VIẾT VỀ BÌNH ĐỊNH - XỨ NẨU

VIẾT VỀ BÌNH ĐỊNH - XỨ NẨU

Postby quynhoner » Tue May 31, 2011 9:57 pm

Gần 30 tuổi khi lang thang ở Miền Nam tôi mới nghe đến từ " Nẩu". Mang bộ che nấu đường tán đi khắp vùng Đồng Nai - Bà Rịa vốn liếng ngôn ngữ của tôi lại có thêm từ này. Bà con cứ nói với nhau " Mía nhà tao do mấy người Nẩu nấu". Biết là họ nói mình, nhưng không hiểu là nghĩa gì.
Tôi đem thắc mắc này hỏi Anh Tám Tu người Hoài Ân thợ nấu chính. Anh trố mắt và nói " Ở quê mầy cũng dùng từ này mà !". Mà có dùng thật. Nhưng có lẽ từ Nẩu ở Quy Nhơn ít dùng hơn ở quê tôi, nên tôi không để ý.
Từ Nẩu thuộc dạng từ " độc" của một vùng và nó đã đại diện cho tất cả những gì của vùng đất đó. Ở Nam bộ nghe dân Nẩu thì biết là dân Miền Trung.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Định. Tôi có những năm tháng lang thang khắp mọi nơi của quê nhà. Phía Tây tôi đã từng đến cầu 26 dốc Đá Chẻ. Phía Bắc đã từng đi gần hết huyện Hoài Nhơn . Dọc ngang xe thồ bán muối đến tận Kim Sơn - Nghĩa Điền gần K18 của Tỉnh. Phía Đông từ Quy Nhơn ra đến vùng muối Phổ Thạnh - Sa Huỳnh cũng đã một thời ngất ngư cùng sóng biển.
Kỷ niệm về quê hương nhiều lắm. Mảnh đất và con người Bình Định vẫn là nỗi khắc khoải về quê cha - đất tổ.
Có quá nhều hình ảnh mà anh em BinhDinhFFC đã post lên, in dấu ấn những miền đất tôi đã một thời đi qua. Những kỷ niệm bất chợt ùa về trong tâm trí của kẻ " tri thiên mệnh". Những bức hình phải gắn liền với bao kỷ niệm của một con người.
Trang này tôi dành viết về quê hương trong nỗi nhớ không nguôi về những kỷ niệm một thời.
Mong các anh em ủng hộ.
Last edited by quynhoner on Mon Feb 13, 2012 4:30 pm, edited 1 time in total.
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !

User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Tue May 31, 2011 10:04 pm

QUY NHƠN MỘT SÁNG TINH MƠ.

4 giờ sáng khi thành phố biển miền Trung vẫn im lìm còn trong giấc ngủ. Tôi rời khỏi xe Sài Gòn – Quy Nhơn trước cổng bến xe khách . Trời mưa nhẹ, làn gió mát nhẹ nhàng từ biền đưa lên làm cho người tôi tỉnh hẳn giải tỏa cái sự ngột ngạt một đêm ở trên xe.

Quy Nhơn một đêm tháng Năm âm lịch.

Những con đường với hai hàng cây rũ bóng, chập chờn trong gió biển thổi rì rào, trong ánh sáng vàng vọt của những ngọc đèn đường cô đơn chưa có người qua lại.

Thầm nhìn lại mình.

Quy Nhơn mãi mãi là một hoài niệm không nguôi trong lòng. Một mình lưu lạc tha phương cô đơn trong nỗi buồn thương trống vắng, với tấm lòng tha thiết hướng về quê hương. Trên vai trĩu nặng một niềm u hoài mơ ước xa xôi, về ngày trở lại khi bóng đời đã xế tà, tìm lại xác thân phiêu bồng một thưở, một khung cảnh yên bình của những năm tháng xa xưa.

Tiếng chuông nhà thờ Xuân Quang đổ hồi .

Ánh đèn đường vẫn còn sáng rực khắp các nẻo đường. Quanh các con đường những người đi tập thể dục sớm xuất hiện khá đông với đủ mọi trang phục. Người bạn đón tôi là dân chạy xe ôm của thành phố rủ rôi vào một quán cà phê ngay đầu vòng xoay đường Nguyễn Thái Học. Tôi hát thầm khúc đầu của bài hát “ Diễm xưa” của nhạc sĩ họ Trịnh vì mưa vẫn còn bay bay lất phất nhè nhẹ. Lâu quá mới có dịp về quê mà chui vào quán cà phê ngồi thì quá là uổng. Tôi đề nghị anh bạn chở tôi đi một vòng thành phố khi vẫn còn trong yên tĩnh. Từ bến xe liên tỉnh anh chở tôi vòng ra biển trước trường ĐH Quy Nhơn, qua “eo nín thở” nhưng hôm nay thì không việc gì phải nín thờ nữa. Gió mát lạnh từ biển phả vào mặt mang mùi vị của biển tinh mơ. Dọc theo Nguyễn Huệ qua bệnh viện đa khoa tỉnh – Trường nữ trung học ngày xưa – biển Phương Mai với hàng dương đang vi vu trong gió. Dọc theo Lê Thánh Tôn và quẹo phải theo đường Trần Hưng Đạo xuống cảng. Vẻ êm ả của mấy mươi năm trước ở khu vực phường Hải cảng không còn nữa, và thay vào đó là một sự náo nhiệt vội vã nơi từng con người .Trên mặt nước êm đềm, từng vùng ánh sáng rõ mồn một trên mặt nước. Từng đoạn, từng đoạn của bến cảng những con tàu đậu san sát như phơi mình trên biển cả, tựa như những tòa lâu đài tráng lệ. Mấy chục con tàu mang nhiều quốc tịch từ khắp nơi trên thế giới đến với biển Quy Nhơn trong vòng tay bè bạn thân ái . Cần cẩu nơi cầu tàu vẫn còn hoạt động, đưa những container lên xuống nhịp nhàng. Thấp thoáng hàng trăm công nhân làm ca đêm ẩn hiện trên boong tàu. Tôi sực nhớ tới lời bài hát “Chiều trên bến cảng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn…nhớ đến năm đầu sau ngày giải phóng, khi đi du ngoạn chúng tôi thường hát bài hát này trước những đợt sóng lăn tăn của bến cảng Quy nhơn.
Cảng Quy nhơn san sát những con tàu là hình ảnh rõ nét và sinh động của một thành phố đang trên đà phát triển, xứng đáng với một thành phố loại I của các tỉnh duyên hải miền Trung .
Ghé vào một quán cà phê có một phần nhô ra mặt nước, hai anh em kêu cà phê - đen - đá chứ không phải cà phê - đá như ở Sài Gòn.

Giữa sớm mai lồng lộng gió, giữa bốn bề sóng nước chập chùng.
Vị cà phê đen đắng hòa quyện với hương sắc biển trời .
Mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước xa xa.
Tất cả đã làm nên hình ảnh của một Quy Nhơn tinh mơ, yên bình và sâu lắng .
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !

User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Tue May 31, 2011 10:32 pm

CẢM XÚC QUY NHƠN .

Trở lại Quy Nhơn với một thời gian có hạn. Có nhiều dự định chưa thể thực hiện được mỗi khi về lại quê nhà. Quy Nhơn đã là thành phố loại I. Không hiểu thành phố đã đổi thay như thế nào ? Để nhìn toàn cảnh và tận hưởng không khí Quy nhơn, tôi đã chọn hình thức nhìn Quy nhơn từ trên cao và một đêm rong ruổi nhiều nơi.

Buổi sáng từ đỉnh dốc đường QL 1 giáp với Phú Yên.

Quy Nhơn trải dài theo hình cánh cung, rực rỡ dưới ánh nắng chan hòa của một buổi sáng hè.. Những ngôi nhà mái ngói đỏ là khu resort Hoàng Anh Gia Lai, phía xa xa là khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu với những hàng dừa nghiêng mình soi bóng với biển cát. Nhìn xuống dưới chân núi, sóng liên hồi đánh lên những cụm đá, nước trào qua bọt nước trắng xóa rồi tan dần.
Quy Nhơn thật nhỏ nhắn, cả biển xanh cũng thu lại trong tầm nhìn.

Buổi sáng tinh mơ trên núi Bà Hỏa.

Một mình thong thả leo lên mỏm đồi phía Tây của núi Bà Hỏa ( mỏm đồi có cây Thánh Giá của người Công Giáo ).Vị trí này tầm nhìn rộng hơn, quan sát cả một vùng rất rộng. Cảng Quy nhơn với những chiếc tàu neo đậu kế nhau. Khu Kinh tế Nhơn Hội với những bãi cát và những ống khói cao của các nhà máy phân xưởng.Trải dài tầm mắt ra hướng Bắc là năm nhánh sông như lòng bàn tay xòe vươn ra biển. Ngược lên hướng Tây, Tuy Phước một màu xanh ngút ngàn với chi chít những ô ruộng.

Từ trên cao Quy Nhơn là một màu xanh điệp trùng. Màu xanh của cây cỏ, hoa lá, được chăm sóc, giữ gìn. Đó còn là cái xanh dịu dàng của biển, được lồng trong những viền rừng đước quanh đầm Thị Nại. Màu xanh của những con đường ven biển mới hình thành. Màu xanh Quy Nhơn là màu xanh đa dạng : Xanh núi - xanh cây – xanh biển.
Một cảm giác dễ chịu khi ngắm nhìn thành phố đang đổi thay.
Một Quy nhơn trong sương mờ với những viền xanh xa xa, những đám mây sà thấp.

Đêm trên cầu Nhơn Hội.

Đêm tháng 5 Quy Nhơn trời không trăng. Biển trải dài bao la. Bầu trời lung linh những tinh tú. Đêm rực sáng ánh đèn, mùi hương cây lá thoang thoảng trong gió. Không gian yên tĩnh, sự yên tĩnh được tạo nên bởi hơi thở nhẹ nhàng của biển trong gió về đêm. Sự yên tĩnh huyền diệu của màn đêm được lập đi lập lại không ngừng.
Xa hơn một chút về hướng cảng Quy Nhơn. Bóng dáng một chiếc thuyền câu lướt nhẹ, giống như cái vuốt ve êm ái trên thân thể ấm áp của màn đêm. Ngay đầu cầu dẫn, một nhóm thanh niên, có lẽ là sinh viên hay học sinh THPT của một trường nào đó đang hát những bản nhạc về học đường, về khát vọng sống của tuổi trẻ. Tiếng hát trong trẻo của nhựa sống thanh niên, tiếng ghi ta thùng và dàn nhạc của biển khơi tạo nên một bản hòa tấu tuyệt vời. Hình như các em hát để thoát khỏi một cái gì đó. Tôi nghe xao xuyến và hừng hực cái thời trai trẻ như họ. Những ca khúc họ hát là thiêng liêng, diễn tả khát vọng và niềm hạnh phúc… là điều tương ứng với đêm nay huyền hoặc. Một giọng ca nữ hát bài “ Đêm thành phố đầy sao” của Trần Long Ẩn khá hay. Giọng hát quyến rũ, mượt mà, dễ đi vào lòng người. Khi thì vút lên cao, khi thì tiết tấu trầm, hòa lẫn vào nhau. Những lời hát du dương, rộn ràng, tuôn trào không ngớt, giống như sự vĩnh hằng của thời gian, như thăng trầm của một đời người.
“ Thành phố đêm nay đầy sao, dòng sông đêm nay đầy sao…”. Khúc nhạc đi vào đêm theo một cách thể tồn tại. Sự tồn tại của con người tôi, của không gian nơi đây và ở một khoảnh khắc hiếm hoi này. Hạnh phúc nhất vẫn là điều ngẫu nghiên nhất. Sự cảm nhận đến bất ngờ và trong một cảm xúc ngất ngây.
Vẫn “ nghe” được mùi nước hoa thoang thoảng. Mùi hương chắt lọc từ muôn ngàn đóa hoa cũng như bài hát là chắt lọc của hạnh phúc con người.
Hạnh phúc chứ nhỉ ! Tôi đang đứng giữa chiếc cầu Nhơn Hội vượt qua biển dài nhất Việt Nam. Cây cầu là niềm ngưỡng mộ, niềm tự hào của mọi người dân Quy nhơn – Bình Định.
Nơi phương trời xa xôi tôi, nước mắt tôi đã rơi một cách sung sướng khi được xem ngày khánh thành chiếc cầu.
Tự hào cho quê hương có những tập thể và con người lãnh đạo với tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Bài toán phát triển đã được chính quyền và nhân dân Bình Định quy đổi từ không gian thành thời gian. Chiếc cầu như dải lụa đào vắt ngang qua biển, tạo cho Quy Nhơn hữu tình, thơ mộng và trẻ trung hơn. Chiếc cầu cũng là tia laser cực mạnh để “bắn” Quy nhơn đi xa hơn trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Xin cảm ơn và tôn vinh những người đã thiết kế và làm nên tuyệt tác ấy. Những con người đã làm nên niềm tự hào bằng những bậc thang của trí tuệ, của những dòng mồ hôi, của sự lao động cực nhọc vì sự đi lên của quê hương Bình Định.

Tôi như bị thô miên với một giọng ca nữ trong nhóm và ngất ngây với tiếng đàn mang tiết tấu chậm …
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài của lớp..
Em chở mùa hè của tôi đi đâu…”
Bài Phượng hồng ! Bài ca có lẽ hay nhất về tình yêu đẹp của thời học sinh. Những điều thiêng liêng của tuổi hoa niên lại thăng hoa ngay chính nơi này nhỉ ?
Giọng ca vừa dứt, vị thần vừa bay lượn trong không gian như bị nhốt trở lại. Nhìn về hướng cầu tàu xưa, nhớ buổi tan trường với những tà áo dài tung bay trong gió. Đã gần bốn mươi năm, giờ chỉ còn trong tâm tưởng.
Giờ đây nhìn lại mình đã không thể tìm lại bóng dáng xưa.
Một cảm giác hụt hẫng…tôi nổ máy và chiếc xe từ từ chạy về hướng Nhơn Hội giữa hai đường cong của trụ đèn.

Đêm di tích lịch sử - văn hóa Tháp Đôi.

Ngày xưa hai ngọn tháp đứng kề nhau là nơi họp chợ : Chợ Tháp Đôi. Khi học trường Nguyễn Trường Tộ ( THCS Đống Đa ngày nay ) lũ học trò chúng tôi thường vượt rào để sang đây nghịch ngợm, ăn hàng vặt. Hai ngọn tháp như phế tích của thời gian. Chỉ biết đó là Tháp của người Hời nay gọi là Chăm hay Chàm. Thời đó, mấy ai quan tâm đến giá trị lịch sử văn hóa của ngôi tháp này.
Tôi chưa bao giờ thấy một cộng đồng dân cư người Chăm nào ở Quy Nhơn trong thời gian sống ở đây. Năm 1985 khi đi thăm bạn bè ở vùng Phan Rang – Ninh Thuận tôi mới biết đến người Chăm cùng với một nền văn hóa đầy ấn tượng. Người con gái Chăm có đôi mắt đen láy, ẩn dưới đôi mày đậm đẹp mê hồn.
Khu di tích Tháp Đôi ngày nay rộng rãi, không gian thoáng đãng. Diện tích ngày nay bao gồm diện tích của Chợ, của nhà Chùa… Mặt tiền của khu di tích đường Trần Hưng Đạo là Đồn Công an phường Đống Đa ngày xưa.. Xung quanh tháp là bãi cỏ xanh, bố cục thẩm mỹ và bắt mắt. Ban đêm những bóng đèn cao áp với ánh sáng vàng hắt lên ngôi tháp cổ với vẻ huyền bí.
Mấy trăm năm phơi mình với nắng gió đã khoác lên mình ngôi tháp vẻ trầm mặc. Sự ngưng đọng của thời gian dưới lớp gạch đá màu đỏ kia chứng minh cho sự kiêu hãnh và dáng vẻ uy nghi đến lạ kỳ.
Tìm một chỗ trong quán cà phê đối diện. Tôi ngắm nhìn toàn bộ khu di tích về đêm.Trên những chiếc ghế đá, nhiều đôi trai gái đang tâm sự dưới những bóng đèn. Một không gian tĩnh mịch và sâu lắng.
Trên đỉnh cũng như xung quanh tháp còn hiển hiện rất nhiều sự sửa sang phục chế với những phần đã hư hại qua thời gian và sương gió. Các cơ quan chức năng đã nhờ các chuyên gia nước ngoài với những trang thiết bị hiện đại để phục chế lại ngôi tháp. Nhưng xem ra vẫn không thể nào phục chế lại như nguyên thủy được. Tháp Chàm nói chung là biểu tượng văn hóa và nền văn minh lâu đời của họ. Dân tộc Chăm đã thổi vào đó cái hồn của dân tộc mình. Trong mỗi viên gạch để xây nên ngọn tháp đều ẩn chứa triết lý tôn giáo và sức sống. Làm thế nào họ xây dựng được những ngôi tháp như thế vào giai đoạn lịch sử cách đây cả hàng mấy trăm năm vẫn là điều còn bí ẩn.
Trong tỉnh Bình Định có nhiều khu di tích của nền văn hóa Chăm - pa như tháp Dương Long, tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm. Nhìn tháp đứng sừng sững giữa bầu trời đêm, tôi bất chợt nghĩ đến cuộc đời của Huyền Trân công chúa, và những giai thoại tình yêu về người con gái của mảnh đất Đại Việt xưa…
Từ vùng đất Thuận – Hóa, mấy thế kỷ sau Nguyễn Hoàng đưa dân vào khai phá. Từ đây, triều đại nhà Nguyễn gắn kết với Đàng trong với 9 vị chúa và 13 triều vua, đã đi vào lịch sử dân tộc với bao biến cố lịch sử.
Một sự hy sinh vì lợi ích dân tộc. Một chuyện tình thiên niên kỷ thứ II trên biển. Một công lao khai phá của tiền nhân đã tạo nên một dải đất như ngày nay.
Tháp Đôi nằm trong dải đất đó. Tháp Đôi của nền văn hóa Chăm, một trong những nền văn hóa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đêm tượng đài Quang Trung.

Tôi lại vòng xuống phố và dừng lại ở tượng đài Quang Trung.
Không gian vui nhộn và những ánh đèn sáng rực. Những chiếc xe dừng lại ở vòng xoay. Nhiều em nhỏ đang chạy nhảy nô đùa trong một không gian mát mẻ, rộng rãi, sạch sẽ. Nhiều đôi vợ chồng trẻ ẵm con ra đây đang đi dạo. Nhiều thanh niên nam nữ ngồi dọc theo các tam cấp xây bằng đá của tượng đài. Tôi ngẩng đầu nhìn vị Hoàng đế với vó ngựa tung cao tiến về phía trước. Áo bào tung bay trong gió. Thanh gươm sáng chói hằn trên nền trời đêm.

Tôi lại xa Quy Nhơn một lần nữa.
Thành phố đã để lại trong tôi một tình cảm dạt dào, sự tự hào của người đã từng sống ở Quy Nhơn, người con của quê hương Bình Định.
Thiên nhiên đã tạo cho Quy Nhơn là thành phố của Núi sau lưng - Biển xanh phía trước. Hàng dừa trước trường Đại học Quy Nhơn nghiêng vừa đủ để soi mình trước biển. Đẹp và thơ mộng quá.
Mỗi khi về, vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy Quy Nhơn quyến rũ cảm xúc lạ lùng. Một Quy Nhơn vẫn còn đó những ngỡ ngàng ở tương lai.
Khi chuyến xe từ từ leo dốc Quy Hòa, tôi vẫn còn kịp nhìn lại Quy Nhơn kiều diễm thướt tha với ánh đèn hình vòng cung ven biển đường Nguyễn Huệ. Một dải sao lấp lánh vắt qua đầm Thị Nại ở hướng xa xa.
Quy nhơn ơi ! Chào tạm biệt nhé !
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !

User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby anh5baulung » Wed Jun 01, 2011 12:42 am

@ Quinhoner: Cảm xúc về quê hương ở cái tuổi "muối nhiều hơn tiêu" làm cho những người trang lứa đang tha hương thấy lâng lâng, thiếu thiếu, bồn chồn,...hoài niệm xa xưa!
Nhà thơ ĐTQ rất đúng khi: " Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- QUÊ HƯƠNG NẾU AI KHÔNG NHỚ- SẼ KHÔNG LỚN NỔI THÀNH NGƯỜI"

Tuổi thơ, niên thiếu, học hành, một thuở yêu thương học trò,...
Hãy để người ngoài nói về quê hương, bãi biển quê mình. Chàng trai tài hoa xứ Huế, khi học Sư phạm tại Qui Nhơn cũng phải thừa nhận con người, trời đất nơi đây hiền hòa, mến khách, đến nỗi đồi núi, sỏi đá cũng luyến thương, chờ đợi ! " Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ- Sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ".
Trong ký ức mỗi người như chúng ta, làm sao quên được cái ngày anh lên xe, rời nơi này để tha phương cầu thực, khi ngoải đầu nhìn lại " Ngày mai em đi, thành phố mắt trong đèn vàng- Nửa bóng xuân qua ngập ngừng- NGHE TRỜI GIÁ LỘNG MÀ THƯƠNG!". Ngàn lần cảm ơn NS TCS đã cho chúng ta " Biển nhớ".

Nào, hãy gọi cà phê đen đá!
Image
Business is Business!
anh5baulung
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 3666
Joined: Sat Apr 23, 2011 11:35 pm
Has thanked: 227 times
Have thanks: 463 times
Blog: View Blog (1)
Fan of: SQC Binh Dinh
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby bundooroo » Wed Jun 01, 2011 3:38 am

Bài hay quá anh quynhoner ơi! Rất cảm xúc! :no1:
BÌNH ĐỊNH - LÀM LẠI TỪ HẠNG NHẤT!
User avatar
bundooroo
Giám sát
 
Posts: 8123
Joined: Sun Apr 13, 2008 10:06 am
Has thanked: 959 times
Have thanks: 380 times
Blog: View Blog (27)
Fan of: Binh Dinh, MU, Barca, Inter!
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby curchi » Wed Jun 01, 2011 5:00 am

Cảm ơn bác QN nơ, cảm xúc dào dạt dào, nhớ người iu qué ...
Cuộc đời đó...Có bao lâu...,
Mà hững hờ...
User avatar
curchi
Site Admin
 
Posts: 2663
Joined: Fri Mar 19, 2004 4:46 am
Location: QN_Bình Định
Has thanked: 249 times
Have thanks: 179 times
Blog: View Blog (1)
Fan of: Chỉ là Fan của BinhDinhFFC thâu !
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby ngaunhien » Wed Jun 01, 2011 7:30 am

Xin ngàn lần cảm ơn loạt bài anh QUYNHONER viết về quê hương "Nẩu" của chúng ta, không có từ nào để diễn tả hết cảm xúc khi đọc loạt bài này. Đọc xong muốn về thăm quê hương ngay, nhớ quá đi thâu.
ngaunhien
Năng khiếu
Năng khiếu
 
Posts: 133
Joined: Thu Jun 17, 2010 9:08 am
Has thanked: 52 times
Have thanks: 26 times
Blog: View Blog (0)
Fan of: SQC
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Wed Jun 01, 2011 4:00 pm

Các Pác định đưa em lên mây hả ? Các Pác ủng hộ em, có nghĩa là các Pác cũng cố gắng ném lên những cảm xúc của mình về quê hương. em36
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !
User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Wed Jun 01, 2011 4:07 pm

MẮM CUA ĐỒNG TUY PHƯỚC.

Mỗi miền đất, mỗi vùng quê, từ miền hạ lưu đến vùng thượng sơn đều có những đặc điểm riêng. Không thể nơi này nhầm lẫn với nơi kia. Tất cả đều lưu lại trong tâm khảm của mỗi con người khi nhớ về mảnh đất đó.
Chỉ là một cộng rau muống thôi, mà nhìn nó ta biết đó là rau muống chợ Dinh. Những củ sắn mọng nước và giòn rụm, ta nhớ đến vùng đất Phú Quề. Có lẽ cũng không ai ngờ và ít ai để ý là trên mảnh đất Tuy Phước còn có một món ăn rất dân dã, đã để lại những dấu ấn không phai cho những người đi xa khi nhớ về quê nhà : Mắm cua đồng.
Tôi có quen hai vợ chồng một thương nhân sống ở Gia Lai. Anh chồng là người Phước Nghĩa, cùng trọ học với tôi ở Quy nhơn. Chị vợ sinh ra ở vùng biển Tiền Hải - Thái Bình. Chỉ hai năm sống ở quê chồng, chị đã không thể quên được một món ăn dân dã của vùng quê Tuy Phước ngày ấy : Mắm cua đồng.
Anh chồng thì về quê vào những ngày giỗ chạp hay lễ tết. Còn chị thì nhất quyết về quê vào khoảng cuối năm, khoảng tháng 10 hay 11 Âm lịch.
Nhiều người (kể cả người trong nhà) những năm đầu cũng không hiểu vì sao như vậy. Nhưng sau này ai cũng biết, tháng đó là mùa lũ có nhiều cua đồng. Trong những ngày giông bão, lụt lội, chị đi bắt cua về chế biến món mắm cua đồng. Chị luôn nhớ đến người mẹ chồng quê Diêu Trì, người đã dạy cho chị làm món mắm này trong những năm tháng chân ướt chân ráo về làm dâu trên đất Bình Định. Chính nhờ khéo tay trong cách chế biến mà chị được người mẹ chồng yêu thương. Trong những lần giỗ người mẹ chồng, trên mâm cúng luôn có món mắm cua đồng. Không chỉ là món ăn, mà đó còn là lòng hiếu thảo của con dâu với mẹ chồng.

Mùa làm mắm cua đồng

Những cánh đồng trơ gốc rạ…mưa dầm rả rích cả ngày.
Những cánh đồng lúa từ Diêu Trì ra Phước Lộc, về Phước Nghĩa đến Phước Sơn, Phước Thắng là vùng biển bạc trắng xóa. Dòng nước mênh mông chở ắp phù sa từ vùng cao Tây nguyên tuôn về Bình Định như một loại “cám tổng hợp” thúc béo cua con lớn nhanh từng ngày theo cơn nước lũ. Trong khoảng mười ngày thì cua đã bằng quân cờ tướng. Những sớ thịt vàng ươm chắc nịch, ẩn dưới lớp mai màu tím hấp dẫn vô cùng.
Cua đồng không cắn và nếu có cắn thì cũng không đau lắm. Đưa lên miệng cắn bể cái càng là xong. Chỉ cần dùng một cái rổ to bằng tre là có thể xúc được rồi. Hiện đại hơn thì dùng những tấm lưới bén đã rách nát thả đaị xuống chỗ nước nông đến trên mắt cá chít xíu cũng bắt được nhiều cua.
Cua đồng thường ẩn mình dưới những đám cỏ, dưới những bờ mương rậm rạp. Lúc tinh mơ cua con đi lòng vòng đón nước mới sẽ dính lưới. Những cụ cua kềnh ẩn dưới lớp cỏ thì dùng rổ đặt dưới lớp cỏ, dùng chân giậm hay đạp ầm ầm. Cua bị động ổ nhao nhao rời bờ cỏ rơi toàn bộ xuống cái rổ tre.
Mang cua về nhà ngâm nước chừng vài tiếng đồng hồ, liên tục thay nước cho cua được sạch. Cua kềnh thì phải bóc mai ra, cua con nhỏ nhỏ thì để nguyên con cho vào cối đá giã nhuyễn. Tôi rất khoái cua kềnh nướng vì nó có mùi rất ngọt và vô cùng quyến rũ.
Sau khi giã nhuyễn thì cho ít nước vào và vắt ráo vào thau hay chai đựng. Mắm cua có thể làm mắm tươi hay mắm chua.
Mắm tưoi : Lấy nước cốt cho gia vị nước mắm, muối, bột ngọt, ớt tỏi, vài lát gừng mỏng. Khi đun lên màu rêu cua sậm, phía dưới lớp nước lắng trong là thịt cua. Khi ăn khuấy đều lên rồi chan ăn với cơm.
Mắm làm chua: Cho thêm muối vào nước cốt, ngâm vài ba ngày. Khi nào thấy màu nước cua vàng đậm, có mùi ngào ngạt là có thể dùng được. Loại mắm chua có thể để lâu đến nửa tháng. Khi ăn thì có thể kho với cá rô nướng hay cá tràu cho đậm đà. Có một loại rau mà nó đã đi cặp bài trùng với món mắm cua gọi là rau chua lẻ. Rau chua lẻ thường mọc ở các kẻ hở của vách tường, trên núi trọc, núi đá cùng với rau càng cua. Rau chua lẻ nhiều nhất có lẽ là ở núi Trường Úc gần thị trấn Tuy Phước.
Ngày trước, ngay ngả ba QL1 và QL19 thuộc địa phận xã Phước Lộc có một quán ăn của bà cụ tên Cẩm, chuyên bán món mắm cua đồng. Khách đông nhất có lẽ là các chú bộ đội của Trung đòan xe tăng đóng quân ở Truông Bà Đờn (xã Nhơn Hòa) đi dã ngoại ghé ăn.
Bà Cụ Cẩm có đặc thù là kho mắm cua với thịt ba chỉ thái thật mỏng. Bún tươi bà gói từng lọn nhỏ bày trên dĩa. Rau sống gồm rau răm ( buộc phải có ) diếp cá, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế chua ( hay lá ngành ngạnh ), rau húng…Bún trong chén phủ lên một chút mắm cua đang bốc khói, vài cộng rau sống thập cẩm… làm gì có cảm giác biết no.
Mắm này không có bán trên thị trường, nên ít người biết thưởng thức. Cơ bản là chế biến để dùng trong nhà như một loại nước chấm, làm quà cho người xa xứ về thăm quê.

Nơi đất khách mùa nước lũ…nhìn những cánh đồng trắng xóa.
Tôi vẫn cứ tưởng đó là miền quê Tuy Phước, với mùa làm mắm cua đồng .
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !

User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby ngo viet cuong » Thu Jun 02, 2011 12:04 am

curchi wrote:Cảm ơn bác QN nơ, cảm xúc dào dạt dào, nhớ người iu qué ...

thấy bác nhớ người yêu mà em cũng mủng lòng không đặng :D
.......Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
. (S.N)
ngo viet cuong
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Posts: 539
Joined: Wed Jun 10, 2009 3:16 am
Has thanked: 49 times
Have thanks: 104 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby ngo viet cuong » Thu Jun 02, 2011 12:07 am

em hận bác Quynhoner.. bác làm em mất ngủ mấy đêm nay :(
.......Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
. (S.N)
ngo viet cuong
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Posts: 539
Joined: Wed Jun 10, 2009 3:16 am
Has thanked: 49 times
Have thanks: 104 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby robinson » Thu Jun 02, 2011 12:32 am

ngo viet cuong wrote:em hận bác Quynhoner.. bác làm em mất ngủ mấy đêm nay :(


Chú hận vụ gì? ;)
Hay là bác Quynhoner đi Long Hải du hý không ới chú! :D
Vĩnh biệt diễn đàn sau hơn 8 năm "châm chích"!

:bye: :oops: :evil: em35
robinson
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1310
Joined: Wed Sep 03, 2008 11:27 am
Location: Vũng Tàu
Has thanked: 179 times
Have thanks: 426 times
Blog: View Blog (0)
Fan of: Real
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Thu Jun 02, 2011 1:44 am

ngo viet cuong wrote:em hận bác Quynhoner.. bác làm em mất ngủ mấy đêm nay :(

Thế thì ngưng loạt bài này vậy ! Vì làm cho anh em mất ngủ, sức khoẻ giảm sút là có tội. em35 em35
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !
User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby robinson » Thu Jun 02, 2011 1:49 am

Bác ngưng là em sẽ tiếp theo à nghen!
Vĩnh biệt diễn đàn sau hơn 8 năm "châm chích"!

:bye: :oops: :evil: em35
robinson
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1310
Joined: Wed Sep 03, 2008 11:27 am
Location: Vũng Tàu
Has thanked: 179 times
Have thanks: 426 times
Blog: View Blog (0)
Fan of: Real
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Thu Jun 02, 2011 11:18 am

robinson wrote:Bác ngưng là em sẽ tiếp theo à nghen!

Thì Chú ném lên một bài đi có sao đâu ! Có chuyện tình nào không ? em36 em36
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !
User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Thu Jun 02, 2011 12:11 pm

TUY PHƯỚC TRONG TÔI.
Người con sinh ra trên đất Phù Mỹ, lang bạt bước chân ấu thơ nơi mảnh đất Quy Nhơn và được lớn lên bởi những cái gì có thể nuôi sống con người nơi mảnh đất Tuy Phước.
Tuy Phước trong tôi không phải là Tuy Phước của địa dư hành chính, không hẳn là một huyện bao quanh thành phố Quy Nhơn. Tuy Phước là mảnh đất của sự sống, của cuộc đời và của mọi sự thăng trầm của thời ấu thơ.
Ngày xưa Tuy Phước rộng lắm, nó bao quanh thành phố Quy Nhơn chứ không như hiện nay nhiều vùng đất ngày xưa “đã lên Thành Phố”. Từ cầu Đôi đi về hướng Bắc vùng Lương Nông - Đông Định là Phước Hậu. Theo đường 19 cũ nhằm hướng tây qua ngả ba Ông Thọ đi chợ Dinh cũng thuộc Phước Hậu. Ngả ba ông Thọ rẽ trái về hướng đường Quang Trung là Phú Quề ( nói theo tiếng địa phương ) cũng thuộc Tuy Phước. Rồi Phước Hải, Phước Lý gì đó nay là khu kinh tế Nhơn Hội cũng thuộc Tuy Phước. Theo nhìn nhận của cá nhân thì Tuy Phước kém An Nhơn về những cánh đồng lúa với một diện tích lớn so với huyện An Nhơn. Nhưng với dân làm nghề cá ( chài bộ ) như tôi thì Tuy Phước là mảnh đất thiên nhiên có nhiều ưu đãi. Phía Nam là sông Hà Thanh với những dòng chảy ngoằn ngoèo qua những xóm làng và ruộng đồng tạo ra nhiều vùng trũng chứa nhiều cá và có lẽ nói về cá đồng thì không đâu ngon bằng Tuy Phước. Rồi dòng sông Côn chảy từ cầu bà Di theo hướng Đông qua Phước Lộc – Phước Hòa – Phước Thắng xuôi ra biển ở đập Kiến Thiết tạo ra những cánh đồng tươi mát.
Ngày xưa, khi còn nhỏ mẹ tôi sai đi chợ Tháp Đôi mua rau muống. Mẹ tôi dặn đi dặn lại lá phải mua đúng rau muống chợ Dinh. Tôi vòng qua các nơi bán rau, lật tìm những bó rau nào có hai chữ chợ Dinh thì mới chịu mua. Nhưng có loại rau muống nào có chữ như vậy đâu.
Phải nói vùng chợ Dinh là nơi chuyên trồng rau muống và là nơi cung cấp rau cho thành phố Quy Nhơn ngày ấy. Rau được trồng không thành luống, mà đa số ở các vùng đất trũng nước xăm xắp chừng vài cm. Người trồng rau rất coi trọng cây rau, họ bó rau bằng sợi dây chuối chứ không bằng lạt tre, vì sợ rau bị dập ở thân không ngon. Mỗi sáng, rất nhiều xe lam ba bánh chở đầy ắp rau muống từ hướng chợ Dinh xuôi về thành phố. Rồi những cô thiếu nữ tuổi mười tám đôi mưoi gánh rau muống xanh mơn mởn như các cô nàng. Rau muống chợ Dinh cọng nhỏ, thân mềm khi luộc lên có màu xanh mượt. Theo lời người dân kể thì do đất vùng này hạp với loại rau muống, hơn nữa bón phân bò ( phân hóa học thời đó rất ít ) nên cọng rau nhỏ và mảnh. Khi luộc xong nước rau muống trong xanh và chỉ thêm mấy vắt chanh thì đã có món canh dân dã trong các bữa ăn gia đình. Nhưng tuyệt vời nhất khi có những cơn mưa đầu mùa, sáng ra thịt ếch bán đầy các chợ. Thịt ếch băm nhỏ, xào lướt qua, đem nấu canh với loại rau muống chợ Dinh thái nhỏ thì không chê vào đâu được.
ĐẤT GÒ BỒI.
Cho đến giờ tôi vẫn chưa biết vì sao người ta gọi nơi đó là Gò Bồi. Những địa danh của tỉnh Bình Định có quá nhiều nơi có chữ Gò như Gò Gai, Gò Găng, Gò Chim, Gò Sành… Theo nghĩa thông thường Gò là miếng đất nhô lên hơi cao so với xung quanh, rất nhiều nơi lấy nơi đây làm nơi chôn cất người qua đời. Nhưng cũng có nơi Gò là mảnh đất gần chân núi, nơi đó người ta không cấy được lúa, chỉ trồng các loại hoa màu như củ nghệ, củ mặc, củ mỡ, củ kiệu, củ gừng, mía… như vùng Mỹ Cát, Mỹ Tài, Mỹ Quang, Mỹ Chánh của huyện Phù Mỹ và Cát Tài, Cát Minh của huyện Phù Cát. Ta vẫn thường nghe từ “ đất Gò ” có lẽ nói về trường hợp này chăng ?
Tôi không phải là dân Tuy Phước nên cũng không biết nguồn gốc địa danh Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa cũng là điều dễ hiểu.
Gò Bồi là khu vực nằm bên bờ của nhánh sông Côn chảy từ cầu Bà Di thuộc xã Phước Lộc theo hướng Đông qua xã Phước Hòa và ra đầm Thị Nại. Gò Bồi có lẽ là tên một vùng đất, một khu vực chứ không phải là tên của một thôn. Tôi chỉ nghe thôn Huỳnh Giản, Tân Giản và Tùng Giản…chứ không thấy tên thôn Gò Bồi.
Qua khỏi Gò Bồi về hướng Bắc là xã Phước Thắng, xã cuối cùng của huyện Tuy Phước giáp với xã Cát Chánh huyện Phù Cát, nơi có địa danh Gò Chim.
Bờ của nhánh sông Côn chảy qua khu này khá cao. Phía bờ Bắc có một con đường chạy dọc theo mé sông xuống giáp với đầm Thị Nại.

Chỉ sau ngày đất nước hòa bình tôi mới biết đến vùng đất này.

Những năm đầu mới giải phóng, người dân Gò Bồi lưu lạc khắp nơi bắt đầu trở về chốn cũ. Người dân nơi đây sống bằng đủ thứ nghề chứ không thuần nông hay thuần biển. Những người lớn tuổi thời ấy hay nói về sự nổi tiếng của nước mắm “ Dạn Gò Bồi ”. Người địa phương gọi là Dạn thay cho Vạn có nghĩa là làng chài.
Tôi không biết ngày xưa nước mắm Gò Bồi ngon, nổi tiếng đến mức nào. Nhưng cũng phải thừa nhận là nhà nhà nơi đây đều có làm nước mắm. Bà con nơi đây những năm chiến tranh tản cư vào Quy Nhơn tụ tập khá đông tại đường Bạch Đằng, phía sau Nhà Đèn ( Sở Điện Lực nằm trên đường Trần Hưng Đạo hiện nay ), một trong những khu vực chế biến nước mắm nổi tiếng ở Quy Nhơn.
Tôi chưa hề quan sát qui trình làm nước mắm của người dân nơi đây. Chỉ nghe kể và thưởng thức các loại mắm và nước mắm của vùng đất Gò Bồi. Tôi thấy họ muối cá trong một cái thùng gỗ tròn to lắm, đường kính miệng cỡ 3 – 4m cao quá đầu người. Thùng này được ghép lại bằng nhiều thanh gỗ bề ngang bằng gang tay. Xung quanh được trét một loại dầu như dầu Rái dùng để trét ghe, sõng, không cho nước mắm rò rỉ ra ngoài.
Cá có nhiều loại thì mắm cũng phải có nhiều thứ.
Con cá Cơm thì làm mắm nhĩ, mắm cái ( còn nguyên con cá ). Cá Nục thì làm mắm đục cả mắm trong luôn. Cá Ngừ phần ngon nhất để làm mắm là phần ruột, nên có món mắm ruột. Mắm này chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Mắm ruột chưng lên, cà dĩa xắt ( thái ) mỏng quết vào thì hỡi ôi còn gì ngon hơn nữa. Mỗi khi về quê trở lại miền Nam tôi đều mang theo món mắm này làm quà. Anh em quê Nghệ An, Hà Tĩnh rất khoái món mắm rất đơn sơ và tuyệt vời này. Cá Thu làm mắm ở phần thân, còn phần đầu thì nấu ngọt với trái thơm cũng không thể chê vào đâu được. Nước mắm cá Thu thuộc loại hàng cao cấp trên thị trường ngày đó.
Người dân Gò Bồi chỉ dùng nước mắm nguyên chất, họ không dùg nước mắm đã được pha chế với các loại gia vị khác như tỏi, chanh, đường , bột ngọt …
Những năm tháng trôi dạt đến vùng đất Gò Bồi, tôi không mang theo gì cả. Mua lon gạo thần nông 732 hay lúa thơm, mượn cái nồi nhóm bếp bên hàng tre dọc sông. Vài con cá nướng lên dằm với nước mắm, cộng với những thứ rau tập tàn quanh ruộng như rau dền , rau sam, đọt nhãn lồng là đã có bữa cơm ngon lành rồi.
Người dân Gò Bồi có cách thử nước mắm rất chuyên nghiệp. Chỉ cần cho nước mắm vào cái chén sành, lắc qua lắc lại cho nước mắm sóng sánh trên thành chén, nhìn những gợn nước mắm chảy xuống là có thể biết nước mắm ngon hay dở. Cũng có người thử bằng lát đu đủ hay bằng mắt thường.

Chuyện bây giờ mới kể.

Cách đây vài năm, tôi đưa con về quê ngang qua Gò Bồi. Tôi ghé lại thăm những người quen năm xưa.
Ghé vào một cái quán ngay dưới chân cầu Gò Bồi, anh bạn chỉ kêu có một món duy nhất đãi cha con tôi : Thịt heo luộc cuốn bánh tráng.
Thật tình mà nói thì món này không là cao lương mỹ vị. Rất dân dã là đằng khác. Nhưng đối với Gò bồi nó có một điều đặc biệt mà nơi khác không thể có : chấm với nước mắm cá Thu.
Thằng con tôi ngơ ngác với dĩa rau sống. Những lát chuối chát ( chuối hột ) xắt mỏng dài theo trái chuối, rồi mấy lát khế và rau thơm.
Sinh ra và lớn lên trên đất miền Đông Nam bộ, có bao giờ nó thấy rau sống có chuối chát và khế đâu. Nước mắm là nước mắm chanh pha chế rất điệu nghệ theo cách ăn của người miền Nam. Mỗi lần ăn người ta khuấy lên cho đều thấy hạt ớt xoay tròn theo vành cái thẩu đựng nước mắm. Lần đầu tiên cu cậu thấy nước mắm lấy từ trong thùng mắm ra.
Nghe anh bạn tôi nói như đinh đóng cột rằng : nước mắm nơi đây chỉ ăn một lần là không thể nào quên. Nể lời anh bạn tôi, thằng con tôi mới chịu ăn nước mắm cá Thu nguyên chất, dằm thêm trái ớt kim vào chén nước mắm. Những cuốn bánh tráng thịt heo, thêm lát chuối, lát khế, thong thả chấm nhẹ vào chén nước mắm… Vị ngọt và béo của thịt, vị chua của khế, vị chát của những lát chuối chát…hòa lẫn với hương vị nước mắm cá Thu nguyên chất… nước mắt giàn giụa khi ăn, mới thưởng thức nó ngon thế nào.
Từ dạo ấy nước mắm trong bữa ăn hằng ngày được gửi từ ngoài quê vào. Thương hiệu nước mắm Tám Phú, Mười Thu, Tam Quan, Gò Bồi luôn có trong nhà. Chỉ một lần và chỉ một lần duy nhất, con tôi đã biết hương vị của nước mắm nguyên chất Gò Bồi. Có ai từ ngoài quê vào ghé thăm, các con tôi đều hỏi “ Có mang cho nhà con nước mắm và mắm ruột không ? ”. Đơn giản chỉ có thế , nhưng phải mất nhiều năm con cái tôi mới có thể biết thưởng thức những món ăn mang dấu ấn quê nhà. Nhưng chậu rau cải Rổ luôn được chăm sóc cẩn thận. Những lùm là giang luôn được tưới nước thường xuyên. Đâu ai có thể ngờ rằng dây lá giang mọc tùm lum trên những đồi trọc của đất miền Trung, nấu canh với thịt gà là món đặc sản. Thỉnh thoảng cũng nấu canh lá giang với mắm ruốc nguyên chất từ quê gửi vào. Chuyện con cái bắt chước và biết thưởng thức món ăn dân dã của mảnh đất gốc gác nguồn cội là một niềm vui nho nhỏ của những người xa xứ .

Một ai đó đã nói rằng : Vị mặn trong máu là dấu vết ngàn đời của biển cả còn lưu lại nơi đời sống của con người, thì trong những vần thơ của thi sĩ tài hoa Xuân Diệu, ắt hẳn có mang hương vị mặn Gò Bồi.

Gò Bồi – Tuy Phước như một định lý về vòng tròn, được khép lại giữa sắc màu lóng lánh và hương vị của biển, với dòng nhựa tươi ròng chất lãng mạn trong thơ .
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !

User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby phankhanhly » Fri Jun 03, 2011 1:18 am

Cảm ơn bác vì những bài viết về Tuy Phước (quơ của con mờ :D :D )
nhưng.........
Những cánh đồng lúa từ Diêu Trì ra Phước Lộc, về Phước Nghĩa đến Phước Sơn, Phước Thắng là vùng biển bạc trắng xóa

rớt mất Phước Hiệp rầu. :( :(
"giữ mãi trong lòng một giấc mơ"
User avatar
phankhanhly
Đội hình 1
Đội hình 1
 
Posts: 540
Joined: Wed Apr 08, 2009 5:28 am
Has thanked: 115 times
Have thanks: 22 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby vinh hy » Fri Jun 03, 2011 2:06 am

Rớt luôn Phước Lộc với nem chợ Huyện lẫy lừng với cổng xưa rêu phong vào xóm danh nhân văn hóa Đào Tấn. :lol:

User avatar
vinh hy
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 4102
Joined: Sun Jan 18, 2009 11:07 am
Location: Tuy Phước ; Tp HCM
Has thanked: 414 times
Have thanks: 959 times
Blog: View Blog (0)
Fan of: Binh Định;Arsernal;Pháp
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby quynhoner » Fri Jun 03, 2011 2:15 am

Xin các vị con em Tuy Phước đừng " manh động". Phước Hiệp và Phước Lộc sẽ có những bài viết riêng ! :lol: :lol: :lol:
Quy Nhơn ơi ! Nửa vầng trăng còn mãi. Còn nửa vầng trăng theo mãi bước người đi !
User avatar
quynhoner
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 2087
Joined: Tue Jul 27, 2010 3:25 am
Has thanked: 341 times
Have thanks: 752 times
Blog: View Blog (0)
Top

Re: Viết về Bình Định - Xứ Nẩu.

Postby robinson » Fri Jun 03, 2011 3:04 am

quynhoner wrote: Nhưng với dân làm nghề cá ( chài bộ ) như tôi thì Tuy Phước là mảnh đất thiên nhiên có nhiều ưu đãi. Phía Nam là sông Hà Thanh với những dòng chảy ngoằn ngoèo qua những xóm làng và ruộng đồng tạo ra nhiều vùng trũng chứa nhiều cá và có lẽ nói về cá đồng thì không đâu ngon bằng Tuy Phước.


Định viết bài về tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng nhưng bác khẳng định vậy thì em rút lui! em34
Người Tuy Phước trên phố này đông áp đảo. Còn Phù Mỹ quê em chỉ có mỗi mình em! :cry:
Vĩnh biệt diễn đàn sau hơn 8 năm "châm chích"!

:bye: :oops: :evil: em35
robinson
Đội phó
Đội phó
 
Posts: 1310
Joined: Wed Sep 03, 2008 11:27 am
Location: Vũng Tàu
Has thanked: 179 times
Have thanks: 426 times
Blog: View Blog (0)
Fan of: Real
Top

Next

Return to Văn hóa- Nghệ thuật- Giải trí

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest