Koto hiện đang tuyển thêm học viên mới vào đầu tháng 10 này....Bạn nào biết các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc các trẻ lang thang (độ tuổi từ 16-22 ) chỉ cần biết đọc viết có mong muốn có được 1 công việc ổn định sau 2 năm thì liện hệ với Koto VP. Miền Nam (08)3773 8577 để biết thêm thông tin và gửi hồ sơ xét tuyển học nghế nhé! (khu vực từ Đà Nẵng đến Cà Mau) ...Thanks cả nhà
http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Ng ... /3BA20DEF/
------------------
Một Việt kiều cứu giúp hàng trăm trẻ em đường phố
Trong không gian ấm áp của một nhà hàng cạnh Văn Miếu, Hà Nội, các nhân viên mặc đồng phục thoăn thoắt dọn bàn, bày món. Những gương mặt tươi tắn của các em từng lấm lem bụi đất khi còn là trẻ lang thang đường phố.
Nhà hàng này là một phần của dự án xã hội mang tên KOTO (Giúp đỡ lẫn nhau) của một người Australia gốc Việt, anh Jimmy Phạm.
Jimmy có bố là người Hàn Quốc, mẹ là người Việt Nam. Mẹ anh quê ở Hưng Yên, vào miền nam sinh sống năm 1954. Tại đây, bà quen với bố anh - phiên dịch viên cho một công ty Mỹ. Jimmy sinh ra ở Sài Gòn và rời Việt Nam năm 2 tuổi.
Jimmy Pham và các học viên của KOTO.
Jimmy không bao giờ nghĩ rằng chuyến đi về Việt Nam năm 1996 lại trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời anh. "Đó là một chuyến đi rất tình cờ về Sài Gòn năm 1996, mình gặp bốn em nhỏ ở công viên quận 1, dẫn các em đi ăn phở và nghe các em tâm sự. Kể từ đó, ý tưởng nảy sinh. Mình biết bản thân phải làm một cái gì đó để những số phận này có cuộc sống tốt hơn".
Bốn tháng sau chuyến đi, Jimmy quay lại Việt Nam và tiếp tục hành nghề hướng dẫn du lịch và đi tour các nước Đông Nam Á. Anh kể lại thời gian đầu sang Campuchia, lên Sapa, vào Nha Trang, rồi miền tây, đến đâu gặp các trẻ em lang thang cơ nhỡ là anh cho chúng tiền.
"Sau 4 năm, một số em thân thiết nhất tâm sự với mình rằng cách đó không hiệu quả lắm và chúng cần hơn thế. Khi giúp đỡ, cái bạn cần cho là cái cần câu, chứ không phải con cá".
Năm 1999, Jimmy ra Hà Nội và mở một tiệm bán bưu ảnh, sandwich, sinh tố cho khách nước ngoài. Diện tích cửa hàng chỉ vỏn vẹn 20 m2.
Nhưng Jimmy không muốn những đứa trẻ của mình chỉ dừng lại ở việc biết pha sinh tố. Năm 2000, anh vay mượn gia đình 70.000 đôla Australia. Cùng với sự giúp đỡ của một đầu bếp Australia, nhà hàng KOTO ra đời. Đó là khoảng thời gian khó khăn với Jimmy. Giấy phép chưa có, tiền không có, đang cưu mang 20 đứa trẻ, rắc rối về thuế, không có nguồn lực, không có khái niệm gì về chương trình đào tạo.
"Khó khăn đầu tiên là mình chưa hiểu biết về Việt Nam và bất đồng ngôn ngữ. Đây là một lĩnh vực mới mẻ và gây nghi ngờ cả từ phía trẻ, phía khách, phía chính phủ. Một ông nước ngoài về đây làm việc với trẻ con, liệu có mục đích gì? Rồi vấn đề tài chính, vấn đề thủ tục vì mình là doanh nghiệp xã hội, vừa kinh doanh vừa đào tạo. Vì lạ lẫm nên rất thử thách".
Sau 10 năm, Jimmy đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Anh nói là nhờ "ông trời" ủng hộ. KOTO giờ đây ngoài nhà hàng ở Văn Miếu còn có một trung tâm đào tạo nghề phục vụ cũng ở Hà Nội, mở năm 2004. Đầu năm nay, Jimmy bắt đầu triển khai cơ sở mới ở Sài Gòn và đã chiêu sinh được hai khóa.
Chương trình đào tạo của KOTO được chứng nhận quốc tế của học viện Box Hill (Australia). 100% học viên KOTO tốt nghiệp đều có việc ngay. Hiện tại KOTO có học viên làm ở các khách sạn lớn như: Sheraton, Sofitel Metropole (Dubai), Sofitel (Australia), Sheraton, Sofitel, Hilton, Intercontinental, Horizon (Hà Nội), Nam Hai resort (Hội An), Halong Luxury Cruises (Hạ Long), Sailing Club (Nha Trang)...
KOTO hiện có 100 học viên chia làm 4 khóa. Mỗi năm tuyển sinh hai lần, mỗi lần 25 em. Đối tượng tuyển sinh của KOTO là các em từ 16-22 tuổi, là trẻ em đường phố hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (như từ viện mồ côi, nhà giáo dưỡng, có bố mẹ đi tù…), nói như Jimmy là những đối tượng "xã hội coi là phức tạp".
Các em sẽ phải trải qua các vòng sát hạch về toán, chính tả, kiểm tra nhân thân, phỏng vấn, và thử thách trong vòng một tháng để xem độ hòa nhập vào môi trường mới. Theo Jimmy, đây là những bước rất quan trọng để tìm ra những em thích hợp, vì theo anh, không phải em nào trong hoàn cảnh khó khăn cũng muốn được thay đổi.
"Để vào KOTO, các em phải cố gắng hết sức và hơn hết phải có niềm tin vào việc thay đổi cuộc đời", Jimmy nói.
Ở KOTO các em sẽ được học tiếng Anh, chuyên ngành nhà hàng khách sạn và kỹ năng sống. Riêng kỹ năng sống, Jimmy tự hào khẳng định đây là một thành công của KOTO.
Kỹ năng sống gồm 36 hội thảo nhỏ về những chủ đề như cách thức kiềm chế tức giận, stress, học về giới tính, quản lý chi tiêu… Các em phải tham gia các công tác xã hội như thăm người già, tình nguyện tại bệnh viện, thuyết trình về môi trường. Mỗi thứ tư, các em được chơi thể thao ngoài trời. Một năm hai lần các em có những chuyến đi chơi xa như Mai Châu, Hạ Long…
"Các em ra ngoài giữ được việc là nhờ kỹ năng sống. KOTO không chỉ dạy các em nghề mà còn đem đến cho các em một đời sống. Nếu chỉ dạy các em nghề mà không dạy một cái gì khác thì sau này ra ngoài vấp ngã, suy sụp, các em không đứng dậy được vì các em không có hệ thống, không có niềm tin, kiến thức cho việc đứng dậy".
Các học viên KOTO sống trong 4 ngôi nhà thuê ở khu hồ Tây, mỗi nhà có một mẹ nuôi. Các em sẽ sống ở đây trong 18 tháng, 6 tháng cuối của khóa học sẽ sống tự lập ở ngoài.
Jimmy kể một kỷ niệm anh nhớ của một em Roravy người dân tộc K’ho ở Lâm Đồng. Hai tháng đầu đến KOTO ở Sài Gòn có bàn học, có TV, có máy tính, quá lạ đến mức em này không dám ngủ trên giường. Vào dịp sinh nhật em, 4 người bạn trong phòng góp tiền tặng em một cái bánh bằng lòng bàn tay. Sáng đó ngủ dậy, em thấy cái bánh rồi nhìn quanh, các bạn đang giả vờ ngủ, em ngồi khóc, rồi cả ngày đi đâu cũng khư khư cái bánh, không dám ăn cũng không dám bỏ vào túi.
"Những đứa trẻ đó chưa một lần trong đời được biết đến sinh nhật", Jimmy kể.
Điều mà Jimmy muốn mang đến cho các em là một gia đình. Những học viên đã tốt nghiệp cũng được KOTO tạo điều kiện học lên hoặc kiếm việc làm, mối liên hệ vẫn duy trì bền chắc sau khi các em đã ra ngoài đi làm và tự lập. "Vì chúng tôi là người một nhà", Jimmy nói.
Jimmy Phạm: "Tôi biết mình đang làm việc tốt".
Jimmy tự nhận KOTO khiến anh luôn cảm thấy mình may mắn.
"Ở tuổi 24 tôi tìm được việc mà tôi yêu thích và suốt 14 năm qua tôi không có cảm giác mình đang đi làm. Không có nhiều người được thế. Tôi đã xây dựng được một gia đình, đó là máu thịt, là thế giới của tôi. Mỗi ngày tôi thức dậy với một mục đích, con đường và sau bao nhiêu năm tôi vẫn không thấy mình bị lạc hướng. Đó là một hạnh phúc tuyệt vời lắm", Jimmy nói.
"Ngược lại, công việc cũng cho tôi những nỗi buồn, như nhìn thấy một đứa trẻ bị mẹ chửi, hoặc trẻ phải nhìn bố đánh mẹ, bố mẹ đi tù, nghe một đứa trẻ chia sẻ mặc cảm khi đi học mà không có bố mẹ, sự thiếu thốn của một đứa trẻ, tâm lý của chúng. Nếu là con người, làm cái này, không buồn với đứa em đó, sẽ không làm tốt được".
Jimmy cho biết kế hoạch sắp tới của anh là hoàn thiện hội đồng quản trị, khớp hoạt động của hai cơ sở ở Hà Nội, Sài Gòn, xây trường cho KOTO để không phải thuê nhà nữa và có thể sẽ mở chi nhánh ở Campuchia.
"Tôi biết mình đang làm việc tốt, và việc của tôi thì không bao giờ hết, tôi biết còn rất nhiều thứ đang chờ phía trước mà có thể còn lớn hơn thế này nữa".
Tự nhận mình là người “phi lý và tham vọng”, hai từ mà xã hội coi là tiêu cực thì với anh là tích cực. Jimmy cho rằng phải phi lý mới làm được việc này và phải tham vọng thì mới xác định được mục tiêu. "Và mục tiêu của tôi là vì xã hội, không phải thuần túy kinh doanh. Tôi hài lòng với sự lựa chọn của mình".
Những hình ảnh về KOTO
Nói về vị trí của KOTO hiện nay, Jimmy cho biết có không dưới 100 bài báo nước ngoài viết về dự án của anh. Nhà hàng ở Văn Miếu đã tiếp đón rất nhiều các vị khách nổi tiếng như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, hoàng gia Đan Mạch, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush, cựu phó thủ tướng Anh John Prescott.
Khi được hỏi điều gì đã mang những người nổi tiếng này đến với KOTO, Jimmy không cho rằng đó là do khả năng quảng bá của anh. “Chúng tôi không lấy từ thiện ra để thu hút mọi người. Như nhà hàng này, có tiếng là nhờ vào chất lượng phục vụ, chất lượng món ăn, cũng như học viên của chúng tôi có việc là nhờ vào khả năng”, Jimmy nói.
"Và có thể là vì chúng tôi có một câu chuyện hấp dẫn".
Hải Minh