trước tình thế đó, Mai Xuân Thưởng quyết định hy sinh để cứu mẹ và dân làng khỏi nanh vuốt giặc. Ngày 4 tháng 5 năm 1887, ông ra nộp mình ở đình Phú Phong.

Ngày 6 tháng 6 năm 1887 (tức rằm tháng tư năm Ðinh Hợi) giặc đưa ông cùng 11 tướng lĩnh cần vương Bình Ðịnh ra chém tại Gò Chàm. Tương truyền, ngày lên đoạn đầu đài. Mai nguyên soái mặc áo dài vải ta trắng. Trước lúc thọ hinh, ông xé vạt áo trước, cắn ngón tay bật máu viết một bài thơ rồi ném vào không trung. Vạt áo mang bài thơ tuyệt mệnh của ông được gió nâng bổng lên cao, bay rất xa rời rơi xuống đám đông đồng bào chen chúc tiễn ông dưới chân gò. Một nghĩa quân cũ của Mai công bắt được, âm thầm giấu vào ngực áo. Sau người ấy quy y, thờ di vật của nguyên soái tại chùa Minh Tịnh. Sư thường giao du với một tín chủ họ Lê quê tại núi Kỳ Ðồng, thấy người này rất mực yêu kính Mai Công, bèn đem tặng lại, dặn rằng: “Bài thơ tỏ rõ chí khí của Mai nguyên soái. Nhờ ông minh bạch với đời”.

Vị tín chủ làm theo lời dặn của nhà sư, đặt vạt áo Mai công vào một cái tráp, mang về đặt giữa án thờ nhà mình, hôm sớm đèn hương cung kính. Về sau giặc giã, nhà cháy, vạt áo thiêng cũng thành tro, nhưng câu chuyện và bài thơ tuyệt mệnh của Mai công cụ Lê đã kịp truyền lại cho người đời và con cháu:

Không tính làm chi việc mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Ðá tạc lòng trung núi mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Ðỏ lòe bìa sách máu là son
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới
Một nhánh mai già trổ nụ non.

Người con thứ của cụ Lê là Lê Kim Anh, tục gọi ông Chín Nương, nay đã tám mươi ba tuổi, ngày ngày vẫn ra chòi quán bên bến Tân Kiều xem khách lại qua. Có ai ngỏ ý tìm thăm núi Kỳ Ðồng và báu Sấu, ông sẽ khẩn khoản mời ngồi lên cái chõng tre, kể về trận đánh hào hùng của nghĩa quân cần vương Bình Ðịnh, về vạt áo thấm máu của Mai nguyên soái, đọc lại bài thơ chính khí của người xưa rồi tận tụy chỉ đường.

Qua ông Chín Nương, tôi được biết dân chúng quanh vùng Kỳ Ðồng, Bàu Sấu đã lấy ngày 14 tháng tư âm lịch hàng năm làm ngày kỵ vong hồn nghĩa quân chết trận bàu Sấu. Lệ ấy đên nay hãy còn.

Nguồn tin: http://www.saigonnet.vn
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 15:01

Chợ gò


Ai đi chợ Gò (thuộc xã Phước Nghĩa - Tuy Phước - Bình Ðịnh) đều có những kỷ niệm đẹp khó quên. Theo phong tục thì mỗi năm chợ chỉ họp hai phiên vào ngày mùng 2 và mùng 3 Tết âm lịch. Chợ họp trên một gò đất cao dưới chân núi Hàm Long bên bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại vì vậy mà gọi là chợ Gò. Ðiều kỳ thú ở đây là du khách đi hội chợ bị cuốn hút không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn do được dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Người đi hội chợ mua bán lấy may không mặc cả, không cò kè bớt một thêm hai như chợ hàng hoá ta thường thấy. Trong khi hầu hết các chợ Tết quê nơi khác nay đã vắng bóng hình ảnh ông đồ già viết, bán câu đối trên giấy đỏ thắm thì ở chợ Gò tục viết, bán câu đối Tết vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1990, báo Bình Ðịnh phát động cuộc thi câu đối về chủ đề Bác Hồ, chỉ trong 30 ngày đã có 136 vế đối của 72 tác giả thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội tham gia. Cả những cụ cao niên 79 tuổi đến những em thiếu nhi 11 tuổi cũng có những vế đối rất hay. Những chiếc chiếu hoa được trải ra lối cổng chợ cùng các cụ già râu tóc bạc phơ quần thâm, khăn xếp, thảo những nét chữ kỳ tài diệu bút trên giấy đỏ. Người xem, người mua đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của nét chữ, ý hay thâm thuý của câu đối. ở đây, nghệ thuật chơi chữ và viết chữ đủ cả bốn lối: Triện (vuông), lệ (nghiêng), chân (rõ ràng), thảo (viết thoắng) là sở trường của những nhà nho, ông đồ văn hay chữ tốt. Nhưng lối viết câu đối thảo vẫn được nhiều người ưa thích nhất. Mỗi một vế đối như một bức tranh nghệ thuật độc đáo. Ai "chơi chợ" cũng muốn có một câu đối về treo trong nhà để đón xuân phù hợp với hoàn cảnh, ước nguyện của gia đình. Người muốn lúa tốt bội thu lợn đàn, gà bầy, kẻ mong con cháu đi xa được bình an, đỗ đạt cao kỳ thi tới. Vì thế hội chợ có muôn vàn câu đối khác nhau, không câu nào giống câu nào. Câu đối được nhiều người tâm đắc nhất là:

Hiếu tử tôn từ vạn đại như kiến
Tổ tông công đức bách tuế bất niên.
Dịch:
Văn hóa ngàn năm rèn bản sắc
Giống nòi muôn thuở đúc tài năng

Nếu ở Bắc Bộ, hội cờ xuân thường diễn ra ở sân đình thì ở đây hội cờ lại diễn ra ngay tại chợ. Các tay cờ hoàn toàn mang tính giải trí thuần tuý. Song như thế không có nghĩa là nước cờ thấp. Họ lên xe, xuống pháo như thần kém gì các tay cờ gạo cội trong làng cờ người Việt. Nếu bạn có dịp chơi hội chợ Gò mời bạn hãy thử chơi một ván, người dân ở đây nồng nhiệt tiếp bạn.

Hội chợ Gò diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa rất lớn vì nó tạo ra không khí vui tươi thoải mái sau một năm miệt mài lao động vất vả và đi vào ký ức người dân nơi đây như một mảng tâm hồn tươi sáng và tìm về với bản sắc dân tộc, tìm về với cội nguồn của chính mình.

Nguồn tin: VOV
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 15:04

Tản mạn núi Bà


Chuyện nàng Vọng phu có thể có thật, cũng có thể không có, nhưng hình tượng hóa đá của nàng thì như một bản di huấn của tổ tiên nhắc nhở con cháu muôn đời về nỗi tủi nhục vì đói nghèo. "Núi Vọng phu" ở Bình Ðịnh còn gọi là "Núi Bà", vì tôn vinh người đàn bà tiết nghĩa, kiên trinh ấy mà có tên gọi như vậy.

Kể cũng lạ, khắp đất nước ta có khá nhiều nơi có núi mang tên "Vọng phu", nghĩa là mong ngóng đợi chồng. Truyền thuyết về "Núi Vọng phu" na ná như nhau, đại khái là vì quá nghèo khổ mà hai anh em nhà nọ (anh trai và em gái) ngay từ thuở bé đã phải lưu lạc mỗi người một nơi "tha phương cầu thực". Rồi nhiều năm sau vì không nhận ra nhau mà họ trở thành vợ chồng và có con. Bỗng một hôm họ có dịp tâm sự về cái quá khứ của mình, người chồng mới phát hiện: hóa ra vợ mình lại chính là em ruột mình. Anh ta tủi hổ: chỉ vì nghèo khổ mà dẫn họ đến phạm tội loạn luân. Thế là anh chồng bỏ nhà lặng lẽ ra đi, một cuộc ra đi không bao giờ trở lại. Người vợ bồng con năm tháng mòn mỏi trông mong chồng về, đến hóa đá mà nàng cũng chưa biết được vì sao chồng nàng lại mãi mãi ra đi. Chuyện nàng Vọng phu có thể có thật, cũng có thể không có, nhưng hình tượng hóa đá của nàng thì như một bản di huấn của tổ tiên nhắc nhở con cháu muôn đời về nỗi tủi nhục vì đói nghèo.

"Núi Vọng phu" ở Bình Ðịnh còn gọi là "Núi Bà", vì tôn vinh người đàn bà tiết nghĩa, kiên trinh ấy mà có tên gọi như vậy. "Núi Bà" Bình Ðịnh sách xưa chép là Bô Chinh đại sơn. "Bô chinh" có nghĩa là lánh cái chiêng, ngọn núi lớn mang tên trốn lánh cái chiêng ư ? Tối nghĩa quá. Tôi ngờ rằng "bô chinh" là phiên âm từ ngôn ngữ Chămpa, cũng như chữ Chiêm thành (Zhàn chéng) vốn dĩ phiên âm từ danh từ Chăm hoặc Chàm vậy.

"Núi Bà" hay "Bô chinh đại sơn" là dãy núi lớn như một quả tim khổng lồ đặt chính giữa cơ thể huyện Phù Cát. Mặt phía đông ngăn nước biển tràn vào đất liền; mặt phía nam và tây, tây bắc bảo vệ cuộc sống của cư dân các huyện Phù Cát, An Nhơn và Tuy Phước. Trên "Núi Bà" có con "suối treo" mà sách xưa gọi là "Bộc tuyền", vì nước suối từ dốc cao đổ xuống như hình tấm lụa treo. Ngọn "chóp vung" của dãy Núi Bà là đỉnh cao nhất, cách mặt biển 1000m, di tích chùa ông Núi, một thắng cảnh tuyệt vời nằm ở lưng chừng đỉnh "chóp vung", nơi mà Danh nhân Văn hóa Ðào Tấn từng ẩn cư và đề thơ.

Bách bát chung thanh khước thụ diên
Ngẫu tùy ngâm tuyết khấu đàn duyên
Thập niên hồ hải quy lại mộng
Nhất kính yên hoa tự tại thiên
Giai sĩ từ bi ninh thị Phật
Sơn ông danh tự bán nghi Tiên
Thanh tuyền tế ẩm tri Chân vị
Bất phụ nhân gian phất diễm truyền

Nghĩa là

- Một trăm lẻ tám tiếng chuông (1) vang tận đọt cây
- Tha hồ mà làm thơ, đọc sách, gõ mõ niệm Phật
- Giấc mơ trở về sau mười năm đó đây
- Bầu trời mặc sức (tự do) một cõi khói, hoa
- Là kẻ sĩ mà đi tu thà làm Phật thiệt
- tên gọi là ông Núi nửa ngờ rằng vị Tiên
- Nhấm nháp dòng nước suối trong lành mới biết mùi đạo "Chân như" (2)
- Quả là cảnh đẹp lộng lẫy, người đời truyền tụng không ngoa.

Còn về di tích "đá Vọng phu" thì ngọn "Vọng phu" cao cách mặt biển 700m, thời Tây Sơn khởi nghĩa nơi đây là "Vọng hải đài" có thể kiểm soát một vùng trời biển rộng lớn.

Tương truyền khoa thi cuối cùng của trường thi Bình Ðịnh (1915) có một thí sinh nào đó đã xúc cảnh hứng hoài vịnh đá Vọng phu Bình Ðịnh như thế này:

Cám cảnh cho bà đã có công
Non cao chót vót đứng trông chồng
Mảnh gương tiết nghĩa lòa trời đất
Tất dạ kiên trinh rạng núi sông
Muôn thuở sương sa đầu chẳng bạc
Ngàn năm nắng dãi má thêm hồng
Lòng bà thương nhớ ông như vậy
Ngàn dặm tình ông có vậy không?
(Bài thơ do cụ Võ Nhĩ ở Chợ Gồm, Phù Cát nhớ đọc lại cho anh Huỳnh Lý ghi)
Vũ Ngọc Liễn

(1) Theo kinh Phật tổng kết, nhân gian có 108 nỗi khổ đau cần được giải thoát, 108 tiếng chuông biểu tượng số lượng nỗi khổ ấy.
(2) Chùa ông Núi, ngoài tên gọi là "Linh Phong Tự" ra còn tên gọi gốc là "Dũng Tuyền Tự", vì chung quanh chùa có dòng nước suối trong, mát, chảy quanh năm, không bao giờ cạn kiệt; đến nay vẫn vậy.

Nguồn tin: Sưu tầm http://www.webdulich.com
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 15:06

Chợ tết gò Chàm


Cách thị trấn Bình Ðịnh chừng hai cây số về phía bắc, chợ Gò Chàm tọa lạc trên một khoảnh đất cao, rộng chừng hai mẫu tây, phía bắc giáp sông cầu Chàm, phía tây sát quốc lộ 1. Ngày nay, nơi ấy nhà cửa mọc lên san sát lại có một bệnh xá, không còn dấu vết gì một ngôi chợ lớn nhất tỉnh, nhưng địa giới là cây cầu bắc qua quốc lộ 1 vẫn còn đó và vẫn giữ nguyên cái tên "Cầu Chàm" như thuở nào.

Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi danh hiệu là chợ Bình Ðịnh, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

Phiên chợ tết khác với phiên thường vì có nhiều người đến chợ để dạo chơi, ăn uống, thết đãi bạn bè và càng về đêm người dạo càng đông. Người đi chợ để mua bán cũng tăng lên gấp nhiều lần vì phiên chợ này không thiếu món sơn hào hải vị nào cần mua sắm làm cỗ dọn tết. Họ réo gọi nhau tốp năm tốp ba cùng đến chợ cho vui, trong bài vè chợ Gò Chàm đã diễn tả quang cảnh rộn rịp ấy:

Bớ chị em ơi! Ði chợ
Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
Còn thêm bánh đúc bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
Những con cá chép cá thu
Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon

Người cần mua sắm quần áo, nữ trang để chưng diện trong dịp tết, đến chợ Gò Chàm tha hồ lựa chọn cho vừa ý:

Những còn hàng giép hàng giày
Nón ngựa nón chóp bán rày liên thiên
Lại còn những món nhiều tiền
Cà rá, hột đá, dây chuyền, dầu thơm...

Chợ Gò Chàm còn có riêng một khu chuyên bán súc vật, quen gọi là chợ Bò. Tuy đặt tên như vậy nhưng người ta đem bán đủ loại gia súc: từ trâu, bò, heo, dê, cừu đến gà vịt, ngỗng, chim chóc... và có cả thú rừng mới vừa săn bắt hay đã thuần hóa; cứ đến chợ Gò Chàm, nhất là phiên chợ tết là có ngay. Một đặc điểm nữa, phiên chợ tết có bán gà thiến, cho thịt thơm ngon mềm và béo, dùng vào việc làm lễ vật rất thông dụng. Dân trong vùng có tục lệ "mồng một tết cha, mồng ba tết thầy" Nào là chàng rể lễ tết cha mẹ vợ, tân gia đi tết thầy địa và thợ cả dựng nhà, tang gia lễ tết thầy liệm, thầy cúng, võ sinh lễ tết sư phụ, học trò lễ tết thầy cô giáo... rầm rộ thành phong trào lễ tết hàng năm.

Trong hai phiên chợ tết Gò Chàm, phiên 23 lớn hơn và vui hơn vì ngày tết tương đối còn xa, đủ thời gian kịp mua kịp bán. Nhiều thương nhân từ các tỉnh khác chở hàng hóa đến bán:

Xem ra chẳng thiếu hàng nào
Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào cũng vô ...

Có cả những lái buôn từ miền núi chở lâm sản xuống và mua sỉ hàng hóa, thực phẩm ở đồng bằng đem về xứ bán lại kiếm lời:

Buôn mọi bán rợ
Mấy chú An Khê
Ở trển đem về
Xấp trần nài rể

Phiên chợ 23 còn một điểm thuận tiện nữa, vừa lúc các trường thi xong kỳ đệ nhất lục cá nguyệt, chuẩn bị liên hoan, chia tay về nghỉ tết. Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, ở thị trấn Bình Ðịnh có ba trường trung học đệ nhị cấp: một công lập, một bán công và một tư thục, có thêm môt trường tiểu học; các thầy cô và học sinh đều rảnh rỗi, họ rủ nhau dạo chợ đêm, mua vài món hàng đặc sản đem về xứ làm quà tết, cả nhân viên của các ngành của quận An Nhơn cũng tham gia. Nhờ thế, chợ tết càng đông đúc khách dạo chen chúc với kẻ bán người mua, suốt đêm dập dìu tấp nập, vui không xiết kể.

Phiên chợ 28, cận ngày tết quá, nhất là những năm gặp phải tháng thiếu (chỉ có 29 ngày) nên vắng khách phương xa nhưng bù lại phiên cuối năm đặc biệt có thêm chợ hoa:

Ðường cát Dương An
Ðĩa bàn nội phủ
Thêm đủ hàng hoa...

Người ta đến xem hoa, mua hoa, nơi hội ngộ của nghệ nhân trong vùng và tao nhân mặc khách. Ở đây có đủ loại hoa kiểng, từ những cội mai núi hình thù kỳ dị đến những cành mai vườn đầy ắp nụ. Chỉ cần mua vài chậu hoa lạ đem về tô điểm cho giàn cây kiểng (2) sẵn có là thấy cảnh nhà hực hở lên rồi.

Sau phiên chợ 28, hầu như trong tỉnh không còn phiên chợ nào đáng kể nữa, dân chúng cũng cần ở nhà lo làm cỗ cúng rước ông bà và chuẩn bị đón giao thừa.
www.webdulich.com
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 15:08

Đập Đá : Địa chỉ du lịch thú vị


Huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có 13 xã thì hầu hết các xã được bắt đầu bằng chữ Nhơn, như: Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Thành, Nhơn Lộc… Riêng có một xã mang cái tên khác lạ: Đập Đá (trước là xã, nay đã thành thị trấn)

Sở dĩ xã được mang tên hành chính như vậy vì xưa kia đây là vùng sông nước với sông Kôn, sông Đập Đá và nhiều nhánh chằng chịt. Các cư dân vùng này phải đắp đập bổi để canh tác gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá, vì chỗ này sông rộng, có bến đá ong nổi tự nhiên rất đẹp.

Đập Đá nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Thái Đức Nguyễn Nhạc. Là phên dậu của đất đế vương nên nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng. Đó là nghề dệt vải với các loại hàng cao cấp như lụa, the, lương, xuyến, lãnh. Đó là nghề rèn, nghề đúc đồng với các đồ thờ cúng như tượng, lư, đỉnh… Đó là nghề làm nón ngựa, làm giày da guốc mộc để các chàng công tử ăn diện. Rồi là các nghề chăn tằm ươm tơ, nghề tiện gỗ, nghề gốm, nghề kim hoàn, nghề khảm xà cừ, nghề làm nhang, làm đồ hàng mã… khá phát triển ở mỗi thôn xóm của Đập Đá tạo nên sự đa dạng ngành nghề thủ công và việc buôn bán sầm uất.

Đập Đá là nơi xưa kia anh Hai Trầu Nguyễn Nhạc thường xuôi ngược sông Kôn từ Tây Sơn Thượng đạo xuống, chở theo trầu cau mua bán, đổi chác hàng hóa ở đây nhưng cũng là để thăm dò dân tình, chuẩn bị tổ chức lực lượng cho cuộc khởi nghĩa. Đây chính là quê hương của ông "Chảng Ngang Thiên" Đinh Văn Nhưng, một trong những thầy dạy võ, người đỡ đầu anh em Tây Sơn.

Đập Đá nổi tiếng từ lâu đời nên đã đi vào ca dao:

Em về Đập đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng
...Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách, sau dò ý em
…Anh về Đập Đá, Gò Găng
Cùng em kéo sợi dưới trăng chung tình…

Đập Đá ngày nay là một thị trấn sầm uất nằm cạnh quốc lộ 1A, con đường giao thông huyết mạch xuyên suốt Bắc - Nam nên càng thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, thương mại. Thành Hoàng Đế đang được khai quật khảo cổ, phát hiện ra nhiều hiện vật quí giá từ thời Chiêm Thành đến thời Tây Sơn. Chắc chắn đây sẽ là địa chỉ du lịch khá thú vị cho những ai quan tâm đến văn hóa và lịch sử, không chỉ vùng thành Hoàng Đế mà cả Đập Đá nữa

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 05-09-2008, 15:11

Về lại bến My Lăng

Hình ảnh
Bến đò Trường Thi

Bến My Lăng trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan có thật trong đời thường hay chỉ là hình ảnh tưởng tượng trong thi ca? Theo tác giả Côn Giang thì đó chính là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền, Bình Ðịnh, cách nhà của Yến Lan không xa.

Bến My Lăng, nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buồn câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái đò buồn để gió lén mơn râu...

Cách đây hơn bốn mươi năm, lúc đó tôi đến thuê căn nhà nhỏ để trọ học nằm ở phía tây nam thành Bình Ðịnh, tên quen gọi hồi đó là Cửa Tiền. Cửa thành lúc đó vẫn còn và cảnh trí chung quanh có vẻ hoang tàn, vắng vẻ lắm. Sở dĩ gọi tên Cửa Tiền có lẽ thuở xưa cửa chính của thành nằm ở mặt này nên gọi như thế. Còn con sông chảy, trước mặt Cửa Tiền cũng mang tên Cửa Tiền, một phân lưu quan trọng của sông Côn đổ nước ra đầm Thị Nại. Ðoạn sông đổ ra đây tương đối rộng, khoảng chừng vài trăm mét, bên kia sông là xã Nhơn Hòa, bên này sông là đất xã Nhơn Hưng, tất cả đều thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Hai bên bờ sông là hai hàng tre gai chạy dài tít tắp. Phía sau hàng tre là xóm làng trù mật, ruộng vườn xanh mướt cùng các loại soai mía, soai đậu mượt mà. Con sông Cửa Tiền vào mùa khô chỉ là bãi cát trắng xóa, vào giữa trưa hơi nóng từ mặt cát bốc lên hầm hập. Cả dòng sông thu hẹp lại thành con lạch rộng chừng chục bước chân và chiều sâu chưa quá gối. Vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về, cuồn cuộn dòng phù sa đục ngầu. Bấy giờ, khách sang sông phải lụy đò. Ðiều tôi muốn nói ra đây là bến đò. Vâng, có một bến đò đã đi vào dòng văn học Bình Ðịnh, và gắn liền với lịch sử. Bến đò tên là Trường Thi, nằm ở phía Cửa Tiền. Bến đò chỉ hình thành vào mùa nước lớn, tồn tại từ tháng chín cho đến tháng chạp âm lịch. Sau đó, chuyến đò chuyển nơi khác, neo đậu ở một đoạn sông nào sâu hơn, còn lái đò thì chuyển nghề khác kiếm sống để chờ vào mùa nước lớn năm sau.

Bến đò ngày thường vắng vẻ. Tôi thường ra ngồi ở đây, dưới bóng bụi tre râm mát ngay tại bến. Tôi thường vượt qua con sông vào buổi trưa hè, chạy trên mặt cát nóng bỏng đến cháy cả bàn chân. Kỷ niệm khó quên nhất của tuổi học trò là ban đêm, tôi dám bạo gan qua sông giữa màn đêm vắng vẻ để thăm cô bạn gái ở bên kia sông. Sau đó tôi không vượt qua nữa kể từ khi nghe tin cô gái sắp lấy chồng.

Còn bến đò Trường Thi, tôi vẫn thường ra đó ngồi hóng mát và tắm rửa. Từ nhà trọ ra đây khoảng cách chừng trăm mét, nhưng phải đi qua một đoạn đường xe lửa rồi mới đến bờ sông. Tôi nhớ như in những cây cối mọc ven đường, những mái nhà lá lúp xúp, một đoạn đất trống mà người ta bảo, thuở xưa, nơi đây là trường thi hương của tỉnh Bình Ðịnh, từng là nơi gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước bôn ba xuôi ngược. Ðến thời Pháp thuộc, trường thi bị bỏ hoang rồi sụp đổ trong thời kỳ chiến tranh. Vì bến đò nằm gần trường thi nên mới gọi là bến Trường Thi.

Sau này, tôi theo học những lớp cao hơn được nghe các bậc thầy giảng dạy, bảo bến My Lăng trong thơ của nhà thơ Yến Lan chính là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Khi ấy tôi không ngờ chính tôi là người khách quá quen thuộc tại bến My Lăng. Và bến My Lăng trong thơ Yến Lan phải là mùa nước lớn cơ! Mùa nước lớn mới có đò đưa khách sang sông và đêm đêm vang vọng trên sông tiếng gọi đò.

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, Bến My Lăng.

Và, người đưa khách sang sông phải chăng là chính tác giả, nhà thơ Yến Lan?

Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách
Ðể thuyền hồn rời khỏi Bến My Lăng.

Cửa Tiền và Cửa Ðông của thành Bình Ðịnh cách nhau không xa. Nhà của Yến Lan ở Cửa Ðông, nay nằm lọt thỏm trong chợ Gò Chàm, tức chợ Bình Ðịnh.

Sau năm 1975, nhà thơ Yến Lan về ở tại ngôi nhà cũ, ông có thói quen ra ngồi uống trà ở gian nhà dùng làm nơi mua bán hàng nông phẩm của người con, vừa trông nom nhà cửa. Vào khoảng cuối đời, nhà thơ trông có vẻ yếu, tôi có đánh bạo đến thăm nhà thơ hai lần. Tôi có đem chuyện thắc mắc về địa danh bến My Lăng trong thơ ông, thì ông bảo, bến My Lăng chính là bến đò Trường Thi.

Nhân một chuyến đi thăm bà con, tôi lại về thị trấn Bình Ðịnh, rong ruổi đến bến đò Trường Thi năm xưa. Hơn bốn mươi năm trôi qua, bây giờ cảnh sắc nơi đây đã đổi thay nhiều quá! Nhà cửa chen nhau dày đặc, chạy dài ra bến sông. Bến đò, thật ra còn đâu nữa! ở đây người ta đã bắc cây cầu bằng tre ngang qua sông nối liền đôi bờ. Tôi bước chân lên cầu mà nghe lòng thổn thức gợi lại biết bao kỷ niệm cả vui lẫn buồn trên bến Trường Thi, Bến My Lăng...

Nguồn tin: http://www.webdulich.com
BẾN MY LĂNG

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người theo tiếng địch
Chở mãi hồn lân tắm bến trăng cao
Vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
Trời võ vàng trời thiếu những vì sao

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời sao chỉ rải giăng giăng
Chiều ngun ngút dài trôi về nẻo quạnh
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng

Nhưng đêm kia đền một chàng kỵ mã
nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng cất tiếng gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lái vần say trăng, đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng

Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng ....


- Yến Lan –
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)

Re: Thắng cảnh du lịch

Gửi bàibởi My Lăng » 10-09-2008, 19:20

Đến với Bảo tàng Quang Trung


Tọa lạc ở huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 60km, giáp với huyện An Khê (Gia Lai), Bảo tàng Quang Trung chứa đựng bao điều bí ẩn của lịch sử. Tưởng như điều bí mật ấy sẽ ngủ yên sau hàng trăm năm nay, nhưng nó đã được đánh thức trong Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008, được tổ chức vào những ngày tháng 8.

Hình ảnh
Toàn cảnh bảo tàng

Đền thờ tam kiệt

Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, lẫy lừng nhất vẫn là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhà Tây Sơn có gốc họ Hồ ở Nghệ An, sau đó di cư đến Bình Định.

Với tài năng chỉ huy nghĩa quân bừng bừng khí thế tiến ra Bắc đánh bại 20 vạn quân Thanh chỉ trong mười ngày, Quang Trung vẫn khiến người đời sau luôn thán phục. Trong thuật dùng người, Quang Trung đã chọn dưới trướng mình những dũng tướng như vợ chồng Võ Văn Dũng - Bùi Thị Xuân, đô đốc Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh… và các quan văn tài giỏi như Ngô Thì Nhiệm, Ngô Văn Sở… Khi Nguyễn Ánh giết hết nhà Tây Sơn thì cũng mất đi những nhân chứng lịch sử, vì vậy nhiều câu hỏi được đặt ra mà không có câu trả lời.

Hình ảnh
Giếng nước không bao giờ cạn, được phong di tích

Sau khi vượt qua cầu Cảnh, du khách sẽ đến đền thờ nhà Tây Sơn được xây dựng trên chính ngôi nhà thuở sinh thời của ba anh hùng áo vải. Ở đó vẫn còn cây me già mà ngày nào ba anh em vẫn leo trèo nghịch ngợm. Có điều lạ là ở Bình Định, cây me được trồng nhiều nhất ở Tây Sơn. Phía trước nhà vẫn còn giếng nước sâu làm nguồn nước cho cả gia đình nhà Tây Sơn. Giờ đây, du khách có thể nằm nghỉ mát dưới cây me hoặc có thể múc nước giếng mát uống để tăng thêm nhuệ khí hào hùng như những người anh hùng thuở trước.

Chúng tôi tình cờ gặp bà Lê Thị Tốt, 61 tuổi, làm nghề nông, quê ở tận huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) một thân một mình đến đây múc cho được nước giếng uống để mong tăng thêm tuổi thọ. Bà hóm hỉnh làm thơ: “Rủ nhau uống nước giếng đào/Uống vào mát mẻ, như là thuốc tiên/Nước này uống không mất tiền/Nước này là bởi ở miền Tây Sơn”. Bà còn cố gắng mang thật nhiều nước về làm quà cho người thân. Gần đó, nhiều học sinh cấp ba ở tận huyện Hoài Nhơn đang nối dài sợi dây múc nước để uống và thoa nước lên mặt cho đẹp da. Cách đây vài ngày, 20 thí sinh lọt vào đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu miền đất Võ cũng có buổi dã ngoại tại bảo tàng để cầu chúc may mắn.

Hình ảnh
Cây me của gia đình Tây Sơn tam kiệt

Hiện đang là mùa khô ở Nam Trung bộ nên nước giếng cạn dần. Bà Bảy Mai ở gần bảo tàng khẳng định: “Trong mùa khô, dù nắng nóng đến đâu, dù sông Côn không có nước, nhưng nước trong giếng vẫn không bao giờ cạn”.

Trong đền thờ, sau buổi dâng hương ngày 1/8, khói hương nghi ngút, một người bảo vệ nói rằng vì lý do tín ngưỡng nên các phóng viên cũng không được chụp ảnh, quay phim. Ngay gian chính diện là thờ ba anh em tam kiệt, phía bên gian trái thờ Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở.

Hào khí Tây Sơn

Hình ảnh
Bút tích Thái Đức - Nguyễn Nhạc
Nằm bên cạnh đền thờ là khu vực bảo tàng. Đây chính là nơi du khách được giới thiệu một cách sâu sắc nhất về nhà Tây Sơn. Trên tường có bức ảnh Phạm Công Trị giả vua Quang Trung đi sứ sang nhà Thanh vào năm 1790. Dũng tướng ngồi trên ngựa hí, phong cách uy nghi hệt như vua Quang Trung.

Du khách còn được ngắm sắc phục của các quan văn, võ được lưu giữ hàng trăm năm qua. Việc đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn dưới tài lãnh đạo của Quang Trung để chống lại Nguyễn Ánh cũng được thể hiện trên sơ đồ. Tương truyền rằng trận đánh này nhằm vào dịp Tết Nguyên đán, để quân sĩ không nao lòng, Quang Trung cùng các dũng tướng đã tổ chức chợ Gò (đóng trên một gò cao) để quân sĩ vui thú và khỏi nhớ nhà, toàn tâm toàn lực cho trận đánh lớn sau đó. Ngày nay, hàng năm lễ hội chợ Gò vẫn được tổ chức đúng vào dịp Tết Âm lịch.

Đến bảo tàng, du khách còn được thấy 18 loại binh khí thô sơ của nghĩa quân Tây Sơn giúp họ đi từ chiến thắng 20 vạn quân Thanh đến trận đánh thành Quy Nhơn và trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Trên hai bờ tường còn có khắc ghi tên, tuổi, quê quán của các dũng tướng và các quan văn dưới triều Tây Sơn.

THEO HÀ TIÊN
(DOANH NHÂN SÀI GÒN CUỐI TUẦN )
Hình ảnh
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn rời khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả gành trăng.

My Lăng
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Bài viết: 996
Ngày tham gia: 30-01-2008, 11:43
Đã cảm ơn: 21 lần
Được cảm ơn: 13 lần
Blog: Xem blog (0)


Quay về Lễ hội - Du lịch - Ẩm thực

Ai đang online?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang online và 1 khách