bởi bundooroo » 24-08-2008, 12:02
Hương vị bún cá và tình yêu xứ sở
Mười năm xa xứ, sống giữa lòng Sài Gòn tấp nập, một người phụ nữ Quy Nhơn đã tìm thấy niềm vui trong từng... tô bún nhỏ. Những tô bún ấy truyền một phần hương vị của quê hương, tình yêu xứ sở của chị với người phương Nam. Chị chăm sóc cái hồn quê hương qua từng miếng cá, cọng rau, tô nước lèo nóng hổi. Chị là Thanh Trang - chủ của hai quán bún chả cá Quy Nhơn - Lê Khương (nằm trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, F. 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh).
Phải mấy lần “canh me” trên con đường Sư Vạn Hạnh nối dài (F.12, Q.10, TP.HCM) tôi mới làm việc được với chị. Chị luôn tất bật, vừa làm bún cho khách, vừa quản lý, quán xuyến mọi việc trong quán của mình. Chựng lại nhìn tôi một lúc như nhớ ra “người quen” chị quay lại tươi cười nói: “A, cô nhỏ nhà báo đây mà... Đợi chị một chút nghen, khách đông quá”. Nói rồi, chị lại vồn vã mời khách, đưa tay xắt bánh chả cá xéo từng miếng đều tăm tắp trên thớt trông thật đẹp mắt....
Từ một sự tình cờ
Là chị cả trong một gia đình có 5 chị em gái, chị quen vất vả từ nhỏ. Không có duyên với nghiệp sách vở, học xong phổ thông, chị quyết định học may để mong có cái nghề. Ra nghề, chị mở tiệm may tại nhà, nhưng “lúc đó ở Quy Nhơn, thợ may, nhà may nhiều quá trời luôn. Đến mức, thợ may có nghề mà cũng coi như là thất nghiệp. Cạnh tranh không nổi. Không sống được với nghề may, vợ chồng chị quyết định vào Sài Gòn mong tìm được một lối đi khác.
Năm 1994, hai vợ chồng chị khăn gói từ Bình Định vào Sài Gòn, mang theo cậu bé Lê Khương, đứa con trai đầu lòng mới hơn 3 tuổi (sau này, chị Trang lấy tên con mình đặt tên hiệu cho quán). Lúc mới vào, có người quen khuyên chị nên mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, vì mặt hàng này kiếm khá, lại ổn định. Nhưng vì mới ở quê vào, đồng vốn dắt lưng không đủ, nên chị nghĩ rồi thôi”. Chợt nhớ đến một gợi ý vui của một người bạn làm móng tay ở Sài Gòn: “Mày thử mở tiệm bán bún chả cá Quy Nhơn. Ở đây người ta thích ăn lắm đấy. Mà bún chả cá Quy Nhơn của mình có kém gì đặc sản các vùng khác”. Thấy ý kiến cũng được, lại phù hợp vì ở đất Sài Gòn người ta hay ăn đêm, lại thích mấy món là lạ, nên chị làm “làm thử… rồi làm thật”. Và quán bún Lê Khương ra đời từ đó.
“Ban đầu vào TP.HCM, chị không nghĩ là mình sẽ sống với quán bún chả cá đâu. Mình nghĩ nó chỉ là một giai đoạn trung chuyển chờ cơ hội khác. Nhưng cuối cùng nó chính là cơ hội. Cũng chỉ mong kiếm kế sinh nhai chứ có kinh doanh, kinh diết gì đâu nhưng rồi ông bà thương nên việc làm ăn cũng khá dần”, chị Trang vui vẻ tâm sự.
Duyên nợ với hương vị quê hương
Từ những ngày còn cắp sách đến trường ở Quy Nhơn, chị đã từng được thưởng thức cái vị bún chả cá ngọt đằm từ bàn tay của ngoại. “Chính vì thế nên nhớ lắm cái hương vị bún chả cá quê mình. Xa ngoại lâu lắm rồi, mà cái ngọt, cái thơm, cái cay the the của nó cứ như ăn sâu trong con người mình vậy”, chị trầm xuống. Lúi húi gom lại kinh nghiệm, nấu ăn thử ở nhà vài bận vậy là thành “cẩm nang”. Vốn ban đầu cũng không lớn lắm, chị bàn với chồng quyết mở quán bán bún chả cá.
Thấy quyết tâm của chị Trang, anh Bình - chồng chị cũng ủng hộ chị hết lòng. Anh phải tất tả chạy khắp nơi mới tìm ra được mặt bằng vừa tầm với số tiền ít ỏi hai vợ chồng dành dụm được ở Kios 10B, Sư Vạn Hạnh nối dài, (F.12, Q.10, TP.HCM) để đưa gia đình về đó vừa ăn ở, vừa mở quán.
Ban đầu, chị mở quán bán bún nhưng có kèm theo cả bán cơm và nhiều thứ khác, vì sợ người phương Nam không quen lắm với cái khẩu vị mặn mà miền Trung. Nhưng riết một hồi, cái hương vị chả cả Lê Khương của chị dần chiếm cảm tình của mọi người. Người này truyền tai người kia, rồi người ta đến Lê Khương chỉ để ăn bún chả cá Quy Nhơn. Vốn ít, lại muốn chiều lòng khách, chị phải chế biến thật ngon nhưng giá lại thật phải chăng. Vì thế lời lãi thời gian đầu chỉ đủ để đắp đổi, duy trì hoạt động của quán. Đã thế, xung quanh lại có hàng bao quán nhậu cạnh tranh, dằn mặt, vì thấy quán chị khách đến ăn ngày càng đông. Thế là quán chỉ bán bún chả cá.
Thấy lời lãi chẳng đâu vào đâu, có lúc anh Bình đã bảo chị dẹp quán chuyển sáng nghề khác. Ban đầu chị bàn ngược nhưng rồi đến chính chị cũng muốn bàn xuôi. Thôi thì nghỉ, khách đông đấy nhưng lời lãi là bao mà còn bị quán nhậu dằn mặt, ghê quá... Đành nghỉ. Nhưng khách quen vẫn cứ đến hỏi, vẫn cứ dõng dạc gọi bún chả cá Quy Nhơn (bún chả cá Quy Nhơn chứ không phải chỉ là bún chả cá suông đâu nhé), vẫn vừa ăn vừa xuýt xoa... chị lại không đành lòng.
Hương vị quê mình đi xa, người xứ lạ cũng ưng sao mình lại bỏ. Thế là chị lại bàn ngược để bán tiếp. Chị thuê một mặt bằng khác gần đó, để được tiếp tục bán bún chả cá. Rồi cái tâm của chị cũng được đền đáp. Cơ sở mới của chị ở số 443, Sư Vạn Hạnh càng ngày càng ăn nên làm ra. Khách đến quán Lê Khương ngày một đông đúc. “Có lẽ cái chất người miền Trung mình là vậy em ạ. Có chịu thua khó nhọc bao giờ?”, chị cười giòn với tôi rồi lại quay sang vồn vã mời khách.
Yêu quê hương qua một làn hương, một vị ngọt
Khách đến quán chị từ muôn xứ, phần đông là người Sài Gòn nhưng người ngụ cư ở các vùng miền khác cũng không ít, nhất là đồng hương Bình Định và người anh em lân cận Phú Yên. Người thành đạt cũng có, sinh viên, học viên cũng nhiều mà công nhân, người làm thuê cũng lắm. Từ ngày mở quán đến giờ, chị được quen biết rất nhiều đồng hương và điều đó làm ấm lòng những cuộc đời tha phương như anh chị.
Chị Thanh Trang tâm sự : “Thiệt… không về ngoài đó, nhớ lắm. Khách đến đây có rất nhiều đồng hương, mỗi lần nghe được cái chất giọng rắn rỏi của quê mình thấy nao nao trong lòng, dù sao cũng biết rằng xung quanh mình có nhiều người ra đi từ nơi ấy”, mắt chị xa xăm. Khách đến quán chị đông cũng bởi nhớ cái vị quê hương trong từng miếng cá, cọng rau.
Chả cá Bình Định thì đặc, thơm, ngọt hiếm nơi nào sánh được. Nhiều người đến đây lạ rồi thành quen, quen rồi thành thân thiết, gắn kết. Chị nhớ mặt hết từng người, khẩu vị của họ thế nào: “Bà chủ ở đây quen mặt tụi tui lắm. Mà hiểu ý mỗi đứa thích cái gì hết”, một bạn sinh viên Bình Định đang ngồi dùng bún trong quán quay sang nói. Có lẽ cũng vì điều đó mà chị Trang cứ muốn tự tay mình nấu nước lèo để mong giữ được cái vị quê nhà cho bà con xa xứ, mong bồi đắp một chút gì đó cho đồng hương của mình ở cái chốn xô bồ, tấp nập này. Ngay cả người làm cho chị hầu hết cũng là đến từ Bình Định.
Mới đây, chị Trang cùng với vợ chồng người em gái đã nâng cấp quán bún cũ của mình với quy mô lớn hơn, khang trang hơn. Tôi hỏi: “Chị có ý định mở rộng hơn nữa không?”. Chị cười, rồi ra chiều suy nghĩ: “Sợ mình không đủ sức làm, chứ em nghĩ coi bún chả cá Bình Định mình rất ngon, được nhiều người ưa chuộng, tại sao ta lại không làm cho nó nổi tiếng như bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu Nam Vang ?”, Với mong muốn đó, chị và bao nhiêu người khác nữa ở đất Sài Gòn đang góp phần truyền giữ cái hương vị của đất Bình Định ở phương Nam.
Người phụ nữ “3 trong 1”
Chuyện về quán bún chả cả lừng danh hạng nhất ở Sài Gòn đến đây tạm có thể dừng lại. Nhưng tôi vẫn cứ muốn nói thêm một chút về người phụ nữ giỏi giang và gia đình hạnh phúc này. Quán bún chả cá Quy Nhơn Lê Khương đứng vững và có được nhãn hiệu lừng danh giữa đất Sài Gòn cạnh tranh khốc liệt như hôm nay, gần như tất cả dựa vào hai tay chị Trang nhưng đằng sau chị là sự vững chãi của anh Bình-người đàn ông của cuộc đời chị.
Từ khi mở quán cho đến nay, mọi việc hoạt động của quán đều do chị quán xuyến: từ việc đi chợ, nấu nước lèo, đến việc đặt chả, đặt bún ở Quy Nhơn đưa vào đến việc xắt bánh chả và “lên khuôn” cho tô bún, đến cả việc mời khách, phục vụ khách cũng là chị dù chị có không ít người giúp việc cho quán.
"Bún chả cá Bình Định mình rất ngon, được nhiều người ưa chuộng, tại sao ta lại không làm cho nó nổi tiếng như bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu Năm Vang ? Có ai đâu biết rằng, tình yêu xứ sở đôi khi cũng đơn giản đến mức giữ một làn hương, truyền chút vị ngọt bún chả cá như chị Trang vẫn làm. Làm cho bún chả cá Quy Nhơn vang danh, cũng là yêu quê mình em ạ!"
“Tính tui hay lo nên cứ ôm đồm hết. Ông xã thấy thế nhiều khi cũng la rầy “để cho mấy đứa nó lo”, nhưng biết sao bây giờ. Quen rồi”. Nhưng có lẽ chính cái nụ cười tươi giòn, một thái độ nhiệt tình, đon đả, mến trọng khách đã tạo sự cảm mến từ khách hàng. Cho nên nhiều người đến một lần là sẽ ghé lại Lê Khương khi muốn ăn bún chả cá Quy Nhơn.
Nghe chị kể lại chuyện khách hàng của quán bún, tôi càng hiểu thêm vì sao người ta lại đến Lê Khương đông như thế. “Có lần tui mang bầu thằng thứ hai, vì mệt quá nên không lên làm bún cho khách được. Có ông khách nọ vào quán ăn bún, nhưng không chịu người khác làm bún cho mình, cứ nằng nặc đòi phải có chính cái “chị bầu” hôm trước ra đứng kia mới tin. Là họ ngại cái kiểu quán đắt hàng, chủ nhà lấy lại mặt bằng để tự bán đó mà. Nghe ổng nói vừa buồn cười, vừa thấy vui vui trong lòng. Thì ra gương mặt của mình cũng là... nhãn hiệu đó nghen. Thế là dù mệt, tui vẫn đích thân ra làm cho ông khách ấy tô bún. Trông ông đon đả đón nhận... ăn uống nhiệt tình… tui hạnh phúc vô cùng!”.
Đang trò chuyện, thì anh Bình đi đón cậu con út Lê Khanh đi học về tới . Anh vui vẻ chào tôi vì cũng nghe tôi nói chất giọng miền Trung. Nhìn anh tôi hỏi vui: “Anh có thấy chị nhà quá đảm đang không? – “Bà ấy thì không phải nói nữa, từ ngày cưới nhau tới giờ, bà ấy cứ lo toan hết mọi việc. Tính bà ấy là vậy em ạ. Chịu thôi!”, anh nhìn chị cười ra vẻ nhường vợ.
Anh yêu chị từ thời còn học phổ thông, khi ấy còn tỉnh Nghĩa Bình. Nhà chị ở Quy Nhơn, còn anh ở tận huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Họ gặp nhau, cứ nhìn nhau cười rồi thương nhau lúc nào hổng biết”, chị tủm tỉm cười nhớ lại. Thi tú tài xong, anh Bình đi xuất khẩu lao động, chị ở nhà học nghề, chung thủy đợi anh về. Rồi họ cưới nhau, đến nay đã có hai mặt con nhưng anh chị vẫn thương nhau như cái thuở ban đầu. Anh Bình bây giờ làm nhân viên phát hành cho báo Công An Nhân Dân, ngày đêm tất bật với việc phân phát, chuyên chở lại phải thường xuyên đi tỉnh ngoài. Thương anh, chị cứ âm thầm gánh lấy mọi việc. Bán buôn, chăm sóc hai con nhỏ, nhà cửa chị đều vui vẻ làm. Nhìn cậu con trai Lê Khương nay đã lên lớp sáu nhưng vẫn cứ quấn quít mẹ, ai cũng hiểu, tình yêu chị giành cho hai đứa con như thế nào.
Mỗi sáng dù việc bận đến đâu đi chăng nữa, chị vẫn tranh thủ đưa con đi học. Biết con mình đang vào tuổi biến động tâm lý, chị luôn bên cạnh hỏi hang, để nghe con tâm sự những khúc mắc trong lớp học và cả cuộc sống bên ngoài và khuyên nhủ, định hướng cho con kịp thời.
Nhìn hai anh chị đứng bên nhau với hai tình yêu của mình là Lê Khanh và Lê Khương qua tấm hình kỷ niệm 10 năm ngày cưới, trông nụ cười đôn hậu, tươi sáng, tôi hiểu chị đang rất hạnh phúc. Cái tình thương trong chị là thế đấy, dù làm bà chủ, làm vợ hay làm mẹ, tình cảm ấy cũng thật chân chất, tận tường và sâu đậm như đất Bình Định, như biển Quy Nhơn.
“Có ai đâu biết rằng, tình yêu xứ sở đôi khi cũng đơn giản đến mức giữ một làn hương, truyền chút vị ngọt bún chả cá như chị Trang vẫn làm. Làm cho bún chả cá Quy Nhơn vang danh, cũng là yêu quê mình đó chớ”.
* KT _ clb phongvientre
http://www.ngoisaoblog.com/m.php?u=phon ... ub&p=21829
BÌNH ĐỊNH - LÀM LẠI TỪ HẠNG NHẤT!